Ngành giáo dục Thuận Châu: Nhiều đổi mới mang tính thực tiễn cao, cho kết quả chuyển biến tích cực

Thứ bảy, 18/12/2021 - 16:06

TNV - Nhìn lại những đổi mới gần đây, PGD huyện Thuận Châu (Sơn La) khẳng định đã có sự chuyển biến tích cực và khá toàn diện trên các mặt ở tất cả các cấp học, các nhà trường. Với phương châm “Trách nhiệm - Năng động - Sáng tạo”, thời gian tới ngành tập trung vào công tác thông tin tuyên truyền để làm chuyển biến nhận thức tạo sự đồng thuận của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo; đồng thời, tạo môi trường công tác công bằng, minh bạch để giáo viên yên tâm công tác, say sưa, tâm huyết với nghề.

Tạo động lực mạnh mẽ, thúc dục toàn thể đội ngũ giáo viên phấn khởi thi đua công tác

Là một huyện có địa bàn rộng nhất tỉnh với nhiều đơn vị hành chính (29/29 xã, thị trấn), có nhiều xã thuộc diện vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, số lượng lớp học cắm bản vẫn còn, giao thông đi lại khó khăn; đội ngũ giáo viên còn thiếu cân đối; phòng học và nhà bán trú xuống cấp ở một số trường trung tâm và điểm trường lẻ của trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; hầu hết các trường còn thiếu phòng chức năng, nhà bán trú và các trang thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy. Đây là những khó khăn làm ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt công tác của ngành giáo dục và đào tạo huyện Thuận Châu.

Tổ chức giao ban trực tuyến trong toàn ngành.

Tuy vậy, thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” . Với tinh thần dám thay đổi, dám chịu trách nhiệm, cùng nhau trăn trở tìm ra phương thức mới vận dụng vào thực tiễn làm cho chất lượng giáo dục đào tạo của huyện chuyển động theo hướng khởi sắc đi lên. Trong năm 2020 và năm 2021, Phòng Giáo dục (PGD) huyện Thuận Châu đã quyết tâm triển khai nhiều cách làm mới, mang tính thực tiễn cao, bước đầu đã mang lại những tín hiệu tích cực.

Ông Lê Danh Dự (Phó Trưởng PGD huyện Thuận Châu) cho biết, có 05 đổi mới mang tính đột phá mà PGD tham mưu và đang triển khai thực hiện có hiệu quả trong 02 năm qua. Gồm: (1) Tổ chức giao ban trực tuyến hàng tháng toàn ngành với lãnh đạo Ủy ban huyện và chính quyền địa phương các xã, thị trấn; (2) Tổ chức Lễ tuyên dương khen thưởng giáo viên và học sinh có thành tích cao cấp tỉnh; (3) Tổ chức giao lưu học sinh giỏi từ lớp 6 đến lớp 8 và giao lưu câu lạc bộ Toán, Tiếng Việt cho học sinh lớp 5; (4) Ban hành Quy định tạm thời tiêu chí xét chuyển công tác, biệt phái đội ngũ giáo viên giữa các vùng trong huyện (Quy định 1808); (5) Thành lập Tổ tư vấn hỗ trợ.

Theo đó, từ năm học 2021-2022, PGD huyện tổ chức giao ban trực tuyến hàng tháng trong toàn ngành. Tại điểm cầu trung tâm có lãnh đạo Ủy ban huyện, các phòng chức ngăng liên quan và PGD; các điểm cầu ở 29/29 xã, thị trấn có lãnh đạo Đảng ủy, Ủy ban xã, thị trấn và Ban giám hiệu của các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đóng trên địa bàn.

Tuyên dương các giáo viên giỏi và học sinh giỏi.

Phấn khởi với cách làm mới này của PGD huyện, cô Lê Thị Lan Anh (Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Phổng Lăng) chia sẻ: Nhờ có hình thức giao ban này, nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ sở vật chất, kinh phí, chế độ, hay thiếu giáo viên cục bộ do nghỉ thai sản… được các nhà trường dễ dàng đề xuất để cấp trên có thể giải quyết ngay tại Hội nghị hoặc giao cơ quan chuyên môn kịp thời giải quyết.

“Đối với việc mở rộng sân chơi giao lưu học sinh giỏi từ lớp 6 đến lớp 8 và giao lưu câu lạc bộ Toán, Tiếng Việt cho học sinh lớp 5, vừa tạo nguồn cho học sinh cuối cấp có cơ hội đoạt nhiều giải và giải cao, vừa khích lệ nhiệt huyết của giáo viên và học sinh thi đua dạy và học để mang về thành tích cho trường, cho lớp, và cho cá nhân học sinh” – cô Lan Anh nói thêm.

