Nâng cao năng lực của giáo viên sau khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018

Thứ bảy, 04/05/2024 - 14:00

NCKH - Tóm tắt: Sau khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, hoạt động dạy và học tại các cơ sở giáo dục phổ thông đã có những chuyển biến rất tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy, quá trình triển khai thực hiện cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân chủ yếu đến từ năng lực giảng dạy của giáo viên còn hạn chế nhất định. Từ kết quả nghiên cứu, bài viết đưa ra một số định hướng nhằm nâng cao năng lực giảng dạy của giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 trong thời gian tới.

Từ khoá: năng lực; giảng dạy; giáo viên; Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018

1. Trong bối cảnh nền giáo dục Việt Nam đang trải qua giai đoạn đổi mới và cải cách, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục trên quy mô toàn quốc. Chương trình này không chỉ đặt ra mục tiêu cụ thể và chi tiết hơn cho quá trình học tập mà còn thúc đẩy sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy và học tập tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Để tổ chức triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông, Chính phủ, ngành Giáo dục đã ban hành nhiều văn bản nhằm chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức triển khai thực hiện một cách thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông [2] và Thông tư số 20/2021/TT-BGDĐT ngày 01/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung Điều 3 Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT [3] là những văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh, hướng dẫn việc tổ chức, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Nghiên cứu cho thấy, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 sau khi được triển khai đã tạo được hiệu ứng tích cực, làm chuyển biến nhận thức và hành động của các cơ sở giáo dục, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Để đạt được kết quả đó, một trong những nguyên nhân quan trọng là năng lực giảng dạy của giáo viên đã có những cải thiện đáng kể, theo hướng từng bước nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi của công tác giáo dục, đào tạo.

Thực tế đó cho thấy, việc nghiên cứu, khảo sát, đánh giá sự chuyển biến về năng lực giảng dạy của giáo viên sau khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 là việc làm cần thiết, có ý nghĩa rất quan trọng, tạo cơ sở cho việc định hướng trong đào tạo, xây dựng đội ngũ giáo viên “giỏi về chuyên môn”, “thành thạo về phương pháp giảng dạy”, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, là nhân tố đảm bảo cho việc tiếp tục thực hiện thắng lợi Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, cũng như những điều chỉnh, thay đổi về chương trình giáo dục phổ thông trong thời gian tới.

Trong nghiên cứu của mình, tác giả bài viết tập trung khảo sát, làm rõ năng lực giảng dạy của giáo viên sau khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông. Bằng cách khảo sát, làm rõ các khía cạnh cụ thể của năng lực giảng dạy của giáo viên, tác giả mong muốn cung cấp những luận cứ khoa học về lý luận và thực tiễn nhằm định hướng chính sách, cũng như gợi mở cho việc đào tạo, nâng cao năng lực giảng dạy của giáo viên đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi đã và đang đặt ra trong tổ chức triển khai đào tạo theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

2. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã hình thành một mục tiêu rõ ràng và chi tiết, định hướng đến sự phát triển toàn diện của học sinh. Mục tiêu hướng tới của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo, tạo ra một thế hệ công dân có phẩm chất về đạo đức, có sự am hiểu đối với các lĩnh vực chuyên môn. Trong chương trình này, nguyên tắc cơ bản được đặt ra là sự cá nhân hóa, đổi mới và sự phát triển toàn diện. Tính cá nhân hóa giúp mỗi học sinh được tôn trọng với đặc điểm riêng của mình, đồng thời khuyến khích sự sáng tạo và tự chịu trách nhiệm trong quá trình học tập. Đổi mới là chìa khóa để Chương trình giáo dục phổ thông 2018 không chỉ là một bản cập nhật của chương trình giáo dục trước đó mà còn là một bước đột phá trong việc cải tiến giáo dục. Sự phát triển toàn diện nhấn mạnh vào việc phát triển không chỉ kiến thức mà còn kỹ năng và phẩm chất của học sinh, tạo nên một cơ sở vững chắc cho sự thành công trong tương lai.

Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 mang đến những thay đổi đáng kể so với các chương trình giáo dục phổ thông đã được triển khai trước đó. Trong một thời đại mà kỹ năng mềm ngày càng trở nên quan trọng, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đã dành sự quan tâm đặc biệt và có nhiều nội dung kiến thức hướng tới việc xây dựng, rèn luyện các kỹ năng mềm. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 còn nhấn mạnh đến việc gắn kết giữa lý luận và thực tiễn, đảm bảo cho học sinh không chỉ có điều kiện tiếp thu, lĩnh hội các kiến thức về lý luận mà còn có điều kiện để vận dụng lý luận vào thực tiễn. Điều này giúp học sinh phát triển tư duy sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề trong môi trường đa dạng và phức tạp của thế giới ngày nay.

Phương pháp giảng dạy và học tập trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 về cơ bản đã có nhiều đổi mới, mang lại sự linh hoạt và sự thú vị cho học sinh. Phương pháp dựa trên vấn đề không chỉ khuyến khích sự tò mò và sáng tạo mà còn giúp học sinh phát triển kỹ năng nghiên cứu và giải quyết vấn đề. Việc sử dụng công nghệ trong giảng dạy và học tập cũng được đặc biệt chú trọng, giúp tạo ra một môi trường học tập hiện đại và phù hợp với thế hệ trẻ hiện nay. Tất cả những điều này cùng nhau tạo ra một trải nghiệm học tập độc đáo và thú vị, giúp học sinh phát triển toàn diện và chuẩn bị tốt nhất cho tương lai.

3. Trong công trình nghiên cứu của mình vào năm 2005, Darling-Hammond [1] đã phân tích các yếu tố cấu thành nên chất lượng của người giáo viên, bao gồm: kiến thức chuyên môn, kỹ năng sư phạm, khả năng giao tiếp với học sinh và kỹ năng quản lý lớp học. Đồng thời, Darling-Hammond cũng nhấn mạnh đến vai trò, vị trí và tầm quan trọng của việc đào tạo, nâng cao các kiến thức chuyên môn, kỹ năng sư phạm… của giáo viên, coi đây là yếu tố quan trọng có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả, chất lượng giáo dục. Cùng với đó, khi đề cập đến các yếu tố tác động đến việc hình thành năng lực của giáo dục, Darling-Hammond còn chỉ ra vai trò của chính sách giáo dục trong việc duy trì chất lượng giáo viên, thông qua việc xây dựng các tiêu chuẩn, cải tiến các quy trình tuyển dụng và đào tạo, cũng như tạo điều kiện cho sự phát triển nghề nghiệp và hỗ trợ giáo viên trong quá trình công tác.

Trong một nghiên cứu khác vào năm 2017, Trần Thị Tuyết Oanh [4] đã khẳng định rằng, khả năng giảng dạy của giáo viên là yếu tố chính, tác động đến việc hình thành năng lực học tập của học sinh. Đồng thời, xác định 11 nhóm năng lực thiết yếu cho người dạy và đã tiến hành khảo sát 1.800 giáo viên và sinh viên để xác định đâu là năng lực quan trọng nhất. Các nhóm năng lực này bao gồm: thiết kế chương trình giảng dạy và tài liệu tự học; lập kế hoạch giảng dạy; thực hiện kế hoạch giảng dạy; quản lý và tạo lập môi trường học tập; áp dụng đa dạng các phương thức tổ chức giảng dạy; sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong giảng dạy; áp dụng phương pháp và kỹ thuật đánh giá học tập; giám sát sinh viên/học viên trong hoạt động chuyên môn; làm việc với cá nhân và nhóm; tư vấn học thuật và nghề nghiệp; tự đánh giá và giám sát chất lượng giảng dạy của bản thân.

