TNV - Ngày 24/12 tại Hà Nội, nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn những cam kết của EVFTA trong các lĩnh vực ảnh hưởng tới ngành dịch vụ logistics của Việt Nam và có cái nhìn sâu rộng hơn về cơ hội, thách thức, tác động mà EVFTA mang lại, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cùng các đơn vị liên quan tổ chức chương trình Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển logistics gắn với đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu”.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm 2019 xuất khẩu của nước ta đạt 241,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018, đạt chỉ tiêu 7-8% của Quốc hội giao; kim ngạch nhập khẩu đạt 230,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 472 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm. Với tiến độ như hiện nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD vào nửa sau tháng 12 năm 2019.
Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được ký ngày 30/6/2019 và đang trong quá trình phê chuẩn nội bộ để chính thức có hiệu lực. Dịch vụ logistics như vận tải, hỗ trợ vận tải,… là những dịch vụ có các cam kết đáng chú ý, theo hướng mở cửa mạnh hơn đáng kể so với Hiệp định thương mại quốc tế (WTO). Với tốc độ phát triển hàng năm đạt 16 - 20%, dự kiến EVFTA sẽ giúp gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics và có tác động đáng kể đến triển vọng thị trường và ngành logistics Việt Nam.
Trước cơ hội rộng mở của giao dịch thương mại song phương, câu hỏi được đặt ra ở đây là: Làm thế nào để ngành Logistics Việt Nam có thể hưởng lợi từ hiệp định thương mại tự do này? Bởi mối quan hệ thương mại được tăng cường trong khuôn khổ EVFTA có thể làm tăng nhu cầu vận chuyển không chỉ giữa EU và Việt Nam mà còn với cả EU và Đông Nam Á. Sau EVFTA, không chỉ có nhu cầu về vận chuyển, kho bãi tăng mà nhu cầu nâng cao chất lượng, điều kiện của kho bãi và công tác vận chuyển cũng sẽ được đặt ra, nhất là trong điều kiện ngành Logistics Việt Nam và châu Âu còn rất nhiều khoảng cách.
Tại Hội thảo, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết: Hiện Việt Nam có gần 1.500 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics. Theo điều tra năm 2018 của World Bank, Việt Nam đứng thứ 39/160 quốc gia tham gia về chỉ số năng lực Logistics (LPI), đứng thứ 4 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan. Từ năm 2017, chính phủ Việt Nam đã xác định mục tiêu cụ thể cho ngành Logistics là đưa Việt Nam trở thành trung tâm Logistics của khu vực vào năm 2025.
Kế hoạch chính sách này đã và đang được dần hiện thực hóa với rất nhiều nỗ lực như: thu hút đầu tư nước ngoài, cải cách thủ tục hải quan và hợp tác với các đối tác nước ngoài trong các dự án cơ sở hạ tầng.Với EVFTA, dự kiến kim ngạch xuất khẩu sang các nước EU sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, tác động tích cực đến triển vọng thị trường và phát triển của ngành logistics Việt Nam, ông cho biết thêm.
Nhờ những điều kiện thuận lợi này, các doanh nghiệp Logistics Việt Nam sẽ có cơ hội hợp tác, học hỏi, và gọi vốn từ các công ty đa quốc gia, các đội tàu lớn hiện đại và chiếm thị phần lớn trên thị trường Logisics thế giới đến từ châuÂu. Đây có thể coi là một lợi thế của Việt Nam sau EVFTA. Bởi theo bảng xếp hạng LPI 2018, Đứe là quốc gia đứng đầu trong lĩnh vực logistics. Hai quốc gia đồng hạng thứ hai cũng nằm trong khối EU, là Hà Lan và Thụy Điển.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Vinh – Chủ tịch HĐQT, RATRACO cho biết: Trong đó vận tải là lĩnh vực dịch vụ quan trọng nhất trong hệ thống logistics Việt Nam. Theo cách tính của Ngân hàng Thế giới, các thành phần và tỷ lệ của các thành phần trong Tổng chi phí logistics của Việt Nam bao gồm: Chi phí vận tải chiếm 60% tổng chi phí logistics; Chi phí tồn kho và Chi phí quản lý 40%. Những nguyên nhân chính đẩy chi phí vận tải trong hoạt động logistics ở Việt Nam cao gồm: Chất lượng hạ tầng dù đã được đầu tư vẫn còn chưa đáp ứng được thực tế phát triển (đặc biệt là cảng biển, đường sắt) chi phí cao;Kết nối hạ tầng (bao gồm cả kết nối hạ tầng thông tin) yếu;Kết nối phương tiện kém (do phần lớn hàng vận chuyển dạng rời). Chi phí của từng hình thức vận tải đều cao;Vận tải đa phương thức để kết hợp các ưu điểm của từng phương thức vận tải cũng chưa phát triển hiệu quả ở Việt Nam;Khả năng xếp dỡ và trung chuyển container hạn chế;Mức độ container hóa thấp (do thiếu cơ sở hạ tầng và dịch vụ đóng gói, xử lý container);Nhận thức của Doanh nghiệp Việt Nam về chi phí logistics, về thuê ngoài dịch vụ logistics và năng lực của DN logistics Việt Nam còn thấp.
Ông cũng chia sẻ thêm: Nếu chúng ta có thể khắc phục được các hạn chế trên, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ và tăng tính kết nối của phương tiện thì sẽ giảm chi phí vận tải; nâng cao được chất lượng dịch vụ logistics. Giảm chi phí logistics đồng nghĩa với việc thúc đẩy cho sự phát triển của hàng hóa xuất nhập khẩu, đẩy mạnh phát triển kinh tế quốc gia.
Đại diện Bộ công thương phát biểu: Để có thể đáp ứng được các nhu cầu, yêu cầu về logistics theo tiêu chuẩn chất lượng châu Âu, đồng thời nắm lấy cơ hội phát triển, sớm trở thành trung tâm Logistics của khu vực, ngay sau EVFTA, các doanh nghiệp Logistics nói riêng, ngành Logistics Việt Nam nói chung sẽ rất cần được đầu tư bài bản, nâng cao năng lực cạnh tranh trên nhiều khía cạnh: đột phá về công nghệ, nguồn lực, nâng cao kỹ năng quản lý, quy trình cũng như sự hỗ trợ về chính sách từ phía chính phủ và các cơ quan ban ngành.
Kết thúc bài tham luận, đại diện Bộ Công thương nhấn mạnh: Trong bối cảnh thương mại hai chiều đang có xu hướng giảm, các rào cản phi thuế quan của EU ngày càng được thắt chặt và tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, triển vọng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU trong năm 2020 ở mức từ 5-10%, khi EVFTA có hiệu lực từ giữa năm. Mức tăng trưởng này có thể chưa đáp ứng được kỳ vọng của các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như các doanh nghiệp logistics, tuy nhiên, trong trung hạn và dài hạn, triển vọng thương mại giữa Việt Nam và EU vẫn khả quan. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần thời gian để tự thay đổi, nâng cao năng lực để sẵn sàng đón đầu và tận dụng các cơ hội do EVFTA mang lại.
T.H