Nâng cao nhận thức về tác hại việc sử dụng thuốc lá điện tử của học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn quận Hà Đông, thành phố Hà Nội

Thứ sáu, 19/04/2024 - 14:47

NCKH - Tóm tắt: Thời gian qua, vấn nạn thuốc lá học đường ở Việt Nam diễn biến phức tạp, trong khi đó nhận thức về tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử của học sinh còn chưa thật sự đúng đắn, đầy đủ. Trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát nhận thức về tác hại việc sử dụng thuốc lá điện tử của học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn quận Hà Đông, thành phố Hà Nội thời gian qua, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả vấn nạn này thời gian tới.

Từ khoá : thuốc lá điện tử; trung học phổ thông; quận Hà Đông; thành phố Hà Nội

Thuốc lá là một vấn nạn mang tính truyền thống trong lịch sử con người, nó gây ra những tác động, ảnh hưởng hết sức tiêu cực đến sức khoẻ và môi trường. Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, nhất là việc ứng dụng các thành tựu công nghệ vào đời sống xã hội đã làm xuất hiện những hình thức “thuốc lá” kiểu mới, như thuốc lá điện tử. Theo WHO, thuốc lá điện tử là các thiết bị điện tử sử dụng pin để làm nóng dung dịch có chứa nicotin và các chất hoá học khác, đựng trong ống/bình chứa dùng một lần hoặc có thể tái nạp, tạo ra sol khí (khói) cho người sử dụng hít vào [2].

Với tư duy trong thời đại hội nhập, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã tiếp nhận nhanh chóng loại thuốc lá mới này, biến việc sử dụng thuốc lá điện tử có thời điểm đã trở thành một trào lưu, “trend” mang tính quốc dân trong giới trẻ và lan rộng trong các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó có địa bàn quận Hà Đông. Tính đến tháng 4/2024, trên địa bàn quận Hà Đông hiện có 11 trường trung học phổ thông (06 trường dân lập và 05 trường công lập).

Nghiên cứu cũng cho thấy, lứa tuổi từ 15 - 18 chịu sự tác động của rất nhiều yếu tố, cũng là lứa tuổi ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ nhất về thể chất, có xu hướng “người lớn” từng bước định hình rõ nét về tâm sinh lý. Đáng chú ý, đây cũng là lứa tuổi khao khát tìm kiếm cái mới, tự khẳng định mình, trong đó một bộ phận học sinh đã tìm đến thuốc lá điện tử như là một sự khẳng định xu hướng “trend” trong giới trẻ. Điều đó cho thấy, việc nghiên cứu, đánh giá, làm rõ những tác động, ảnh hưởng của thuốc lá điện tử đến học sinh trung học phổ thông trên địa bàn cả nước nói chung, địa bàn quận Hà Đông, thành phố Hà Nội nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở để định hướng việc tổ chức công tác phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn vấn nạn thuốc lá điện tử nhằm bảo vệ môi trường giáo dục nước nhà.

Quá trình nghiên cứu vấn đề này, nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát 07 trường trung học phổ thông trên địa bàn quận Hà Đông, trong đó đã thực hiện điều tra xã hội học đối với 442 học sinh (chiếm khoảng 40% tổng số học sinh của các cơ sở này) đã từng hoặc đang sử dụng thuốc lá điện tử [1], tập trung khảo sát làm rõ các vấn đề trọng tâm cụ thể sau:

- Về cường độ tiếp xúc với thuốc lá điện tử trong môi trường học đường. Khảo sát cho thấy, có 243 học sinh biết đến và đang sử dụng thuốc lá điện tử thông qua các học sinh khác trong trường học (chiếm 55% tổng số học sinh tham gia khảo sát). Đáng chú ý, khoảng 52% số học sinh được hỏi cho rằng, việc hút thuốc lá điện tử sẽ khiến họ thể hiện được bản thân với bạn bè và người thân rằng mình đã trưởng thành. Cũng trong khảo sát này, khi đề cập đến tần suất sử dụng thuốc lá điện tử, có 212 học sinh cho biết họ sử dụng thuốc lá điện tử với tần suất cao (trên 3 lần/ngày); 119 học sinh cho biết họ sử dụng thuốc lá điện tử với tần suất trung bình (từ 1 - 3 lần/ngày) và 111 học sinh cho biết họ sử dụng thuốc lá điện tử với tần suất thấp (dưới 1 lần/ngày) [1].

