Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo trong dạy học môn giáo dục thể chất của đội ngũ giảng viên ở các trường đại học hiện nay

Thứ bảy, 12/11/2022 - 15:03

TNV - Giảng dạy vừa là khoa học lại vừa là nghệ thuật, vì nó tác động đến con người. Vì thế, người thầy phải có nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của mình, luôn thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm, chủ động, sáng tạo và có tay nghề sư phạm giỏi. Điều này phản ánh và ảnh hưởng, tác động trực tiếp không chỉ đến chất lượng giáo dục và đào tạo của Nhà trường, mà chính là chất lượng sản phẩm khi tốt nghiệp ra trường.

Chính vì vậy, việc thường xuyên nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của giảng viên nói chung, trong dạy học môn Giáo dục thể chất của đội ngũ giảng viên ở các Trường Đại học trong giai đoạn hiện nay là một vấn đề rất quan trọng, qua đó, tạo động lực to lớn không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của từng Nhà trường.

1. Một số vấn đề lý luận về nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo trong dạy học môn Giáo dục thể chất của đội ngũ giảng viên ở các Trường Đại học hiện nay

Nhận thức, trách nhiệm là sự nhận thức về nghĩa vụ phải hoàn thành trong mối quan hệ nhất định. Hồ Chí Minh chỉ rõ trách nhiệm của mỗi người trong các mối quan hệ, nhưng nhấn mạnh trước hết là trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân. Người thường nhắc nhở mỗi người có 3 trách nhiệm: trước Đảng, trước dân, trước công việc. Trong 3 trách nhiệm đó, trước hết cần có ý thức trách nhiệm cao trước công việc, trước nhân dân để làm thật tốt rồi mới đem kết quả đó mà báo cáo với cấp trên, với Đảng. Người giảng viên giảng dạy môn Giáo dục thể chất ở các Trường Đại học hiện nay không thể nằm ngoài quy luật ấy. Vì vậy, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo trong dạy học môn Giáo dục thể chất của đội ngũ giảng viên ở các Trường Đại học hiện nay càng trở thành một nhiệm vụ quan trọng hơn bao giờ hết, để họ luôn luôn sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ mà quân đội và Nhà trường giao phó.

Nhận thức, trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo trong dạy học môn Giáo dục thể chất của đội ngũ giảng viên ở các Trường Đại học hiện nay, trước hết là phải thấm nhuần quan điểm, lập trường, phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin, tuyệt đối tuân thủ và tôn trọng đường lối và chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Mỗi cán bộ, giảng viên khi có nhận thức trách nhiệm học tập, công tác, tu dưỡng, rèn luyện đúng đắn sẽ có đầy đủ kiến thức truyền đạt cho các thế hệ sinh viên thân yêu của mình, đồng thời sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức; chủ động, tích cực, tự giác và luôn đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo trong dạy học môn Giáo dục thể chất của đội ngũ giảng viên ở các Trường Đại học hiện nay là thành tố quan trọng hàng đầu trong quá trình giảng dạy của người giảng viên, giữ vai trò quyết định đến chất lượng, hiệu quả giảng dạy của giảng viên, chất lượng giáo dục và đào tạo của Nhà trường, xây dựng lập trường, tư tưởng, bản lĩnh chính trị cho người học. Mỗi thành tố có vị trí, vai trò, ý nghĩa khác nhau, nhưng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, hỗ trợ cho nhau trong quá trình dạy học. Người giảng viên có nhận thức, trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo trong giảng dạy sẽ là động lực cơ bản giúp người giảng viên giảng dạy mang lại hiệu quả tốt, ngược lại kết quả giảng dạy sẽ không cao. Người giảng viên nhận thức đầy đủ những đặc điểm, tri thức môn học, đối tượng giảng dạy, mục tiêu, yêu cầu đào tạo của Nhà trường, chức trách nhiệm vụ được giao, sẽ chăm chỉ, cần củ, chịu khó, miệt mài nghiên cứu, trăn trở với nhiệm vụ, nội dung, bài giảng được phân công; họ sẽ có trách nhiệm đúng đắn với nhiệm vụ của mình, không trông chờ, ỷ lại, tranh thủ tận dụng thời gian, ý kiến của đồng nghiệp để chuẩn bị và tiến hành bài giảng của mình một cách tốt nhất. Khi đã thực hiện đầy đủ được các yếu tố đó người giảng viên sẽ tự mình sáng tạo ra những cách làm hay, phương pháp giảng dạy tốt, ngay từ trong quá trình chuẩn bị bài giảng, đến xây dựng bài giảng điện tử, đến trực tiếp giảng dạy cho người học.

