Nâng cao năng lực tiếp nhận và xử lý thông tin của giảng viên trẻ ở các nhà trường quân đội hiện nay

Thứ hai, 17/06/2024 - 08:00

NCKH - Nâng cao năng lực tiếp nhận và xử lý thông tin của giảng viên trẻ ở các nhà trường quân đội trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay là vấn đề vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, có ý nghĩa quyết định đến nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của các nhà trường quân đội. Do đó, cần có sự thống nhất và đồng bộ trong các khâu, các bước tổ chức thực hiện, nhằm phát huy sự sáng tạo của đội ngũ giảng viên trẻ trong phát triển năng lực của tự bản thân nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo của quân đội trong tình hình mới.

Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học - công nghệ, sự bùng nổ của dịch vụ internet và mạng xã hội đã cho phép người dùng tiếp nhận, chọn lọc và sử dụng thông tin một cách hiệu quả, vượt qua trở ngại về không gian, thời gian. Thông tin đã thực sự trở thành nguồn lực to lớn của sự phát triển của đất nước nói chung và lĩnh vực giáo dục - đào tạo nói riêng. Việc nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên trẻ trong các nhà trường quân đội bằng cách khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn thông tin, đang là một nhu cầu cần thiết của ngành giáo dục đào tạo đặc biệt trong các nhà trường quân đội. Thông tin là một hoạt động quan trọng không thể thiếu của lĩnh vực nghiên cứu khoa học và giáo dục - đào tạo. Nếu tiếp nhận được những nguồn thông tin, những nguồn dữ liệu và xử lý nó một cách khoa học, chính xác thì chúng ta sẽ giải quyết được nhiều vấn đề bức thiết của thực tiễn.

1. Hoạt động tiếp nhận và xử lý thông tin của đội ngũ giảng viên đội ngũ giảng viên trẻ trong các nhà trường quân đội hiện nay

Hoạt động thu thập và tìm kiếm thông tin thông qua các kênh thông tin khác nhau, bằng các cách thức khác nhau. Đây là giai đoạn đầu của quá trình tiếp nhận và xử lý thông tin. Nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng là khởi điểm của quá trình nhận thức của chủ thể tiếp nhận và xử lý thông tin. Thông tin được chủ thể tiếp nhận đóng vai trò là chất liệu “đầu vào” của quá trình nhận thức, nếu thiếu nó sẽ không thể tạo tri thức cho chủ thể và người giảng viên không thể hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy của mình.

Hoạt động tổng hợp, phân tích, sàng lọc và cải biến các nguồn thông tin, dữ liệu đã tìm kiếm và chuyển hóa thành phẩm chất, năng lực, trí tuệ của chủ thể là giảng viên trẻ trong các nhà trường quân đội. Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả của quá trình tiếp nhận và xử lý thông tin. kết quả của giai đoạn này phục thuộc vào cả hai yếu tố chất lượng nguồn thông tin “đầu vào” và năng lực nhận thức của chủ thể (năng lực tiếp nhận và xử lý thông tin).

Hoạt động truyền tải những tri thức đã được tiếp nhận và xử lý của chủ thể cho người học thông qua quá trình dạy học. Đây là giai đoạn cuối kết thúc một quá trình tiếp nhận và xử lý thông tin của người giảng viên. Những tri thức khoa học được hình thành sau quá trình tiếp nhận và xử lý của chủ thể với tư cách là nguồn thông tin đầu ra (thông tin tri thức), nó là nguồn chất liệu quan trọng giúp cho người giảng viên trong thiết kế bài giảng, thực hành giảng và đánh giá kết quả giảng dạy các môn lý luận chính trị.