- Về cường độ tiếp xúc với thuốc lá điện tử trong môi trường xã hội. Có 93 học sinh trong tổng số 442 học sinh cho biết họ không hứng thú với quảng cáo thuốc lá điện tử (chiếm 21%); 114 học sinh cho biết họ có tham gia nhưng không thực sự tin tưởng vào những quảng cáo về thuốc lá điện tử (chiếm 32%) và 208 học sinh cho biết họ thường xuyên theo dõi, tin theo các nội dung quảng cáo về thuốc lá điện tử (chiếm 47%). Điều đó cho thấy, đại đa số học sinh đã và đang sử dụng thuốc lá điện tử trong các trường trung học phổ thông trên địa bàn quận Hà Đông hiện nay vẫn đang bị cuốn hút và tin theo các thông tin quảng cáo về thuốc lá điện tử, bên cạnh đó mặc dù có tới 21% học sinh cho biết họ không có hứng thú về thuốc lá điện tử nhưng vẫn sử dụng [1].

- Về mức độ cuốn hút của học sinh khi tiếp xúc với thuốc lá điện tử. Khảo sát cũng cho thấy, trong tổng số 442 học sinh tham gia khảo sát, có 111 học sinh cho biết họ thỉnh thoảng sử dụng thuốc lá điện tử nhưng không thường xuyên (chiếm 25%); 331 học sinh cho biết họ thường xuyên sử dụng thuốc lá điện tử (chiếm 75%), trong đó đáng chú ý, trong số 212 học sinh sử dụng thuốc lá điện tử với tần suất cao (trên 3 lần/ngày) cho rằng họ bị cuốn hút, ấn tượng với thuốc lá điện tử, thậm chí ý kiến của bạn N.H.Đ còn cho rằng, sử dụng thuốc lá điện tử mang lại cảm giác hưng phấn, tỉnh táo trong học tập [1].

- Về nhận thức cơ bản đối với thuốc lá điện tử. Khi được đặt câu hỏi suy nghĩa của học sinh về thuốc lá điện tử, trong tổng số học sinh tham gia khảo sát, có 98% cho rằng thuốc lá điện tử là một loại thuốc lá sử dụng điện để tạo ra khói; 47% cho rằng thuốc lá điện tử khác thuốc lá truyền thống và không độc hại, không ảnh hưởng đến sức khoẻ; 78% cho rằng khói của thuốc lá điện tử có mùi thơm hơn so với thuốc lá truyền thống và 78% cho rằng sử dụng thuốc lá điện tử sẽ khiến người sử dụng có cảm giác “ngầu”, cá tính, trưởng thành hơn [1].

- Về nguồn cung cấp thuốc lá điện tử cho học sinh. Có 199 học sinh được hỏi cho rằng họ mua thuốc lá điện tử từ các trang thương mại điện tử, mạng xã hội (chiếm 45%); có 89 học sinh cho rằng họ mua thuốc lá điện tử từ các cửa hàng, đại lý thuốc lá gần cơ sở giáo dục (chiếm 20%) và khoảng 35% còn lại cho biết họ có được thuốc lá điện tử qua các nguồn khác như thông qua bạn bè, các thành viên trong gia đình… Đáng chú ý, trong khảo sát, có khoảng 15% học sinh cho biết các thành viên trong gia đình họ thường xuyên sử dụng thuốc lá, trong đó có thuốc lá điện tử [1].

Bên cạnh việc khảo sát, làm rõ một số vấn đề trên, nhóm khảo sát còn tập trung lấy ý kiến của các học sinh trường trung học phổ thông trên địa bàn quận Hà Đông về những tác động, ảnh hưởng tiêu cực của thuốc lá điện tử đối với bản thân người sử dụng trên các khía cạnh cụ thể như:

- Về ảnh hưởng đến sức khoẻ. Kết quả khảo sát cho thấy, có trên 35% học sinh tham gia khảo sát cho rằng thuốc lá điện tử sẽ có ảnh hưởng đến đường hô hấp; 28% học sinh cho rằng thuốc lá điện tử có ảnh hưởng đến tim mạch; 15% cho rằng thuốc lá điện tử có thể gây nguy cơ ung thư; 45% cho rằng thuốc lá điện tử có thể dẫn đến các bệnh về răng miệng [1]. Kết quả khảo sát này cho thấy, về cơ bản đa số học sinh đã và đang sử dụng thuốc lá điện tử tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn quận Hà Đông còn chưa nhận thức đúng đắn các tác động, ảnh hưởng tiêu cực của thuốc lá điện tử đến sức khoẻ người sử dụng.

