Từ khóa: Nghề nghiệp; Hạ sĩ quan, binh sĩ; Quân đội
1. Đặt vấn đề
Hiện nay, hạ sĩ quan, binh sĩ trong Quân đội là những người tuổi đời còn trẻ, đa sỗ họ chưa đi làm, hoặc chỉ làm những công việc phổ thông, chưa qua đào tạo. Phần lớn họ chưa ý thức được việc định hướng lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai, ảnh hưởng đến việc chuẩn bị tâm lý học tập, tìm kiếm việc làm sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự và ảnh hưởng đến kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm.
2. Nội dung nghiên cứu
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác giải quyết việc làm đối với hạ sĩ quan, binh sĩ sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, việc nâng cao hiệu quả định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho lực lượng này có ý nghĩa hết sức quan trọng; đòi hỏi cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng trong định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở trong Quân đội.
Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, tạo cơ sở cho toàn bộ hoạt động định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở trong Quân đội hiện nay. Do vậy, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để các tổ chức, các lực lượng, nhất là hạ sĩ quan, binh sĩ nhận thức đầy đủ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luập của Nhà nước về hướng nghiệp, lập nghiệp, giải quyết việc làm, thị trường xuất khẩu lao động; trong đó, tập trung tuyên truyền về Luật Lao động, Việc làm, Nghĩa vụ quân sự, Nghị định 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm, Nghị định 27/2016/NĐ-CP của Chính phủ Quy định một số chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ... Về nghề nghiệp, việc làm; vị trí, vai trò của công tác định hướng lựa chọn nghề nghiệp đối với hạ sĩ quan, binh sĩ.
Cùng với đó, cần xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị, tham mưu trong lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn; trách nhiệm của cán bộ trung đội, đại đội, nhất là chính trị viên và chính trị viên phó; trách nhiệm của tổ chức Đoàn, Hội đồng quân nhân đối với công tác định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở.
Đa dạng hóa các hình thức, biện pháp nâng cao nhận thức cho các tổ chức, lực lượng trong định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ như thông qua sinh hoạt của các tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, tổ chức Đoàn, tập thể quân nhân; thông qua các buổi tham quan, dã ngoại; thông qua các buổi tọa đàm với chủ đề thanh niên khởi nghiệp, lập thân, lập nghiệp; lồng ghép nội dung định hướng lựa chọn nghề nghiệp trong chương trình học tập chính trị, huấn luyện quân sự và sinh hoạt cho đối tượng hạ sĩ quan, binh sĩ.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy và cơ quan chức năng đối với công tác định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở trong Quân đội.
Đây là giải pháp có ý nghĩa quyết định đến nâng cao hiệu quả định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở trong Quân đội. Do vậy, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng các cấp đối với công tác định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ. Cấp ủy, tổ chức đảng ở các đơn vị cơ sở cần xác định nội dung định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ trong nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ 6 tháng, hàng năm. Từ đó, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, giáo dục; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác tư vấn, định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ và triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới nội dung, phương pháp; đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động tư vấn, định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ.
Bên cạnh đó, cần tăng cường sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện của đội ngũ chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy đối với công tác định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ. Trên cơ sở chủ trương, biện pháp lãnh đạo của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy cần căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ của đơn vị; thực trạng công tác định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ; nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của mỗi hạ sĩ quan, binh sĩ; xây dựng kế hoạch, phân công cán bộ phụ trách và tổ chức thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ.
Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chính trị, tham mưu đối với hoạt động định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ. Cơ quan chính trị, tham mưu cần tăng cường nghiên cứu, nắm vững nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên; nắm vững thực trạng định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị mình, kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, người chỉ huy về nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng. Cơ quan chính trị và cơ quan tham mưu cần phối hợp chặt chẽ, thống nhất nội dung, chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ các đơn vị tiến hành hoạt động định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ.
Ba là, phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị Quân đội với gia đình, địa phương, các nhà trường và trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm trong định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ.
