Nâng cao nhận thức cho thanh niên về tiếp cận thông tin

Thứ tư, 04/09/2024 - 10:48

1. Đặt vấn đề: Tiếp cận thông tin là một quyền của con người và được pháp luật nhân quyền quốc tế ghi nhận. Ở Việt Nam, quyền tiếp cận thông tin được quy định tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định"[1].

Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, khoản 1 và 2 Điều 2 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 quy định: "Thông tin là tin, dữ liệu được chứa đựng trong văn bản, hồ sơ, tài liệu có sẵn, tồn tại dưới dạng bản viết, bản in, bản điện tử, tranh, ảnh, bản vẽ, băng, đĩa, bản ghi hình, ghi âm hoặc các dạng khác do cơ quan nhà nước tạo ra"; "Thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra là tin, dữ liệu được tạo ra trong quá trình cơ quan nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, được người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước đó ký, đóng dấu hoặc xác nhận bằng văn bản" và "tiếp cận thông tin là việc đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp thông tin"[2].

Thực tiễn hiện nay cho thấy, những thông tin không chính thống, xấu – độc vẫn tồn tại trong "biển" thông tin đa dạng của bối cảnh xã hội số. Có thông tin đúng lại bị dư luận nghi hoặc, nhưng cũng có thông tin sai lại được cộng đồng tiếp nhận, bày tỏ sự ủng hộ, đồng thuận. Điều này ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc, hành động của thanh niên khi tiếp cận thông tin. Chính vì vậy, bài viết tập trung tìm hiểu về thực trạng nhận thức của thanh niên về tiếp cận thông tin, những khó khăn, hạn chế của thanh niên trong quá trình tiếp cận thông tin, trên cơ sở đó, đề xuất một số khuyến nghị nhằm nâng cao nhận thức và khả năng tiếp cận thông tin của thanh niên.

Bài viết dựa trên số liệu cuộc điều tra nhu cầu và điều kiện tiếp cận thông tin của thanh niên hiện nay của Viện Nghiên cứu Thanh niên, cuộc điều tra được thực hiện với 800 mẫu thanh niên tại 4 địa bàn có tính đại diện về khu vực, vùng miền cụ thể gồm: Lạng Sơn, Hải Phòng, Thanh Hóa, Cần Thơ.

2. Nội dung bàn luận

2.1. Nhận thức về quyền, nghĩa vụ trong tiếp cận thông tin

2.1.1. Nhận thức về quyền

Quyền tiếp cận thông tin là quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người của Liên hợp quốc năm 1948; được ghi nhận tại Điều 25 Hiến pháp 2013 như sau: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định". Nhằm cụ thể hóa quyền này trong Hiến pháp và cùng với quá trình đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, ngày 06/4/2016, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Tiếp cận thông tin và có hiệu lực vào năm 2018.

Kết quả khảo sát cho thấy, đa số thanh niên biết mình có những quyền gì trong quá trình tiếp cận thông tin, đặc biệt chiếm tỉ lệ cao nhất trong nhóm này là thanh niên có quyền được các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời (71,7%) tiếp đến là tự do tiếp cận thông tin được cơ quan nhà nước công khai (65,8%). Bên cạnh đó thanh niên cũng nhận thức được mình có quyền khiếu nại, khởi kiện khi bị phân biệt đối xử, từ chối cung cấp thông tin hoặc thông tin được cung cấp không đầy đủ, chính xác... (48,4%) và tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin (41,6%). Bên cạnh đó, chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ (chiếm 4,2%) thanh niên không biết bản thân có những quyền gì trong quá trình tiếp cận thông tin.

Biểu 1. Nhận thức của thanh niên về quyền tiếp cận thông tin (%)

2.1.2 Về nghĩa vụ khi tiếp cận thông tin

Bên cạnh việc tìm hiểu quyền của thanh niên trong quá trình tiếp cận thông tin, cuộc điều tra tìm hiểu về nghĩa vụ của thanh niên trong khi tiếp cận thông tin, kết quả cho thấy, đa số thanh niên hiểu đúng về nghĩa vụ của mình khi tiếp cận thông tin, thanh niên cần phải tuân thủ quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin (76,0%), không được làm sai lệch nội dung thông tin đã được cung cấp (62,3%); Không sử dụng thông tin được cung cấp nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây kỳ thị về giới, gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, tổ chức (61,9%) đồng thời không chia sẻ, lan truyền thông tin chưa rõ nguồn gốc (60,7%).

Bên cạnh đó, thanh niên cũng nhận thức được cần phải có nghĩa vụ không sử dụng thông tin được cung cấp chống lại nhà nước, phá hoại chính sách đoàn kết, kích động bạo lực (57,6%) và sử dụng thông tin được cung cấp theo đúng lý do, mục đích khi yêu cầu (49,7%).

