Nâng cao hiệu quả chính sách khởi nghiệp cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay

Thứ sáu, 15/11/2024 - 07:00

Bài viết đề cập đến khái niệm khởi ngiệp, lập nghiệp. Đồng thời, trình bày thực trạng khởi nghiệp trong thanh niên hiện nay và đề xuất những giải pháp để nâng cao hiệu quả chính sách khởi nghiệp cho thanh niên.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

1. Nhận thức chung về khởi nghiệp thanh niên

1.1. Khởi nghiệp, lập nghiệp và STAR UP

Khởi nghiệp có thể hiểu là ý định tự mình có một công việc kinh doanh riêng, tự mình làm và quản lý, tự kiếm thu nhập cho mình. Cung cấp và phát triển một sản phẩm hay dịch vụ nào đó, mua bán lại một sản phẩm hay cửa hàng đang hoạt động hoặc hoạt động sinh lợi nào đó. Khái quát về khái niệm khởi nghiệp thường được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau và có thể được hiểu như sau:

Khởi nghiệp là từ dùng để chỉ việc ấp ủ, lên ý tưởng, dự định tiến hành cho một công việc kinh doanh riêng và từng bước thực hiện nó. Với hình thức thông thường là lập doanh nghiệp do quản lý và là người sáng lập hoặc đồng sáng lập ra nó. Cung cấp ra thị trường những sản phẩm, dịch vụ mới hoặc cả những mặt hàng đã có sẵn nhưng theo ý tưởng riêng của mình

Phân biệt giữa khởi nghiệp và lập nghiệp (Entrepreneurship).

(1) Khởi nghiệp:

- Đòi hỏi phải đổi mới, sáng tạo.

- Đặc tính cơ bản của khởi nghiệp là tính đột phá nhằm tạo ra một điều gì đấy chưa hề có trên thị trường hoặc tạo ra một giá trị tốt hơn so với những thứ đang có sẵn. Ví dụ: như có thể tạo ra một phân khúc mới trong sản xuất, một mô hình kinh doanh mới, hoặc một loại công nghệ độc đáo mới…

(2) Lập nghiệp:

- Là gây dựng cơ nghiệp bằng cách lập một doanh nghiệp tư nhân hoặc hộ kinh doanh cá thể mà vô số những doanh nghiệp, hộ gia đình khác đã và đang làm cùng mô hình kinh doanh giống , chẳng hạn như mở nhà hàng, quán ăn, tiệm hớt tóc, quán cà phê…

- Đặc điểm của lập nghiệp là sản phẩm kinh doanh không có gì mới, mô hình kinh doanh không có sự đột phá mà là những điều đã có sẵn trên thị trường.

- Phân biệt khởi nghiệp và STAR UP

“Startup” là một trong những loại hình, cách thức mà người ta có thể lựa chọn để “khởi nghiệp”. Nhưng không thể gọi “startup” là “khởi nghiệp” và cũng không thể gọi “khởi nghiệp” là “startup”, vì:

* Start up- Là một danh từ- Mới xuất hiện- Nói về một nhóm người, một công ty* Khởi nghiệp- Là một động từ- Có từ 100 năm- Nói về việc bắt đầu kinh doanh

 1.2. Đặc điểm khởi nghiệp

Một doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hay sản phẩm khởi nghiệp cần phải đảm bảo các đặc điểm sau

- Tính đột phá: tạo ra một điều gì đấy chưa hề có trên thị trường hoặc tạo ra một giá trị tốt hơn so với những thứ đang có sẵn, chẳng hạn như có thể tạo ra một phân khúc mới trong sản xuất (như thiết bị thông minh đo lường sức khoẻ cá nhân), một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới (như AirBnb), hoặc một loại công nghệ độc đáo, chưa hề thấy (như công nghệ in 3D).

