Nên học Ngữ văn thế nào để chinh phục chương trình Giáo dục phổ thông mới?

Thứ hai, 19/08/2024 - 08:10

Việc học Văn theo chương trình Giáo dục phổ thông mới khiến nhiều sĩ tử không khỏi lúng túng và mong muốn tìm được một phương pháp học phù hợp.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2025 sẽ là năm đầu tiên áp dụng cách ra đề theo chương trình phổ thông mới - một chương trình đòi hỏi học sinh phải đọc - hiểu, đặc biệt là với môn Ngữ Văn. Nhằm giúp học sinh THPT chủ động thay đổi cách học để thích ứng với cấu trúc đề mới, một tiết học Văn đặc biệt và tràn đầy cảm hứng đã được tổ chức với sự tham gia của hàng trăm bạn học sinh, ca sĩ Hoàng Dũng, BTV Sơn Lâm và cô giáo Ngữ Văn nổi tiếng - Sương Mai.

Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Ngữ văn sẽ lấy các kỹ năng giao tiếp (đọc, viết, nói và nghe) làm trục chính, xây dựng theo hướng mở; không quy định chi tiết các văn bản cụ thể xuất hiện trong đề thi mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về bộ kĩ năng quan trọng: đọc, viết, nói, nghe. Sự đổi mới mạnh mẽ này gây nên nhiều lo lắng, hoang mang cho học sinh, đặc biệt là các sĩ tử chuẩn bị tham dự kì thi tốt nghiệp THPT 2025 với những thay đổi lớn trong cấu trúc, nội dung đề thi. Thói quen học thuộc lòng phân tích, học vẹt bài mẫu đã không còn tính ứng dụng, đòi hỏi học sinh phải tìm ra phương pháp học mới giúp tăng khả năng đọc hiểu, viết lách và cảm nhận văn học hơn, chẳng hạn như xu hướng học Văn với phương pháp tư duy mở được hội lớp 12 yêu thích thời gian gần đây.

Cô Sương Mai - một cô giáo dạy Văn online khá nổi tiếng, cũng là người khởi xướng xu hướng này giải thích: "Phương pháp tư duy mở không bắt các bạn phải đưa ra những câu trả lời gò bó, khuôn mẫu mà hãy sử dụng sức mạnh ngôn từ để thể hiện quan điểm của mình. Với người học, mỗi lần khám phá một tác phẩm là một lần trải nghiệm cuộc đời, câu chuyện khác nhau và tìm thấy bản thân mình, từ đó có sự đồng cảm và cảm hứng theo đuổi môn học này".

Nên học Ngữ văn thế nào để chinh phục chương trình Giáo dục phổ thông mới?
- Ảnh 1.

Cô giáo dạy Văn Sương Mai

Mới đây, để mọi người hiểu hơn về cách học này, cô Sương Mai đã tổ chức một tiết học đặc biệt với sự tham gia của hơn 200 học sinh THPT và các bậc phụ huynh. Tiết học lấy chủ đề: "Hình tượng người cha trong văn học và nghệ thuật nói chung". Những tưởng đó là loạt kiến thức rất khó nhằn với học sinh, nhưng tiết học lại bắt đầu với một đoạn video trích nhiều hình ảnh người cha trong các bộ phim, clip cuộc sống thường ngày.

Việc liên hệ giữa các tác phẩm được diễn ra dựa trên cách cô Sương Mai khắc họa hình ảnh một người cha trong thực tế - người cha không hoàn hảo nhưng sẽ luôn có cách để yêu thương con của riêng mình. Cô lấy dẫn chứng từ những văn bản trong chương trình học như Chiếc Lược ngà, Chiếc Thuyền Ngoài Xa, Lão Hạc đến các tác phẩm văn học, nghệ thuật ngoài sách giáo khoa như Những Cánh Buồm, Cánh Đồng Bất Tận, Mưu Cầu Hạnh Phúc hay Vùng Đất Câm Lặng. Chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về cha con, cộng thêm cách dẫn dắt để học sinh hướng đến câu chuyện của chính mình, khiến mỗi bạn đều thấu hiểu và cảm nhận rõ nét về các nhân vật hơn.

Nên học Ngữ văn thế nào để chinh phục chương trình Giáo dục phổ thông mới?
- Ảnh 2.

Tiết học đặc biệt khiến các bạn học sinh 2k7 thích thú

Đặc biệt, giữa dòng cảm xúc là sự xuất hiện rất bất ngờ của ca sĩ Hoàng Dũng với ca khúc Đi Đâu Để Thấy Hoa Bay. Đây cũng là ca khúc Hoàng Dũng viết về cha mình, người cha trong tưởng tượng của ca sĩ với hình ảnh ẩn dụ "hoa bay". Khoảnh khắc Hoàng Dũng chia sẻ về người cha đã mất từ năm 6 tuổi đã khiến khán phòng lắng đọng, cũng là giây phút các bạn học sinh có mặt tại lớp học đặc biệt này suy nghĩ về tình cảm cha con - không chỉ của riêng bạn mà trong tất cả câu chuyện bạn đã nghe, tác phẩm bạn đã đọc.

Nên học Ngữ văn thế nào để chinh phục chương trình Giáo dục phổ thông mới?
- Ảnh 3.

