Bệnh viện, xe khách, máy móc… được ngân hàng rao bán.
Nợ xấu chạm mốc hơn 733.900 tỷ đồng, ngân hàng "chạy đua" thanh lý tài sản
Giai đoạn cuối năm 2024 và quý I/2025, nhiều ngân hàng tăng cường xử lý nợ xấu, đặc biệt với những khoản vay giá trị lớn. Điển hình, VietinBank Vĩnh Long rao bán quyền sử dụng đất của Công ty TNHH MTV Bột mì Đại Nam với diện tích hơn 439 m² tại TP.HCM.
BIDV Thành Đô cũng đang rao bán lần thứ 5 khoản nợ của Công ty Cổ phần Hằng Hà, với tổng dư nợ hơn 730 tỷ đồng, trong đó nợ gốc gần 434 tỷ, nợ lãi và phí phạt quá hạn gần 296,4 tỷ đồng. Một trong các tài sản thế chấp cho khoản vay này là dự án Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Đức Giang tại Long Biên, Hà Nội. Sau nhiều lần chào bán bất thành, BIDV hạ giá khởi điểm khoản nợ xuống còn 534 tỷ đồng, tương đương hơn 70% tổng dư nợ gốc và lãi.
Không chỉ vậy, BIDV TP.HCM còn tổ chức đấu giá máy móc thiết bị của Công ty TNHH Đóng tàu và Cơ khí hàng hải Sài Gòn với tổng giá trị lên đến 781 tỷ đồng sau 16 lần đấu giá vẫn chưa có chủ mới.
Agribank Trung tâm Sài Gòn cũng không đứng ngoài cuộc khi tiếp tục giảm giá mạnh 3 xe khách giường nằm hiệu THACO tại TP.HCM xuống còn hơn 524 triệu đồng, giảm 359 triệu đồng so với giá chào bán tháng 5/2024.
Trong khi đó, SaiGonBank Cầu Giấy cùng cơ quan thi hành án tổ chức đấu giá 4 bất động sản trên mặt đường Nguyễn Khoái, Hà Nội, với mức giá khởi điểm từ 1,08 đến 14,4 tỷ đồng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2024, nợ xấu nội bảng của các ngân hàng thương mại đạt hơn 733.904 tỷ đồng, tăng 3,4% so với năm 2023. Đặc biệt, nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn) tại nhiều ngân hàng như MB, Sacombank, ACB, MSB, OCB tăng mạnh...
Theo báo cáo của Mirae Asset, cuối năm 2024, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của các ngân hàng niêm yết giảm xuống còn 1,92%, giảm 31 điểm cơ bản so với quý III/2024. Tỷ lệ nợ dưới chuẩn cũng giảm 10% so với quý trước, cho thấy chất lượng tài sản có dấu hiệu cải thiện.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo nợ xấu có thể tăng nhẹ trong nửa đầu năm 2025 do lãi suất cao và sự chuyển dịch sang mảng khách hàng cá nhân, vốn có rủi ro cao hơn. Dự báo, tỷ lệ nợ xấu sẽ cải thiện trong nửa cuối năm khi kinh tế phục hồi và các biện pháp quản lý rủi ro được tăng cường.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) tại các ngân hàng niêm yết đạt 91,4% vào cuối năm 2024, tăng 10,6% so với quý II nhưng vẫn giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Các ngân hàng quốc doanh tiếp tục dẫn đầu về LLR, trong khi một số ngân hàng tư nhân như MB cũng ghi nhận mức tăng đáng kể, tiệm cận 100%.
Báo cáo của MBS Research dự báo năm 2025, tăng trưởng lợi nhuận ròng của các ngân hàng sẽ đạt khoảng 20,2%, nhờ sự phục hồi của thu nhập ngoài lãi và tăng trưởng tín dụng bán lẻ. Tuy nhiên, để đạt được điều này, các ngân hàng cần tiếp tục trích lập dự phòng và thu hồi nợ xấu một cách hiệu quả.
Dù có những tín hiệu tích cực, việc xử lý nợ xấu vẫn là thách thức lớn. Các ngân hàng cần duy trì quản lý rủi ro chặt chẽ và tận dụng các cơ hội thị trường để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững.
Anh Mai