Nâng cao hiệu quả quản lý thiết bị dạy học và công nghệ theo yêu cầu dạy học ở các Trường Trung học cơ sở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh

Thứ bảy, 25/06/2022 - 08:40

TNV - Huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) là một vùng đất có truyền thống văn hiến lâu đời, riêng khối Trung học cơ sở có tổng cộng 14 trường. Do đó, việc nâng cao công tác quản lý, sử dụng, bảo quản thiết bị và công nghệ dạy học tại các trường Trung học cơ sở nơi đây là rất cần thiết, nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục trong thời đại chuyển đổi số.

Tóm tắt

Trước bối cảnh nền kinh tế số mang tính chủ động giải quyết thách thức của đại dịch COVID-19, trong đó, hướng đến xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo tại các trường học, nhất là ở cấp bậc Trung học cơ sở. Đặc biệt, huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) là một vùng đất có truyền thống văn hiến và cách mạng lâu đời, với 14 trường Trung học cơ sở. Trong khi chất lượng trang thiết bị, công tác quản lý, sử dụng, bảo quản thiết bị và công nghệ dạy học trong các trường Trung học cơ sở nơi đây, hiện vẫn còn nhiều bất cập, chưa phát huy được hết vai trò của thiết bị và công nghệ trong các hoạt động giáo dục, dù vẫn luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền và ngành giáo dục địa phương. Bài viết tập trung phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý thiết bị dạy học và công nghệ theo yêu cầu dạy học ở các Trường Trung học cơ sở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh trong thời gian tới, nhằm đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh trong các nhà trường.

Từ khóa: quản lý thiết bị dạy học và công nghệ; nâng cao chất lượng giáo dục; trung học cơ sở.

  1. Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bắc Ninh luôn quan tâm đổi mới thiết bị dạy học, nhằm đáp ứng xu hướng phát triển của thời đại chuyển đổi số
  2. Đặt vấn đề

Đại dịch COVID-19 cùng với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ số, đã tạo một cú “hích” làm thay đổi các cấu trúc quá trình dạy học và các mối quan hệ bên trong và bên ngoài, thậm chí làm chuyển dịch phương thức dạy học từ truyền thống sang ứng dụng công nghệ, kỹ thuật.

Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta đã xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho sự phát triển; tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo...

Bên cạnh đó, để đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngoài việc đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục còn phải chú trọng quan tâm đến việc tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ dạy học cho các nhà trường, nhất là cấp bậc Trung học cơ sở ở các địa phương cả nước, trong đó có huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh).

  1. Nội dung

Huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) cách trung tâm tỉnh 5 km về phía Nam và cách Hà Nội 25 km về phía Bắc, hệ thống giao thông phát triển, thuận lợi, chất lượng giáo dục luôn có truyền thống hàng đầu tỉnh Bắc Ninh.

Để đáp ứng định hướng phát triển nền giáo dục nước nhà theo hướng đổi mới căn bản và toàn diện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ dạy học cho các nhà trường vừa là tiền đề quan trọng để thực hiện phương pháp dạy học mới; vừa là cầu nối giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa học và hành; ngoài ra, còn là thành tố quan trọng để đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, thiết bị dạy học tại các trường Trung học cơ sở huyện Tiên Du được đầu tư nhiều nhưng chưa đồng bộ, chất lượng chưa đảm bảo, công tác quản lý, sử dụng thiết bị của các nhà trường chưa được coi trọng và chưa quan tâm đúng mực; nguồn kinh phí dành cho việc mua sắm, đầu tư thiết bị luôn được quan tâm hàng đầu, nhưng việc bảo quản thiết bị dạy học và công nghệ chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến thiết bị dạy học nhanh trở nên nhanh xuống cấp, hư hỏng; việc sử dụng thiết bị dạy học trong giảng dạy, có lúc, có nơi chưa được giáo viên khai thác triệt để, vẫn còn tình trạng “dạy chay”, “học chay”, khả năng sử dụng thiết bị dạy học hiện đại của nhiều giáo viên vẫn còn hạn chế; công tác quản lý thiết bị và công nghệ dạy học chưa được quan tâm và chỉ đạo sát sao, chưa có biện pháp tích cực nhằm phát huy hết công năng của trang thiết bị dạy học và công nghệ , góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trước những yêu cầu về đổi mới căn bản chất lượng dạy và học khối Trung học cơ sở tại địa phương...

Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn quản lý thiết bị dạy học và công nghệ trong theo yêu cầu dạy học ở các trường Trung học cơ sở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh trong bối cảnh hiện nay, bài viết đề xuất một số biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý thiết bị dạy học và công nghệ ở các trường Trung học cơ sở tại địa phương trong thời gian tới như sau:

Một là, cần đẩy mạnh tổ chức các giải pháp tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục, cổ vũ, nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của thiết bị dạy học và công nghệ đối với đội ngũ giáo viên, học sinh; đặc biệt vai trò của việc quản lý thiết bị dạy học và công nghệ đối với cán bộ quản lý, viên chức ngành giáo dục tại địa phương; từ đó, tạo ra sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị huyện trong việc triển khai thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý thiết bị dạy học và công nghệ ở các trường Trung học cơ sở tại địa phương trong thời gian tới.