Nam ca sĩ Hoàng Dũng mang đến những cảm xúc dạt dào về tình cha với ca khúc Đi Đâu Để Thấy Hoa Bay

Sự xuất hiện của Hoàng Dũng cũng là một phần trong tiết học Văn theo phương thức mở tư duy. Văn chương kết hợp với các loại hình nghệ thuật khác dễ tiếp cận hơn đã đem đến một nguồn cảm hứng rộng lớn, dồi dào, để bất cứ bạn học sinh nào trong tiết học cũng có thể viết ngay một bài văn trước chủ đề "Hình tượng người cha trong văn học và nghệ thuật".

Chưa dừng lại ở đó, hình ảnh người cha lại được khắc họa một cách rõ nét hơn khi buổi học trải nghiệm khép lại bằng một đoạn kịch nói lấy cảm hứng từ tác phẩm Người Ngựa Ngựa Người của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Diễn viên duy nhất - cô Sương Mai đóng vai một người cha làm nghề xe ôm đang cố chở nốt vị khách cuối trong đêm giao thừa. Khi phát hiện bị vị khách lừa không trả tiền, người cha bộc bạch nỗi lòng lo lắng, trăn trở vì không đủ kinh phí lo cho các con một cái Tết tử tế.

BTV Sơn Lâm - MC chương trình và cũng tham dự tiết học như một học sinh nghẹn ngào chia sẻ: "Tôi có nghe cô Sương Mai nói rằng muốn mọi người coi văn học là bộ môn nghệ thuật, mọi người đến nghe một phần trình diễn về văn chương như đi nghe một chương trình âm nhạc hay xem một bộ phim. Tôi nghĩ đây là hướng tiếp cận rất mới, hay và tiết học này cũng rất kỳ công. Hình ảnh người cha được nhặt nhạnh từ nhiều hình thức khác nhau: phim, nhạc, thơ và cả cảm xúc của mình. Đây hẳn là một cách chủ đạo trong phương thức học Văn mà cô Sương Mai đang hướng đến".

Nên học Ngữ văn thế nào để chinh phục chương trình Giáo dục phổ thông mới?
- Ảnh 4.

MC Sơn Lâm

Trong buổi học trải nghiệm này, cuốn sách Đi Kiếm Mình Giữa Thế Gian Rộng Lớn cũng lần đầu tiên được ra mắt. Cuốn sách không chỉ là tài liệu văn học tích hợp kỹ năng, kiến thức cho chương trình mới, mà còn là cầu nối đưa độc giả đến gần hơn với văn chương, giúp học sinh thêm tự tin để vững bước trên hành trình "đi kiếm mình" đầy khó khăn, thử thách nhưng cũng thật thú vị phía trước.

Bộ sách chia thành 2 tập mang tên "Ngoài kia rực rỡ bao nhiêu?" và "Bên trong ta rộn rã thế nào?", với các nội dung giảng dạy kiến thức thông qua loạt tác phẩm văn học nằm ngoài sách giáo khoa và những câu chuyện từ chính cuộc sống hay của chính bản thân người đọc. Đây cũng là mục đích của phương pháp học Văn cô Sương Mai - mở rộng phạm vi tiếp xúc, đọc hiểu văn chương, đáp ứng sự thay đổi của đề thi theo chương trình phổ thông mới.

Thành công của tiết học Văn trải nghiệm phương thức mở tư duy không chỉ dừng lại ở những tiếng vỗ tay hay giọt nước mắt xúc động của khán giả, mà ở cách mọi người sẵn lòng chia sẻ cảm xúc của mình.

Bạn Lan Anh (sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội) - một người tham gia tiết Văn đặc biệt này bày tỏ: "120 phút này khiến mình cảm nhận được một câu nói trong cuốn sách Bài Giảng Cuối Cùng của nhà văn Randy Pausch, đó là 'Cha mẹ không cần phải còn sống mới có thể yêu thương con cái'. Mình đã rất đong đầy cảm xúc và rất cảm ơn cô Sương Mai vì những cảm hứng mà cô đã đem lại".

Nên học Ngữ văn thế nào để chinh phục chương trình Giáo dục phổ thông mới?
- Ảnh 5.

Xuyên suốt tiết học, các bạn học sinh đã được đi qua nhiều cảm xúc khác nhau

Nên học Ngữ văn thế nào để chinh phục chương trình Giáo dục phổ thông mới?
- Ảnh 6.

Nhìn chung ai cũng thích thú vì được tìm hiểu về phương pháp học Văn mới

Một câu chuyện khác được chia sẻ từ học sinh đang theo học lớp học văn của cô Sương Mai - cô bạn với niềm đam mê hát rap cháy bỏng và được truyền cảm hứng mãnh liệt từ những giờ học Văn theo phương pháp mở tư duy.

Như một cách để chứng minh nguồn cảm hứng tìm kiếm và theo đuổi chính mình đến từ những giờ học văn, cô bạn còn ngẫu hứng lên sân khấu biểu diễn một tiết mục rap sôi động khiến cô Sương Mai và cả khán đài phải đứng dậy vỗ tay trước tinh thần nhiệt huyết theo đuổi đam mê.

"Ai cũng cần bắt đầu từ đâu đó và hình ảnh bạn theo đuổi giấc mơ sẽ là hình ảnh rực rỡ nhất dù bạn có vấp ngã hay thất bại đi chăng nữa. Rất mong các bạn sẽ cho văn học một cơ hội để đồng hành cùng bạn trong hành trình theo đuổi giấc mơ đó, chỉ cần bạn thay đổi cách tiếp cận với văn học thì bạn sẽ nhận thấy văn học là một điều rất tuyệt vời" - cô Sương Mai tổng kết lại.

PV