Nga tận dụng tối đa đòn bẩy để chứng minh phương Tây đang tính toán sai lầm

Thứ năm, 28/07/2022 - 10:34

Nga đang cố gắng thể hiện đòn bẩy của nước này, từ thị trường năng lượng toàn cầu đến lĩnh vực không gian, trong một nỗ lực nhằm gây sức ép tối đa với Mỹ và châu Âu khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bước sang tháng thứ 6.

Giới chức Nga ngày 26/7 tuyên bố sẽ rút khỏi Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) vào năm 2024, chấm dứt nhiều thập kỷ hợp tác với Mỹ và các đồng minh trong không gian, đồng thời đặt tương lai của ISS vào tình trạng không xác định. Quyết định này được công bố một ngày sau khi tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom thông báo sẽ giảm lưu lượng khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 từ 40% công suất hiện tại xuống còn 20% công suất. Ngay sau tuyên bố của Gazprom, giá năng lượng tại châu Âu đã tăng chóng mặt, làm phức tạp hơn nỗ lực của EU trong việc cắt giảm tiêu thụ và dự trữ nhiên liệu.

Đường ống khí đốt Nord Stream 1 ở Lubmin, Đức. Ảnh: Reuters

Từ năng lượng đến lương thực

Phản ứng trước động thái của Gazprom, EU đã thông qua kế hoạch khẩn cấp kêu gọi các quốc gia cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt trong những tháng tới. Châu Âu đã giảm đáng kể sự phụ thuộc vào năng lượng Nga kể từ khi nước này phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, nhưng khí đốt của Nga vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong lượng nhiên liệu tiêu thụ của lục địa này. Các quan chức châu Âu cho biết, họ đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất trong mùa Đông.

“Tôi biết rằng quyết định này không hề dễ dàng, nhưng tôi nghĩ cuối cùng thì mọi người đều hiểu sự hy sinh này là cần thiết. Chúng ta phải cùng nhau chia sẻ nỗi đau”, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Séc Jozef Sikela cho biết sau cuộc họp khẩn cấp của EU tại Brussels.

Giá năng lượng tăng cao có thể dẫn đến tình trạng suy thoái ở châu Âu do lạm phát tăng kỷ lục, cùng việc người tiêu dùng phải “thắt lưng buộc bụng” vì chi phí thực phẩm, nhiên liệu và điện nước leo thang. Nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho châu Âu thì điều này sẽ giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế đang suy yếu. Nhiều công ty cảnh báo rằng, họ không thể chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng khác như dầu hoặc điện để sản xuất nhiệt chỉ trong 1 đêm. Trong một số trường hợp nhiều thiết bị kim loại hoặc thủy tinh đang nung nóng sẽ bị hỏng nếu không được cung cấp nhiệt.

Giữa lúc châu Âu đang loay hoay tìm lối thoát trong cơn khủng hoảng năng lượng, thì Nga vẫn “bình chân như vại”. Theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, mặc dù các nhà xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt Nga đang bán ít năng lượng hơn, nhưng giá cả của mặt hàng này tăng cao đã mang lại lợi ích lớn về kinh tế cho Nga. Kể từ khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, doanh thu của Nga từ việc xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt sang châu Âu đã tăng gấp đôi so với mức trung bình trong những năm gần đây, lên 95 tỷ USD, báo cáo của IEA cho biết. Lợi nhuận từ việc bán năng lượng của Nga trong 5 tháng qua đã tăng gấp 3 lần so với mức trước chiến tranh.

Với nguồn lực tài chính khổng lồ trong tay, Điện Kremlin có thể tính toán rằng hóa đơn điện nước tăng cao và vấn đề suy thoái năng lượng sẽ làm suy yếu sự ủng hộ của người dân châu Âu đối với Ukraine và giúp Nga đạt được một thỏa thuận có lợi. Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết: “Dựa trên những gì chúng tôi thấy trong một năm qua, sẽ không đúng đắn nếu loại trừ khả năng Nga quyết định từ doanh thu mà họ có được từ việc xuất khẩu khí đốt sang châu Âu để giành được đòn bẩy chính trị”.