Thực tế làm công tác giảng dạy cho thấy, trong những năm vừa qua, các Trường Đại học đã thường xuyên quan tâm và rất chú trọng đến khâu đột phá đó là đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong đó có dạy học môn giáo dục thể chất. Quán triệt và thực hiện khâu đột phá trong đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của Nhà trường. Tổ bộ môn, Khoa Giáo dục thể chất ở các Trường Đại học đã lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ và có nhiều biện pháp thiết thực, cụ thể nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính chủ động, tích cực, sáng tạo, cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho giảng viên học tập nâng cao trình độ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để định hướng cho việc nâng cao chất lượng dạy học môn giáo dục thể chất. Trong quá trình giảng dạy đội ngũ giảng viên luôn có nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của người thầy và nhiệm vụ giảng dạy của mình; luôn nhiệt tình trách nhiệm, say mê nghiên cứu nắm chắc nội dung giảng dạy, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực nhậ thức của sinh viên; luôn bám sát thực tiễn, vận dụng có hiệu quả thực tiễn vào nội dung giảng dạy, làm cho bài giảng thực sự sinh động, hấp dẫn, từ đó làm cho sinh viên học tập chủ động, tích cực và đạt kết quả tốt.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì hiệu quả tiến hành hoạt động nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo trong dạy học môn Giáo dục thể chất của đội ngũ giảng viên ở các Trường Đại học hiện nay vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định như: Trong quá trình giảng dạy vẫn còn một số giảng viên chưa thực sự giải quyết tốt mối quan hệ của các thành tố này, có giảng viên có nhận thức, trách nhiệm tốt, nhưng lại ít sáng tạo hoặc không sáng tạo, hoặc có giảng viên có nhận thức nhưng lại chưa thực sự có trách nhiệm cao, cũng có giảng viên có trách nhiệm tốt nhưng nhận thức có khi chưa sâu sắc, toàn diện, còn dập khuôn, máy móc, nên ít nhiều hiệu quả, chất lượng bài giảng còn ở chừng mực nhất định.

Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị và chất lượng giảng dạy của một số giảng viên vẫn chưa theo kịp với sự phát triển của thực tiễn và đòi hỏi yêu cầu cao của từng Nhà trường. Một số bài giảng chưa kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết với thực hành, giữa trang bị kiến thức với truyền thụ kinh nghiệm; tính gợi mở, định hướng chưa thật sát; phương pháp dạy học tích cực vẫn chưa thực sự đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra, cần phải có sự đổi mới, sáng tạo và đầu tư công phu hơn nữa....

Những hạn chế, khuyết điểm đó có nguyên nhân là do trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện của bộ môn, khoa có lúc, có nơi chưa kiên quyết, kịp thời đối với việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo thường xuyên cho giảng viên; có giảng viên còn đơn giản trong thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, chưa đầu tư, quan tâm đúng mức để nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn và đổi mới phương pháp dạy học nên kết quả giảng dạy vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu của từng Nhà trường đặt ra. Mặc khác, một số giảng viên nhận thức, trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo trong dạy học chưa thực sự đầy đủ. Điều đó, đặt ra cho mỗi giảng viên, phải không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, trau dồi đạo đức cách mạng; tác phong sư phạm mẫu mực, xây dựng động cơ đúng, trách nhiệm cao, say mê học tập, nghiên cứu, tích cực, chủ động, đổi mới, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

2. Giải pháp nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo trong dạy học môn Giáo dục thể chất của đội ngũ giảng viên ở các Trường Đại học hiện nay

Một là, Lãnh đạo các cấp ở các Trường Đại học cần thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo trong quá trình giảng dạy cho giảng viên dạy học môn giáo dục thể chất

Đây là biện pháp quan trọng, hàng đầu giúp cho đội ngũ giảng viên dạy học môn Giáo dục thể chất ở các Trường Đại học hiện nay có nhận thức đầy đủ về các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, hướng dẫn của trên về nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, nhiệm vụ giảng dạy môn Giáo dục thể chất của Nhà trường; có nhận thức về đặc điểm tình hình, nhiệm vụ của khoa, của bộ môn, của mỗi giảng viên, làm cơ sở để giảng viên vượt qua được mọi khó khăn, giữ vững lập trường, tư tưởng, bản lĩnh chính trị và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mình trong quá trình giảng dạy. Vì vậy, lãnh đạo các cấp ở các Trường Đại học cần thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; đồng thời, không ngừng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức rèn luyện cho đội ngũ giảng viên dạy học môn Giáo dục thể chất nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo trong quá trình giảng dạy.

Hai , thường xuyên chú trọng làm tốt công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giảng viên dạy học môn giáo dục thể chất, đặc biệt là kiến thức chuyên ngành và liên ngành

Giảng viên phải thực sự là người tâm huyết với nghề nghiệp và có phông kiến thức sâu rộng. Mỗi giảng viên phải tự nhìn lại mình về kiến thức chuyên ngành, liên ngành và phương pháp giảng dạy, tự mình rút kinh nghiệm, đồng thời phải bổ sung những phần còn yếu, còn thiếu. Tự mình ý thức việc tự học để không ngừng nâng cao hiểu biết, trau dồi về chuyên môn nghiệp vụ, không chỉ nắm chắc kiến thức chuyên ngành mà còn phải nắm vững kiến thức của các bộ môn lý luận Mác - Lênin; tư tưởng Hồ Chí Minh… nhằm trang bị thế giới quan, phương pháp luận khoa học… một cách có hệ thống lôgíc và giàu sức thuyết phục. Theo đó, người giảng viên có phương pháp giảng dạy tốt để người học dễ hiểu, dễ tiếp thu, không lược bỏ nội dung một cách dễ dãi, đồng thời, cũng không nên làm cho nội dung nên phức tạp; mà phải trên cơ sở nắm vững tính khoa học, tính chỉnh thể của nội dung tìm cách truyền thụ ngắn gọn, thực chất đến với người học.

