Nâng cao năng lực nhận diện, phản bác của sinh viên trước những luận điệu xuyên tạc về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ hai, 26/02/2024 - 09:00

NCKH - Tóm tắt: Để thực hiện âm mưu xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng ta, các thế lực thù địch ráo riết tấn công nhiều mặt, trong đó có việc bôi đen, bịa đặt, đưa các thông tin xấu độc về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thâm độc hơn, chúng tung ra các luận điệu xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh và những đóng góp của Người đối với cách mạng Việt Nam và thế giới. Trước tình hình đó, sinh viên phải được trang bị những kỹ năng nhận diện và phản bác các quan điểm thù địch, chống phá và có luận cứ sắc bén để bác bỏ các luận điệu xuyên tạc này. Bằng các phương pháp lịch sử, phương pháp logic, thống kê và mô tả, bài viết này chỉ rõ tầm quan trọng của việc nâng cao khả năng nhận diện, phản bác các luận điệu xuyên tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh và đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng nhận diện, phản bác cho sinh viên thông qua hoạt động dạy và học tại các trường đại học hiện nay.

Từ khóa: Đấu tranh phản bác; Nền tảng tư tưởng; Quan điểm sai trái; Tư tưởng Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Theo Hoàng Phê, “Nhận diện là nhìn mặt mà nhận ra, chỉ ra người đang che giấu tên thật hay người đang cần tìm” [1] . Tuy nhiên đây chỉ là nghĩa đen của từ nhận diện, tác giả Thân Ngọc Anh (2022) có quan điểm: “nhận diện là nhìn, quan sát để nhận ra, chỉ ra đối tượng đang che giấu tung tích hay đối tượng đang cần tìm” [2] . Đặt trong nghĩa hiểu về nhận diện các luận điệu xuyên tạc, có thể hiểu, nhận diện là hiểu bản chất của vấn đề, thấy rõ sự đúng sai, phải trái, cao hơn nữa là nhận thức được âm mưu, mục đích và ý đồ sâu xa của các thế lực thù địch.

Phản bác có thể được hiểu là sử dụng lý lẽ, lập luận bao gồm cả lý luận và thực tiễn để bác bỏ, phủ nhận ý kiến, quản điểm của người khác. Xét trong nghĩa hiểu về phản bác các quan điểm thù địch, sai trái, phản bác được hiểu là sử dụng lý luận để chứng minh các quan điểm đó là sai trái; chỉ rõ âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng thù địch; tuyên truyền, thuyết phục làm cho người khác nhận thức rõ tính sai trái của các quan điểm đó.

Luận điệu xuyên tạc là những quan điểm, luận điểm không đúng, sai sự thật, mập mờ… được chủ thể là các thế lực thù địch tung ra nhằm tuyên truyền, hướng lái suy nghĩ của người tiếp nhận theo ý đồ của chúng. Hiện nay, với chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch không ngừng chống phá, công kích nền tảng tư tưởng của Đảng ta trên nhiều phương diện với âm mưu chuyển hóa nội bộ chúng ta từ bên trong. Trong đó, mặt trận văn hóa - tư tưởng luôn là một trong những mũi nhọn mà các thế lực thù địch tập trung chống phá. Từ khi Bộ Chính trị Khóa XII đề ra Chỉ thị 05-CT/TW “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, chúng càng trắng trợn xuyên tạc, bóp méo, bịa đặt về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ra sức chống phá việc toàn Đảng, toàn dân ta học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Những luận điệu xuyên tạc này được xây dựng khá tinh vi, ngụy tạo dưới nhiều hình thức và bằng nhiều thủ đoạn khác nhau để tuyên truyền đến người tiếp nhận.

Trong công tác đào tạo tại các trường đại học, giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng niềm tin, lý tưởng cách mạng, củng cố lập trường tư tưởng vững vàng cho sinh viên là yêu cầu, nhiệm vụ cấp thiết. Với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng hiện nay, việc nâng cao năng lực nhận diện và phản bác các luận điệu xuyên tạc cho sinh viên là điều vô cùng quan trọng, giúp cho tự bản thân mỗi sinh viên có “sức đề kháng” trước các quan điểm thù địch, sai trái và củng cố thêm niềm tin, lý tưởng vào con đường đã chọn.

