Nâng cao kỹ năng thuyết trinh của sinh viên các ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn ở các trường đại học hiện nay

Thứ hai, 14/10/2024 - 08:47

Thuyết trình được hiểu một cách đơn giản nhất là diễn đạt để cho người khác hiểu rõ được nội dung mình muốn truyền tải. Một người diễn đạt tốt là một người mất ít thời gian nhất để truyền tải thông tin nhưng người khác vẫn hiểu được cặn kẽ và rõ ràng thông tin được truyền tải đó.

Trong xã hội hiện đại ngày nay kỹ năng thuyết trình được biết đến là một kỹ năng mềm vô cùng cần thiết. Không phải chỉ có những nhà diễn thuyết chuyên nghiệp, các giảng viên đại học mới phải thành thạo kỹ năng thuyết trình, mà đối với cũng cần sử dụng đến kỹ năng quan trọng này. Kỹ năng thuyết trình đóng vai trò rất quan trọng đối với sinh viên nói chung, sinh viên ngành khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) nói riêng.

Kỹ năng thuyết trình và truyền đạt thông tin là khả năng trình bày ý tưởng, thông điệp hoặc thông tin một cách rõ ràng, hấp dẫn và hiệu quả nhằm đạt được mục tiêu cụ thể. Kỹ năng thuyết trình và truyền đạt thông tin có vai trò hết sức quan trọng nhằm hình thành nên năng lực của của sinh viên các KHXH&NV, đồng thời đáp ứng với nhiệm vụ giáo dục, đào tạo trong tình hình mới. Theo kết quả của một cuộc khảo sát, có tới hơn 70% người đi làm đồng ý về tầm quan trọng của kỹ năng thuyết trình đối với thành công của họ trong công việc. Vì thế, việc sinh viên chuẩn bị kỹ năng thuyết trình ngay từ lúc còn ngồi trên ghế giảng đường là việc vô cùng cần thiết. Quan trọng nhất chính là khi thuyết trình, sinh viên sẽ chủ động tìm hiểu kiến thức, thậm chí tìm hiểu rất kỹ, vì mình phải hiểu rõ kiến thức thì mới tự tin thuyết trình trước lớp được. Việc đứng trước lớp thể hiện kiến thức của mình với cả lớp vô hình chung tạo áp lực cho các bạn sinh viên đầu tư thật kỹ cho phần trình bày của mình. Chính điều này sẽ giúp sinh viên nắm vững chuyên môn hơn, ghi nhớ lâu hơn và hơn hết là thấu hiểu để biết cách ứng dụng chúng vào thực tế.

Thông qua việc thuyết trình ở đại học, sinh viên sẽ dần được làm quen với cách soạn nội dung, tóm tắt kiến thức, trình bày nội dung sao cho ngắn gọn, truyền tải thông điệp sao cho dễ hiểu, dễ tiếp thu và tự tin giao tiếp trước đám đông. Thuyết trình là cách diễn đạt và bảo vệ quan điểm của chính mình. Việc luyện tập thuyết trình trên giảng đường đại học là cơ hội để sinh viên học được cách trình bày suy nghĩ của mình cũng như phát triển tư duy phản biện để chứng minh quan điểm của bản thân. Đây là những yếu tố vô cùng quan trọng để đánh giá một nhân viên nổi bật trong công ty cũng như trong thị trường lao động.

Qua kỹ năng thuyết trình, sinh viên sẽ tìm thấy phong cách, lời nói cử chỉ cũng như sự tự tin khi đứng trước đám đông. Nhờ vậy, việc giao tiếp cũng như mở rộng các mối quan hệ xã hội trong tương lai sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Đây là đòn bẩy quan trọng cho con đường thăng tiến sau này của mỗi sinh viên nếu muốn tiến xa hơn trong sự nghiệp. Một người có khả năng trình bày quan điểm của mình trước đám đông không chỉ nhận được sự ngưỡng mộ từ những người xung quanh mà thông qua đó còn gia tăng thêm sự uy tín cho lời nói, quan điểm và suy nghĩ của họ. Hình tượng cá nhân cũng từ đó mà tăng cao, là điểm quan trọng để thu hút thêm nhiều cơ hội mới trong cuộc sống.