Biểu 2. Nghĩa vụ của thanh niên trong quá trình tiếp cận thông tin (%)

Có sự khác biệt trong nhận thức của thanh niên về nghĩa vụ khi tiếp cận thông tin giữa các địa bàn khảo sát. Ở hầu hết các nghĩa vụ cuộc khảo sát đưa ra thanh niên thành phố Hải Phòng, Lạng Sơn lựa chọn cao hơn thanh niên thành phố Cần Thơ, Thanh Hóa, cụ thể như thanh niên cần phải có nghĩa vụ không làm sai lệch nội dung thông tin đã được cung cấp, tỉ lệ này lần lượt là (72,3%; 66,1%) – (57,6%; 54,1%); Sử dụng thông tin được cùng cấp theo đúng lý do, mục đích khi yêu cầu (54,4%; 58,6%) – (48,7%; 37,8%)…..

2.2.. Nhận thức của thanh niên về những thông tin xấu, độc, tác động tiêu cực đến nền tảng tư tưởng của Đảng và hành động của thanh niên

Cùng với sự bùng nổ thông tin như hiện nay và sự tồn tại song song của những thông tin không chính thống, sai lệch thực tế, mang tính chất tiêu cực, kích động… (những thông tin xấu, độc), bên cạnh việc tìm hiểu nhận thức của thanh niên về quyền và nghĩa vụ trong quá trình tiếp cận thông tin, bài viết còn tìm hiểu thêm nhận thức của thanh niên về những thông tin xấu, độc tác động tiêu cực đến nền tảng tư tưởng của Đảng và sự tham gia của thanh niên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Những năm gần đây, các hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lực lượng đoàn viên, thanh niên diễn ra rất tích cực, sôi nổi. Thanh niên đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Vai trò này bao gồm: có nhận thức đúng đắn, truyền bá và giải thích đúng, rõ nét những tư tưởng, chủ trương, chính sách của Đảng đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối với thanh niên. Thanh niên cần phải hiểu rõ, học tập và tuyên truyền đúng tư tưởng của Đảng, từ đó đóng góp vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Kết quả khảo sát cho thấy, đa số thanh niên tham gia khảo sát đã có nhận thức đúng đắn về các thông tin có tác động tiêu cực đến nền tảng tư tưởng của Đảng. Cụ thể theo kết quả điều tra, đa số thanh niên lựa chọn những thông tin vê phê phán, xuyên tạc, phủ định những luận điểm, quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách đã được thực tiễn khẳng định của Đảng, của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (78,3%); Phê phán, xuyên tạc, phủ định, đòi sửa đổi những điều khoản, những quy định vẫn còn phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước trong Hiến pháp, pháp luật của đất nước (61,8%); Xuyên tạc sự thật về các vấn đề, sự kiện, sự cố có tính thời sự trong nước và trên thế giới (52,5%); Phê phán, phủ định những luận điểm, quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách chưa được thực tiễn khẳng định của Đảng, của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (48,9%) có tác động tiêu cực đến nền tảng tư tưởng của Đảng.

Bên cạnh đó, có hơn 1/3 số thanh niên tham gia khảo sát cũng nhận thức được các thông tin phủ định, hạ thấp ý nghĩa của các giá trị lịch sử của dân tộc, những thành quả cách mạng của đất nước (44,7%); Phủ định, hạ thấp ý nghĩa, giá trị của các thành tựu, ưu điểm trong công tác lãnh đạo, điều hành đất nước (46,5%); Xuyên tạc, vu cáo, bịa đặt, nói xấu đời tư của người khác (39,8%)... cũng là những thông tin xấu, độc có tác động tiêu cực đến nền tảng tư tưởng của Đảng.

Kết quả này cho thấy, thanh niên tham gia khảo sát có nhận thức đúng đắn về các thông tin có tác động tiêu cực đến nền tảng tư tưởng của Đảng, việc có nhận thức đúng về các thông tin xấu, độc để tránh bị lôi kéo, kích động là rất quan trọng bởi thanh niên là tầng lớp cần phải hăng hái nhất, dũng cảm nhất,kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, hành động nguy hiểm của các thế lực xấu, thù địch.

