Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của cấp uỷ cấp huyện ở Thanh Hoá

Thứ sáu, 29/11/2024 - 09:02

Quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá qua các thời kỳ đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp, trong đó trọng tâm là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định: "Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương, ở mỗi cấp là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ gọi tắt là cấp uỷ"[1].

Cấp ủy cấp huyện là cơ quan lãnh đạo của Đảng bộ huyện giữa hai kỳ đại hội và do đại hội đảng bộ cùng cấp bầu ra. Cấp ủy cấp huyện là hạt nhân chính trị, đại biểu cho trí tuệ, năng lực và sức mạnh của đảng bộ huyện; là trung tâm của khối đoàn kết thống nhất trong đảng bộ và Nhân dân.

Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá có 31 đảng bộ trực thuộc (27 đảng bộ cấp huyện và 04 đảng bộ trực thuộc), có 1.397 tổ chức cơ sở đảng (558 đảng bộ xã, phường, thị trấn; 839 đảng bộ cơ sở, chi bộ cơ sở); có 10.495 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với 236.428 đảng viên (đứng thứ 2 cả nước, sau Thành phố Hà Nội). Quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá qua các thời kỳ đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp, trong đó trọng tâm là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hoá để thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020 - 2025) tiếp tục xác định một trong những chương trình trọng tâm trong nhiệm kỳ là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; tạo chuyển biến rõ nét trong sắp xếp tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ.

Dưới sự lãnh đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ đạt kết quả rõ nét, năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh nói chung và các cấp uỷ cấp huyện nói riêng được nâng lên. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm làm ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh nói chung, các cấp uỷ, tổ chức đảng nói riêng.

Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của cấp uỷ cấp huyện theo Quy định số 202-QĐ/TW, ngày 02/8/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) "về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của cấp uỷ, ban thường vụ, thường trực cấp uỷ cấp huyện", đòi hỏi khách quan phải xác định rõ nội dung nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của cấp uỷ cấp huyện, trên cơ sở đó có những chủ trương, giải pháp thực hiện đột phá, mang tính khả thi. Theo đó, nội dung nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của cấp ủy cấp huyện bao gồm những nội dung sau chủ yếu:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các chủ thể về sự cần thiết phải nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của cấp ủy cấp huyện

Nâng cao nhận thức đầy đủ, đúng đắn, toàn diện của các chủ thể (Bí thư cấp ủy, thường trực, thường vụ cấp ủy, mỗi cấp ủy viên cấp huyện và cấp ủy cấp trên…) về vị trí, vai trò của cấp ủy cấp huyện; về sự cần thiết phải nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của cấp ủy cấp huyện. Chỉ có nhận thức đầy đủ, đúng đắn, toàn diện thì các chủ thể nhất là cấp ủy cấp trên định hướng, đề ra các giải pháp, hoàn thiện thể chế, ban hành các quy chế, quy định, phân cấp, phân quyền… để cấp ủy cấp huyện phát huy tối đa vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị ở địa phương. Đồng thời, mới phát huy hết khả năng của mỗi chủ thể đối với việc nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của cấp ủy cấp huyện, lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Thứ hai, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực, uy tín của đội ngũ cấp ủy viên cấp huyện

Cấp ủy cấp huyện là hạt nhân lãnh đạo, đại biểu cho trí tuệ, trung tâm đoàn kết của đảng bộ huyện, là cầu nối giữa các cơ quan Trung ương và cấp tỉnh với cấp cơ sở; cầu nối giữa đảng viên và quần chúng với Đảng. Sức mạnh, năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của cấp ủy được quyết định trước hết bởi phẩm chất, năng lực và uy tín của đội ngũ cấp ủy viên. Theo đó, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực và ủy tín của đội ngũ cấp ủy viên là vấn đề rất quan trọng, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, là khâu quyết định để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của cấp ủy cấp huyện. Đào tạo, bồi dưỡng vừa là yêu cầu, vừa là nhu cầu nâng cao phẩm chất, năng lực và uy tín cho đội ngũ cấp ủy viên. Bản chất của việc đào tạo, bồi dưỡng là phát triển tư duy, tầm nhìn; hoàn thiện phương pháp, kỹ năng công tác khoa học cho đội ngũ cấp ủy viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Như vậy, để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của cấp ủy cấp huyện thì vấn đề cốt yếu là phải nâng cao phẩm chất, năng lực và uy tín cho đội ngũ cấp ủy viên, đồng thời phải hoàn thiện thể chế đảm bảo cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cấp ủy viên của cấp ủy cấp huyện.

