Nhận thức toàn diện về tham nhũng, tiêu cực
Nhận diện và chủ động tích cực phòng ngừa về tham nhũng, tiêu cực là một trong các nội dung đề cập trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong phần thứ nhất của cuốn sách viết về một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam. Trước đây, Đảng ta chủ yếu quan tâm đến tác hại trước mắt, về vật chất kinh tế, nay Đảng nhìn rõ hơn tác hại tiềm ẩn, khôn lường của tham nhũng, tiêu cực là làm mất cán bộ, mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và cuối cùng là mất chế độ. Vị trí, vai trò của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được Đảng ta coi trọng và nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn.
Hiện nay, tham nhũng, tiêu cực không chỉ xảy ra trong các hoạt động thuộc khu vực nhà nước, mà còn có sự giúp sức, hỗ trợ đắc lực của các đối tượng hoạt động ngoài khu vực nhà nước. Sự cấu kết giữa những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất trong khu vực nhà nước với những đối tượng hoạt động ngoài khu vực nhà nước trong các ngành nghề lĩnh vực khác nhau là một dấu hiệu có tính phổ biến hiện nay của tội phạm tham nhũng, tiêu cực như Vụ án tham nhũng, tiêu cực xảy ra tại Công ty Việt Á đã làm tha hóa nhiều cán bộ ở Trung ương và địa phương, với số lượng cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự lên đến hàng trăm người, vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, gần đây nhất là vụ án ở Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã gây ra những thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế, cơ quan chức năng đã khởi tố nhiều cán bộ nhận hối lộ... Do đó, Đảng đã từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ra ngoài khu vực nhà nước để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Tại Đại hội VI, Đảng chỉ rõ, tham nhũng “làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan nhà nước”; đặc biệt, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, tham nhũng được Đảng ta nhận diện là “một trong bốn nguy cơ đối với Đảng và cách mạng Việt Nam”; đến Đại hội IX đã trở thành “một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta” đến Đại hội XI, Đảng xác định tham nhũng “đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước”; Đại hội XII, Đảng xác định tham nhũng “là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước” và đến nay, Đại hội XIII của Đảng xác định tham nhũng “vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”. Điều đó cho thấy, Đảng ta luôn đặt cảnh báo về nguy cơ và tác hại của tệ tham nhũng ở mức độ cao nhất.
Đặc biệt, phòng, chống tham nhũng, lãng phí được gắn với phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Nguyên nhân sâu xa của tham nhũng là do chủ nghĩa cá nhân, do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Vì vậy, phải chấn chỉnh, uốn nắn từ suy nghĩ, nhận thức mới có thể phòng, chống từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc tình trạng tham nhũng.
Đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, với nhận thức đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, Đảng ta đã đề ra mục tiêu tổng quát, định hướng toàn bộ phương châm, tư tưởng hành động và các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đó là “Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính”. Nhân tố quyết định việc thực hiện thành công mục tiêu đó là sự lãnh đạo trực tiếp, chặt chẽ, toàn diện, thường xuyên của Đảng.
Thời gian qua, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước được Đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai và không có “hạ cánh an toàn” được nhân dân đồng tình ủng hộ và quốc tế ghi nhận. Một số trường hợp cán bộ lãnh đạo không đủ uy tín, năng lực lãnh đạo, quản lý hoặc để cơ quan cấp dưới tham nhũng… đã xin thôi giữ chức vụ. Bên cạnh đó, Đảng đã chỉ đạo từng bước đẩy mạnh đàm phán, ký kết các các thỏa thuận về hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm với các nước; phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư pháp của các nước, các tổ chức quốc tế để truy bắt, dẫn độ các đối tượng phạm tội tham nhũng lẩn trốn, chuyển giao tài liệu, chứng cứ và thu hồi tài sản tham nhũng tẩu tán ra nước ngoài. Từ đó cho thấy rõ quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, nói đi đôi với làm của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây không chỉ là tuyên ngôn mà đã trở thành quyết tâm chính trị và hành động thực tế.
Sức mạnh và động lực to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân và cả hệ thống chính trị, báo chí, mà nòng cốt là các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tư tưởng, phương châm chỉ đạo xuyên suốt là kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, không nghỉ, không ngừng; chủ động, tích cực phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó phòng là chính, là cơ bản, lâu dài, chống là quan trọng, cấp bách. Thực tiễn cho thấy, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực càng đi vào chiều sâu, quan điểm chỉ đạo của Đảng ngày càng thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt, mạnh mẽ với tham nhũng, tiêu cực. Các biện pháp chính trị tư tưởng, tổ chức hành chính, kinh tế, hình sự thể hiện sự kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực; đồng bộ giữa xử lý kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước, kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự; kỷ luật của Đảng thực hiện trước, tạo tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính, đoàn thể và xử lý hình sự; kỷ luật của Đảng nghiêm hơn xử lý theo pháp luật.