- Về ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần. Kết quả khảo sát cho thấy, có 349 học sinh cho rằng sau khi sử dụng thuốc lá điện tử khiến cho tâm trạng thoải mái, tinh thần thư thái hơn (chiếm 79%) và 93 học sinh còn lại (chiếm 21%) lại có quan điểm trái ngược, cho biết sau khi sử dụng thuốc lá điện tử họ không có cảm giác gì, thậm chí còn cho rằng dễ bị uể oải, buồn ngủ, hay strees sau khi sử dụng thuốc lá điện tử [1]. Từ khảo sát này cũng cho thấy, đại đa số học sinh sử dụng thuốc lá điện tử vì cho rằng việc làm này giúp giải toả tâm lý, đạt được trạng thái thoải mái, thư thái. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu về y học cho thấy, việc sử dụng thuốc lá điện tử trong thời gian dài có thể dẫn đến những hệ luỵ tiêu cực về tâm lý, tinh thần, làm xuất hiện các triệu chứng như uể oải, buồn ngủ, thậm chí là teo não, rối loạn tinh thần…

- Về ảnh hưởng đến đời sống học sinh. Có 65% học sinh tham gia khảo sát cho rằng, việc sử dụng thuốc lá điện tử không có ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng không đáng kể đến việc học tập, trong khi đó 35% còn lại cho rằng việc sử dụng thuốc lá có ảnh hưởng nhất định đến việc học tập ở các góc độ như: có thể thay đổi mức độ tập trung trong học tập; thay đổi tính cách, trở nên cộc cằn, thô lỗ, dễ nổi cáu; thay đổi thói quen chi tiêu cho việc học theo hướng tiêu cực, không dành tiền đầu tư cho việc học tập mà đổi sang việc mua thuốc lá điện tử để thoả mãn nhu cầu sử dụng…

- Về ảnh hưởng đến xã hội, nhất là nảy sinh các loại tội phạm. Đối với vấn đề khảo sát này, đại đa số học sinh được hỏi (trên 90%) cho rằng sử dụng thuốc lá điện tử không làm ảnh hưởng đến việc gia tăng các loại tội phạm; chỉ có gần 10% cho rằng, thuốc lá điện tử có thể là nguyên nhân dẫn đến những hệ luỵ tiêu cực đối với xã hội, nhất là làm nảy sinh các loại tội phạm [1]. Thực tiễn cho thấy rằng, trào lưu sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng gia tăng, nhất là trong giới trẻ, trong đó có tầng lớp học sinh, sinh viên không chỉ dẫn đến sự gia tăng của tội phạm buôn lậu thuốc lá điện tử mà còn có thể là nguyên nhân dẫn đến các tệ nạn xã hội, tội phạm hình sự khác như ma tuý, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích…

Từ kết quả khảo sát trên, nhóm tác giả cho rằng, việc nhận diện rõ những hậu quả, tác hại của thuốc lá điện tử đối với học sinh trung học phổ thông trên địa bàn quận Hà Đông, thành phố Hà Nội nói riêng và địa bàn cả nước nói chung sẽ cung cấp các luận cứ quan trọng để các cơ quan chức năng chủ động đưa ra các giải pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả vấn nạn này. Trong nội dung nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất một số vấn đề sau:

- Nhóm giải pháp chung

Thuốc lá điện tử trong học đường đã và đang là vấn nạn, diễn biến phức tạp, do đó để có thể phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả vấn đề này, cần có những giải pháp chung đối với toàn xã hội. Theo nhóm tác giả, các giải pháp cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm như:

Thứ nhất , Chính phủ cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền các địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030. Đồng thời, quan tâm rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường quản lý đối với thuốc lá điện tử, nhất là các hoạt động quảng cáo, mua bán thuốc lá điện tử.

Thứ hai , các bộ, ngành, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Internet, mạng xã hội. Nội dung tuyên truyền cần tập trung vào các quy định, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thuốc lá điện tử; các hành vi bị nghiêm cấm và chế tài xử lý các hành vi đó; những hậu quả, tác hại của thuốc lá điện tử đối với người sử dụng, nhất là các khía cạnh về sức khoẻ, tâm sinh lý và ảnh hưởng tiêu cực về mặt xã hội, nhất là làm gia tăng các loại tội phạm…

Thứ ba , phát huy vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong cả nước triển khai các chương trình, kế hoạch phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử trong các cơ sở giáo dục. Cần có hình thức phòng, chống cho phù hợp, nhất là cần nghiêm cấm việc sử dụng thuốc lá điện tử trong môi trường giáo dục; thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh vấn đề này.