Thứ ba, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của cấp ủy cấp huyện

Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của cấp ủy cấp huyện là vấn đề quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của cấp ủy cấp huyện. Thực tiễn luôn vận động, phát triển đòi hỏi phương thức lãnh đạo, cầm quyền của cấp ủy cấp huyện cũng phải thường xuyên được đổi mới, đây là công việc hệ trọng, là yêu cầu tất yếu, khách quan, có tính quy luật, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo đảm cho mỗi tổ chức đảng và toàn Đảng luôn trong sạch, vững mạnh. Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của cấp ủy cấp huyện thực chất là toàn bộ hoạt động của cấp ủy nhằm làm cho phương thức lãnh đạo, cầm quyền của cấp ủy thay đổi theo hướng tích cực hơn, tiến bộ hơn bảo đảm cho sự lãnh đạo, cầm quyền của cấp ủy đạt kết quả cao hơn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng của địa phương trong tình hình mới. Thông qua đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của cấp ủy sẽ đảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, hiệu quả của cấp ủy cấp huyện đối với hoạt động của hệ thống chính trị và trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Thứ tư, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nguyên tắc xây dựng Đảng

Các nguyên tắc xây dựng Đảng là vấn đề có tính sống còn đối với toàn Đảng và mỗi tổ chức Đảng. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI thông qua (các nhiệm kỳ XII và XIII thống nhất giữ nguyên Điều lệ) quy định về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động như sau: "Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc: Tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật". Trong quá trình thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng, cần thấm nhuần quan điểm chỉ đạo: Kiên định và đổi mới, kế thừa và phát triển, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Kiên trì, kiên định nhưng không trở thành giáo điều, cứng nhắc; đổi mới, kế thừa và phát triển nhưng trên cơ sở giữ vững các nguyên tắc chứ không phải là vô nguyên tắc, dân chủ quá đà, lẫn lộn giữa đối tượng, đối tác… Đây là nội dung quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của cấp ủy cấp huyện.

Thứ năm, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát

Kiểm tra, giám sát là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng; các cấp ủy đảng lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát mang tính tất yếu khách quan trong công tác xây dựng Đảng với mục tiêu góp phần bảo vệ và giữ vững vai trò lãnh đạo, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, năng lực cầm quyền của tổ chức đảng; khắc phục tình trạng vi phạm các nguyên tắc xây dựng Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức cơ sở đảng không chỉ làm rõ những ưu điểm, khuyết điểm và xử lý vi phạm (nếu có) mà còn phát hiện những nhân tố mới, phát huy sự năng động, sáng tạo của tổ chức đảng, đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành công khai, dân chủ khách quan, thận trọng và chặt chẽ; giám sát phải mở rộng, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm, với phương châm lấy ngăn chặn, phòng ngừa là chính. Theo đó, công tác kiểm tra, giám sát cấp ủy cấp huyện cần được đổi mới cho phù hợp. Chức năng lãnh đạo của công tác kiểm tra, giám sát phải được đan xen ngay trong quy trình lãnh đạo, cầm quyền của cấp ủy cấp huyện, từ khâu kiểm tra, giám sát tính đúng đắn của chủ trương, nghị quyết... đến kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện. Thông qua kiểm tra, giám sát để đưa chủ trương, nghị quyết vào cuộc sống, đồng thời qua đó phát hiện những bất cập, xa rời thực tiễn của chủ trương, nghị quyết, chính sách để bổ sung, hoàn thiện kịp thời. Đặc biệt đây là phương thức hữu hiệu để phòng ngừa tham nhũng; góp phần xây dựng Đảng, xây dựng các đoàn thể, các tổ chức trên địa bàn cấp huyện trong sạch, vững mạnh; góp phần nâng cao vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

Trong giai đoạn hiện nay, để đáp ứng yêu cầu thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã xác định phương hướng chung: "Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống văn hoá, lịch sử, khát vọng thịnh vượng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Phát triển kinh tế nhanh và bền vững… Phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước"[2].

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị to lớn, nặng nề này, yếu tố tiên quyết là phải tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh nói chung, các cấp uỷ, tổ chức đảng nói riêng, trong đó cấp uỷ cấp huyện sẽ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp uỷ cấp tỉnh. Yêu cầu khách quan, cần tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của cấp huyện ở Thanh Hoá hiện nay./.

ThS. Nguyễn Xuân Anh

Khoa Xây dựng Đảng

Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị - Hành chính, H.2011, tr.9.

[2] Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá: Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Thanh Hoá - 2020, tr. 79.