- Tính tăng trưởng: Một công ty khởi nghiệp (Startup) sẽ không đặt ra giới hạn cho sự tăng trưởng, và họ có tham vọng phát triển đến mức lớn nhất có thể. Họ tạo ra sự ảnh hưởng cực lớn, có thể được xem là người khai phá thị trường (như điện thoại thông minh Apple là công ty đầu tiên khai phá và luôn dẫn đầu trong mảng đó sau này)

- Vốn ban đầu (Vốn mới): Cũng giống như các hoạt động đầu tư khác, vốn ban đầu là đặc điểm rất cần thiết để tiến hành khởi nghiệp. Vốn của các doanh nghiệp khởi nghiệp được hình thành và huy động bằng bất cứ hình thức nào cũng được quan niệm là vốn bắt đầu cho khởi nghiệp. Nguồn vốn cho hoạt động khởi nghiệp khá đa dạng và được chia thành 2 nguồn chính: Nguồn vốn đến từ chính nội bộ vốn góp của những người sáng lập và nguồn vốn đến từ đóng góp từ bên ngoài.

- Đối với trường hợp các doanh nghiệp khởi nghiệp, nguồn vốn đến từ đóng góp từ bên ngoài có thể đến từ gia đình, bè, hoặc cũng có thể đến từ hình thức gọi vốn từ cộng đồng. Tuy nhiên, gần như tất cả các doanh nghiệp khởi nghiệp đều cần huy động vốn từ các nhà đầu tư thiên thần và các quỹ đầu tư mạo hiểm.

- Công nghệ mới: Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, công nghệ được ứng dụng trong việc đạt được mục tiêu kinh doanh, tham vọng tăng trưởng. Đặc biệt, với các DN khởi nghiệp về sản xuất, công nghệ thường được nhấn mạnh như là một đặc tính tiêu biểu, một giá trị cạnh tranh của các sản phẩm.

2. Tình hình khởi nghiệp tại Việt Nam

2.1. Những thành công

Tính đến hết năm 2019, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đã ghi nhận có 152 thương vụ đầu tư với tổng giá trị là gần 500 triệu USD, tăng gần 3 lần so với số thương vụ của năm 2016 và tăng hơn 9 lần so với năm 2011.

Đồng thời, năm 2019 cũng ghi nhận sự thay đổi trong trào lưu đầu tư vào các DN khởi nghiệp so với năm 2016. Thống kê về 6 lĩnh vực khởi nghiệp nhận được sự quan tâm nhiều nhất của các nhà đầu tư chỉ ra hai xu hướng sau:

Một là, sự quan tâm của các nhà đầu tư với các lĩnh vực khởi nghiệp tại Việt Nam thay đổi theo thời gian. Cụ thể, trong số 6 lĩnh vực được quan sát chỉ có thương mại điện tử, công nghệ tài chính và truyền thông duy trì được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong giai đoạn 2016-2017, còn lại các lĩnh vực khác đã có sự biến động mạnh.

Hai là, sự quan tâm của các nhà đầu tư với cùng một lĩnh vực khởi nghiệp tại Việt Nam cũng thay đổi theo thời gian. Công nghệ tài chính và thương mại điện tử là các lĩnh vực đánh dấu sự đảo chiều rõ rệt nhất.

Năm 2016 được đánh giá là năm của các doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ tài chính. Lĩnh vực này nhận được nhiều khoản đầu tư nhất với 129,1 triệu USD, chiếm 63,8% tổng số tiền đầu tư. Cũng trong năm 2016, lĩnh vực thương mại điện tử đứng thứ hai với chỉ 34,7 triệu USD, bằng 26,87% so với lĩnh vực công nghệ tài chính.

Đến hết năm 2019, lĩnh vực thương mại điện tử vươn lên dẫn đầu với 143 triệu USD, chiếm 38% số vốn đầu tư. Còn lĩnh vực công nghệ tài chính chỉ nhận được 67 triệu USD tiền đầu tư, bằng 50% so với năm 2016, tụt xuống xếp hạng thứ hai.

2.2. Một số hạn chế trong khởi nghiệp ở Việt Nam

- Hạn chế về vốn và cơ chế chính sách liên quan đến huy động vốn là một trong những nguyên nhân quan trọng. Các dự án khởi nghiệp thường được bắt đầu từ những nguồn vốn tự có hạn hẹp của các thành viên sáng lập, trong khi khả năng vay vốn ngân hàng hay kêu gọi vốn từ các quỹ đầu tư là rất thấp.

- Hạn chế về cơ sở vật chất, nghiên cứu phát triển.

Các dự án khởi nghiệp thường không có đủ điều kiện để trang trải các chi phí cho máy móc, thiết bị và phát triển ý tưởng, sản phẩm; Cũng như hạn chế về kỹ năng quản trị, điều hành kinh doanh, xúc tiến, quảng bá phát triển.

- Các dự án khởi nghiệp với nhân sự chủ chốt đều chủ yếu là chuyên ngành kỹ thuật, công nghệ, thiếu kiến thức về kinh doanh, kinh tế và các kỹ năng điều hành, quản lý DN, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

- Hạn chế về khả năng đáp ứng các thủ tục hành chính liên quan tới việc gia nhập thị trường (đăng ký kinh doanh, đất đai, giấy phép kinh doanh…), bảo hộ sở hữu trí tuệ (đăng ký bảo hộ các sản phẩm sở hữu trí tuệ),…

- Chưa nhận thức rõ các vấn đề pháp lý cũng là một trong những nguyên nhân đang khiến DN khởi nghiệp thất bại.

3. Chính sách khởi nghiệp cho thanh niên

3.1. Cơ sở pháp lý của chính sách khởi nghiệp thanh niên

- Năm 2016, chính phủ Việt Nam xác định Năm 2016 là “năm quốc gia khởi nghiệp”.

- Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 844/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025” .

- Ngày 7/2/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ra Quyết định 3362/QĐ-BKHCN phê duyệt danh mục nhiệm vụ đặt hàng và quy định tạm thời xử lý hồ sơ tham gia Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đến 2025”…

- Về Quan điểm: Chính phủ xác định, doanh nghiệp trong đó gồm cả doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là đối tượng quan trọng của nền kinh tế, là động lực cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

- Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ như:

+ Ban hành luật Hỗ trợ doanh nghiệp

+ Chính sách ưu đãi về thuế, ưu đãi về vốn

+ Thông qua các Đề án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp

+ Ban hành Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 (số 04/2017/QH14); Nghị định số 39/2018/ NĐ-CP hướng dẫn quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa…

+ Ra Nghị định số 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa; + Ra Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo;

3.2. Cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên nghiệp khởi nghiệp

Hiện nay, Việt Nam đang tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đánh dấu sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Quá trình hội nhập vào các FTA thế hệ mới đem lại rất nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ như: Ưu đãi về thuế suất, ưu đãi về vốn… Các cơ chế, chính sách hỗ trợ trên tập trung chủ yếu ở các văn bản quy phạm pháp luật sau: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 (số 04/2017/QH14); Nghị định số 34/2018/ NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; Nghị định số 39/2018/NĐ-CP hướng dẫn quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… Điển hình như chính sách hỗ trợ, đầu tư vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được quy định cụ thể tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 như sau:

- Nhà đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo bao gồm quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

- Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được hình thành từ vốn góp của các nhà đầu tư tư nhân để đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo các nguyên tắc sau: Đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo không quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp sau khi nhận đầu tư; nhà đầu tư NĐT tư nhân góp vốn vào quỹ phải có điều kiện tài chính và chịu trách nhiệm về vốn góp của mình.

- Căn cứ vào điều kiện ngân sách địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định giao cho tổ chức tài chính nhà nước của địa phương thực hiện đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo các nguyên tắc sau: Lựa chọn các Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo đủ điều kiện để cùng đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; Khoản vốn đầu tư từ ngân sách địa phương không quá

30% tổng vốn đầu tư mà doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo huy động được từ các Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được lựa chọn; Tiến hành chuyển nhượng vốn đầu tư cho nhà đầu tư tư nhân trong thời hạn 05 năm kể từ thời điểm góp vốn đầu tư...

- Doanh nghiệp được sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định tại Luật Chuyển giao công nghệ.

Liên quan tới vấn đề ưu đãi thuế cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo: Luật Thuế TNDN quy định về vấn đề ưu đãi lãi suất cho các doanh nghiệp, theo đó, áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm đối với:

- Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao;

- Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, bao gồm: Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật Công nghệ cao; Ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao…

- Thu nhập của doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao…

Đề án - Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025- do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 844/QĐ-TTg (ngày 18/5/2016) cũng đặt ra nhiều mục tiêu hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, cụ thể gồm: Đến năm 2025, hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng…

4. Giải pháp để nâng cao hiệu quả chính sách khởi nghiệp cho thanh niên

Môi trường và hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam còn non trẻ so với thực tế phát triển của thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, với bối cảnh nền kinh tế phát triển cùng mục tiêu thực hiện quốc gia khởi nghiệp với cơ cấu dân số vàng.

Vấn đề được đặt ra hiện nay là Việt Nam đang thiếu những giải pháp căn bản và đồng bộ để kết nối giáo dục với hoạt động kinh doanh và khởi nghiệp; Thiếu các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp từ các bên liên quan và đặc biệt là thiếu những giải pháp tạo dựng văn hóa khởi nghiệp cho giới trẻ.

 Để xây dựng được tinh thần và văn hóa khởi nghiệp cho thanh niên Việt Nam, cần chú trọng giải quyết một số vấn đề sau:

Thứ nhất, Xây dựng chương trình chuẩn về giáo dục đào về khởi nghiệp ngay từ bậc phổ thông để giúp cho giới trẻ hình thành tinh thần khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Đồng thời, hệ thống giáo dục cần được điều chỉnh theo hướng gắn thực tế với lý thuyết, gắn giáo dục đào tạo với hoạt động thực tiễn để đề cao tinh thần tự chủ và thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp cho mỗi bản thân người học.

Bên cạnh đó, việc xây dựng chương trình, lộ trình cụ thể để nâng cao nhận thức và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho toàn dân là điều cần thiết để hoạt động khởi nghiệp tiếp cận được mọi đối tượng dân cư.

Thứ hai, Hoàn thiện hệ thống các chính sách nhất quán, đồng bộ và liên tục từ cơ quan quản lý các cấp trong việc tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp thanh niên.

Cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò là người điều chỉnh và kết nối để những người có mong muốn, nhu cầu khởi nghiệp có thể tìm đến nhau hoặc kết nối được với những đối tác sẵn sàng hỗ trợ về nguồn lực để họ khởi nghiệp. Thực hiện được điều này sẽ đảm bảo cho hoạt động khởi nghiệp diễn ra một cách bền vững và liên tục.

Thứ ba, phát huy tinh thần chủ động và vai trò tích cực của khu vực kinh tế tư nhân cho khởi nghiệp thanh niên. Đây là khu vực giúp giải quyết chủ yếu các vấn đề xã hội và việc làm cho nền kinh tế. Bản thân của những người làm chủ các các doanh nghiệp tư nhân được đánh giá là những nhà doanh nhân khởi nghiệp thành công.

Vì vậy, cần tạo điều kiện cho nhóm doanh nghiệp này phát triển, được nhận hỗ trợ về chuyên môn và nguồn lực để tiến hành sản xuất kinh doanh hiệu quả cũng được đánh giá là một giải pháp khắc phục nguyên nhân khiến hầu hết người trẻ khởi nghiệp thất bại

Thứ tư, xây dựng và ra mắt Quỹ khởi nghiệp thanh niên. Bằng các hình thức huy động, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước; đầu tư của Nhà nước đối với quỹ khởi nghiệp thanh niên

Hỗ trợ vốn, khoa học công nghệ, môi trường sản xuất, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp

Tạo ra các môi trường khuyến khích, tạo động lực cho thanh niên khởi nghiệp

------------------------------------------------------------------- TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 (số 04/2017/QH14);

2. Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo;

3. Nghị định số 39/2018/NĐ-CP hướng dẫn quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

4. Đề án - Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 - do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 844/QĐ-TTg (ngày 18/5/2016)

5. Quyết định số 844/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025” , ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ.

6. Quyết định 3362/QĐ-BKHCN phê duyệt danh mục nhiệm vụ đặt hàng và quy định tạm thời xử lý hồ sơ tham gia Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đến 2025” ngày 7/2/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN)

TS. Trần Văn Trung - Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh