TNV - Ngày 17/5 tại Hà Nội, tiếp nối chuỗi sự kiện về điện mặt trời mái năm 2021 và 2022, dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và sự phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Tọa đàm năm 2023 với chủ đề: “Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn”.
Phát biểu tại Toạ đàm, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, phát triển và ứng dụng năng lượng xanh để tiến tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đối khí hậu đang là xu hướng của toàn cầu.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại Tọa đàm
Ngay sau Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những động thái tích cực về mục tiêu giảm phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính phủ Việt Nam đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, đồng thời, đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các cam kết bằng việc xây dựng hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm thực hiện mục tiêu giảm phát thải.
Với ngành năng lượng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết Quy hoạch điện VIII được ban hành mới đây, cũng đã thống nhất chủ trương chiến lược phát triển cơ cấu nguồn điện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55 – NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời tự sản, tự tiêu.
Đặc biệt, Quy hoạch điện VIII nêu rõ, “điện mặt trời mái nhà được ưu tiên phát triển cho mô hình tự dùng nhằm phục vụ sản xuất, các doanh nghiệp cần không giới hạn công suất, với giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện có sẵn có, không phải nâng cấp lưới tải, nên cần ban hành chính sách đột phá để phát triển”.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, từ năm 2015, Việt Nam đã chuyển từ quốc gia xuất khẩu sang nhập khẩu tinh về năng lượng. Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 phê duyệt Quy hoạch điện VIII, trong đó có đặt ra mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5% sản lượng điện sản xuất.
Ông Phan Công Tiến – Chuyên gia năng lượng và thị trường điện cho biết, phát triển năng lượng xanh đã có từ lâu nhưng vướng mắc xuất phát từ quy hoạch điện VIII, cụm từ tự sản tự tiêu, về mặt năng lượng cũng như kinh nghiệm quốc tế là mô hình phát triển sau công tơ.
Trước đây người sử dụng điện truyền thống, mua điện trước công tơ, hiện nay, việc phát triển các mô hình phân tán được thuận lợi do công nghệ, giá thành nên việc phát triển sau công tơ ra đời. Trong đó có 2 phương thức, người sử dụng tự đầu tư, người dùng điện tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, tăng sản phẩm cũng như đóng thuế có lợi cho người sản xuất; phương thức thứ 2 là hợp tác, người sử dụng kết hợp với doanh nghiệp phát triển, đảm bảo hài hòa lợi ích 2 bên, trong đó có sự đảm bảo ổn định về lưu trữ, cũng như thúc đẩy phát triển khi nguồn cung dư thừa.
Về mặt lợi ích, với mô hình này, nhà nước, người dân và doanh nghiệp đều có lợi thì nên mở cửa cho làm. Về phía người dân và doanh nghiệp khi sử dụng thì cơ cấu giá điện sẽ giảm. Về mặt Nhà nước, nếu phát triển mô hình sau công tơ thì doanh nghiệp sẽ đóng thuế như mô hình phát triển trước công tơ, đồng thời khi doanh nghiệp có điện giá rẻ sẽ tăng sản xuất, tạo ra nhiều nguồn thu cho nền kinh tế. Về lâu dài, cần có các công ty dịch vụ năng lượng để tham gia vào quá trình bán điện, để tránh quá trình tự sản, tự tiêu gây lãng phí nguồn điện, trong khi đó, Nhà nước cũng sẽ có thêm nguồn thu từ thuế.
Ông Nguyễn Hải Anh – Phó tổng Giám đốc Công ty CP Shinec, Chủ đầu tư KCN Sinh thái Nam Cầu Kiền cho biết, khu công nghiệp Nam Cầu Kiền là khu công nghiệp do Việt Nam đầu tư, về nguồn vốn thì thấp hơn so với các khu công nghiệp từ nguồn vốn FDI đầu tư nhưng đây là khu công nghiệp sinh thái nên năng lượng xanh luôn được chú trọng. Các nhà đầu tư tại khu công nghiệp cũng rất quan tâm đến điện áp mái. Quy hoạch Điện VIII vừa mới ra đời đem đến nhiều tín hiệu tích cực, thế nhưng, các quy chế, định nghĩa khiến doanh nghiệp không khỏi băn khoăn về định nghĩa “tự sản tự tiêu”, quy trình xin phép như nào,… vì vậy, “rất mong các cơ quan quản lý cần sớm có những hướng dẫn rõ ràng, những cơ chế cụ thể để các nhà đầu tư có thể xây dựng kế hoạch phát triển” – ông Hải Anh nói.
Đại diện SkyX Solar cho biết, VinaCapital thành lập SkyX Solar năm 2019 và là cổ đông duy nhất cho đến khi EDF Renewables gia nhập và trở thành nhà đầu tư chiến lược. EDF Renewables là một “gã khổng lồ” trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đã phát triển hệ thống dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất hơn 13.000 MW tại hơn 20 quốc gia trên khắp thế giới.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, SkyX Solar đã hướng tới trở thành đối tác năng lượng xanh của các doanh nghiệp thương mại và công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam và đã phát triển khoảng 30 MWp điện mặt trời áp mái đưa vào vận hành chỉ trong năm 2020. Cho đến hiện tại, đơn vị này đã kết hợp với các khách hàng công nghiệp hàng đầu để góp phần chuyển đổi toàn bộ điện tiêu thụ sang sử dụng năng lượng tái tạo.
SkyX Solar sở hữu thế mạnh của một công ty nội địa lớn tại Việt Nam, kết hợp những lợi thế của một công ty quốc tế để cung cấp các giải pháp năng lượng mặt trời đẳng cấp quốc tế cho khách hàng của mình.
Toàn cảnh Tọa đàm
Tại Tọa đàm lần này, các khách mời tập trung thảo luận về bài toán kinh tế, giải pháp đầu tư khi doanh nghiệp sản xuất sử dụng năng lượng tái tạo. Với việc sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà doanh nghiệp sẽ được hưởng các lợi ích về kinh tế, tiết giảm kinh phí sản xuất, có chứng chỉ xanh để nâng cao lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu.
Bên cạnh những lợi ích của việc sử dụng năng lượng xanh, doanh nghiệp còn gặp những vướng mắc, khó khăn, từ đó Tọa đàm cũng đề xuất phương án tháo gỡ, tổng hợp những góp ý đề xuất từ phía Hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia góp phần thúc đẩy thị trường điện mặt trời mái nhà cho mô hình tự nguyện sử dụng được phát triển rộng khắp.
Công Minh