Ngày 17/3, bên lề cuộc gặp đầu tiên tại Alaska giữa các quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc và Mỹ kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, Mỹ đã trừng phạt 24 quan chức Trung Quốc liên quan đến vấn đề Hong Kong. Trên khía cạnh ngoại giao, thời điểm trừng phạt rõ ràng là có ý đồ.
Cuộc gặp giữa Thủ tướng Nga Vladimir Putin (phải) và Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden
tại Moscow ngày 10/3/2011. Ảnh: Reuters.
Tương tự, ngày 19/5, khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Sergey Lavrov ngồi lại với nhau trong cuộc gặp đầu tiên ở Iceland, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố sẽ trừng phạt các nhà thầu của dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2, nhưng miễn trừ cho Công ty Nord Stream 2 AG và lãnh đạo công ty này Matthias Warnig – một công dân Đức được cho là có mối quan hệ gần gũi với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Với lệnh trừng phạt nhằm vào các quan chức Trung Quốc, chính quyền Biden có thể đã tính toán rằng Bắc Kinh sẽ phải hợp tác, bởi Trung Quốc vốn thường chịu sức ép của phương Tây. Tuy nhiên, tại cuộc gặp ở Alaska, ông Dương Khiết Trì, Ủy viên quốc vụ Trung Quốc đã làm thay đổi quan điểm của chính quyền Biden.
Với Nga lần này, chính quyền Biden dường như phải bắt trúng trọng điểm. Ngay trước khi ông Lavrov trở lại Moscow, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã mô tả động thái miễn trừ trừng phạt của Mỹ đối với công ty Nord Stream 2 AG và CEO Matthias Warnig là một “tín hiệu tích cực”.
Cuộc gặp mang tính xây dựng ở Iceland
Nhật báo Izvestia có ảnh hưởng ở Nga dẫn lời các nguồn thạo tin cho rằng “công việc thiết thực dự kiến sẽ được đưa ra trong chương trình nghị sự cho cuộc gặp thượng đỉnh Putin-Biden”. Cuộc gặp ở Iceland được tổ chức “theo cách mang tính xây dựng”.
Theo Izvestia, “Các nhóm từ cả 2 phía giờ sẽ làm việc về nội dung [cho cuộc gặp thượng đỉnh]”.
Có một thời, các chính sách của phương Tây được định hướng bởi hy vọng cải thiện cách hành xử của Nga. Tuy nhiên, “sự kiên nhẫn chiến lược” khi đó lại dựa vào kỳ vọng rằng kiểu chính phủ của ông Putin không thể tồn tại lâu dài và sẽ được thay thế bằng một chính phủ khác dễ hòa hợp với phương Tây hơn.
Hiện tại có một sự bế tắc, bởi các nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập và trừng phạt Nga đều không đi tới đâu. Trong khi đó, điều quan trọng hơn, và có thể mang lại hậu quả trong tương lai, chính là mối quan hệ ngày càng sâu rộng giữa Nga và Trung Quốc.
Như Tony Brenton, cựu Đại sứ Anh tại Nga đã viết trong một bài bình luận năm 2020 rằng: “Hai nhà lãnh đạo hiện tại [Putin và Tập Cận Bình] là những người đối thoại với nhau thường xuyên nhất. Quân đội hai nước tập trận chung với nhau. Hai nước bỏ phiếu cùng [quan điểm] với nhau tại Liên Hợp Quốc. Ngôn từ mà họ sử dụng để nói về mối quan hệ song phương chỉ vừa đủ và tránh dùng từ ‘liên minh’”.
Mối quan hệ Nga-Trung khiến phương Tây phải “suy nghĩ lại”
Các nhà phân tích phương Tây, vốn lâu nay vẫn luôn hoài nghi về độ bền vững của quan hệ đối tác Trung-Nga, miễn cưỡng thừa nhận rằng “cuộc chiến tâm lý” của họ đối với Moscow đã không hiệu quả. Trước đây họ cho rằng, người Nga sẽ phải lo ngại về việc trở thành một vệ tinh kinh tế đơn thuần cho nước láng giềng phía nam; rằng một ngày nào đó Trung Quốc có thể trở lại vùng Viễn Đông khổng lồ, vắng vẻ của Nga; rằng Trung Quốc có ý đồ xấu đối với sự thống trị của Nga ở sân sau Trung Á...
Những nỗ lực của Mỹ nhằm “hạ bệ” Nga đều không đạt được kết quả nào. Vụ Alexei Navalny đã chứng minh điều này.