2. Nâng cao năng lực nhận diện và phản bác những quan điểm thù địch, sai trái cho sinh viên

2.1. Nâng cao năng lực nhận diện

Thực tiễn công tác giảng dạy các môn lý luận chính trị cho thấy, đại đa số sinh viên đều nhận thức được đâu là quan điểm sai trái, đâu là quan điểm chính thống. Tuy nhiên, nhận thức được đúng, sai đi đến quá trình nhận thức đúng chỗ nào? và sai chỗ nào? thì lại là vấn đề khá khó khăn với một số sinh viên. Vấn đề này có thể được lý giải bởi, sinh viên chưa có đầy đủ những kỹ năng, tri thức để nhận diện đúng bản chất thủ đoạn của các thế lực thù địch khi chúng tung ra các luận điệu xuyên tạc về Hồ Chí Minh. Do đó, quá trình giảng dạy các môn lý luận chính trị nói chung, Tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng, giảng viên cần lồng ghép để cung cấp những tri thức giúp sinh viên nhận diện rõ những khía cạnh của các luận điệu xuyên tạc do các thế lực thù địch tung ra, nội dung đó bao gồm:

Một là, nhận diện rõ chủ thể đứng sau các luận điệu xuyên tạc. Chủ thể đứng sau các luận điệu xuyên tạc là các tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi tung tin, đăng tải, phát tán, truyền bá các luận điệu xuyên tạc. Theo chúng tôi, nhóm chủ thể này có thể liệt kê thành bốn dạng đối tượng: (1) - cơ quan đặc biệt nước ngoài; (2) – những kẻ phản bội, chống phá Tổ quốc, tàn dư của chế độ cũ; (3) – những đối tượng chống phá từ trong nước, bất mãn chính trị, núp bóng dưới các chiêu bài tự do, dân chủ, nhân quyền, hoặc núp bóng đòi tự do tôn giáo, dân tộc…; (4) – những đối tượng có nhận thức kém về chính trị, tư tưởng, nhẹ dạ, cả tin, dễ hùa theo những thông tin xấu, độc. Những nhóm chủ thể này thực hiện việc truyền bá các luận điệu xuyên tạc với nhiều động cơ khác nhau, có thể là do động cơ chính trị đê hèn, thù hằn dân tộc, bất mãn cá nhân… hoặc chúng chống phá để phô trương thanh thế, nhận tiền và vật chất mà các thế lực bên ngoài chuyển về, hoặc cá biệt có đối tượng chống phá chỉ để gây sự chú ý, tăng lượt theo dõi, quan tâm trên các nền tảng mạng xã hội.

Hai là, nhận diện rõ những thủ đoạn của các thế lực thù địch. Cần trang bị cho sinh viên hiểu những thủ đoạn mà các thế lực thù địch thường dùng để xuyên tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm:

Thứ nhất, chúng tung ra những thông tin, quan điểm sai trái, bịa đặt về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cần nhận diện rõ mục đích của thủ đoạn này là tiến tới hạ thấp tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng rêu rao rằng tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là một hệ thống, chỉ là những câu nói hết sức đời thường, tản mát, không xứng đáng là một học thuyết, thậm chí chúng con thêu dệt tư tưởng Hồ Chí Minh là sự nhắc lại, sao chép. Để thực hiện thủ đoạn này, chúng trích dẫn các quan điểm của danh nhân trước đó rồi đưa ra so sánh với Hồ Chí Minh. Từ đó, chúng phủ nhận, vu khống những đóng góp của Người đối với cách mạng giải phóng dân tộc và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Mục đích của chúng là hạ thấp hình tượng lãnh tụ dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để các thế hệ người Việt Nam sau này không còn coi Hồ Chí Minh là linh hồn của dân tộc, là hình tượng đoàn kết, thống nhất toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ hai , các thế lực thù địch “tỏ ra” đề cao Hồ Chí Minh, thậm chí chúng còn “thần thánh hóa”, “thổi phồng” tư tưởng Hồ Chí Minh, tạo sự đối lập giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin. Bản chất thủ đoạn của chúng là thổi phồng nhưng thực ra đang hạ thấp tư tưởng Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch còn dùng chính tấm gương, đạo đức, những câu chuyện của Người để so sánh, đối chiếu, làm cớ phê phán đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay. Cần nhận thức rõ thủ đoạn thâm độc này để hiểu rõ đâu là phản biện xã hội với lợi dụng chống phá.

