TNV - Những năm qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Lương Nha, huyện Thanh Sơn luôn chú trọng triển khai các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ, đặc biệt là định hướng cho thanh niên trong sản phát triển kinh tế, qua đó tạo động lực cho thanh niên thực hiện nhiều hoạt động an sinh xã hội, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.
Tận dụng lợi thế nguồn tài nguyên đất đai, diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng lớn, Đoàn xã đã tuyên truyền, vận động thanh niên mạnh dạn lựa chọn các mô hình phát triển kinh tế phù hợp; thường xuyên tổ chức hội nghị tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên trên địa bàn. Tập trung tư vấn giới thiệu cho thanh niên vay vốn ngân hàng chính sách xã hội; giúp thanh niên phát triển hiệu quả các sáng kiến, ý tưởng sản xuất, kinh doanh, thành lập câu lạc bộ, các tổ đội, nhóm thanh niên cùng giúp nhau phát triển kinh tế, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Mô hình nuôi ong của đoàn viên thanh niên Đồng Thế Chắt, khu Lạc Song, xã Lương Nha.
Thăm quan mô hình nuôi ong lấy mật của một số đoàn viên thanh niên xã Lương Nha, được biết hiện tại có khoảng 7 đoàn viên tham gia nghề nuôi ong lấy mật. Trung bình mỗi hộ nuôi có từ 50 - 200 đàn ong, thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, còn có một số đồng chí cũng đang nuôi nhỏ, lẻ với số lượng từ 5 - 10 đàn ong và từng bước nhân đàn. Cùng với nguồn thu nhập từ các ngành nghề nông nghiệp, nghề nuôi ong lấy mật đã giúp nhiều đoàn viên có nguồn thu nhập khá ổn định.
Chị Phùng Thu Mai, một thanh niên khu Lạc Song, xã Lương Nha đã trở thành thành viên của Hội Nuôi ong Việt Nam chia sẻ: Ưu điểm của nghề nuôi ong là không tốn nhiều diện tích, vốn đầu tư ban đầu không lớn và không tốn nhiều nhân lực. Tuy nhiên, để nuôi ong mật cho hiệu quả cao, người chăn nuôi cần chú trọng đến kỹ thuật nuôi từ khâu chọn giống, chọn địa điểm, tạo chúa… cho đến thu hoạch mật. Đặc biệt, người nuôi ong cần phải khéo léo, dày công chăm sóc đàn ong, nhất là sự cần mẫn không ngừng học hỏi như chính loài ong vậy.
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình nuôi ong lấy mật, nhiều đoàn viên trong xã đã chủ động học nghề nuôi ong. Để hỗ trợ nhau, các hộ nuôi ong trong xã đã liên kết thành nhóm với hơn 10 thành viên. Nhóm thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi ong, giúp nhau lúc thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Thực tế cho thấy, nuôi ong không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, ít rủi ro và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, ổn định hơn so với một số mô hình nông nghiệp khác, đồng thời tận dụng hết thời gian nông nhàn, tạo thêm việc làm cho lao động.
Bên cạnh mô hình nuôi ong, hiện nay, toàn xã có khoảng 15 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, nhiều mô hình đạt hiệu quả cao, như: Mô hình du lịch, trải nghiệm cánh đồng hoa sông Đà, mô hình nuôi ốc nhồi, nuôi chim bồ câu, chăn nuôi bò sinh sản và một số mô hình trồng cây ăn quả khác đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho đoàn viên thanh niên.
Tuy nhiên, qua thực tế triển khai thực hiện còn những hạn chế nhất định do phần lớn các mô hình kinh tế của thanh niên có quy mô nhỏ, hoạt động sản xuất kinh doanh đơn lẻ; chưa chủ động xây dựng phương án sản xuất kinh doanh đa ngành, đa nghề. Năng lực, hiệu quả kinh tế của các mô hình còn thấp, trình độ quản lý, điều hành còn hạn chế. Nhiều bạn trẻ còn thiếu những kiến thức trong phân tích thị trường, tìm kiếm cơ hội, hoạch định chiến lược kinh doanh, phân tích rủi ro và chưa có nhiều kỹ năng, sự tự tin trong phát triển kinh tế.
Để khắc phục những khó khăn trong việc đẩy mạnh phong trào thanh niên thi đua phát triển kinh tế, trong thời gian tới, Đoàn Thanh niên xã Lương Nha sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ tư vấn về chính sách, cơ chế, kỹ thuật; kịp thời biểu dương, khen thưởng những mô hình, điển hình tiên tiến. Cùng với đó là vận động thanh niên chủ động tự tạo việc làm, giúp nhau lập nghiệp, góp vốn và liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tạo khí thế thi đua sôi nổi, xứng đáng với vai trò là lực lượng xung kích, tiên phong trong các phong trào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương./.
Phùng Huyền Trang