Ba là, phát huy ý thức tự giác, tính chủ động, sáng tạo trong tự học, tự nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn của giảng viên dạy học môn Giáo dục thể chất ở các Trường Đại học hiện nay

Đây là biện pháp quan trọng, quyết định đến chất lượng, phẩm chất năng lực giảng dạy của giảng viên. Tự giác, tự học tập, tự nghiên cứu là những yếu tố cơ bản không thể thiếu được đối với người giảng viên; trên cơ sở những tri thức đã được học và nhiệm vụ được giao, người giảng viên phải ý thức được rằng tính tự giác, tự học tập, tự nghiên cứu là con đường gần nhất để không ngừng phát triển phẩm chất, năng lực giảng dạy của mình. Nếu không tự giác, tự học tập, tự nghiên cứu người giảng viên sẽ rơi vào thế bị động, dập khuôn, máy móc; hơn nữa tri thức là vô cùng, vô tận, đa dạng và phong phú; nên phải tự mình nâng cao nhận thức, trách nhiệm, chủ động sáng tạo trong quá trình tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn.

Bốn là, xây dựng kế hoach hoạt động chuyên môn, hoạt động phương pháp có tính khoa học, khả thi của giảng viên dạy học môn Giáo dục thể chất ở các Trường Đại học hiện nay

Một trong rất nhiều bài học mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy cho chúng ta là làm việc phải có khoa học, Người viết: Việc chính, việc gấp thì làm trước, không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc nào, làm việc ấy và hết sức tránh chuyện vạch ra chương trình công tác thì quá rộng rãi mà kém thiết thực. Kế hoạch hoạt động chuyên môn, hoạt động phương pháp của người giảng viên cũng vậy, trên cơ sở kế hoạch, chương trình giảng dạy hằng năm, xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên môn, hoạt động phương pháp, trước tiên là xác định cho được kế hoạch giảng dạy cho các đối tượng khác nhau, từ đó chuẩn bị bài giảng, phương pháp giảng dạy cho phù hợp với đối tượng và hiệu quả; tránh bị động đến năm, đến tháng, đến mùa giảng mới chuẩn bị, như vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Quá trình thực hiện làm từng bước, từng phần, từng nội dung,…thực hiện từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp… sau đó làm tổng hợp; tránh dàn trải, chung chung, hình thức, chiếu lệ.

Năm là, phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo trong giảng dạy của giảng viên dạy học môn Giáo dục thể chất gắn liền với công tác nghiên cứu khoa học và sử dụng có hiệu quả các phương tiện dạy

Trong giai đoạn hiện nay, người giảng viên cần chú trọng nghiên cứu khoa học và xem đây là một nhiệm vụ không thể thiếu trong việc đổi mới phương pháp. Nghiên cứu khoa học là động lực thúc đẩy say mê nghề nghiệp, giúp cho giảng viên làm chủ được tri thức trên cơ sở độc lập suy nghĩ, sáng tạo, biết vận dụng tri thức vào bài giảng cũng như thực tiễn cuộc sống. Mỗi bài viết, mỗi vấn đề nghiên cứu đòi hỏi giảng viên phải vạch ra đề cương, đọc những tài liệu liên quan… vì thế, giảng viên có quá trình tích luỹ về lượng để biến đổi về chất; tri thức ngày càng được mở rộng và chuyên sâu. Giảng viên sẽ thực sự chủ động trước mọi vấn đề đặt ra và sẽ kết hợp tốt, sử dụng nhuần nhuyễn các phương pháp trong mỗi giờ giảng để nâng cao chất lượng đào tạo.

Ngày nay cuộc cách mạng khoa học - công nghệ trên thế giới đang phát triển mạnh mẽ, cho phép con người có thể vận dụng những thành tựu ấy vào nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Thực tế đã cho thấy khi áp dụng khoa học - công nghệ vào dạy học đã góp phần phát huy tác dụng đáng kể trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục và đào tạo.

ThS Huỳnh Hữu Hiếu

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Văn Hậu (2009), Tổ chức dạy học môn giáo dục thể chất theo hình thức tự chọn cho sinh viên hệ không chuyên Trường đại học Đồng Tháp , Tạp chí Giáo dục; Tháng 10, Số 223, tr.57-58.

2. Trần Anh Tuấn (2017), Nâng cao năng lực sư phạm cho giáo viên thông qua tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo , Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.

3. Lê Bá Tường, Dương Thị Thùy Linh (2009), Phát triển đội ngũ giảng viên bộ môn Giáo dục thể chất Trường đại học Cần Thơ , Kỷ yếu Hội nghị Khoa học toàn quốc về công tác Giáo dục thể chất và Thể dục thể thao trong các trường Đại học, Cao đẳng năm 2018, tr.606-615.

Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh