Có thể nói, chưa bao giờ vấn đề về ngộ độc rượu lại nóng như hiện nay. Để ngăn chặn các vụ ngộ độc có thể gia tăng trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần phải quản lý các cơ sở sản xuất rượu, đồng thời phải tích cực tuyên truyền để người dân hiểu và ý thức được tác hại của việc dùng rượu không bảo đảm chất lượng.
Bệnh nhân điều trị vì ngộ độc rượu. |
Khi vụ ngộ độc tập thể khiến 9 người tử vong do rượu chứa methanol ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu còn chưa hết nóng, thì ngay giữa thủ đô Hà Nội, liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc cũng do rượu methanol trong thời gian gần đây.
Chỉ tính từ ngày 22/2 đến 14/3, Hà Nội đã ghi nhận 27 bệnh nhân ngộ độc rượu methanol, 3 người tử vong. Đa số bệnh nhân ngộ độc methanol nhập viện đã có biểu hiện mờ mắt (thậm chí mù), hôn mê, rối loạn chuyển hóa nặng, tổn thương não, hoại tử não. Nhiều bệnh nhân được cứu sống cũng để lại di chứng về não và mắt.
Mới đây nhất là vụ ngộ độc tập thể khiến 9 sinh viên (trọ tại khu vực Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội) phải nhập viện, trong đó có 4 bệnh nhân bị giảm thị lực, 3 bệnh nhân có dấu hiệu tổn thương não.
Ngày 15/3, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh cũng đang điều trị cho một bệnh nhân nữ với triệu chứng nặng như hôn mê sâu có rối loạn chuyển hóa, có dấu hiệu tổn thương não, phù não. Bệnh nhân này phải nhập viện nguyên nhân cũng do uống rượu chứa methanol.
Theo BS CKI. Nguyễn Bá Trọng, Khoa Cấp cứu chống độc, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh, trung bình mỗi tháng Khoa tiếp nhận từ 7-8 bệnh nhân nghi bị ngộ độc rượu methanol. Những bệnh nhân này thường có các triệu chứng như đau đầu dữ dội, nhìn mờ, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, kích thích, vật vã, hôn mê, tụt huyết áp.
Điểm chung của những ca ngộ độc này là đều uống rượu pha chế hoặc rượu tự nấu, không có nguồn gốc xuất xứ và thành phần rõ ràng, có giá rẻ từ 7.000-20.000 đồng/lít. Nguyên nhân gây ngộ độc là do chất cồn công nghiệp methanol có trong rượu vượt hàng trăm, hàng nghìn lần cho phép. Thậm chí, tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ từng tiếp nhận trường hợp ngộ độc rượu với nồng độ methanol trong máu lên đến 687 mg/dL, trong khi thông thường nồng độ methanol trong máu >20 mg/dL được coi là ngộ độc, nếu >40 mg/dL là tình trạng ngộ độc rất nặng.
Khởi tố điều tra vi phạm quy định về VSATTP
Ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Công tác thanh tra, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, methanol là một loại cồn rất độc, không được phép sử dụng trong rượu. Loại cồn này thường được sử dụng trong công nghiệp, trong phòng thí nghiệm làm dung môi... Tuy nhiên, thực tế vẫn có một hàm lượng methanol tự nhiên sinh ra khi sản xuất rượu, nhưng với lượng rất thấp.
Vì vậy, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống có cồn (QCVN 6-3:2010/BYT) và Tiêu chuẩn quốc gia về rượu trắng (TCVN 7043:2013) có quy định, hàm lượng methanol trong rượu không lớn hơn 100 mg/lít cồn 100 độ. Tuy nhiên, trong các vụ ngộ độc do rượu chứa methanol gần đây thì hầu hết hàm lượng methanol trong rượu đều vượt hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần cho phép.
Theo BS. Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, với hàm lượng methanol có trong rượu gấp hàng trăm nghìn lần cho phép thì chắc chắn là người nấu hoặc pha chế rượu cố tình cho cồn methanol vào rượu.
Riêng tại Hà Nội, chỉ trong 3 tuần gần đây đã ghi nhận 3 người tử vong do ngộ độc rượu chứa methanol. Ngày 11/3 vừa qua, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố điều tra vụ án “Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự. Theo cơ quan Cảnh sát điều tra, việc khởi tố vụ án là để điều tra các hành vi sai phạm liên quan đến một số trường hợp ngộ độc rượu xảy ra thời gian gần đây trên địa bàn.
Trước đó, Công an TP. Hà Nội cũng đã chỉ đạo công an địa bàn cơ sở tăng cường kiểm tra, phát hiện hành vi mua bán, tàng trữ rượu không rõ nguồn gốc để xử lý theo quy định của pháp luật. Hiện, vụ án đang được tiếp tục điều tra.
Tại Hà Nội, từ ngày 16/3 đến ngày 15/4, sẽ thành lập 10 đoàn kiểm tra độc lập, liên ngành tiến hành kiểm tra, xử lý những sai phạm liên quan đến rượu không nguồn gốc trên địa bàn. |
Đại diện Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, sau gần 2 tuần kiểm tra hàng trăm cơ sở sản xuất kinh doanh rượu trên địa bàn, cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã niêm phong gần 16.000 lít rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Sở Y tế Hà Nội cũng đã đề nghị các Sở Công Thương, Công an Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai quyết liệt tổ chức điều tra truy nguyên nguồn gốc sản phẩm rượu gây nên những vụ ngộ độc. Đồng thời tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, cơ sở dịch vụ ăn uống có bán rượu, đặc biệt là các cơ sở pha chế rượu thủ công trên địa bàn.
Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đã quyết định đưa việc kiểm soát rượu là một trong những nội dung chính để triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2017. Trong đó, các đoàn kiểm tra sẽ thanh kiểm tra đột xuất tại 12 tỉnh, thành trên cả nước.
Những động thái cứng rắn của các cơ quan chức năng hy vọng sẽ làm giảm và ngăn chặn được những vụ ngộ độc do methanol trong thời gian tới.
Đối với người dân, để phòng tránh ngộ độc do rượu chứa methanol, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, không nên uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30 ml/người/ngày; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Đặc biệt, người dân không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, không rõ nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.
Theo chinhphu.vn