Phát biểu tại cuộc họp báo chung về kết quả hội đàm với Tổng thống Phần Lan Sauli Ninisto, Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 21/08 một lần nữa nhắc lại rằng, Nga sẽ phát triển các tên lửa tầm trung và ngắn để đáp trả những hành động của Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir đã có chuyến thăm Phần lan và hội đàm với Tổng thống Sauli Ninisto. Tại cuộc họp báo chung về kết quả hội đàm, khi trả lời câu hỏi về việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước xóa bỏ các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), nhà lãnh đạo Nga khẳng định, ông đã nói về điều này nhiều lần và thêm một lần nữa nhắc lại ở Hensinky rằng: Nga sẽ không bố trí tên lửa, mà sẽ nghiên cứu về các hệ thống tầm trung và tầm ngắn, “cho đến khi ở nơi này hay nơi kia trên thế giới không xuất hiện hệ thống tương tự của Mỹ sản xuất.”
Tổng thống Vladimir Putin. Ảnh: Điện Kremlin/Reuters.
Theo lời Tổng thống Nga, Moskva vẫn chưa nghe thấy phản hồi từ Mỹ hoặc các đối tác châu Âu. Ông Putin nhắc nhớ về các tuyên bố rằng, tên lửa Tomahawk trên biển đã được thử nghiệm, mà nó có thể được điều chỉnh để phóng từ mặt đất bằng việc thay đổi phần mềm. Theo ông, việc phóng các tên lửa này có thể được thực hiện từ những bệ phóng đã được đặt tại Rumani và dự kiến sẽ xuất hiện ở Ba Lan trong tương lai gần.
Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố, Nga sẵn sàng đối thoại, nhưng an ninh của đất nước phải được đảm bảo: "Tôi không chắc chắn rằng, phía Mỹ sẽ thông báo cho các đối tác châu Âu về những phần mềm họ có trong các hệ thống này. Đối với Nga, điều này có nghĩa rằng, đang xuất hiện những đe dọa mới, mà Nga cần phản ứng bằng cách tương tự. Chúng tôi sẽ thực hiện các bước thích hợp ngay bây giờ để đối phó với những hành động này, có tính chất tương xứng. Chúng tôi đã đưa ra đề xuất để bắt đầu cuộc đối thoại này. Chúng tôi sẵn sàng thảo luận với người châu Âu và với người Mỹ, nhưng an ninh của Nga sẽ được đảm bảo một cách tin cậy."
Tổng thống Putin cũng tuyên bố rằng, Nga thất vọng khi Mỹ vừa thử nghiệm một loại tên lửa đã bị INF cấm trước đó, mà việc chế tạo nó đã bắt đầu từ lâu trước khi Washington rút khỏi hiệp ước này. Hành động này làm căng thẳng thêm tình hình nói chung trong lĩnh vực an ninh trên thế giới và ở châu Âu nói riêng.
Ngày 02/08 vừa qua, Hiệp ước về xóa bỏ các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được Mỹ và Liên xô ký năm 1987 đã chấm dứt hiệu lực, do Mỹ tuyên bố rút khỏi. Nga ngay lập tức đưa ra các tuyên bố về đáp trả tương xứng./.
Anh Tú/VOV