4. Tính đến năm 2024, cả nước có tổng cộng 862.108 giáo viên dạy học ở các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và phổ thông nhiều cấp học. Theo báo cáo giai đoạn 2020 - 2021, chất lượng giáo dục các cấp học và hoạt động giáo dục được nâng lên. Cụ thể, 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học với 96.88% thí sinh tốt nghiệp (đợt 1) trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tại kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế, 37/37 học sinh tham dự đoạt giải. Đội thi đã mang về 12 huy chương vàng, 13 huy chương bạc, 10 huy chương đồng và 2 bằng khen. Đạt hiệu suất 100% thí sinh thi Olympic đều có giải. Đặc biệt, Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM) công bố báo cáo năm 2019 cho thấy, học sinh tiểu học Việt Nam có kết quả học tập đứng đầu Đông Nam Á, có thể nói là vượt trội hơn rất nhiều so với học sinh tiểu học các quốc gia trong khu vực.

Ngay sau khi triển khai cải cách với chương trình dạy học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhanh chóng xây dựng bộ mô đun bồi dưỡng giáo viên đảm bảo chất lượng dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Các mô đun đào tạo mới nhằm hỗ trợ giáo viên ở các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đã được triển khai từ giai đoạn 2019-2021. Đây là nền tảng quan trọng để đáp ứng nhu cầu học tập liên tục và không ngừng của mỗi giáo viên trong hệ thống giáo dục phổ thông, đồng thời đáp ứng yêu cầu về phát triển giáo dục phổ thông trong bối cảnh toàn ngành Giáo dục đang đẩy mạnh đổi mới căn bản và toàn diện công tác giáo dục, đào tạo.

Ngoài ra, các mô đun này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng các hoạt động quản lý, chỉ đạo, tổ chức và biên soạn tài liệu phục vụ cho công tác đào tạo thường xuyên của giáo viên tại các cơ sở giáo dục phổ thông, nhằm phát triển nghề nghiệp theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông. Các mô đun này được áp dụng cho giáo viên đang làm việc tại các cấp học như trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp bậc, trường chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú và trường phổ thông dân tộc bán trú. Qua đó, tập trung vào việc phát triển, nâng cao năng lực nghề nghiệp để giúp giáo viên triển khai và thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 tại cơ sở giáo dục của mình.

Trong những năm qua, đội ngũ giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông về cơ bản đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống giáo dục, nhất là các cơ sở giáo dục phổ thông nghiêm túc nghiên cứu, triển khai thực hiện đồng bộ. Qua đó, đã đạt được nhiều thành tựu rất nổi bật, góp phần chuyển biến nền việc giáo dục, đào tạo tại các cơ sở giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng đào tạo, tạo được sự đồng thuận, tin tưởng của phụ huynh, học sinh và dư luận xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, quá trình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đã nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, chẳng hạn như: việc tổ chức các hoạt động học tập ngoại khoá, trải nghiệm chưa được triển khai sâu rộng, một số cơ sở giáo dục phổ thông chưa coi trọng vấn đề này, dẫn đến không tổ chức hoặc có tổ chức nhưng mang tính hình thức, không thực sự hiệu quả. Việc quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực giảng dạy cho giáo viên mặc dù đã được quan tâm song chưa được triển khai thường xuyên, các chương trình tập huấn, bồi dưỡng hiện nay chủ yếu diễn ra trong thời gian ngắn, nặng về truyền đạt kiến thức, nội dung các quy định hơn là tổ chức cho giáo viên thực hành. Hình thức học tập, bồi dưỡng trực tuyến đã được tiến hành song hiệu quả rất mức độ…

5. Để thực hiện thắng lợi Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đòi hỏi các cơ sở giáo dục phổ thông cần có sự rà soát, đánh giá đúng thực trạng, nhất là việc năng lực giảng dạy của đội ngũ giáo viên. Liên quan đến vấn đề này, ngày 10/02/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 458/BGDĐT-GDTH về việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, cũng như cung cấp sách giáo khoa cho các lớp 4, 8 và 11 của năm học 2023 - 2024. Đây là cơ sở quan trọng để các cơ sở giáo dục chủ động thực hiện các giải pháp nhằm đào tạo, nâng cao năng lực giảng dạy cho đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn công tác giáo dục, đào tạo.

