Đào Thị Hồng Nhung (đứng giữa) tại vùng nguyên liệu chè của HTX
Sinh năm 1992 trong một gia đình làm nghề chè truyền thống hơn 35 năm ở mảnh đất “Đệ nhất danh trà” Thái Nguyên, Đào Thị Hồng Nhung yêu thích cây chè và văn hóa trà. Cũng như nhiều bạn trẻ khác, sau khi tốt nghiệp đại học, cô làm việc ở Hà Nội. Nhưng, khó khăn của gia đình khiến Nhung thay đổi lựa chọn của mình. Cô Hồng Vân (mẹ của Nhung) chia sẻ: Gia đình tôi kinh doanh chè đã mấy chục năm, lượng khách hàng ổn định. Nhưng dịch COVID-19 ập đến khiến nguyên liệu đầu vào đứt quãng, sản phẩm đầu ra ngưng trệ.
Không đành lòng để việc kinh doanh của gia đình mai một, Nhung quyết định rời bỏ công việc ở Hà Nội trở về thuyết phục bố mẹ nâng tầm cơ sở sản xuất, kinh doanh chè Vân Dũng lên thành mô hình hợp tác xã (HTX). Nhung tâm sự: Do quan điểm của hai thế hệ khác nhau nên việc thuyết phục để bố mẹ đồng ý chuyển đổi mô hình là việc khó khăn. Bố mẹ đặt cho mình hàng loạt câu hỏi và đó cũng là bài toán mình phải giải. Tại sao phải thay đổi? Liệu thay đổi, mở rộng mô hình có tiếp cận được thị trường nhiều hơn không? Bao bì mẫu mã xưa nay đã là thế rồi giờ chuyển sang cái mới thì khách hàng có biết HTX Trà Vân Dũng là ai không?... Cuối cùng, sự kiên định của bản thân cùng những kế hoạch, giải pháp rõ ràng, bố mẹ mình đã đồng thuận với ý tưởng đổi mới.
Thay đổi cách kinh doanh để theo kịp xu thế, duy trì thương hiệu trà Vân Dũng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục hộ gia đình tại vùng nguyên liệu với thu nhập ổn định là mục tiêu rất rõ của cô gái 9X. Tuy nhiên, thời gian giãn cách xã hội khá dài khiến việc buôn bán, giao thương gặp nhiều khó khăn, đơn hàng đi các tỉnh bị đình trệ. Việc hình thành HTX làm chi phí đầu tư ban đầu tăng, trong khi nhà xưởng, hệ thống tưới tiêu, máy sao, sấy chè đều phải mua mới. Cách thức kinh doanh cũng thay đổi: Bán hàng trên mạng, thương mại điện tử, làm truyền thông… ai làm và làm như thế nào? Đó là những câu hỏi quẩn quanh trong đầu cô gái trẻ.
Khó khăn là vậy, nhưng bằng sự quyết tâm, Nhung đã tự tìm cho mình cách đi riêng. Tháng 3/2021, HTX Trà Vân Dũng được thành lập với trên 20 ha chè nguyên liệu tại vùng chè Tân Cương nổi tiếng. HTX cũng mở rộng liên kết với gần 200 hộ trồng và chế biến chè trong vùng. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được quan tâm bằng các khâu trồng, chăm sóc chè an toàn theo quy trình VietGAP, chuyển đổi theo hướng hữu cơ. Đưa tôi đi thăm vùng chè mơn mởn, Nhung bộc bạch: Trước đây khách hàng cần chè loại nào thì làm loại đó hoặc thu mua của các hộ dân quanh vùng Tân Cương. Nhiều khi phải tìm mua mấy nhà mới được mớ chè ưng ý để giao cho khách. Nhưng bây giờ mình có kế hoạch trồng trọt, chăm bón, thu hái. HTX chủ động được từ chất lượng đầu vào và sản phẩm đưa ra thị trường.
Nhung cũng tạo ra bộ nhận diện trà Vân Dũng và các bao bì sản phẩm. Ba tháng để từ ý tưởng đến mẫu mã hiện giờ của HTX là cả quá trình sáng tạo, học hỏi của cô gái trẻ. Nhung cũng học hỏi kinh nghiệm từ bố mẹ để kết hợp mô hình kinh doanh truyền thống với hiện đại. Một mặt, cô giữ các mối giao chè thương phẩm ở các tỉnh, thành trong nước. Mặt khác, cô tham gia các phương thức kinh doanh số như: Lập fanpage, bán hàng qua Zalo, Facebook, các sàn thương mại điện tử… Nhung cũng thành công với cách marketing truyền miệng, đưa sản phẩm trà Vân Dũng đến các sự kiện nông nghiệp lớn của tỉnh, làm quà biếu… Cô coi trọng việc tư vấn cho khách hàng về các loại chè, chất lượng chè với mục tiêu để khách hàng giới thiệu khách hàng. Chỉ sau gần 2 năm xây dựng HTX và định vị lại thương hiệu trà Vân Dũng, Nhung đã bước đầu đa dạng hoá sản phẩm trà, từ trà đinh, tôm nõn, tứ quý, trà bao cấp, mộc trà… đem lại nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Doanh thu nhờ đó có chuyển biến ấn tượng, vùng nguyên liệu liên tục được mở rộng với thêm gần 50 hộ gia đình tham gia.
Anh Lê Văn Thịnh, một trong những hộ gia đình tham gia HTX cho biết: Trước đây tôi làm công nhân, nhưng xảy ra dịch COVID-19, công việc của tôi không đều. Từ khi về tham gia HTX Trà Vân Dũng, công việc ổn định, thu nhập từ 10-12 triệu đồng/tháng, giá thu mua chè được đảm bảo. Theo ông Lê Khương Duy, Chủ tịch UBND xã Phúc Trìu đánh giá, HTX Trà Vân Dũng góp phần làm cho cây chè ở xã Phúc Trìu không còn là cây giảm nghèo, mà trở thành cây làm giàu.
Còn Nhung lại tâm sự rất giản dị: Mình muốn mang đến thị trường những sản phẩm chè tốt nhất, chất lượng luôn được coi trọng hàng đầu, đảm bảo ổn định giá cả thị trường. Áp dụng công nghệ QR-Code trên mỗi sản phẩm để khách hàng dễ dàng truy được nguồn gốc, xuất xứ, giấy phép, tạo sự tin tưởng hơn nữa với trà Vân Dũng nói riêng và thương hiệu trà Thái Nguyên nói chung. Mục tiêu cuối cùng là mang lại giá trị cao hơn cho sản phẩm trà Thái Nguyên và những hộ gia đình làm chè, qua đó nâng cao đời sống cho Nhân dân vùng chè đặc sản.
PV