Hiện nay, đội ngũ giảng viên trẻ trong quân đội, với tính cách là chủ thể của hoạt động giảng dạy (tiếp nhận và xử lý thông tin), họ đã được đào tạo trải qua các bậc học khác nhau ở các nhà trường trong và ngoài Quân đội. Đội ngũ giảng viên cơ bản đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, đáp ứng nhiệm vụ giảng dạy theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Đội ngũ giáo viên được đào tạo đúng, đủ chuyên ngành, có trình độ học vấn sau đại học đạt tỷ lệ theo quy định của Bộ Giáo dục - đào tạo, có kinh nghiệm, tay nghề sư phạm được rèn luyện trải qua kinh nghiệm thực tế lãnh đạo, chỉ huy tương đương và cao hơn đối tượng người học. Họ không ngừng học tập nâng cao trình độ mọi mặt, ngày càng hoàn thiện hơn nhân cách của người thày, có tri thức, trình độ sư phạm, kinh nghiệm trong truyền thụ kiến thức cho học viên.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực trên vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế gây khó khăn cho quá trình tiếp nhận, xử lý và truyền tải thông tin của đội ngũ giảng viên trẻ trong các nhà trường quân đội. Một số giảng viên trẻ chưa thực sự tận tụy với công việc, trình độ năng lực sư phạm còn hạn chế…một số bài giảng còn trùng lặp, chậm khắp phục. Trong giảng dạy, việc đổi mới phương pháp còn hạn chế, chưa thực sự chú trọng gắn việc truyền thụ tri thức với việc hoàn hiện tác phong công tác, khả năng phán đoán, xử lý các tình huống của thực tiễn đặt ra; trình độ ngoại ngữ và tin học của một số giảng viên trẻ vẫn còn hạn chế nhất định.

2. Một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao năng lực tiếp nhận và xử lý thông tin của giảng viên trẻ trong các nhà trường quân đội hiện nay

Một là, không ngừng gia tăng số, chất lượng thông tin phục vụ quá trình giảng dạy của giảng viên trẻ

Thông tin là điều kiện để phát triển tư duy lý luận khoa học của người cán bộ giảng viên lý luận, là chất liệu làm nên một bài giảng lý luận. Giá trị của thông tin được khẳng định bằng sự chuyển hóa thành phẩm chất, năng lực và trí tuệ của người dạy và người học. chính vì vậy, không ngừng gia tăng số, chất lượng thông tin phục vụ quá trình giảng dạy là một giải pháp cơ bản, quan trọng hàng đầu nhằm tạo ra những điều kiện khách quan thuận lợi, trực tiếp cho chủ thể tiếp nhận thông tin, góp phần nâng cao năng lực tiếp nhận và xử lý thông tin của giảng viên trẻ hiện nay.

 Số lượng, chất lượng thông tin cung cấp cho chủ thể tư duy là yếu tố khách quan tác động trực tiếp đến quá trình tiếp nhận và xử lý thông tin của người giảng viên, nhưng lại được thực hiện thông qua hoạt động của con người. Số lượng, chất lượng thông tin được biểu hiện ở tính phong phú, đa dạng, đa chiều, tính khách quan, khoa học, chính xác, chân thực kịp thời của thông tin. Số lượng, chất lượng thông tin phụ thuộc vào trình độ phát triển của xã hội loài người, phụ thuộc vào tính chất, trình độ của công nghệ thông tin mà xã hội và con người đạt được. Đồng thời chịu sự quy định, chi phối của điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội.

Hai là, tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy đáp ứng với mục tiêu yêu cầu đạo tạo

Trước yêu cầu mới của tình hình nhiệm vụ giáo dục và đào tạo ở các nhà trường quân đội hiện nay, đòi hỏi công tác giảng dạy phải bảo đảm tính khoa học, sức thuyết phục cao, có nội dung sâu rộng và thiết thực giải đáp các vấn đề mới mà thực tiễn đặt ra. Do đó, cần phải đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học. Trong đó, đổi mới phương pháp dạy học nói chung, phương pháp dạy - học các môn lý luận nói riêng là khâu quan trọng để nâng cao chất lượng và đổi mới sao cho phù hợp với đối tượng giáo dục, đào tạo. Từ đó góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trực tiếp xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, nhân cách cho cả cán bộ, giảng viên và người học viên, nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo.

Đổi mới phương pháp dạy - học là phải không ngừng ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ thông tin, mô phỏng v.v. Đổi mới phương pháp giảng dạy là phải đặt ra yêu cầu cao cho người học, học viên phải xác định được đúng động cơ, phát huy tính tích cực, chủ động trong học tập rèn luyện, tích cực đổi mới phương pháp học tập cho phù hợp. Phương pháp học của học viên phải tương ứng với phương pháp dạy của giáo viên, cùng tuân thủ theo hướng “tích cực hoá quá trình dạy - học”.

Ba là, phát huy vai trò năng động chủ quan của đội ngũ giảng viên trẻ trong các nhà trường quân đội hiện nay.

Xuất phát từ vai trò to lớn của người giảng viên trẻ trong công tác giáo dục, đào tạo người cán bộ quân đội trong điều kiện mới. Đội ngũ giảng viên trẻ cùng với đội ngũ nhà giáo nói chung họ có vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo ở các học viện, nhà trường trong quân đội hiện nay. Mặt khác, đối với người giảng viên trẻ đòi hỏi yêu cầu cao thực hiện nguyên tắc tính đảng, tính khoa học trong quá trình giảng dạy. Nguyên tắc sự thống nhất giữa tính đảng tính khoa học xuất phát từ chính bản thân các môn học. Từ đó, người giảng viên không chỉ nắm những tri thức lý luận mà còn phải tin tưởng tuyệt đối vào hệ thống lý luận đó. Người giảng viên trẻ muốn hoàn thành được nhiệm vụ chính trị của mình là bồi dưỡng tri thức và xây dựng đạo đức cách mạng cho người học thì trước hết họ phải là những người có lập trường giai cấp vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; phải có tâm huyết chính trị, tha thiết với mục tiêu lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của Đảng. Nếu ở họ không có tâm huyết chính trị, không có tình cảm, đạo đức cách mạng trong sáng và lòng yêu nghề thực sự thì không thể bồi đắp tình cảm cách mạng, định hướng chính trị đúng đắn cho người học. Đây là một đòi hỏi cao mang tính đặc thù của giảng viên trẻ trong quân đội nói riêng.

Thông tin là một hiện tượng, một thuộc tính khách quan, phổ biến của thế giới vật chất và đóng vai trò quan trọng trong sự sinh tồn của sự sống. Phản ánh, thông tin và tri thức có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, mối quan hệ chứa đựng sự đồng nhất trong khác biệt. Mối quan hệ này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong phát triển nhận thức của con người đối với các sự vật hiên tượng và các quá trình xã hội. Hoạt động giảng dạy các môn trẻ là một hoạt động mang tính đặc thù cao do vậy thông tin của người giảng viên cũng biểu hiện những đặc điểm riêng của nó. Đặc điểm thông tin của người giảng viên trẻ phản ánh tính mục đích, tính đảng, tính giai cấp, khoa học, sáng tạo và chính xác cao, tính thông báo, thời sự, định hướng và dự báo của thông tin. Những đặc điểm đó đã phản ánh những nét đặc trưng của quá trình tiếp nhận và xử lý thông tin của người giảng viên trẻ. Kết quả của quá trình tiếp nhận và xử lý thông tin của giảng viên là kết quả của quá trình phản ánh, biến đổi, chuyển hóa “cái đa dạng” của thế giới khách quan (thông tin) thành phẩm chất, năng lực, trí tuệ cho người dạy và người học.

Chất lượng, hiệu quả của quá trình này phụ thuộc vào cả yếu tố khách quan và chủ quan. Trong đó, năng lực tiếp nhận và xử lý thông tin (năng lực tư duy lý luận khoa học) của giảng viên là yếu tố trực tiếp tham gia và ảnh hưởng lớn đến quá trình. Cả yếu tố khách quan (số lượng, chất lượng nguồn tin; mục tiêu, yêu cầu, chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy) và chủ quan (vai trò năng động của chủ thể) trong nâng cao chất lượng, hiệu qủa quá trình tiếp nhận và xử lý thông tin của giảng viên trẻ trong các học viện, nhà trường quân đội hiện nay đều đặt ra những mâu thuẫn cần được giải quyết.

Nguyễn Tuấn Anh

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Chính trị (2005), Nghị quyết số 51 /NQ-TW “Về việc hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thựchiện chế độ chính uỷ, chính trị viên trong QĐNDVN”, Hà Nội.

2. Đảng uỷ Quân sự Trung ương (2013), Nghị quyết Số /NQ - ĐUQSTƯ "về công tác giáo dục - đào tạo trong tình hình mới ”, Hà Nội.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

 

 Khoa Triết học Mác - Lênin, Trường Đại học Chính trị