Đặc biệt, với việc tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện ban hành Quy định tạm thời tiêu chí xét chuyển công tác, biệt phái đội ngũ giáo viên giữa các vùng trong huyện, PGD huyện Thuận Châu là đơn vị tiên phong của tỉnh đã giải quyết được căn bản bài toán về sự công bằng, minh bạch trong việc chuyển công tác của giáo viên, nhân viên ngành giáo dục từ vùng đặc biệt khó khăn về vùng thuận lợi hơn và ngược lại. Đồng thời, với nguyên tắc tính điểm số ưu tiên (giáo viên giỏi, có học sinh giỏi…) khi xét chuyển công tác đã tạo động lực mạnh mẽ thúc dục toàn thể đội ngũ giáo viên, nhân viên trong toàn ngành phấn khởi thi đua công tác.


Đội tuyển học sinh giỏi Hóa do cô Hà bồi dưỡng.

Chất lượng giáo dục ngày càng thực chất, nâng cao hơn so với trước

Nhờ vậy, chất lượng giáo dục đại trà ngày càng thực chất, nâng cao hơn so với thời gian trước; chất lượng giáo viên mũi nhọn đạt được nhiều kết quả cao; tỷ lệ huy động, tỷ lệ tốt nghiệp ở các cấp học đều tăng so với năm học trước – PGD huyện Thuận Châu khẳng định.

Cụ thể: Năm học 2020 - 2021, tỷ lệ huy động tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ trong độ tuổi đạt 22,6%, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 97,8%; tỷ lệ hoàn thành bậc tiểu học đạt 100% , tỷ lệ học sinh tốt nghiệp tiểu học vào lớp 6 đạt 99,0%, tỷ lệ xét tốt nghiệp bậc THCS đạt 99,9%. Duy trì 29/29 xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục (PCGD) cho trẻ em 5 tuổi; PCGD tiểu học, PCGD THCS, xóa mù chữ được duy trì. Huyện Thuận Châu đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3; công nhận duy trì đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 1; đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.


Gian nan, thử thách là vậy, song chưa khi nào cô giáo trẻ cũng như các đồng nghiệp nảy sinh tư tưởng chán nản, chùn bước. Trong ảnh: Cô Duyến và học sinh trường TH-THCS Bó Mười A

Cũng trong năm học này, có 73/80 giáo viên mầm non đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện (tăng 36 giáo viên, tỷ lệ đạt tăng 27,4% so với Hội thi năm học 2018 - 2019); có 94/106 giáo viên tiểu học đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện (tăng 55 giáo viên, tỷ lệ đạt tăng 16,5% so với Hội thi năm học 2018 - 2019); có 19/20 giáo viên tiểu học đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh (tăng 15 giáo viên, tỷ lệ đạt tăng 38,7%  so với Hội thi năm học 2016 - 2017).

Ngoài ra, có 16/31 dự án đạt giải tại cuộc thi KHKT cấp huyện dành cho học sinh THCS (tăng 02 giải so với năm học 2019 - 2020); có 6/9 dự án đạt giải (01 giải ba; 03 giải khuyến khích, 02 giải tiềm năng) tại cuộc thi KHKT cấp tỉnh dành  cho học sinh THCS (tăng 03 giải so với năm học 2019 - 2020); có 201/473 học sinh đạt giải tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp huyện (tăng 82 giải so với năm học 2019 - 2020); có 184/461 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện trong Kỳ thi giao lưu học sinh giỏi lớp 8 cấp huyện.

Nổi bật, trong năm học 2020-2021 có 47/108 học sinh đạt giải tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh (01 nhất, 06 nhì, 18 ba, 22 khuyến khích), tăng 20 giải so với năm học 2019 - 2020 và tăng 37 giải so với năm học 2018-2019; trong đó có giải nhất (sau hơn 10 năm mới có) và nhiều giải nhì). Tiêu biểu là các trường: THCS Chu Văn An có 21 giải (05 giải nhì, 08 giải ba, 08 giải khuyến khích), THCS Tông Lạnh có 15 giải (01 giải nhất, 01 giải nhì,  07 giải ba,  06 giải khuyến khích).