Thứ ba, chúng nhân danh những nhà nghiên cứu, bình luận “khách quan, trung lập” về các sự kiện và cung cấp những thông tin “giật gân”, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm thu hút sự quan tâm, theo dõi của nhiều người tò mò, thiếu hiểu biết. Thâm độc hơn cả là chúng lựa chọn thời điểm đăng tin vào những dịp lễ lớn, ngày kỷ niệm đặc biệt như: ngày Quốc khánh (2/9), ngày thành lập Đảng (3/2), ngày Đất nước thống nhất (30/4)… hoặc các sự kiện đặc biệt như Lễ kỷ niệm ngày sinh của Người (19/5/1890), kỷ niệm ngày Người ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911), ngày Bác Hồ về nước (28/01/1941)… Trước những ngày này, chúng dẫn thông tin và cắt ghép tinh vi, xảo quyệt, hướng lái góc nhìn của người tiếp nhận theo ý đồ của chúng. Chẳng hạn, Ví dụ, chúng cắt ghép các đoạn clip từ phim tài liệu do kênh Biography của Mỹ để đưa ra phỏng đoán về việc Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước vào năm 1911, về mục đích Người viết đơn xin học tại trường Thuộc địa… với mục đích xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bốn là, chúng “gài” những thông tin sai lệch gắn vào đó là những nội dung chính xác làm cho người tiếp nhận khó phân biệt đúng sai, từ đó tin vào những thông tin bịa đặt mà chúng cung cấp. Thâm độc hơn, chúng tích cực xây dựng, chỉnh sửa, tạo ra những minh chứng, chứng cứ giả mang tính xuyên tạc về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chúng sử dụng chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”, nhắc đi nhắc lại những thông tin không chính xác và ngụy tạo trên nhiều diễn đàn, dưới nhiều góc độ để người đọc dần tin vào thông tin mà chúng cung cấp.

2.1. Nâng cao năng lực đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc

Hiện nay, các luận điệu xuyên tạc về Hồ Chí Minh được núp bóng tinh vi dưới nhiều hình thức, thủ đoạn. Tuy nhiên, điểm chung của chúng đều dựa trên các luận điểm sai trái để ngụy tuyên truyền, đánh tráo học thuật, xảo biện, cắt ghép những vấn đề cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Để có thể nâng cao năng lực phản bác những luận điệu này cho sinh viên, cần trang bị hệ thống luận cứ vững chắc. Cụ thể, cần hiểu các nhóm luận điệu chính và những luận cứ để làm vũ khí bác bỏ.

Nhóm luận điệu thứ nhất, các thế lực thù địch xuyên tạc bản chất cách mạng, khoa học của tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Các luận điệu thường tập trung công kích nền tảng lý luận bằng cách phủ nhận tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chúng cho rằng không có tư tưởng Hồ Chí Minh; Hồ Chí Minh là nhà dân tộc chủ nghĩa; chúng bịa đặt, xuyên tạc những câu chuyện tự cho là “thâm cung bí sử” để xuyên tạc về đạo đức, phong cách của Người; chúng bôi nhọ hình ảnh của Hồ Chí Minh bằng những câu văn, hình ảnh cắt ghép.

Để phản bác lại nhóm luận điệu xuyên tạc này, trong hoạt động dạy và học cần giải thích cho sinh viên hiểu rõ, đây là những luận điệu hết sức phi lý và không có căn cứ khoa học. Việc khẳng định Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng không phải là ý chí chủ quan của Đảng ta hay những nhà khoa học trong nước, mà trước đó rất nhiều công trình nghiên cứu của các học giả, nhà khoa học nước ngoài đã khẳng định vấn đề này. Muốn đánh giá Hồ Chí Minh có phải nhà tư tưởng và có hay không có tư tưởng Hồ Chí Minh, cần phải nhìn nhận và đánh giá toàn bộ những di sản mà Người để lại cũng như ảnh hưởng và tác động của những quan điểm đó đối với cách mạng Việt Nam và thế giới. V.I. Lênin đã khẳng định: “Một người xứng đáng là nhà tư tưởng khi nào biết giải quyết trước người khác tất cả những vấn đề chính trị - sách lược, các vấn đề về tổ chức, về những yếu tố vật chất của phong trào không phải một cách tự phát” [3] . Rõ ràng, Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng thiên tài, nhà lý luận kiệt xuất. Muốn hiểu tư tưởng của Người cần phải nhìn vào nội dung và ý nghĩa cao cả của nó. Bởi đối tượng mà Người muốn truyền tải là quần chúng nhân dân nên phong cách diễn đạt của Người hướng đến sự đơn giản, ngắn gọn, rõ ràng. Ở Hồ Chí Minh thể hiện sự thống nhất giữa tư tưởng, đạo đức và phong cách; giữa lý luận và thực tiễn; giữa tri và hành; giữa lời nói và việc làm. Bởi vậy, có thể hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh với ý nghĩa là “học thuyết”, là một hệ thống những luận điểm, quan điểm về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam được xây dựng trên nền tảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, đại biểu cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, được hình thành theo đúng quy luật phát triển và trở lại chỉ đạo hoạt động thực tiễn, cải tạo hiện thực.

Với những luận điệu xuyên tạc cho rằng Hồ Chí Minh là nhà dân tộc chủ nghĩa hoặc cho rằng Người sử dụng chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ để đạt được mục đích giải phóng dân tộc, giảng viên cần giải thích để sinh viên hiểu rằng những kẻ tung ra luận điệu này muốn nhắm tới việc phủ nhận tính cách mạng, khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh, muốn tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi chủ nghĩa Mác - Lênin. Quá trình ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin sau khi trải qua nghiên cứu, “sàng lọc” rất nhiều các quan điểm chính trị, tư tưởng đương thời. Sống trong lòng các nước tư bản phát triển nhất thời đó như Anh, Pháp, Mỹ, tiếp xúc với các học thuyết tư sản, nghiên cứu các cuộc cách mạng tư sản nhưng Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra đằng sau những khẩu hiệu hào nhoáng là những bất công, đau khổ của nhân dân lao động. Bởi vậy, chỉ đến khi gặp được chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh mới tin và đi theo con đường của Lênin, bởi đó là cách duy nhất đạt được hai mục tiêu: giải phóng dân tộc và đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Do đó, mọi quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh về sau này đều được xây dựng trên nền tảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam. Những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa thế giới được Người tiếp thu trên mảnh đất màu mỡ của chủ nghĩa Mác - Lênin đã được phát triển lên một tầm cao mới như chủ nghĩa dân tộc chân chính được xây dựng trên lòng yêu nước; tinh thần đoàn kết của dân tộc trở thành chiến lược đại đoàn kết… Tuy nhiên, nên hiểu rõ, việc tiếp thu không phải là sự sao chép, bắt chước, góp nhặt như các thế lực thù địch thường tuyên truyền. Hồ Chí Minh tiếp thu có sự chọn lọc và phát triển. Người cho rằng, để kế thừa những cái hay trong tư tưởng các bậc tiền bối cần theo phương pháp Lênin: “Chỉ có những người cách mạng chân chính mới thu hái được những điều hiểu biết quý báu của các đời trước để lại. Lênin dạy chúng ta như vậy” [4] .

Nhóm luận điệu thứ hai, các thế lực thù địch phủ nhận sức sống, giá trị và tính bất diệt của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chúng cho rằng tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh đã lỗi thời, phong cách Hồ Chí Minh không còn phù hợp, từ đó cho rằng việc Bộ Chính trị đề ra Chỉ thị 05-CT/TW là sai lầm, sẽ không có kết quả.

Để có luận cứ vững chắc phản bác nhóm luận điệu này, sinh viên cần hiểu rõ về sức sống, giá trị và tính thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh. Các thế lực thù địch ngụy biện xuyên tạc bằng cách đánh đồng hai khái niệm “học tập” và “bắt chước”. Chúng cho rằng, học tập Hồ Chí Minh thì phải “bắt chước” giống Người, từ hình thức ăn mặc đến lời nói, việc làm, lối sống. Chúng ta học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người không phải là rập khuôn, máy móc mà phải biết vận dụng, kế thừa và sáng tạo. Ở đây, phản bác lại những luận điệu này cần hiểu rõ giá trị bền vững và trường tồn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với xây dựng Đảng, xây dựng văn hóa – xã hội và phát triển đất nước ta hiện nay. Tư tưởng Hồ Chí Minh nằm trong hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, đó là một hệ thống mở, như Ph. Ăngghen đã viết vào năm 1887: “Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lặp lại một cách máy móc” [5] .

Về việc phủ nhận giá trị đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các thế lực cho rằng với cuộc sống hiện đại ngày nay, những quan niệm đạo đức đó đã lạc hậu, lỗi thời, hủ cựu… Sự thật là, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên sức sống và giá trị thời đại, bởi bản chất cách mạng, khoa học và nhân văn của chính những quan niệm đạo đức đó. Phong cách Hồ Chí Minh phản ánh những giá trị cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức của Người và được thể hiện vô cùng sinh động, tự nhiên, độc đáo, có sức thu hút, cảm hóa kỳ diệu trong hoạt động, ứng xử hằng ngày. Giá trị thời đại trong đạo đức và phong cách của Người còn được đánh giá cao bởi sự kết hợp hài hòa giữa bản sắc dân tộc với tính cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, phù hợp với xu thế vận động, phát triển của thời đại. Đạo đức và tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung, trước sau như một của Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam và nhân loại.

Bên cạnh đó, thực tiễn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo nên những chuyển biến và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa ban hành Báo cáo số 03-BC/TW ngày 20/8/2021 về sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trong đó, nhấn mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, đóng góp quan trọng vào xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao giá trị đạo đức của toàn xã hội, lan tỏa những điều tốt đẹp. Thời gian tới, toàn Đảng, toàn dân tiếp tục triển khai việc thực hiện Kết luận 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị Khóa XIII. Đây là những căn cứ phản bác rõ rệt nhất luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về hiệu quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiện nay.

3. Kết luận

Trong hoạt động dạy và học, việc lồng ghép nội dung đấu tranh, phản bác các quan điểm thù địch sai trái theo tinh thần của Nghị quyết Số 35/CT-TW là yêu cầu vô cùng quan trọng, như Nghị quyết Đại hội XIII cũng đã đặt ra yêu cầu: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” [6] , coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng để xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng. Vì lẽ đó, việc nâng cao năng lực nhận diện và phản bác cho sinh viên là yêu cầu cần thiết trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ sự trong sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, tạo niềm tin cho mỗi sinh viên quyết tâm vững bước theo con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn../.

Đại úy, Th.S Hà Tiến Linh

Tài liệu tham khảo

1. Thân Ngọc Anh (2022), Nâng cao hiệu quả nhận diện, đấu tranh của giảng viên lý luận chính trị đối với luận điệu xuyên tạc về Hồ Chí Minh, Tạp chí Khoa học chính trị, Số 3/2022, Tr. 47-52.

2. C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 36, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, 2, Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội.

4. Võ Nguyên Giáp (2006 – Chủ biên), Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam , Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5. Hồ Chí Minh (2011), T oàn tập , tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia , Hà Nội.

6. Hội đồng lý luận trung ương (2017), Phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về chính trị trong nước, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

7. Hà Tiến Linh (2022), Nhận diện và phê phán những quan điểm sai trái, chống phá việc học tập và làm theo tư tưởng, dạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiện nay, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Giá trị đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh đối với công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam hiện nay”, Nxb. Tài Chính, Hà Nội.

8. Nguyễn Văn Ngọc (2020), Quan điểm, định hướng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Tạp chí Khoa học và Giáo dục an ninh, (Số 16, 12/2020), 7-18.

9. Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Thắng, Nguyễn Ngọc Toàn (Đồng chủ biên, 2021), Công an nhân dân đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.


[1] Hoàng Phê (2017): Từ điển Tiếng Việt , Nxb. Đà Nẵng, Hà Nội, Tr. 712.

[2] Thân Ngọc Anh (2022): Nâng cao hiệu quả nhận diện, đấu tranh của giảng viên lý luận chính trị đối với luận điệu xuyên tạc về Hồ Chí Minh, Tạp chí Khoa học chính trị , Số 3/2022, Tr. 48.

[3] Võ Nguyên Giáp (2016 – Chủ biên): Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam , Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.72-73.

[4] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập , Nxb. Chính trị quốc gia, t.6, tr.46.

[5] C.Mác và Ph.Ăngghen (1995): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.36, tr.796.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội, t.2, tr.234.

Khoa LLCT&KHXHNV – Học viện An ninh Nhân dân