Hoạt động định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở trong Quân đội để đạt được hiệu quả cao, bên cạnh phát huy vai trò của các đơn vị Quân đội cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị Quân đội với gia đình, địa phương của hạ sĩ quan, binh sĩ và với các cơ sở đào tạo, trung tâm dịch vụ việc làm. Do đó, các đơn vị cần thường xuyên liên hệ với gia đình để trao đổi thông tin, nắm vững tình hình, đặc điểm gia đình hậu phương của hạ sĩ quan, binh sĩ, nhất là những đồng chí có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chưa thật sự yên tâm học tập, rèn luyện, có nhiều băn khoăn trong lựa chọn nghề nghiệp sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Thống nhất với gia đình và địa phương biện pháp giáo dục, định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ để họ yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phối hợp với các nhà trường, các Trung tâm giáo dục giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm dịch vụ việc làm và các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động tư vấn, định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ như: trực tiếp đến đơn vị để tư vấn; cung cấp tài liệu, thông tin về nghề nghiệp, việc làm như băng, đĩa, sách báo, trang web; phối hợp tổ chức tham quan các cơ sở đào tạo nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh; tổ chức Ngày hội việc làm, Ngày hội tư vấn, hướng nghiệp để định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở trong Quân đội.
Bốn là, phát huy tính chủ động, tích cực của hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở trong định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân.
Đây là giải pháp có vai trò rất quan trọng, trực tiếp quyết định đến việc định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở trong Quân đội. Do vậy, đòi hỏi mỗi hạ sĩ quan, binh sĩ khi thực hiện nghĩa vụ quân sự tại đơn vị cần thường xuyên, tích cực học tập nâng cao trình độ về mọi mặt; rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống theo tiêu chuẩn người quân nhân cách mạng, theo chuẩn mực xã hội và thường xuyên rèn luyện để có sức khỏe dẻo dai. Bên cạnh đó, cần tích cực tìm hiểu về xu hướng phát triển nghề nghiệp trong tương lai, về những yêu cầu để đáp ứng những nghề nghiệp đó. Đối với mỗi ngành nghề cần nắm được: Tên ngành nghề và những nghề có liên quan; những kỷ năng và phẩm chất cần thiết để làm việc; nội dung và mục tiêu đào tạo của nghề; các đơn vị, tổ chức hiện đang đào tạo nghề, học phí, phương pháp và thời gian đào tạo; những nơi có thể tìm việc sau khi học xong. Cùng với đó, mỗi hạ sĩ quan, binh sĩ cần biết mình có những kỹ năng, thế mạnh phù hợp với nghề nghiệp nào nhất. Từ đó, xác định nghề phù hợp với khả năng, sở thích của bản thân, cũng như nhu cầu của xã hội, để lựa chọn trong tương lai.
Quá trình này cần tránh việc không xem trọng công tác định hướng lựa chọn nghề nghiệp; chọn những nghề không phù hợp với năng lực, tính cách, mà chỉ theo sở thích ban đầu, theo trào lưu, theo sự rủ rê của người khác hoặc theo mong muốn của gia đình…
3. Kết luận
Nâng cao hiệu quả định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở các đơn vị cơ sở trong Quân đội hiện nay là vấn đề có ý nghĩa quan trọng và cấp bách; đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành trong và ngoài Quân đội, mà trực tiếp là phát huy vai trò của cấp ủy, chỉ huy, đội ngũ cán bộ ở đơn vị cơ sở và cán bộ chuyên trách tư vấn của các nhà trường, trung tâm dịch vụ và giới thiệu việc làm trong và ngoài Quân đội. Bên cạnh đó, bản thân mỗi hạ sĩ quan, binh sĩ trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự cần tích cực học tập nâng cao trình độ về mọi mặt; rèn luyện sức khỏe, phẩm chất, lối sống của người quân nhân cách mạng; đồng thời, tích cực tìm hiểu về xu hướng phát triển nghề nghiệp của xã hội… để chủ động lựa chọn nghề nghiệp sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự.
Trung tá, ThS Nguyễn Văn Sơn
Tài liệu tham khảo
1. Lê Thị Duyên, Phát triển năng lực định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học phổ thông, Luận án tiến sĩ khoa học giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2020.
2. Quốc Đăng, Tìm hiểu nghề nghiệp trong tương lai, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2015.
3. Đỗ Hồng Quảng, Nâng cao chất lượng giáo dục kỷ luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2021.
Viện KHXH&NVQS/Học viện Chính trị