Sau 7 năm thuê nhà ở Hà Nội, vợ chồng anh Tiến đã mua được một căn nhà 3,5 tầng ở làng Đa Sĩ, quận Hà Đông, Hà Nội. “Ba lần chuyển nhà bằng một lần cháy nhà. Vợ chồng tôi thực sự thấm thía câu nói này cũng bởi hành trình thuê nhà, 3 lần chuyển nhà của chúng tôi quá vất vả, không được suôn sẻ như nhiều người”, anh Tiến chia sẻ.
Anh Tiến kể lại, trong 4 lần chuyển nhà từ khi lấy vợ thì có đến 3 lần “có vấn đề”. Nếu trước đây thời còn độc thân, tôi ở một mình thì đơn giản chỉ cần chỗ để tối về ngủ là được, không cần thuê phòng ốc quá rộng hay quá đẹp. Tuy nhiên khi lập gia đình, đặc biệt là khi có con, yêu cầu về nơi ở phải tăng lên.
Thấm cảnh thuê nhà vất vả, anh Tiến mong sớm mua được nhà để ổn định cuộc sống. Ảnh minh hoạ
Lần thứ nhất, cuộc sống trong căn hộ mới khá tốt cho đến khi mùa mưa đến, tường và sàn gỗ bị thấm dột quá nhiều. Có lẽ chủ nhà đã tân trang lại nhà để che mắt khách thuê nên khi kiểm tra anh Tiến đã không phát hiện ra. Lần thứ 2 là vì hàng xóm quá phức tạp, ồn ào, kiếm chuyện gây cảm giác khó chịu nên anh chị quyết định tìm nơi ở mới. Rút kinh nghiệm những lần trước, lần thứ 3, anh chị phải mất gần 2 tháng mới tìm được nơi ở ưng ý. Anh chị tìm hiểu kỹ càng trước khi quyết định vì ngại việc chuyển nhà quá mệt mỏi và tốn thời gian, công sức. Thế nhưng vì dịch covid, công ty vợ anh Tiến cắt giảm lương của nhân viên nên vợ anh phải chuyển đổi công việc, quá xa nơi ở hiện tại. Thời gian di chuyển quá nhiều ảnh hưởng đến việc chăm sóc gia đình, thêm chủ nhà lật lọng liên tục đòi tăng giá thuê nên anh chị buộc phải tính hướng giải quyết.
Anh Tiến kể: “Lúc đó tôi tính dùng 5 triệu tiền thuê nhà để đập vào khoản nợ vay mua nhà. Đợi đủ tiền mua nhà thì cũng phải mất đến gần 10 năm, trong khi tiền thuê nhà 600 triệu sẽ mất trắng. Đằng nào cũng mất tiền hàng tháng thì chọn phương án để mình có nhà vẫn hơn, lại không phải vất vả chuyển nhà. Mỗi lần chuyển nhà rất tốn kém, chưa kể nhiều đồ đạc phải mua mới. Động lực làm việc của tôi là có nhà trước tuổi 35”.
Khác anh Tiến, anh Tùng lại có quan điểm “ở nhà thuê, đến 50 tuổi mới xây nhà”. “Đang lúc còn nhiệt huyết, tôi sẽ dốc toàn lực và vốn để đầu tư sinh lời. Làm nhà lúc này sẽ khiến đồng tiền chết, chưa kể phải vay thêm ngân hàng và vì làm ngành xây dựng nên tôi biết rằng sau khoảng 10 năm sẽ phải sửa một vài hạng mục hoàn thiện và sau 20 năm sẽ có thể phải sửa phần kết cấu”, anh Tùng nói. Dù đã có một mảnh đất nhưng hai vợ chồng anh Tùng vẫn ở nhà thuê thay vì xây nhà ở ngay như nhiều người khuyên.
Anh Tùng làm phép tính: Nếu xây nhà lúc này, chi phí cũng sẽ cần khoảng 1,2 tỷ cho một căn nhà 3 tầng 1 tum trên diện tích 50m2. Sau 10 năm, thêm chi phí sửa chữa vào khoảng 200 triệu, như vậy sẽ cần khoảng 1,4 tỷ cho 10 năm. Nhưng nếu đi thuê nhà, tính trung bình cả tiền nhà và tiền điện nước là 5 triệu/tháng thì sau 10 năm sẽ mất khoảng 600 triệu. Nhưng nếu dùng 800 triệu để đầu tư, số tiền sau 10 năm thu về sẽ hơn 1 căn nhà. Chưa kể, ở nhà thuê, việc thay đổi trong trường hợp chuyển việc hay muốn cải thiện môi trường sống cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, những người không thạo về đầu tư thì phương án ăn chắc mặc bền, an cư rồi lập nghiệp vẫn sẽ phù hợp hơn.
Theo ý kiến của các chuyên gia, thời điểm mua nhà sẽ phụ thuộc vào nhu cầu và khả năng tài chính của người mua. Dù quyết định mua nhà ngay hay tiếp tục đi thuê thì chỉ nên dành tối đa 30-40% thu nhập cho hạng mục nhà ở để đảm bảo cho các nhu cầu khác như y tế, ăn uống, giao lưu… Chẳng hạn, nếu tổng thu nhập của gia đình bạn là 30 triệu/tháng thì bạn chỉ nên dành 9-12 triệu/tháng cho nhà ở.
Khánh Trang