Kể từ khi bắt đầu triển khai áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, hệ thống giáo dục phổ thông đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, chất lượng giáo dục, đào tạo không ngừng được nâng cao, tạo được sự đồng thuận của dư luận xã hội. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận cũng cho thấy, một số mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 còn chưa đạt được như kỳ vọng, quá trình triển khai thực hiện cũng còn bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, một trong những nguyên nhân cơ bản đến từ việc năng lực của đội ngũ giáo viên còn có những hạn chế nhất định.

Từ kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, năng lực giảng dạy của giáo viên phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó cốt lõi nhất vẫn là kiến thức chuyên môn và khả năng truyền tải của người giáo tới học sinh. Nhận thấy được vấn đề đó, thời gian qua, các cơ sở giáo dục phổ thông, các cấp các ngành đã quan tâm tổ chức nhiều buổi tập huấn, toạ đàm trao đổi về kỹ năng, phương pháp, nâng cao kiến thức cho giáo viên. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, vấn đề tổ chức cho giáo viên thực hành, qua đó góp phần nâng cao năng lực giảng dạy còn chưa được chú trọng đúng mức. Chính vì vậy, thông qua nghiên cứu này, tác giả mạnh dạn đề xuất một số định hướng trọng tâm nhằm nâng cao năng lực giảng dạy của giáo viên đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 cụ thể như:

Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành kế hoạch rà soát, đánh giá chất lượng giáo viên tại các cơ sở giáo dục phổ thông, đồng thời xây dựng khung tiêu chuẩn, yêu cầu về năng lực, trình độ, kỹ năng giảng dạy và các kỹ năng cần thiết khác khi tham gia giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Từ đó, đánh giá đúng chất lượng của đội ngũ giáo viên hiện có; xây dựng được chiến lược trong đào tạo, bồi dưỡng, nhất là xác định được các nội dung, vấn đề trọng tâm trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, qua đó nâng cao năng lực giảng dạy của giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông.

Thứ hai, các cơ sở giáo dục phổ thông cần phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đặc biệt chú trọng việc tổ chức đào tạo tại chỗ. Thường xuyên tổ chức các hoạt động kiểm tra, thanh tra hoạt động giảng dạy; tổ chức các toạ đàm, trao đổi nhằm chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng tổ chức giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018… Qua đó, để số giáo viên trẻ có điều kiện tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao năng lực giảng dạy. Bên cạnh đó, cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trong từng năm học, ưu tiên lựa chọn đi đào tạo, bồi dưỡng giáo viên có trình độ, năng lực, có ý thức, tinh thần trách nhiệm cao trong công tác… qua đó, tạo dựng các “nhân tố” tích cực thúc đẩy các giáo viên khác trong việc đào tạo và tự đào tạo nhằm nâng cao năng lực giảng dạy của giáo viên.

Thứ ba, cần thu hút và phát huy vai trò của phụ huynh, học sinh trong việc tham gia các hoạt động học tập, nhất là học tập ngoại khoá; đánh giá quá trình đào tạo, nhất là đối với hoạt động giảng dạy của giáo viên… Trên cơ sở đó, một mặt giúp giáo viên kịp thời có sự điều chỉnh, thay đổi về phương pháp, kỹ năng giảng dạy; thúc đẩy giáo viên nâng cao năng lực, trình độ; đồng thời, tạo được mối liên hệ, gắn kết giữa cơ sở giáo dục với phụ huynh, học sinh góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Darling-Hammond & Branford (2005), A Framework for Understanding Teaching and Learning, p. 11.

[2]. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông.

[3]. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021), Thông tư số 20/2021/TT-BGDĐT ngày 01/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung Điều 3 Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT.

[4]. Trần Thị Tuyết Oanh (2017), Phát triển năng lực dạy học cho giảng viên Đại học Sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học Giáo dục, Số 137 - tháng 2/2017.

Chu Gia Bảo

K2, Khoa Quản trị chất lượng,

Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội