Luật thanh niên được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2005 tại kỳ họp lần thứ 8 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2006. Sau 10 năm triển khai thi hành Luật Thanh niên đã góp phần quan trọng trong việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và phát huy thanh niên; tác động tích cực đối với phong trào thanh niên; đồng thời phát huy vai trò của tổ chức thanh niên, trong đó trung tâm là Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên. Tuy nhiên để khắc phục những tồn tại và phù hợp với bối cảnh hiện nay, Luật Thanh niên đã được sửa đổi. Luật Thanh niên 2020 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIV kỳ họp thứ 9 thông qua vào ngày 16/6/2020 thay thế Luật Thanh niên năm 2005.
Ảnh minh họa
Luật Thanh niên 2020 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Do đó việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đến thanh niên; cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân là tiền đề quan trọng để Luật đi vào cuộc sống góp phần thực hiện quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của thanh niên; quy định trách nhiệm của thanh niên, các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên.
Qua thực tế triển khai từ năm 2005, sau hơn 10 năm tổ chức triển khai Luật Thanh niên đã mang lại những kết quả quan trọng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt triển khai Luật thanh niên của một số bộ, ngành và địa phương chưa thực sự quyết liệt; chỉ dừng ở các hoạt động do Đoàn Thanh niên chủ trì thực hiện; nội dung tuyên truyền còn đơn giản, chưa được tổ chức thường xuyên, mới tổ chức ở các kỳ, cuộc phát động phong trào hoặc lồng ghép với các nội dung trong hoạt động của Đoàn Thanh niên. Do đó vấn đề tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật Thanh niên 2020 để Luật này nhanh chóng đi vào cuộc sống là vấn đề cần được đặt ra và triển khai hiệu quả.
Luật Thanh niên 2020 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIV kỳ họp thứ 9 thông qua vào ngày 16/6/2020 đến ngày 10/9/2020, Bộ Nội vụ phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Luật Thanh niên. Sau đó các tỉnh, thành ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Thanh niên trên địa bàn tỉnh, thành nhằm tổ chức quán triệt, phổ biến Luật Thanh niên và các văn bản hưóng dẫn thi hành Luật Thanh niên; tổ chức tuyên truyền Luật Thanh niên trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức tập huấn, quán triệt văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật Thanh niên.
Từ đầu năm 2021, nhiều tổ chức, cấp bộ Đoàn đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thi, cuộc thi nhằm tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh niên 2020, tiêu biểu như: Cụm thi đua số 1, Đoàn Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Luật Thanh niên năm 2020 với phần thi trắc nghiệm gồm 30 câu hỏi trong thời gian 20 phút. Cuộc thi diễn ra từ ngày 10/3 đến ngày 15/3/2021. Trải qua 5 ngày mở link, cuộc thi đã thu hút hơn 1500 Đoàn viên, sinh viên tham gia. Ngày 12/8/2021, Hội LHTN Việt Nam tỉnh Nam Định tổ chức triển khai Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Luật Thanh niên đúng vào dịp phát động hưởng ứng 65 ngày thi đua cao điểm chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (15/10/1956 - 15/10/2021). Hoặc như Tỉnh Đoàn Thừa Thiên Huế tổ chức Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về Luật Thanh niên năm 2020 với hình thức tương tác trực tuyến trên mạng xã hội facebook trong khung giờ 20h00 đến 21h00 vào các ngày 17/9, 24/9 và 01/10/2021. Với hai nội dung trọng tâm: tìm hiểu kiến thức về Luật Thanh niên năm 2020; vai trò của đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên trong việc tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh niên năm 2020. Hoặc như Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Lắk thi tìm hiểu Luật Thanh niên trực tuyến theo tuần từ 1-28/10/2021.
Bên cạnh việc nhiều tổ chức Đoàn các cấp tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Luật Thanh niên thì nhiều địa phương phối hớp với ngành tư pháp tổ chức các cuộc thi trực tuyến Thanh niên với pháp luật. Tiêu biểu như ngày 27/9, Sở Tư pháp phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức lễ phát động cuộc thi trực tuyến “Thanh niên với kiến thức pháp luật” năm 2021 cho cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh. Cuộc thi tập trung chủ yếu vào những kiến thức cơ bản được quy định tại các văn bản pháp luật của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật phòng chống ma túy, Luật bảo hiểm y tế; Luật An ninh mạng; Bộ Luật lao động, Luật Thanh niên; Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp nhiệm kỳ 2020-2025. Hay như Hà Tĩnh tổ chức cuộc thi “Thanh niên với pháp luật” trắc nghiệm trực tiếp 30 câu hỏi trên máy tính hoặc các thiết bị di động có kết nối Internet về Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, Luật Thanh niên, Luật Phòng chống ma túy, Luật An ninh mạng, Bộ luật Lao động, Luật Thanh niên, Luật Hôn nhân và gia đình…Tỉnh Yên Bái tổ chức cuộc thi trực tuyến“Thanh niên với pháp luật”. Cuộc thi diễn ra trong vòng 1 tháng, từ ngày 20/9/2021 đến ngày 20/10/2021 do Tỉnh đoàn Yên Bái phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức. Nội dung thi tập trung về các quy định pháp luật về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Thanh niên, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, một số quy định của Bộ luật Hình sự; các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành và các tài liệu có liên quan đến hôn nhân gia đình, phòng chống ma túy, giao thông đường bộ.
Như vậy có thể thấy từ thời điểm Quốc hội thông qua Luật Thanh niên ngày 16/6/2020 và ngày Luật có hiệu lực thi hành từ 01/01/2021, các bộ ngành, tỉnh thành và các cở sở Đoàn đã có nhiều kế hoạch, chương trình, hoạt động nhằm tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến Luật Thanh niên 2020; tuy nhiên các chương trình, hoạt động chưa có sự đồng bộ, tạo điểm nhấn rõ nét nhằm đưa những điều luật đi vào cuộc sống. Ngoài các nguyên nhân chủ quan cón có nguyên nhân khách quan là đất nước chịu nhiều tác động của dịch bệnh Covid-19 nên các hoạt động tập trung nhiều vào tuyên truyền phòng chống dịch bệnh suốt thời gian từ thời điểm Luật có hiệu lực thi hành cho đến nay.
Từ thực tế trên nên có những giải pháp đồng bộ, toàn diện để Luật Thanh niên thực sự đi vào đời sống, tránh những hạn chế, tồn tại như giai đoạn đầu của Luật Thanh niên năm 2005.
Thứ nhất: Tiến hành xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thanh niên 2020 của các bộ, ngành và địa phương cần kịp thời, đồng bộ, đạt hiệu quả cao. Các bộ, cơ quan ngang bộ cần thực hiện tốt Quyết định số 1712/QĐ-TTg ngày 02/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thanh niên đã phân công trách nhiệm cho trong việc ban hành các văn bản thi hành Luật Thanh niên, do đó các đơn vị chủ trì, phối hợp cần kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn, thể chế hóa các quy định của Luật Thanh niên một cách đồng bộ, đầy đủ chưa đầy đủ để các địa phương thuận tiện trong tổ chức thực hiện.
Thứ hai: Các bộ ngành, địa phương cần cụ thể hóa những điều luật, quy định trong Luật Thanh niên trong vào các cơ chế, chính sách, kế hoạch của các bộ, ngành và địa phương để phát huy thanh niên. Bên cạnh đó, các bộ, ngành Trung ương đưa việc cụ thể hóa Luật Thanh niên vào chương trình công tác hàng năm để làm căn cứ cho các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn, đôn đốc, tổ chức triển khai thực hiện.
Thứ ba: cần có sự phối hợp đồng bộ trong việc quản lý nhà nước về thanh niên là Bộ Nội vụ và cơ quan tư vấn về công tác thanh niên của Thủ tướng Chính phủ là Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam. Đồng thời kiện toàn đầy đủ đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên; đảm bảo ổn định, công tác quản lý nhà nước về thanh niên cần được quan âm đúng mức.
Thứ tư: Đối với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị-xã hội của thanh niên Việt Nam, giữ vai trò nòng cốt trong phong trào thanh niên và tổ chức thanh niên. Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam là tổ chức xã hội rộng rãi của thanh niên Việt Nam và tổ chức thanh niên nhằm đoàn kết, tập hợp mọi tầng lớp thanh niên Việt Nam cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật Thanh niên năm 2020 đến các tầng lớp thanh niên, giúp thanh niên nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc, Nhà nước và xã hội, gia đình và bản thân để từ đó có động cơ, hành động phù hợp để rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.
Thứ năm: các kế hoạch, chương trình, hành động, cuộc thi tìm hiểu, tuyên truyền phổ biến Luật Thanh niên cần được đổi mới để phù hợp với đặc điểm của thanh niên thời đại mới. Do đó các hoạt động trên cần gần gũi, dễ hiểu, ngắn gọn và phù hợp. Nên tận dụng ưu thế của các phương tiện truyền thông hiện đại, mạng xã hội để người trẻ dễ cuốn hút, nắm bắt. Đối với cán bộ Đoàn, Hội, sinh viên chuyên ngành công tác thanh niên, hoặc chuyên ngành liên quan đến thanh niên cần bắt buộc nắm rõ Luật Thanh niên để vận dụng trong tham mưu, công tác vì đây là những đối tượng có liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của thanh niên; chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức thanh niên, tổ chức khác, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân đối với thanh niên; quản lý nhà nước về thanh niên.
Nguyễn Thị Thảo
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Luật Thanh niên 2005, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29/11/2005
Luật Thanh niên 2020, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIV kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 16/6/2020
Báo cáo Tổng kết, đánh giá 10 năm thi hành Luật Thanh niên – Bộ Nội vụ 2017
Báo cáo Tổng kết, đánh giá 10 năm thi hành Luật Thanh niên – Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 2017
Quyết định số 1712/QĐ-TTg ngày 02/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thanh niên
Một số điểm mới của Luật Thanh niên năm 2020 so với Luật Thanh niên năm 2005/ Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp
Sinh viên Luật 1 (K7) Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam