TNV - Ngày 28/2 tại Hà Nội, Nhóm nghiên cứu các Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, Hội Gỗ, Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai và tổ chức Forest Trends đã tổ chức Hội thảo Ngành gỗ Việt Nam trong bối cảnh biến động thị trường: Thực trạng 2019 và dự báo 2020.
Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đạt trên 10,3 tỷ USD, tăng 22% so với kim ngạch năm 2018. Kim ngạch các mặt hàng thuộc nhóm gỗ nguyên liệu (HS 44) chiếm 34% (so với 37% của năm 2018) và các mặt hàng đồ gỗ (HS 94) chiếm 66% (so với 63% trong năm 2018).
Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU tiếp tục là 5 thị trường quan trọng nhất của Việt Nam với kim ngạch từ 5 thị trường đạt 9,3 tỷ USD (chiếm 90% tổng kim ngạch). Trong các thị trường này, Mỹ là thị trường lớn nhất, đã nhập đến 5,1 tỷ USD các mặt hàng gỗ từ Việt Nam. Năm 2019, ngành gỗ bỏ ra gần 2,55 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng gỗ vào Việt Nam, chủ yếu là gỗ nguyên liệu.
Trung Quốc, châu Phi, Mỹ, EU là các nguồn cung gỗ nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam, với tổng giá trị trên 1,7 tỷ USD; chủ yếu là: Gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ ván. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia cung cấp các loại ván lớn nhất cho Việt Nam.
Các mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất alf đồ nội thất, dăm gỗ và các loại ván. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của 3 nhóm mặt hàng này lần lượt đạt 6,8 tỷ, gần 1,7 tỷ và 848,2 triệu USD, tương ứng với các mức tăng trưởng là 27%, 26% và 7% so với năm 2018.
Có thể nói, năm 2019 tiếp tục là một năm thành công lớn của ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Thành công này được thể hiện qua tốc độ tăng trưởng về kim ngạch xuất ở mức hai con số và cao hơn hẳn tốc độ tăng trưởng của các năm trước. Ngành tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủvới nhiều cơ chế chính sách mới cởi mở, thông thoáng nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. Chính phủ duy trì sự quyết liệt nhằm giảm thiểu rủi ro trong các hoạt động thương mại, đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn kéo dài.
Năm 2020, thị trường thế giới có nhiều biến động. Dịch viêm phổi cấp (Covid-19) bùng phát vào tháng 12 năm 2019 và hiện nay vẫn chưa thể biết thời điểm dịch đạt đỉnh điểm hay khi kết thúc. Năm nay cũng là năm dự kiến Hiệp định EVFTA bắt đầu có hiệu lực. Cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung vẫn tiếp tục kéo dài. Tất cả các yếu tố này đang và sẽ tiếp tục có những tác động lớn đối với nghành Gỗ của chúng ta hiện nay.
Tại Hội thảo, Nhóm nghiên cứu các hiệp hội ngành gỗ và Tổ chức Forest Trends nhận định: Năm 2020 có thể là năm biến động đối với ngành gỗ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp tại Trung Quốc - một trong những thị trường xuất nhập khẩu các mặt hàng gỗ rất quan trọng của Việt Nam.
Dăm gỗ là mặt hàng quan trọng nhất được xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc, với kim ngạch năm 2017 đạt 972,2 triệu USD, chiếm 79,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của tất cả các mặt hàng gỗ Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc trong cùng năm. Dịch viêm phổi cấp làm cho các công ty sản xuất giấy, bột giấy tại Trung Quốc phải ngừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng. Điều này đang và sẽ tiếp tục gây ra tình trạng chậm chễ trong việc xuất khẩu dăm của Việt Nam sang thị trường này. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng đã quyết định dừng dỡ hàng ở một số cảng và tăng cường biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt đối với các phương tiện vận chuyển, bốc dỡ hàng, bao gồm hàng vận chuyển bằng tàu biển và điều này cũng gây ra khó khăn trong xuất khẩu dăm gỗ từ Việt Nam.
Các loại ván là nhóm mặt hàng quan trọng nhất được nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, với giá trị nhập khẩu năm 2019 đạt 395,5 triệu USD, chiếm 60% trong tổng kim ngạch tất cả các mặt hàng gỗ từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam trong cùng năm. Dịch viêm phổi cấp đã làm cho luồng cung này hiện đang bị dừng lại. Lượng hàng đã nhập trước đó có thể giúp doanh nghiệp Việt đủ nguyên liệu từ nguồn này trong vòng 1-2 tháng nữa. Hết giai đoạn này, nếu dịch chưa dừng lại, các doanh nghiệp nhập khẩu từ Việt Nam sẽ cần tìm kiếm nguồn hàng thay thế hoặc phải đình trệ sản xuất.
Trung Quốc cũng là nguồn cung phụ kiện quan trọng cho ngành gỗ của Việt Nam. Các doanh nghiệp tại Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các mặt hàng như dây đai, phụ kiện, thanh trượt, bản lề, sơn, hóa chất và một số mặt hàng kim loại khác từ Trung Quốc. Dịch viêm phổi cấp cũng làm cho các nguồn cung này bị Chững lại. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp tại Việt Nam cần tìm kiếm nguồn cung thay thế, đặc biệt khi nguồn phụ kiện được nhập khẩu từ trước chỉ còn khoảng 2 – 3 tháng.
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết thêm: Trong các sản phẩm từ gỗ, nguyên liệu gỗ chiếm 35%, còn lại là các vật liệu phụ khác chiếm 65%. Điều đáng nói, mặc dù các vật liệu phụ xuất xứ từ Mỹ nhưng vẫn sản xuất tại Trung Quốc.
Ngoài ra, Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục mang lại cơ hội mở rộng xuất khẩu cho ngành gỗ, chủ yếu tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên, rủi ro về gian lận thương mại và đầu tư trong ngành gỗ vẫn song hành cùng với các cơ hội này.
Mỹ đã trở thành thị trường khổng lồ của ngành gỗ Việt. Năm 2019, giá trị kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ từ Việt Nam vào thị trường này lên tới 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành từ tất cả các thị trường trong cùng năm. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã tạo ra những cơ hội rất lớn cho các mặt hàng gỗ từ Việt Nam để thay thế cho các mặt hàng tương tự từ Trung Quốc khi xuất khẩu vào Mỹ, đặc biệt ở các nhóm mặt hàng ghế ngồi và các sản phẩm khác.
Việc mở rộng xuất khẩu tại Mỹ cũng làm xuất hiện một số rủi ro về gian lận thương mại và đầu tư. Năm 2017 là năm Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một số cơ chế và chính sách quyết liệt nhằm giảm rủi ro trong gian lận thương mại và đầu tư núp bóng, tập trung vào các mặt hàng có biến động rất lớn trong xuất khẩu vào Mỹ, đặc biệt là gỗ dán. Các biện pháp này góp phần tích cực nhằm ngăn chặn và giảm thiểu rủi ro.
Tuy nhiên hiện vẫn còn những dấu hiệu cho thấy gian lận thương mại có thể vẫn tồn tại trong các mặt hàng như hàng ván bóc, ván ghép đồ mộc xây dựng, ghế ngồi, các mặt hàng nội thất khác và bộ phận đồ gỗ. Cũng trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng tương tự từ Việt Nam sang Mỹ cũng tăng trưởng rất lớn: ví dụ ghế ngồi tăng 78%, gỗ dán tăng trên 100%. Bên cạnh rủi ro về thương mại, rủi ro trong các hoạt động đầu tư mới cũng có thể xuất hiện, với hàng loạt các dự án đầu tư mới từ Trung Quốc, thông thường có quy mô nhỏ, tập trung vào các mặt hàng dễ sản xuất.
Vào đầu tháng 2, Chính phủ Mỹ đã chính thức đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước đang phát triển. Điều này cũng có thể tạo ra những tác động đến việc Việt Nam xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ vào thị trường này. Vì vậy chúng ta cần tìm hiểu thông tin, đánh giá tác động từ đó có cơ chế, chính sách nhằm giảm thiểu rủi ro cho ngành Gỗ.
Hoàng Hà