Biểu 3. Nhận thức của thanh niên về thông tin tác động tiêu cực đến nền tảng tư tưởng của Đảng (%)

Bên cạnh việc tìm hiểu nhận thức của thanh niên về các thông tin tác động tiêu cực đến nền tảng tư tưởng của Đảng, cuộc điều tra tìm hiểu thêm về phản ứng, hành động và sự tham gia của thanh niên khi phát hiện những tin, bài chứa đựng thông tin, quan điểm sai trái, kết quả khảo sát cho thấy, nhóm hoạt động chiếm tỉ lệ cao nhất được thanh niên lựa chọn là đọc và báo cáo về bài viết, cụ thể như:

- Báo cáo về các bài viết (43,0%);

- Báo cáo về trang đăng bài viết (41,4%);

- Đọc kỹ tìm ra những luận điểm sai trái trong bài viết (40,9%)

- Đọc kỹ để nắm được thông tin (35,3%).

- Phản ánh, báo cáo các cơ quan chức năng (28,7%)

Tiếp đến là nhóm hoạt động liên quan đến viết bài phản bác, cụ thể như:

- Bình luận nêu quan điểm phản bác (16,0%)

- Đăng tải nội dung cảnh báo mọi người trên trang bạn (12,0%)

- Đăng tải nội dung phản bác trên trang bạn (9,0%)

- Nghiên cứu tham gia viết bài phản bác (6,0%)

Tuy nhiên, vẫn còn có tỉ lệ nhỏ thanh niên tham gia khảo sát có thái độ tiêu cực khi chọn phương án lựa chọn thích, bình luận, chia sẻ cổ vũ về bài viết (12,7%) hay không làm gì (6,4%).

Tìm hiểu thêm về hành động của thanh niên khi tiếp nhận những bài viết/thông tin mang tính chính thống tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên không gian mạng, qua điều tra cho thấy đa số thanh niên lựa chọn thích (59,0%) và chia sẻ thông tin với bạn bè, đồng nghiệp, người thân (56,9%) hay như lưu trữ lại để sử dụng khi cần thiết (44,1%). Tuy nhiên, bên cạnh những hành động đúng, tích cực, vẫn còn có tỉ lệ không nhỏ thanh niên còn thờ ơ khi lựa chọn chỉ xem lướt (16,0%) hoặc ít khi đọc/xem (8,6%).

Biểu 4. Sự tham gia của thanh niên khi tiếp nhận những bài viết/thông tin tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên không gian mạng (%)

Kết quả này cho thấy, cần tiếp tục tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng cho thanh niên về việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trang bị kỹ năng nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và các kỹ năng đấu tranh phản bác; kỹ năng thu thập, xử lý thông tin, kỹ năng viết bài báo, tạp chí, biên tập tin… để thanh niên hiểu đúng, hiểu đủ và ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

2.3. Những khó khăn, hạn chế của thanh niên trong quá trình tiếp cận thông tin

Kết quả khảo sát cho thấy, khó khăn lớn nhất mà thanh niên gặp phải khi tiếp cận thông tin là việc cung cấp thông tin, chiếm tỉ lệ cao nhất trong nhóm này là việc công khai thông tin chưa thực hiện đầy đủ, thông tin công khai còn chậm, chưa kịp thời (57,6%), có quá nhiều nguồn tin chưa chính thống, chưa kiểm chứng trên mạng xã hội, internet (37,5%) gây khó khăn cho thanh niên trong quá trình tiếp cận thông tin.

Biểu 5. Những khó khăn, hạn chế của thanh niên trong quá trình tiếp cận thông tin (tỉ lệ %)

Thanh niên còn cho rằng họ gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin là việc quy trình cung cấp thông tin theo yêu cầu còn nhiều thủ tục phức tạp (31,8%), phạm vi thông tin được công khai, hình thức công khai, quy trình, thủ tục tiếp nhận… chưa được thực hiện thống nhất (32,4%).

Ngoài ra, thanh niên xác định các yếu tố từ phía bản thân thanh niên như việc thanh niên chưa hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ tiếp cận thông tin (38,1%) hay thanh niên không có đủ phương tiện, điều kiện để tìm hiểu thông tin cũng là những khó khăn mà thanh niên đang gặp phải trong tiếp cận thông tin.

Bên cạnh các yếu tố chủ quan từ phía con người, các yếu tố về điều kiện cơ sở vật chất như cơ sở vật chất trang thiết bị máy tính, mạng internet...phục vụ cung cấp thông tin chưa đáp ứng yêu cầu cũng khiến thanh niên gặp khó khăn nhất định trong tiếp cận thông tin.