Quyết liệt phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV)
Thấm nhuần tư tưởng, đường lối chính sách của Đảng và thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp trung ương, NHNN về phòng chống tham nhũng, Đảng ủy BIDV đã quán triệt, triển khai đầy đủ nghiêm túc các đường lối, chủ trương, chính sách, hướng dẫn của cấp trên tới toàn thể Đảng viên, người lao động trong toàn hệ thống. Xem công tác phòng chống tham nhũng là một trong những nội dung quan trọng, xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành của toàn Đảng bộ cũng như toàn hệ thống để xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; kiên quyết đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đảng bộ đã lãnh đạo tuyên truyền, quán triệt đầy đủ các văn bản chỉ đạo của cấp trên tới Đảng viên, người lao động trong toàn hệ thống BIDV. Đồng thời đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn tuyên truyền, triển khai thực hiện các nội dung công tác phòng chống tham nhũng trong toàn Đảng bộ như xây dựng Kế hoạch triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng về nội dung cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, xây dựng Chương trình công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm hàng năm. Đảng ủy BIDV đã quyết liệt chỉ đạo Đảng uỷ và Ban lãnh đạo BIDV, các đảng viên đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn đảng, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đảng uỷ BIDV đã tổ chức các Hội nghị quán triệt và học tập các nghị quyết của Đảng. Trong các hội nghị, nội dung về phòng, chống tham nhũng đều được Đảng ủy và Ban lãnh đạo BIDV triển khai bài bản, cụ thể. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công khai, minh bạch hoạt động công tác cán bộ, công tác tài chính, đầu tư,… Tăng cường vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Đồng chí Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng chống, tham nhũng, tiêu cực và tội phạm với quyết tâm cao, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả trong đó đẩy mạnh xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và người lao động; rà soát, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách quy định quản lý, hoạt động ngân hàng; hoàn thiện và triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm. Toàn Đảng bộ nghiêm túc thực hiện công tác kê khai tài sản, thu nhập hàng năm theo quy định. Công tác luân chuyển cán bộ được chú trọng, triển khai thường xuyên nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và yêu cầu kiểm soát nội bộ.
Ngay sau khi Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 có hiệu lực từ 01/7/2019, Hội đồng quản trị BIDV đã ra Quyết định số 660/QĐ-BIDV ngày 10/07/2019 (về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và tội phạm của BIDV). Đảng ủy BIDV đã ban hành các Nghị quyết về việc Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng và tội phạm. Mô hình tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tại BIDV được hoàn thiện; các nghị quyết, văn bản chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng được ban hành tạo cơ sở vững chắc để toàn hệ thống BIDV triển khai; đẩy mạnh phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban thanh tra nhân dân, Công đoàn, Đoàn Thanh niên trong công tác phối hợp phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong hoạt động kinh doanh, BIDV luôn chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của công tác chính trị tư tưởng. Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức nghề nghiệp được đề cao thông qua việc duy trì, kiểm tra việc chấp hành bộ quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử cũng như các quy định về phong cách, không gian làm việc của BIDV trong toàn hệ thống, nhận diện VHKSRR trong hoạt động nghiệp vụ. Văn hóa doanh nghiệp luôn được bồi đắp, lan tỏa, thẩm thấu trong từng hoạt động của hệ thống BIDV. Những nét văn hóa đặc trưng mang đậm tính chất ngành nghề và đã trở thành nét đẹp truyền thống của BIDV có thể kể đến là: Hệ giá trị cốt lõi “Trí tuệ - Niềm tin - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Khát vọng”. Trong đó, Liêm chính là giá trị trung tâm, dẫn dắt mỗi đảng viên, cán bộ BIDV hiểu và coi trọng danh dự bản thân, trách nhiệm với nghề nghiệp bằng những hành động trung thực, thượng tôn pháp luật, tôn trọng lẽ phải, tuân theo các chuẩn mực đạo đức, đấu tranh chống “cái sai”, bảo vệ “cái đúng”. Hệ giá trị tư tưởng này đã trở thành kim chỉ nam xuyên suốt cho các cấp, từng cá nhân tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp, minh bạch trong các mối quan hệ liên quan đến lợi ích, thẳng thắn, nghiêm túc với bản thân và người xung quanh.
Đảng bộ BIDV đã thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận, quy định của Trung ương, Đảng ủy Khối về công tác phòng, chống, tham nhũng, lãng phí. Đảng ủy BIDV mà người đứng đầu là đồng chí Bí thư luôn kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống, tham nhũng, lãng phí, liên tục đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị mạnh mẽ; quán triệt tới toàn thể đảng viên, người lao động trong hệ thống rèn luyện, thực hiện các quy định về các giá trị văn hóa, quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử trong các mối quan hệ công tác của toàn thể cán bộ, người lao động BIDV đã được nêu tại Sổ tay văn hóa BIDV. Đề cao sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo đơn vị trong phòng, chống, tham nhũng, tiêu cực.
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là công việc gian nan, khó khăn và lâu dài, không phải của riêng một người, một cơ quan hay một ngành, mà là công việc của toàn Đảng, toàn dân, đòi hỏi sự kiên quyết, kiên trì, bền bỉ vào công cuộc của cả hệ thống chính trị. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, Đảng viên và người lao động, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị, rèn luyện phẩm chất liêm khiết, không tham nhũng, lãng phí. Đấu tranh phòng chống tham nhũng chú trọng giáo dục, đạo đức liêm chính, răn đe, trừng phạt nghiêm minh và chăm lo đời sống thu nhập, để cán bộ, Đảng viên “không dám tham nhũng”, “không thể tham nhũng”, “không muốn tham nhũng”. Mỗi cán bộ, đảng viên tại BIDV luôn không ngừng rèn luyện, tu dưỡng, tự mình phải là một minh chứng sống, hiện thân của người cán bộ “liêm, dũng, chính, trực”. Đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, xứng đáng được Nhân dân đặt trọn niềm tin xây dựng Đảng tiên phong và hoàn toàn đủ năng lực lãnh đạo đất nước trong mọi thời kỳ.
Chi bộ Ban Nguồn vốn ủy thác quốc tế - Đảng bộ Ngân hàng TMCP ĐT&PT Việt Nam