Tổ tư vấn gồm các cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán, giàu kinh nghiệm

Cô Nguyễn Thị Thúy Hà – Tổ trưởng tổ khoa học tự nhiên Trường THCS Chu Văn An là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 2 lần được UBND tỉnh tặng bằng khen tâm sự, năm học 2020 – 2021 cô đã trực tiếp ôn luyện đội tuyển HSG môn Hóa của huyện để dự thi cấp tỉnh, kết quả 09/12 em đoạt giải, riêng đội tuyển trường THCS Chu Văn An nơi cô trực tiếp giảng dạy đoạt 06 giải, trong đó có 03 giải nhì trên tổng số 05 giải nhì các môn dự thi của toàn huyện.

Cô Hà bật mí, nhờ sự quan tâm của nhà trường và đồng nghiệp, sự ghi nhận, động viên kịp thời của PGD huyện,… nên bản thân đã nỗ lực học hỏi về phương pháp, nội dung kiến thức chuyên môn, gần gũi chia sẻ tháo gỡ khó khăn với học sinh; luôn tìm cách truyền cảm hứng cho học sinh qua các thí nghiệm hóa học, qua giải thích các hiện tượng thực tiễn, vì vậy số học sinh yêu thích môn Hóa học đã tăng nhiều hơn, số học sinh tham gia đội tuyển HSG và đạt thành tích cũng tăng lên.

Cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn huyện rất phấn khởi, yên tâm công tác

Trao đổi với ThanhnienViet, cô Hoàng Thị Duyến – người có 18 năm liên tục gắn bó với học trò ở xã đặc biệt khó khăn Bó Mười xúc động nói, từ khi có Quy định 1808, cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn huyện rất phấn khởi và yên tâm công tác, nỗ lực phấn đấu để tích lũy điểm cho mình. Riêng về phần mình, căn cứ vào kết quả công tác nổi bật trong 5 năm gần đây là giáo viên giỏi cấp huyện, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và thời gian 18 năm liên tục công tác tại xã đặc biệt khó khăn… cô đã làm đơn xin chuyển công tác và chỉ sau 2 tháng cô đã được chuyển về công tác tại trường THCS Chu Văn An ở thị trấn.

Theo cô Duyến, cũng dịp này, trường TH và THCS Bó Mười A nơi cô công tác trước đây có cả thảy 02 giáo viên được chuyển công tác về trường thuận lợi hơn, và nhà trường cũng tiếp nhận 02 cô khác từ trường thuận lợi hơn vào công tác.

18 năm trước (2003), khi cô sinh viên trường Đại học Tây Bắc – Hoàng Thị Duyến vừa mới tốt nghiệp vào nhận công tác - trường PTCS Bó Mười A thuộc xã vùng 3 đặc biệt khó khăn, cách trung tâm huyện 20 km và chưa có điện lưới quốc gia.

“Ngày ấy, mỗi lần qua lại trường phải vượt qua 02 dốc núi đá cheo veo hiểm trở như vắt ngược giữa trời, mặt đường lại gồ ghề nhiều đá hộc to chắn lối, một bên là vách núi đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Làm cho cả cánh đàn ông có tay lái cứng cựa cũng phải chờn, huống chi là các cô giáo chân yếu tay mềm. Cho nên cách chọn duy nhất của các cô mỗi khi phải đi qua cung đường này là thuê xe một chàng xe ôm loại Mink, hoặc đi bộ. Nhưng vào những ngày trời mưa, phải vượt qua 7 km đường đất đỏ luôn bám riết vào bánh xe thì tất cả mọi người (kể cả cánh trai tráng bản khỏe mạnh) cũng chỉ còn nước xắn quần cuốc bộ, chưa kể phải thuê bè vượt qua gần 01 km đường chũng bị nước ngập sâu.” – cô Duyến nhớ lại.


Gian nan đường đến trường của các cô giáo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Gian nan, thử thách là vậy, song chưa khi nào cô giáo trẻ cũng như các đồng nghiệp nảy sinh tư tưởng chán nản, chùn bước. Nhưng đến cuối năm 2005, sau khi lập gia đình và sinh con nhỏ, do thời tiết ở đây khắc nghiệt, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, về đêm trời lạnh buốt và nhiều sương muối làm cho bé bị viêm đường hô hấp, sức khỏe yếu, khi ấy cô giáo trẻ đã viết đơn xin chuyển về trường thuận lợi hơn.

Song do mới ra trường, cống hiến chưa nhiều, nên cô vẫn phải ở lại trường công tác. Đến năm nay, nhờ có Quy định 1808, nên việc chuyển công tác của cô cũng như các đồng nghiệp trở nên minh bạch và thuận lợi hơn (nếu như đủ điều kiện).

C ác cấp học, các nhà trường đều chuyển biến tích cực và khá toàn diện

Một điểm mới đáng chú ý của PGD huyện là thành lập các Tổ tư vấn, hỗ trợ đối với các nội dung tham gia dự thi cấp tỉnh và các trường trong quá trình xây dựng trường chuẩn. Theo đó, Tổ tư vấn gồm các cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán, giàu kinh nghiệm về các lĩnh vực liên quan như: Thi giáo viên giỏi, thi học sinh giỏi, thi KHKT cấp tỉnh,...

Nhờ vậy, kết quả thi giáo viên giỏi và học sinh giỏi cấp tỉnh của huyện trong thời gian gần đây tăng lên rõ rệt. Đặc biệt, công tác xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia được đẩy mạnh; cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các trường học được quan tâm đầu tư, bổ sung. Năm học 2020 - 2021, Tổ tư vẫn hỗ trợ tích cực để có thêm 02 trường đạt chuẩn Quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn Quốc gia lên 36/84 trường, đạt 42,9%; trong đó, có 04 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2.

Thành quả rất tự hào của Tổ tư vấn là đã giúp đỡ có hiệu quả để Trường mầm non 1/6 Nậm Lầu là trường vùng 3 đầu tiên của huyện ngay trong lần đầu được công nhận mới đã đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 .


Bà con địa phương hăng hái kéo đến giúp đỡ trường mầm non 1/6 Nậm Lầu.

Được biết, vào đầu năm học 2020 – 2021, nhà trường chỉ dám đăng ký đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, bởi lúc đó vừa thiếu 4 – 5 giáo viên vừa thiếu thốn cơ sở vật chất trầm trọng, sân trường thì lồi lõm, hủm hố, khuôn viên cảnh quan nhà trường hết sức sơ xài... Nhưng được sự ủng hộ hết lòng của nhân dân và chính quyền địa phương, của huyện... đến giữa học kỳ 2, mọi thiếu thốn đều được bổ sung, đầu tư hoàn thiện tươm tất.

Cô Lê Thị Lan (nguyên Hiệu trưởng của trường) bồi hồi kể lại: Thiếu giáo viên thì được PGD kịp thời bổ sung; sân trường lồi lõm, nhiều hủm hố thì được bà con kéo đến giúp san lấp. Bà con còn bỏ cả kinh phí làm tặng trường: vườn cổ tích 60 m 2 , vườn rau 100 m 2 . Góc vận động 50 m 2 với nhiều đồ chơi xích đu, bập bênh, đu quay, tivi,.. trị giá gần 60 triệu đồng được Công ty Ford Hải Dương tài trợ. Huyện bố trí kinh phí để cải tạo 02 phòng công vụ xuống cấp thành bếp ăn bán trú; mua sắm tủ cơm điện, bếp ga; làm tường rào bao quanh, trồng cây xanh, tu sửa làm đẹp cảnh quan nhà trường...

Đến tháng 4/2021, qua xem xét đánh giá và khuyến khích của Tổ tư vấn huyện, nhà trường đã mạnh dạn đăng ký và được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 vào tháng 6/2021.

Nhìn lại những đổi mới gần đây, PGD huyện Thuận Châu khẳng định đã có sự chuyển biến tích cực và khá toàn diện trên các mặt ở tất cả các cấp học, các nhà trường. Với phương châm “Trách nhiệm - Năng động - Sáng tạo” , thời gian tới ngành tập trung vào công tác thông tin tuyên truyền để làm chuyển biến nhận thức tạo sự đồng thuận của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo; đồng thời, tạo môi trường công tác công bằng, minh bạch để giáo viên yên tâm công tác, say sưa, tâm huyết với nghề.

Kết hợp việc giảng dạy với tổ chức phong phú các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm sáng tạo nhằm thu hút học sinh đến trường, đến lớp và; làm tốt công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình, xã hội trong việc quản lý học sinh.

Về phí các nhà trường thì tăng cường phụ đạo học sinh yếu, kém để nâng cao chất lượng giáo dục đại trà; bồi dưỡng học sinh giỏi để nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn; gắn với tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp và giáo dục khởi nghiệp nhằm khơi dậy tinh thần sáng tạo, ý chí tự lập trong học sinh./.

Đ ến giữa học kỳ 2, mọi thiếu thốn của trường mầm non 1/6 Nậm Lầu đều được bổ sung, đầu tư hoàn thiện tươm tất; trở thành trở thành trường đầu tiên ở xã đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2.

Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp Kỳ thi THPT năm 2021 toàn huyện đạt 99,33% (tăng 2,61% so với năm 2020).

Đạt 01 giải ba tại cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 5 năm 2021.

Phạm Quỳnh