Trong bối cảnh giáo dục hiện đại, kỹ năng thuyết trình đã trở thành một yếu tố quan trọng trong việc phát triển nghề nghiệp của sinh viên, đặc biệt là đối với sinh viên ngành KHXH&NV. Ngành học này không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu mà còn cần khả năng truyền đạt thông tin một cách hiệu quả và thuyết phục. Sinh viên KHXH&NV thường phải tham gia vào nhiều hoạt động như thảo luận nhóm, trình bày dự án nghiên cứu và tham gia hội thảo. Kỹ năng thuyết trình không chỉ giúp họ truyền đạt ý tưởng, mà còn là phương tiện để tạo dựng niềm tin và thuyết phục người khác về quan điểm của mình. Việc thể hiện ý tưởng một cách mạch lạc và hấp dẫn có thể ảnh hưởng lớn đến sự nhận thức và đánh giá của người nghe. Kỹ năng thuyết trình không chỉ có giá trị trong học tập mà còn trong sự nghiệp tương lai của sinh viên KHXH&NV. Trong các lĩnh vực như truyền thông, giáo dục, chính trị hay nghiên cứu, khả năng trình bày ý tưởng và thuyết phục người khác là vô cùng cần thiết. Điều này giúp họ tạo dựng được sự nghiệp bền vững và thành công.

Để nâng cao kỹ năng thuyết trình của sinh viên các ngành KHXH&NV hiện nay cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Trước hết, cần xây dựng và hoàn thiện quy trình, kế hoạch rèn luyện kỹ năng thuyết trình và truyền đạt thông tin cho sinh viên. Đây là giải pháp có ý nghĩa hết sức quan trọng bảo đảm cho quá trình rèn luyện nâng cao kỹ năng thuyết trình và truyền đạt thông tin cho sinh viên diễn ra theo một cách có trình tự logic, khoa học chặt chẽ và thống nhất. Việc tổ chức rèn luyện kỹ năng thuyết trình và truyền đạt thông tin cho sinh viên các ngành KHXH&NV theo một quy trình khoa học chặt chẽ không chỉ giúp sinh viên nắm vững kiến thức lý thuyết mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho họ vận dụng vào trong các tình huống thực tiễn khi thuyết trình và truyền đạt thông tin. Theo đó cần phải xây dựng và thực hiện có hiệu quả theo một quy trình gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1: Trang bị cho sinh viên hệ thống kiến thức lý thuyết chuyên ngành và kiến thức, phương pháp luận rèn luyện kỹ năng. Giai đoạn 2: Tổ chức cho sinh viên thực hành rèn luyện các kỹ năng thuyết trình và truyền đạt thông tin. Giai đoạn 3: Kiểm tra, đánh giá trình độ hình thành kỹ năng thuyết trình và truyền đạt thông tin của sinh viên.


Nâng cao kỹ năng thuyết trinh của sinh viên các ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn ở các trường đại học hiện nay- Ảnh 1.

Một buổi trao đổi kinh nghiệm kỹ năng thuyết trình và truyền đạt thông tin của sinh viên trường đại học KHXH&NV -Đại học Cần Thơ.

Cùng với đó, cần phát huy vai trò trách nhiệm của các tổ chức các lực lượng trong việc rèn luyện, nâng cao kỹ năng thuyết trình và truyền đạt thông tin cho sinh viên, sinh viên. Đây là biện pháp giữ vai trò quan trọng trong nâng cao kỹ năng thuyết trình và truyền đạt thông tin cho sinh viên, sinh viên, biện pháp này nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức các lực lượng; trong đó trực tiếp và tập trung nhất là Ban giám hiệu, các cơ quan chức năng, phòng đào tạo, các khoa giáo viên và các bộ phận quản lý giáo dục. Để phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng trong việc rèn luyện nâng cao kỹ năng thuyết trình và truyền đạt thông tin cho sinh viên có hiệu quả trước hết phải nâng cao nhận thức cho các tổ chức, các lực lượng, trên cơ sở đó xây dựng ý thức, trách nhiệm của các chủ thể trong việc rèn luyện nâng cao kỹ năng thuyết trình và truyền đạt thông tin. Như vậy, các tổ chức, các lực lượng tham gia vào quá trình giáo dục đào tạo cần nhận thức được phát triển kỹ năng sử dụng phương pháp thuyết trình và truyền đạt thông tin cho sinh viên hiện nay là cần thiết, là đòi hỏi khách quan của mục tiêu đào tạo của các nhà trường.