Khi châu Âu đang nỗ lực tích trữ khí đốt, các máy bay chiến đấu của Nga đã tấn công nhiều mục tiêu của Ukraine ở khu vực Biển Đen, gần thành phố cảng chiến lược Odessa. Các cuộc tấn công này làm dấy lên lo ngại thỏa thuận đột phá mà Moscow và Kiev đạt được vào cuối tuần qua, cho phép nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng ở Biển Đen có thể bị đổ vỡ. Nhiều nhà phân tích phương Tây suy đoán, Điện Kremlin sẵn sàng giữ nguồn cung cấp lương thực của Ukraine “làm con tin” như một phần trong kế hoạch chiến đấu của họ.

Hiện chính quyền Tổng thống Joe Biden đang đối mặt với sự chỉ trích về cách thức xử lý cuộc xung đột Nga-Ukraine. Mặc dù Mỹ đã chi hàng tỷ USD viện trợ quân sự và nhân đạo cho Kiev, nhưng các nghị sỹ của đảng Cộng hòa cho rằng Nhà Trắng đáng lẽ nên thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn để sớm ngăn chặn Nga phong tỏa các cảng của Ukraine ở Biển Đen.

… và lĩnh vực không gian, vũ trụ

Điện Kremlin dường như đang sử dụng tất cả các đòn bẩy sẵn có của nước này để chứng minh Mỹ và châu Âu đã thất bại. Không chỉ cắt giảm nguồn cung khí đốt, tấn công cứ điểm của Ukraine ở Biển Đen, Nga còn tuyên bố rút khỏi ISS sau năm 2024. Giới phân tích cho rằng, quyết định của Nga sẽ gây ra ảnh hưởng lớn đến hợp tác không gian – một dấu ấn quốc tế thời hậu Chiến tranh Lạnh.

Chưa rõ tiến trình rút khỏi ISS của Nga sẽ diễn ra như thế nào? Moscow chưa cho biết liệu họ có cho phép các đối tác trên ISS tiếp tục vận hành mô đun của Nga hoặc yêu cầu dừng hoạt động hoàn toàn các mô đun này hay không. Do các mô đun của Nga đóng vai trò thiết yếu đối với việc vận hành trạm vũ trụ, nên không chắc ISS có thể hoạt động khi thiếu chúng. Tùy thuộc vào cách thức và thời điểm Nga quyết định rút khỏi ISS, các nước đối tác sẽ phải đưa ra những lựa chọn khó khăn khi tìm kiếm giái pháp giúp ISS tiếp tục vận hành trong qũy đạo.

Một số nhà quan sát cho rằng, quyết định của Nga là “hành động mang tính chính trị”. Khi tuyên bố từ bỏ ISS, các quan chức hàng đầu của Nga cho biết, phương Tây đang hết cách để buộc Nga phải chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Phát biểu với báo chí, Người Phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: “Các nước EU và các quốc gia Bắc Mỹ đang cùng nhau thực hiện các biện pháp không thân thiện với Nga. Nhưng chúng ta có thể thấy rằng phương Tây đang cạn kiệt các biện pháp mà họ mong đợi nhằm gây áp lực với Nga và khiến chúng ta phải thay đổi lập trường”.

Mỹ và các đồng minh NATO đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt mạnh chưa từng có đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột Ukraine. Những biện pháp này chắc chắn đã gây ra một số thiệt hại nhất định cho nền kinh tế Nga nhưng chúng dường như không gây ảnh hưởng đến chiến lược của Tổng thống Putin.

Hiện mục tiêu thực sự của Nga tại Ukraine vẫn là một chủ đề gây tranh luận. Ngoại trưởng Nga Lavrov cuối tuần qua tiết lộ mục tiêu quan trọng nhất của Moscow ở Ukraine là "giải phóng người dân nước này khỏi chế độ không thể chấp nhận được” của Tổng thống Zelensky. Đây là lần hiếm hoi Nga đề cập đến khả năng "chấm dứt chế độ" ở Ukraine, ngoài mục tiêu "giải phóng Donbass" được công bố trước đây.

Quân đội Nga đã đạt được những bước tiến chậm nhưng chắc tại Donbass trong vài tháng qua. Sau khi chiếm gần như toàn bộ khu vực Lugansk, Nga tiếp tục phát động cuộc tấn công lớn tại Donetsk để đẩy lùi các lực lượng Ukraine, nhằm giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực./.

Hồng Anh/VOV