3. Đề xuất khuyến nghị

Để nâng cao nhận thức và tăng khả năng tiếp cận thông tin của thanh niên cần tập trung một số biện pháp sau:

3.1. Đối với Nhà nước

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định về quyền tiếp cận thông tin của công dân. Trong đó tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về quyền tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật. Các cơ quan nhà nước cần xác định rõ, đúng phạm vi, vai trò, mục đích, ý nghĩa của việc thực thi "Quyền tiếp cận thông tin" là một trong những quyền cơ bản quan trọng của công dân. Bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân là điều kiện cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Các cơ quan nhà nước cần xác định nhiệm vụ đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, gắn với quán trình thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Lấy người dân là mục tiêu, là thước đo hiệu quả hoạt động của cơ quan mình.

Cầnrà soát các văn bản có nội dung liên quan đến việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân như: việc đảm bảo tính minh bạch, công khai, dân chủ trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; quyền được thông tin về pháp luật, trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; quyền giám sát, quản lý xã hội của người dân ở cơ sở…

Các cơ quan, đơn vị nhà nước phải thường xuyên cập nhật Danh mục thông tin phải được công khai và đăng tải Danh mục trên Cổng thông tin điện tử, thường xuyên cập nhật và công khai thông tin theo đúng thời điểm, thời hạn và hình thức theo Danh mục.

3.2 Đối với tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tiếp cận thông tin để Luật đến được với thanh niên. Trong đó chú trọng tuyên truyền cho thanh niên hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ công dân khi tiếp cận thông tin, các cách thức tiếp cận thông tin, các hành vi bị nghiêm cấm khi tiếp cận thông tin, những thông tin thanh niên được tiếp cận, thôn tin không được tiếp cận, những thông tin được tiếp cận có điều kiện, những hành thức xử lý vi phạm...Các hình thức, biện pháp tuyên truyền cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo, chú ý đến đặc trưng khu vực, vùng miền, phù hợp với các đối tượng thanh niên. Chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại, hình thức tuyên truyền mới, phù hợp với thị hiếu thanh niên.

Tăng cường trang bị kiến thức, kỹ năng cho thanh niên để tăng khả năng tiếp cận thông tin chothanh niên. Bên cạnh việc tiếp tục trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tiếp cận thông tin. Cần tăng cường trang bị các kiến thức, kỹ năng về cách thức để tiếp cận thông tin, các hành vi bị nghiêm cấm trong cung cấp, tiếp cận thông tin, trách nhiệm và phạm vi của các cơ quan trong việc cung cấp thông tin, các thông tin công dân được cung cấp/ không được cung cấp/thông tin cung cấp có điều kiện hay các kỹ năng xử lý thông tin công khai không chính xác.

Các cấp bộ đoàn cần tăng cường mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số, năng lực tiếp cận thông tin cho cán bộ, đoàn viên thanh niên tham gia. Lớp tập huấn cung cấp những kiến thức, kỹ năng cơ bản về tiếp cận thông tin, về an toàn thông tin mạng, kỹ năng về phòng ngừa, cảnh giác với thông tin giả, sai sự thật; kỹ năng khai thác, sử dụng ứng dụng di động, nền tảng số, kỹ năng sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, kỹ năng sử dụng các phương tiện công nghệ trong tiếp cận thông tin hiện đại trong tiếp cận thông tin.

3.3 Đối với thanh niên

Thanh niên cần trau dồi nâng cao nhận thức, hiểu biết về tầm quan trọng của thông tin, nâng cao nhận thức về Luật Tiếp cận thông tin, đồng thời phải là nhóm xung kích, tích cực, gương mẫu thực hiện quyền và nghĩa vụ khi tiếp cận thông tin; Tích cực vận động, tuyên truyền cho người dân, thanh niên chấp hành nghiêm các quy định về quyền thông tin, phạm vi thông tin theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật An ninh mạng 2018; Quy định 37 của Bộ Chính trị về những điều Đảng viên không được làm đối với đảng viên,…  trong thanh niên.

Thanh niên cần tích cực, chủ động học tập, nâng cao trình độ về công nghệ thông tin, năng lực số, năng lực tiếp cận thông tin; tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấnnhằm trang bị cáckiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn, an ninh trên không gian mạng.

Bản thân thanh niên trong quá trình tiếp cận thông tin cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước các tin giả, tin xấu độc trên mạng xã hội. Tích cực học tập, nắm vững các kiến thức cơ bản về chính trị, xã hội để có thế giới quan, phương pháp luận phù hợp để xem xét, tiếp cận thông tin một cách khách quan, đầy đủ, chính xác từ những nguồn thông tin chính thống. Phải không ngừng phấn đấu, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức và bản lĩnh để vừa có sức "đề kháng", "tự miễn dịch" trước các thông tin; vừa tham gia đấu tranh phản bác với những tin giả, tin xấu độc trên không gian mạng.

TS. Phan Thanh Nguyệt

Viện Nghiên cứu Thanh niên



[1] Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, năm 2013.

[2] Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.