Trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp nhựa, in ấn và đóng gói bao bì Hà Nội lần thứ 10 đã diễn ra hội thảo chuyên đề “Ngành nhựa Việt Nam - Công nghiệp đóng gói: Cơ hội lớn từ CMCN 4.0” ngày 24/4 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế I.C.E Hà Nội.
Tại Hội thảo, Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội in Hà Nội cho biết: Hiện nay, căn cứ số lượng báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành sách có khoảng trên 2000 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh liên quan lĩnh vực In, sản xuất và in bao bì. Số lượng các hộ kinh doanh hoạt động photo, gia công sản phẩm in chưa được thống kê, có quy mô khác nhau cũng khoảng hàng nghìn hộ. Tổng Doanh thu ngành in Việt Nam dự tính theo quy đổi ngoại tệ đạt trên 5 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết thêm về thực trạng ngành công nghiệp in hiện nay: Số lượng doanh nghiệp in vừa và nhỏ là chủ yếu, doanh nghiệp lớn có doanh thu trên 200 tỷ VND chỉ chiếm khoảng 10%; Lĩnh vực in văn hoá phẩm thu hút số đông doanh nghiệp in ở quy mô vừa và nhỏ, lĩnh vực này cạnh tranh cao, vẫn duy trì mức tăng trưởng khoảng 10% về sản lượng nhưng lợi nhuận thấp; Do chưa hấp dẫn về thu nhập, lao động ngành in biến động thường chuyển sang các ngành khác có điều kiện làm việc và thu nhập tốt hơn. Lao động thiếu và chưa được đào tạo chuyên nghiệp…
Thông qua đó ông cũng đưa ra một số giải pháp như: Các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh,có phương án đầu tư hiệu quả; Quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực, tiếp thu công nghệ mới đáp ứng yêu cầu khai thác và chuẩn hoá công việc; Cùng với đầu tư chiều sâu, xây dựng và hoàn thiện các hệ thống chất lượng quốc tế như ISO 9000, ISO 14000, SA 8000,..nhằm cam kết về chất lượng và có đủ điều kiện in gia công xuất khẩu…
Cũng trong Hội thảo, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong đã chia sẻ về Những cơ hội và tiềm năng phát triển ngành nhựa và bao bì Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông cho biết: Trong 10 năm qua, ngành nhựa có mức tăng trưởng 15 - 20%/năm. Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu 477.000 tấn nhựa (thị trường Trung Quốc chiếm 50%), tăng 99,87% về lượng so với năm 2016. Bên cạnh đó thị trường trong nước cũng gia tăng và tạo động lực phát triển ngành nhựa, bao bì do mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người tại Việt Nam không ngừng tăng.
Ông cũng nêu ra một số thách thức lớn mà ngành phải đối mặt như Sức ép cạnh tranh trong nước và quốc tế gia tăng; Áp lực giảm giá thành và giảm phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập.
Ông đã đề xuất một số giải pháp: Đa dạng hóa thị trường, tăng cường năng lực nghiên cứu, bản lĩnh và phản ứng thị trường; Chủ động tái cơ cấu đầu tư, phát triển liên kết cộng đồng và giảm bớt phụ thuộc nguyên liệu nước ngoài; Xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ; thu hút nhân tài và nâng cấp quản trị doanh nghiệp; tiếp cận các dịch vụ thông tin và tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp.
Hội thảo thu hút nhiều diễn giả là lãnh đạo đầu ngành thảo luận định hướng phát triển công nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, các hiệp định thương mại tự do (FTA). Hội thảo sẽ giúp các bên tham gia hiểu rõ hơn về thị trường nhựa hiện tại của Việt Nam.
An Nhiên