Mặt khác, như cựu Đại sứ Brenton đã đánh giá: Nga và Trung Quốc ngày càng coi phương Tây đối kháng là mối đe dọa cốt lõi đối với các thỏa thuận chính trị trong nước và lợi ích ở nước ngoài của họ. Mỗi bên đều đem lại cho đối phương một điều gì đó giống như đồng minh có tầm quan trọng chiến lược và hữu ích về mặt kinh tế khi cả 2 bên phải đối mặt với mối đe dọa đó.
“Với thái độ hiện tại của phương Tây, mối quan hệ này dường như sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. Nói cách khác, trong cuộc cạnh tranh toàn cầu sắp tới giữa Trung Quốc và phương Tây, người Nga – cho dù họ cảm thấy mình có bao nhiêu phần là châu Âu, cũng rất có thể sẽ nghiêng về phía Trung Quốc”, theo ông Brenton.
Trên thực tế, Tổng thống Putin đã tỏ ra quyết đoán rõ rệt kể từ sau khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ.
Trong một tuyên bố gần đây, ông Putin nói rằng: “Tôi hy vọng sẽ không có ai dám vượt qua ranh giới đỏ đối với Nga và chúng tôi sẽ xác định vị trí [của ranh giới đỏ] trong từng trường hợp cụ thể. Những người có hành động khiêu khích đe dọa lợi ích an ninh cốt lõi của Nga sẽ cảm thấy hối tiếc vì hành động của họ hơn bao giờ hết… Chúng tôi thực sự không muốn đốt những cây cầu. Nhưng nếu một số người hiểu nhầm mục đích tốt đẹp của chúng ta và có ý định đốt cháy hoặc thậm chí tự làm nổ tung những cây cầu đó, thì phản ứng của Nga sẽ bất đối xứng, rất nhanh chóng và cứng rắn”.
Do đó, phương Tây ngày càng có cảm giác rằng đã đến lúc phải suy nghĩ lại về chính sách liên quan tới Nga.
Theo cách suy nghĩ mới này, những lời khẳng định về “chủ nghĩa xét lại” của Nga rõ ràng là phóng đại. NATO không thể coi Nga như một đối thủ khi trọng tâm của khối này ngày càng phải dồn vào Trung Quốc.
Chỉ bằng cách xây dựng những mối liên kết cởi mở và chân thành giữa giới doanh nghiệp, sinh viên, các viện nghiên cứu… thì phương Tây mới có thể mở ra con đường để Nga có thể hiểu và đánh giá các giá trị và cách sống của phương Tây.
Bên cạnh đó, phương Tây cũng phải từ bỏ guồng quay trừng phạt và nếu cần, có thể “đánh đổi” các biện pháp trừng phạt để thể tạo ra chương trình nghị sự tích cực nhằm tháo gỡ mối quan hệ tiêu cực với Nga hiện nay.
“Mong muốn” của Mỹ
Ngoại trưởng Mỹ Blinken dường như nhận thấy cách suy nghĩ này đủ hấp dẫn để thử. Dù sao thì Mỹ cũng chẳng mất gì và có thể điều tốt đẹp sẽ xuất hiện nếu Washington làm cho mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc trở nên lỏng lẻo hơn.
Tại cuộc gặp ở Iceland, ông Blinken đã đưa ra một “danh sách mong muốn” với người đồng cấp Lavrov, bao gồm vấn đề Triều Tiên, Iran, Afghanistan. Vấn đề Ukraine và Crimea được gạt sang một bên và có thể được để lại tới cuộc gặp giữa ông Biden và ông Putin.
Kỳ vọng của Mỹ là: Nga sẽ không đứng về phía Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên để phá hoại hệ thống liên minh do Mỹ dẫn đầu ở phía Đông; Moscow nên để Washington rảnh tay “kiềm chế” Iran; Moscow không nên là “kẻ chen ngang” ở Afghanistan và Trung Á trước sự hiện diện an ninh của Mỹ.
Tuy nhiên, Mỹ không thực sự nắm bắt cơ hội. Washington dường như chỉ đang muốn trì hoãn cho đến khi Thủ tướng Đức Angela Merkel nghỉ hưu vào tháng 9 tới.
Washington vẫn có lựa chọn hạt nhân để ngăn chặn dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 và làm trật bánh “con tàu thuận lợi” của Moscow đến Berlin.
Ứng viên thủ tướng của đảng Xanh, Annalena Baerbock, hiện đang là người có nhiều tiềm năng thay thế bà Merkel nhất trong cuộc bầu cử vào tháng 9 tới. Bà đã đề xuất “gia tăng sức ép đối với Nga” và trong cương lĩnh tranh cử, bà cũng cho rằng Đức nên rút lại sự ủng hộ chính trị đối với dự án Dòng chảy Phương Bắc 2./.
Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)Theo Asia Times