Hai là, thành lập Tổ công tác của huyện Tiên Du, thực hiện việc rà soát lại hiện trạng việc đầu tư, mua sắm, bảo trì, bảo dưỡng, tình hình sử dụng các trang thiết bị dạy học tại các trường trực thuộc huyện, nhất là khối Trung học cơ sở, để tham mưu cho lãnh đạo huyện xem xét, tháo gỡ triệt để những tồn đọng, khó khăn, vướng mắc liên quan và hoàn thiện lại quy trình, chủ trương, cơ chế, nhằm tạo sự đồng bộ, kịp thời, đảm bảo chất lượng, đúng đối tượng trong việc trang bị; việc bảo quản, sử dụng, đảm bảo duy trì tuổi thọ, chất lượng thiết bị, tránh tình trạng nhanh bị xuống cấp, hư hỏng...

Ba là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ sử dụng các trang thiết bị dạy học và công nghệ mới trong dạy học dành cho đội ngũ giáo viên, nhân viên các trường Trung học cơ sở trên địa bàn huyện, nhằm tối ưu hóa công năng của trang thiết bị dạy học và công nghệ dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, trước những yêu cầu về đổi mới căn bản chất lượng dạy và học khối Trung học cơ sở tại địa phương.

Bốn là, lên kế hoạch chỉ đạo, kiểm tra việc sử dụng thiết bị dạy học và công nghệ; tổ chức phong trào thi đua sử dụng thiết bị dạy học và công nghệ phù hợp với điều kiện của các trường Trung học cơ sở, với các tiêu chí đánh giá, chính sách khen thưởng xác đáng và các phương án phù hợp để chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong việc công nghệ hóa thiết bị dạy học tại địa phương.

Năm là, tăng cường chủ trương xã hội hóa trong việc trang bị các hạng mục thiết bị dạy học và công nghệ dạy học, nhất là các thiết bị tin học, nhằm đáp ứng xu hướng số hóa trong hoạt động giáo dục và tháo gỡ khó khăn, hạn chế về ngân sách đầu tư của chính quyền địa phương đối với việc trang bị các thiết bị dạy học và công nghệ dạy học tại các trường Trung học cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Mô hình đổi mới phương pháp dạy học Ngoại ngữ tại Trường THCS Tiên Du (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh).

  1. Kết luận

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh các tri thức và kỹ năng nền tảng, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời…

Mong rằng, với các giải pháp được đề cập trong bài viết, sẽ giúp cho chính quyền và ngành giáo dục huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh cải thiện hơn nữa việc quản lý thiết bị dạy học và công nghệ theo yêu cầu dạy học ở các trường Trung học cơ sở trong bối cảnh hiện nay góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương, theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đề ra.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đặng Quốc Bảo - Bùi Việt Phú (2013), Một số góc nhìn về phát triển và quản lý giáo dục. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam .

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2000), Quyết định số 41/2000/QĐ-BGDĐT ngày 07/9/2000 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành quy chế thiết bị giáo dục trong trường mầm non, trường Phổ thông.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông.

4. Nguyễn Quốc Chí - Nguyễn Thị Mỹ Lộc (2012), Đại cương khoa học quản lý. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.

5. Vũ Cao Đàm (2008), Giáo trình phương pháp luận nghiên cứu kha học. Nhà xuất bản Thế giới.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam , Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam , Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI. (Nghị quyết số 29-NQ/TW)

8. Nguyễn Tiến Đạt (2004), Giáo dục so sánh. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.

9. Tô Xuân Giáp (1997), Phương tiện dạy học. Đại học Quốc gia Hà Nội.

10. Đặng Xuân Hải - Nguyễn Sỹ Thư (2012), Quản lý giáo dục, quản lý nhà trường trong bối cảnh thay đổi. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

11. Đỗ Xuân Huân (2001), Sử dụng thiết bị nghe nhìn trong dạy và học. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.

12. Trần Kiểm (2009), Những vấn đề cơ bản của khoa học quản lý giáo dục. Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội.

13. Nguyễn Thị Mỹ Lộc (2010), Quản lý giáo dục - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn. Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.

14. Nguyễn Văn Lê (1990), Giáo dục học. Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.

15. Quốc hội , Luật Giáo dục 2019.

16. Quốc hội , Nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 09/12/2000 về đổi mới chương trình phổ thông.

17. Ngô Quang Sơn , Vai trò của thiết bị giáo dục và việc đánh giá hiệu quả sử dụng thiết bị giáo dục trong quản lý quá trình dạy học tích cực. Thông tin quản lý giáo dục số 3 năm 2005.

18. Thái Văn Thành (2007), Quản lý giáo dục, quản lý nhà trường, Nhà xuất bản Đại học Huế.

19. Phạm Văn Thuần (2013), Quản lý cơ sở vật chất và thiết bị giáo dục. Tài liệu dùng cho học viên cao học chuyên ngành Quản lý giáo dục. Đại học Quốc gia Hà Nội.

20 . Nguyễn Văn Thành (2014), Quản lý thiết bị giáo dục ở các Trường Trung học phổ thông Huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội Tài liệu dùng cho học viên cao học chuyên ngành Quản lý giáo dục. Đại học Quốc gia Hà Nội.

21. Từ điển Tiếng Việt (2012), Viện ngôn ngữ, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội.

22. Các Báo cáo tổng kết năm học của các trường Trung học phổ thông trên địa bàn huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh (từ năm học 2018 - 2019 đến năm học 2020 - 2021).

23. Các Báo cáo tổng kết năm học khối Trung học phổ thông của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh (từ năm học 2018 - 2019 đến năm học 2020 - 2021).

Trần Thị Tuyết Nhung