Ngành nông nghiệp Hải Phòng: Thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để chuyển đổi số

Thứ ba, 12/04/2022 - 08:15

TNV - Với định hướng từng bước gắn nền tảng số trong hoạt động hàng ngày của toàn bộ các cơ quan, đơn vị trực thuộc, của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hải Phòng đang đẩy mạnh xây dựng và triển khai các dự án chuyển đổi số trong quản lý, chỉ đạo sản xuất tất cả các lĩnh vực trong toàn ngành.

Định hướng chuyển đổi số đối với 8 lĩnh vực

Theo đó, lĩnh vực Trồng trọt và Bảo vệ thực vật , thực hiện số hóa các vùng sản xuất, các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, cơ sở sản xuất…, quản lý vùng trồng; theo dõi diễn biến tình hình sản xuất, thời tiết, khí hậu, sinh vật gây hại trên cây trồng, vật nuôi.

Tiếp đến là chuyển đổi số các khâu của quy trình sản xuất trồng trọt, trong đó tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi số toàn diện, ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông minh, tự động hóa, internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, thiết bị bay không người lái (Drone), thiết bị cảm biến, trí tuệ nhân tạo (AI), đèn Led đa sắc, phần mềm quản lý, máy móc và trang thiết bị tự động… trong sản xuất trồng trọt.

Đối với lĩnh vực Chăn nuôi và Thú y : Chuyển đổi số trong quản lý các vùng chăn nuôi, trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, cơ sở kinh doanh vật tư chăn nuôi thú y; theo dõi diễn biến tình hình chăn nuôi, dịch bệnh trên đàn vật nuôi; tình hình giết mổ và vận chuyển sản phẩm có nguồn gốc từ vật nuôi.

Vùng sản xuất chuyên canh rau quả xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy  (Ảnh dùng để minh họa)

Tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi số trong sản xuất (trang trại thông minh, cơ sở giết mổ thông minh) thông qua việc ứng dụng các công nghệ số hóa (công nghệ IoT, blockchain, điện toán đám mây), thiết bị cảm biến, máy và thiết bị tự động hóa, phần mềm quản lý trong các khâu của quy trình sản xuất chăn nuôi.

Về lĩnh vực Thủy sản : Thực hiện số hóa và quản lý các vùng nuôi trồng thủy sản, khu bảo tồn nguồn lợi, khu vực cần bảo vệ nguồn lợi; cơ sở sản xuất giống, cơ sở nuôi trồng, cơ sở sản xuất và kinh doanh vật tư ngành thủy sản, tàu cá, cảng cá; theo dõi diễn biến tình hình sản xuất, thời tiết, khí hậu, diễn biến môi trường sản xuất trong thủy sản.

Ưu tiên ứng dụng công nghệ IoT , công nghệ sinh học trong chọn giống; công nghệ nano, quan trắc môi trường trong nuôi thủy sản. Tập trung ứng dụng, nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao, máy quét sonar dò ngang trên tàu cá. Triển khai nhật ký khai thác, truy xuất sản phẩm thủy sản trên phương tiện điện tử. Quản lý tàu cá ra, vào cảng bằng hệ thống điện tử thông minh.

Trong lĩnh vực Lâm nghiệp :Thực hiện số hóa toàn bộ các dữ liệu về rừng, hệ thống hạ tầng lâm nghiệp và phòng cháy chữa cháy rừng. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc gỗ thông minh (iTwood) cho gỗ rừng trồng của hộ gia đình, các cơ sở chế biến, để nâng cao hiệu quả quản lý gỗ hợp pháp. Ứng dụng hệ thống camera giám sát chuyên dụng trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; công nghệ viễn thám, GIS, AI trong cập nhật diễn biến rừng, giám sát cháy rừng, dự báo nguy cơ mất rừng và suy thoái rừng. Khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ DNA mã vạch trong truy xuất nguồn gốc giống và lâm sản.

Lĩnh vực Thuỷ lợi và Phòng chống thiên tai : Tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu về đê diều, thủy lợi; xây dựng mạng lưới quan trắc, giám sát, dự báo, tích hợp thông tin về thủy lợi đê diều và phòng chống thiên tai.

Ngành nghề nông thôn : Tăng cường việc ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin trong sản xuất, tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc nông sản; ưu tiên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất kinh doanh và công nghệ thông tin trong quản lý điều hành hợp tác xã, doanh nghiệp, nông hộ…

Xây dựng nông thôn mới : Chuẩn hóa dữ liệu và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối đồng bộ và liên thông; hệ thống trực tuyến lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân, cộng đồng về chính quyền địa phương; nghiên cứu, xây dựng các mô hình xã nông thôn mới thông minh, xã nông thôn mới về thương mại điện tử…

Phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp : Xây dựng và triển khai chương trình phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp, nông thôn thành phố; xây dựng hệ thống tiêu thụ và truy xuất nguồn gốc nông sản; khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia các sàn giao dịch điện tử để trao đổi hàng hóa, dịch vụ phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Các nhiệm vụ trọng tâm

Ông Đỗ Gia Khánh (Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Phòng) cho biết, để thực hiện các mục tiêu về chuyển đổi số, ngành Nông nghiệp thành phố tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm là: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông sản; Phát triển thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc nông sản; Thực hiện thí điểm mô hình nông nghiệp thông minh.

Huyện Kiến Thụy đưa cơ giới hóa vào sản xuất ở vùng nuôi rươi xen cấy lúa chất lượng cao  (Ảnh dùng để minh họa)

Cụ thể, nhiệm vụ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung vào xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung toàn ngành và các nền tảng chuyển đổi số các lĩnh vực thuộc Ngành: (1) Lĩnh vực Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; (2) Lĩnh vực Chăn nuôi và Thú y; (3) Lĩnh vực Thủy sản; (4) Lĩnh vực Lâm nghiệp; (5) Lĩnh vực Thủy lợi và Phòng chống thiên tai; (6) Lĩnh vực Phát triển nông thôn; (7) Xây dựng nông thôn mới; (8) Nông sản Hải Phòng (thuộc lĩnh vực Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản).

Về xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông sản, nội dung chính là xây dựng mô hình: Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, những thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0… xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi số toàn diện, mô hình tự động hóa trong nông nghiệp (mô hình: trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, cửa hàng nông sản...).

Với quy mô thực hiện 40 mô hình, trong đó: năm 2022 xây dựng 5 mô hình; năm 2023 xây dựng 15 mô hình; năm 2024 xây dựng 15 mô hình; năm năm 2025 xây dựng 15 mô hình.

Đối với phát triển thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc nông sản: Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hoàn thiện xây dựng sàn giao dịch điện tử hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, thủy sản cho nông dân. Sử dụng mã QR, áp dụng phương pháp phù hợp đối với các loại nông sản trong nông nghiệp. Hỗ trợ đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử của thành phố, trong và ngoài nước; các kênh tiêu thụ sản phẩm online.

Đồng thời, hỗ trợ người sản xuất chuẩn hóa về sản phẩm nông sản (quy trình sản xuất, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, nuôi…), trang thiết bị phù hợp để theo dõi, vận hành và ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, OCOP của thành phố; phát triển các sản phẩm để đáp ứng các yêu cầu kinh doanh online.

Tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế trong và ngoài nước để giới thiệu sản phẩm nông lâm thủy sản. Tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường trong nước và trên thế giới về thị phần, thị hiếu, giá cả, các tiêu chuẩn sản phẩm... để xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển thị trường cho các sản phẩm nông sản.

Tập huấn, tuyên truyền, khuyến khích người dân tham gia thị trường thương mại điện tử, để nâng cao tính cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững. Tổ chức giới thiệu các cơ sở, sản xuất, kinh doanh tham gia thực hiện truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ nông sản thông qua các hoạt động: hội thảo, truyền thông, xuất bản tài liệu hướng dẫn...

Cuối cùng là thực hiện thí điểm mô hình nông nghiệp thông minh với mục tiêu là xây dựng thí điểm “trang trại thông minh”, “hợp tác xã nông nghiệp thông minh”, “cửa hàng kinh doanh nông sản thông minh”, “mô hình sản xuất, kết nối nông nghiệp thông minh”, “mô hình Làng chuyển đổi số, xã chuyển đổi số”, “mô hình Câu lạc bộ cộng đồng kết nối chuyển đổi số”...  theo các tiêu chí, nội dung khi Trung ương ban hành.

Cũng theo Giám đốc Đỗ Gia Khánh, bên cạnh đó còn có các nhiệm vụ ưu tiên thực hiện trong cả giai đoạn 2022 – 2025, gồm: nhóm các nhiệm vụ hình thành nền tảng số (8 nhiệm vụ); nhóm các nhiệm vụ tạo lập dữ liệu (6 nhiệm vụ) và nhóm các nhiệm vụ phát triển kinh tế số, xã hội số (8 nhiệm vụ)./.

Phạm Quỳnh

Nguồn ảnh: Báo Hải Phòng