Thứ tư , Bộ Công an với vai trò là lực lượng nòng cốt, chủ trì công tác bảo đảm an ninh, trật tự đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm cần chủ động phối hợp với các lực lượng khác có liên quan tăng cường nắm tình hình, đấu tranh triệt phá các đường dây tội phạm có liên quan đến mua bán thuốc lá điện tử nhập lậu; kiểm tra, xử phạt đối với các doanh nghiệp, cửa hàng mua bán thuốc lá điện tử… qua đó, tạo được hiệu ứng tích cực, môi trường lành mạnh, an toàn, không để thuốc lá điện tử có điều kiện len lỏi, xâm nhập vào học đường nói riêng, xã hội nói chung.

- Nhóm giải pháp cụ thể

Trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử và những nhận thức về hậu quả, tác hại của thuốc lá điện tử đối với học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn quận Hà Đông, nhóm tác giả cho rằng, thời gian tới, các cơ quan chức năng quận Hà Đông, thành phố Hà Nội cần thực hiện có hiệu quả một số định hướng sau:

Thứ nhất , các cơ sở giáo dục trung học phổ thông trên địa bàn quận Hà Đông cần tiếp tục quan tâm quan tâm tổ chức có hiệu quả công tác tuyên truyền, các kế hoạch phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử. Trọng tâm là tổ chức cho học viên ký cam kết không sử dụng thuốc lá điện tử trong nhà trường; lồng ghép nội dung tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử trong các bài giảng, hệ thống bảng tin, pano, áp phích của nhà trường. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý các học sinh có hành vi sử dụng thuốc lá điện tử trong nhà trường…

Thứ hai , tăng cường quan hệ phối hợp giữa nhà trường với gia đình học sinh trong công tác thông tin tuyên truyền và phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử. Gắn kết giữa nhà trường với gia đình là giải pháp có ý nghĩa rất quan trọng, qua đó vừa có sự trao đổi thông tin, vừa có sự phối hợp trong tuyên truyền, nhắc nhở, quản lý hoạt động của học sinh… giúp học sinh từ bỏ thuốc lá điện tử, nâng cao kết quả học tập.

Thứ ba , phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, nhất là các chi đoàn, tổ cờ đỏ… và chú trọng tổ chức các hoạt động sinh hoạt ngoại khoá có chủ đề tuyên truyền về những tác hại của thuốc lá điện tử. Thông qua đó, tạo được môi trường tự quản trong học sinh, đồng thời thu hút học sinh vào các hoạt động sinh hoạt, học tập ngoại khoá, để học sinh nhận thức đúng hơn về hậu quả, tác hại của thuốc lá điện tử, từ đó định hướng được hành động từ bỏ việc sử dụng thuốc lá điện tử.

Vấn nạn thuốc lá điện tử đã và đang diễn biến rất phức tạp tại các cơ sở giáo dục, số lượng học sinh bị cuốn hút theo trào lưu sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng tăng, trong khi đó nhận thức của học sinh, nhất là những người đã và đang sử dụng thuốc lá điện tử còn chưa thống nhất, tỉ lệ học sinh có nhận thức chưa đúng đắn, thậm chí là sai lệch về tác hại của thuốc lá điện tử còn cao. Theo đó, những định hướng được bài viết chỉ ra là những gợi mở về các giải pháp nhằm phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả với vấn nạn này thời gian tới./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Hồ Sỹ Lộc, Mai Tùng Dương, Nông Quốc Phòng, Hạ Bá Tường (2024), Nâng cao hiệu quả phòng ngừa tác hại của thuốc lá điện tử cho học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Công trình sinh viên nghiên cứu khoa học.

[2]. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) (2019), WHO Report on the Global Tobacco Epidemic 2019: Offer Help to Quit Tobacco Use, Geneva.

Hồ Sỹ Lộc - Mai Tùng Dương - Nông Quốc Phòng - Hạ Bá Tường

Học viên lớp B8D54, Học viện An ninh nhân dân