Một trong những biện pháp không thể thiếu đó là phát huy tính tích cực chủ động của sinh viên trong rèn luyện nâng cao kỹ năng thuyết trình và truyền đạt thông tin. Đây là biện pháp quan trọng quyết định nhất đến việc rèn luyện, nâng cao kỹ năng thuyết trình và truyền đạt thông tin cho sinh viên trong quá trình học tập. Đó là việc phát huy vai trò tự giác, tính chủ động sáng tạo của sinh viên trong việc rèn luyện kỹ năng thuyết trình và truyền đạt thông tin. Hoạt động tự rèn luyện nâng cao kỹ năng thuyết trình và truyền đạt thông tin của mỗi sinh viên sẽ trực tiếp quyết định đến mức độ hình thành và phát triển kỹ năng thuyết trình và truyền đạt thông tin nói riêng và hệ thống năng lực, xu hướng nghề nghiệp nói chung cho sinh viên, sinh viên. Hoạt động tự rèn luyện kỹ năng thuyết trình và truyền đạt thông tin sẽ giúp phát triển, củng cố xu hướng nghề nghiệp trong quá trình rèn luyện, củng cố và hoàn thiện hệ thống kỹ năng thuyết trình và truyền đạt thông tin của sinh viên. Việc phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác, tự rèn của sinh viên phải xuất phát từ chính nhận thức và nhu cầu của bản thân sinh viên. Do đó cần tăng cường hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức cho họ về vị trí, vai trò, ý nghĩa của hoạt động tự rèn luyện kỹ năng thuyết trình và truyền đạt thông tin. Đồng thời, phát huy vai trò của khoa giáo viên và đội ngũ cán bộ quản lý trong quá trình tự rèn luyện nâng cao kỹ năng thuyết trình và truyền đạt thông tin cho sinh viên. Song cũng cần phát huy tính năng động, tích cực tự giác trong tự rèn luyện kỹ năng thuyết trình và truyền đạt thông tin của sinh viên.

Bên cạnh đó, phải cụ thể hóa mục tiêu, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp, hình thức nâng cao kỹ năng thuyết trình và truyền đạt thông tin cho sinh viên. Đối với mục tiêu đào tạo của sinh viên phải đáp ứng yêu cầu đòi hỏi về cả phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của xã hội được mô hình hóa, cụ thể hóa bằng những tiêu chí xác định năng lực trong đó kỹ năng thuyết trình và truyền đạt thông tin là yêu cầu cần phải có. Cụ thể hóa mục tiêu là căn cứ vào mục tiêu giáo dục đào tạo của Đảng, Nhà nước, quy định và thực tiễn giáo dục đao tạo ở các nhà trường để xây dựng mục tiêu, yêu cầu đào tạo ở các nhà trường hiện nay. Cần chỉ rõ những kiến thức và các kỹ năng cần đạt được trong quá trình hoạt động của sinh viên. Mục tiêu càng cụ thể hóa bao nhiêu, càng thuận lợi cho việc tổ chức và thực hiện các hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả. Đối với chương trình, nội dung đào tạo phải bảo đảm tính cân đối, kế tiếp các tri thức khoa học cơ bản, cơ sở và chuyên ngành với hệ thống kỹ xảo, kỹ năng thực hành; giữa tri thức cũ và tri thức mới; thể hiện sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, lý thuyết với thực hành. Về phương pháp dạy học cần tăng cường nghiên cứu áp dụng các phương pháp dạy học tiên tiến, hiện đại bên cạnh đó nghiên cứu áp dụng sáng tạo các phương pháp dạy học truyền thống trong rèn luyện nâng cao kỹ năng thuyết trình và truyền đạt thông tin cho sinh viên. Trong dạy học cần chú trọng các phương pháp dạy học thực hành, phương pháp kích thích tính tích cực, tự giác, sáng tạo của người học, các phương pháp theo cách tiếp cận dạy học lấy người học làm trung tâm, phương pháp dạy học nêu vấn đề, dạy học nêu tình huống nhằm phát triển tư duy độc lập, sáng tạo, rèn luyện kỹ năng làm chủ bản thân, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử trí tình huống trong thuyết trình và truyền đạt thông tin. Cùng với đổi mới phương pháp cần tăng cường sử dụng các phương tiện dạy học trực quan, các phương tiện kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, mô phỏng giúp người học phát triển tư duy sáng tạo, khả năng phân tích, tổng hợp, khái quát hóa, khả năng ứng dụng các phương tiện hiện đại vào quá trình đào tạo đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ sau khi tốt nghiệp ra trường.

Có thể nói kỹ năng thuyết trình và truyền đạt thông tin có vai trò rất quan trọng đối với sinh viên các ngành KHXH&NV. Để rèn luyện và nâng cao kỹ năng thuyết trình của sinh viên đòi hỏi người học không những nắm vững lý thuyết, thành thạo kỹ năng mà còn phải vận dụng linh hoạt kỹ năng thuyết trình và truyền đạt thông tin trong thực tiễn quá trình học tập và nghiên cứu khoa học tại nhà trường. Đó là điều kiện thuận lợi để sinh viên rèn luyện phẩm chất năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong học tập và sau khi ra trường cũng đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt".

Tóm lại, kỹ năng thuyết trình là một phần quan trọng trong hành trang của sinh viên ngành KHXH&NV. Việc phát triển kỹ năng này không chỉ giúp họ trong học tập mà còn mở ra nhiều cơ hội trong sự nghiệp sau này. Thuyết trình hiệu quả sẽ là cầu nối giúp họ truyền tải kiến thức và quan điểm đến với cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội thông minh và phát triển.

Phan Đức Bình

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng