TNV - Với tỷ lệ hộ nghèo giảm 11,04% (bằng 1.136 hộ), vượt chỉ tiêu huyện giao 2,30% và 2,54% so với chỉ tiêu tỉnh giao, Mù Cang Chải là địa phương dẫn đầu tỉnh Yên Bái về công tác giảm nhanh số lượng và tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2019. Đây là kết quả bước đầu nhờ hiệu ứng lan tỏa tích cực của mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân” mang lại.
Tiền đề quan trọng để mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn trăn trở tự đổi mới
Theo số liệu thống kê, đầu năm 2019 toàn huyện Mù Cang Chải có 6.051 hộ nghèo (tỷ lệ 51,66%), cuối năm 2019 số hộ nghèo giảm xuống còn 4.915 hộ, chiếm tỷ lệ: 40,62%; trong đó, hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội là 471 hộ (chiếm: 9,58%), hộ nghèo thuộc chính sách ưu đãi người có công là 3 hộ (chiếm: 0,06%), hộ nghèo người dân tộc thiểu số là 4.914 hộ (chiếm 99,98%).
Cán bộ huyện về cùng dân dọn vệ sinh thôn bản… (Ảnh: Hờ Cớ)
Qua sự phân tích cơ cấu hộ nghèo từ nhiều năm, Phòng Lao động thương binh& xã hội – Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo giảm nghèo – xác định nguyên nhân và khó khăn trong công tác giảm nghèo của huyện. Đó là: Chưa khơi dậy được tinh thần tự giác trong lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững và tích lũy làm giàu chính đáng của nhân dân; bà con bằng lòng với cuộc sống hiện tại, phát triển kinh tế gia đình chủ yếu là tự cung, tự cấp, chưa tạo ra sản phẩm thành hàng hóa để bán ra thị trường; thiếu vốn để mở rộng sản xuất, chăn nuôi; giao thông đi lại khó khăn, làm hạn chế việc phát triển sản xuất và giao thương hàng hóa...
Từ việc xác định trúng những nguyên nhân và khó khăn, Huyện ủy, UBND huyện Mù Cang Chải đã xây dựng các kế hoạch và quyết liệt triển khai thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo đến từng cơ quan, đơn vị, từng cán bộ, đảng viên. Trong đó, Kế hoạch số 186-KH/HU ngày 10/6/2019 của Huyện ủy Mù Cang Chải về việc phát động và triển khai mô hình "Ngày cuối tuần cùng dân”, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2019 – 2020, được coi là đột phá đã tạo ra chuyến biến tích cực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện.
Theo đó, từ các đồng chí Uỷ viên BTV Huyện ủy cho đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể cấp huyện, cấp xã dành ít nhất 02 ngày cuối tuần/tháng đến với xã, bản và từng hộ dân nơi được phân công phụ trách, giúp đỡ; để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn ngay từ cơ sở.
…. và trồng cây Tớ Rày làm bóng mát. (Ảnh: Hờ Cớ)
Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ bà con đổi mới tập quán canh tác, xóa đói giảm nghèo bằng hình ảnh trực quan sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ, việc dễ làm trước, khó làm sau; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, các tổ hợp tác, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của địa phương, các dịch vụ du lịch, góp phần tăng thu nhập cho nhân dân và gắn với xây dựng nông thôn mới. Thời gian thực hiện từ tháng 6/2019 đến hết năm 2020.
Nhờ được đến với dân nhiều hơn, thấu hiểu đời sống của nhân dân mà tính chủ động giải quyết các vấn đề dân sinh của cấp ủy, chính quyền được nâng lên rõ rệt; mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân được cải thiện và thêm gắn bó mật thiết; các biểu hiện của bệnh quan liêu, xa rời quần chúng được ngăn chặn, đẩy lùi. Đây là tiền đề quan trọng để mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn trăn trở tự đổi mới cách tuyên truyền, vận động để tháo gỡ dần các nút thắt, nâng cao ý thức tự giác thoát nghèo của người dân, sau mới đến hướng dẫn cách làm ăn, vay vốn và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa bà con làm ra.
Để người dân chủ động thoát nghèo, nhận thấy được vai trò chủ thể của mình trong giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, cần hướng các hộ gia đình đảng viên, hộ gia đình trẻ, phấn đấu thoát nghèo trước để làm gương; hạn chế cho không, thay vào đó là hỗ trợ có điều kiện, cho vay, hỗ trợ vốn gián tiếp nhằm đẩy mạnh sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, bền vững, kiên quyết không để tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước – ông Trương Đăng Hùng (Trưởng phòng Lao động và Thương binh xã hội huyện Mù Cang Chải) chia sẻ kinh nghiệm.
Bà con dễ chia sẻ, cán bộ tháo gỡ kịp thời
Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mù Cang Chải - ông Khang A Chua, cái hay của mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân” là khi được cán bộ đến tận bản, tận nhà thì tâm thế của bà con cởi mở hơn, dễ dàng chia sẻ những băn khoăn, thắc mắc với cán bộ, và cán bộ được phân công phụ trách cũng có nhiều thời gian hơn để tiếp thu, giải đáp, tháo gỡ vướng mắc kịp thời cho bà con. Bà con thiếu vốn thì đã có cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tư vấn cách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, chưa có mô hình làm ăn thì được cán bộ Phòng Nông nghiệp bày cho mô hình, thiếu kỹ năng lao động thì được đi học nghề…
Hỗ trợ Nhà Đại đoàn kết cho hộ Thào A Của ở bản Mý Háng Tủa Chử, xã Púng Luông thoát nghèo. Ảnh: V. Ly
Khi nhận thức của bà con đã thông, huyện Mù Cang Chải huy động sự vào cuộc của cộng đồng để hỗ trợ, giúp đỡ bà con cùng thoát nghèo; xây dựng và nhân rộng các mô hình Tổ hợp tác hoặc Tổ tự quản giảm nghèo gồm tập hợp các hộ khá giả hoặc đã thoát nghèo với các hộ nghèo, cận nghèo giúp nhau giảm nghèo, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, phát triển kinh tế. Tiêu biểu như: Tổ hợp tác trồng sơn tra ở xã Dế Xu Phình; Tổ hợp tác chăn nuôi gà thương phẩm xã Púng Luông; Tổ hợp tác thanh niên phát triển du lịch cộng đồng xã La Pán Tẩn…
Bên cạnh đó, huyện đã hỗ trợ 201 hộ nghèo, các Tổ hợp tác tham gia Đề án “Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa huyện Mù Cang Chải, giai đoạn 2016 - 2020” về giống, kỹ thuật, chuồng trại. Mặt khác, hướng dẫn bà con phát triển các loại vật nuôi giống mới có năng suất, hiệu quả cùng với giống bản địa, đặc sản, có giá trị hàng hóa cao, có thị trường tiêu thụ. Đồng thời với phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống dịch vụ có nhiều lợi thế, gắn với đào tạo và tạo việc làm cho lao động nông thôn, giúp cải thiện thu nhập ổn định, bền vững cho người dân.
Với tinh thần quyết liệt và đồng bộ, các cán bộ, đảng viên được phân công phụ trách xã, bản tiến hành rà soát mức độ thiếu hụt trong nghèo đa chiều (giáo dục, y tế, nhà ở, điều kiện sống, tiếp cận thông tin) làm cơ sở xây dựng giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo; tập trung hỗ trợ các chiều thiếu hụt, từng bước nâng dần điều kiện sống, mức sống và chất lượng cuộc sống của các hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo, chống tái nghèo. Điển hình như xã Chế Cu Nha đã giúp cho 100 hộ thoát nghèo (đạt 111%) bằng việc hướng cho bà con trồng cây vụ đông, phát triển chăn nuôi và giúp đỡ làm mới 25 chuồng trại, 57 nhà vệ sinh, 15 nền nhà, 2 mái nhà, và 01 nhà tắm.
Tổ hợp tác chăn nuôi gà đen ở xã Púng Luông. Ảnh: V. Ly
Sự phát triển mạnh mẽ của du lịch Mù Cang Chải với tâm điểm là Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang vào mùa nước đổ, mùa lúa chín vàng, dù lượn... trong những năm qua, cùng với chính sách phát triển hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã thúc đẩy các sản phẩm đặc sản, hữu cơ của địa phương chuyển dịch nhanh chóng theo hướng hàng hóa, theo chuỗi giá trị, phục vụ khách du lịch và nhu cầu thị trường ngày một tăng cao; càng củng cố niềm tin và tinh thần chủ động thoát nghèo, góp phần tạo ra nhiều việc làm mới để tăng thêm thu nhập và tiêu thụ nông sản cho bà con.
Ngoài việc làm cho các hộ nghèo thấy rõ con đường thoát nghèo bền vững chỉ có thể từ chính sự nỗ lực và thay đổi của bản thân, kết hợp với tạo thuận lợi để bà con tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, hướng dẫn cung cách làm ăn phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, thì các cán bộ đảng viên phụ trách xã, bản đều tích cực tiềm kiếm các nguồn lực ủng hộ đem về trợ giúp bà con. Bởi vậy, chỉ trong 6 tháng thực hiện mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân”, toàn huyện đã vận động xã hội hóa ủng hộ các hộ nghèo được 172 chiếc ti vi, làm nhà vệ sinh và lắp đặt nóng lạnh 135 bộ, đưa điện về 12 hộ, xây mới nhà ở 125 hộ, hỗ trợ máy móc sản xuất nông nghiệp 52 hộ, hỗ trợ xi măng làm chuồng trại 42 hộ, hỗ trợ mua gia súc 15 hộ, hỗ trợ xây dựng công trình nước sạch 5 hộ...
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện xuống tận xã, bản khơi thông nguồn vốn vay
ưu đãi cho hộ nghèo phát triển sản xuất. Ảnh: H. Quyên
Về với dân, hiểu dân, thương cảm và sẻ chia những khó khăn cơ cực với nhân dân, nên mỗi cán bộ đảng viên đều nỗ lực phấn đấu phải làm được điều gì có ích cho nhân dân.Ở chiều ngược lại , khi người dân nhận được những tình cảm chân thành và tâm huyết của cán bộthì cũng cố gắng học hỏi, tăng gia sản xuất vươn lên cải thiện cuộc sống, để không phụ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và công sức mà cán bộ, đảng viên đã dành cho./.
Phạm Quỳnh