Tham dự chương trình có ông Cấn Việt Anh – Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hà Nội; ông Bùi Hữu Dược – Nguyên Vụ trưởng vụ Phật giáo Ban Tuyên giáo Chính phủ; Bà Bùi Thị Hương Thuỷ - Phó Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hoá và Thể thao Thành phố Hà Nội; Ông Trương Tiến Hồi - Trưởng Ban Quản lý Khu di tích Phủ Tây Hồ; Ông Nguyễn Hà Cân - Pháp sư Trưởng Phủ Tây Hồ; Thạc sỹ, Nghệ nhân Văn hoá Nguyễn Đức Hiển; Nghệ nhân Phạm Thị Bích Phượng - Đại diện các thanh đồng khu vực phía Nam cùng các đồng đền, đồng thầy, các quý vị thanh đồng, đạo quan của cả nước.
Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời, được biến chuyển và thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tín ngưỡng thờ Mẫu hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn. Tâm là giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu. Mẫu dạy con người sống hướng thiện, có cái tâm trong sáng, biết đối nhân xử thế, thờ phụng ông bà tổ tiên và biết ơn những người có công với dân, với nước.
Chương trình “Ngày hội tụ tinh hoa đạo Mẫu Việt Nam” lần thứ 3 diễn ra tại Phủ Tây Hồ, Hà Nội, - nơi được coi là một trong những chốn linh thiêng nhất trong hệ thống các di tích tín ngưỡng của Thủ đô; nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh – một trong bốn vị Thánh bất tử của Việt Nam, nhân vật chính đại diện cho tín ngưỡng thờ Mẫu, tam phủ, tứ phủ của Việt Nam.
Khách tham dự sẽ được tham gia chứng kiến nghi lễ do Pháp sư trưởng Nguyễn Hà Cân và các đệ tử lên thực hành nghi lễ Dâng mẫu, nguyện cầu cho "Quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa", mùa màng bội thu, nhân dân an lành, no ấm, hạnh phúc, đất nước hưng thịnh, đổi mới, hội nhập và phát triển.
Sau đây là một số hình ảnh của Chương trình:
Các đại biểu tham dự Chương trình.
Pháp sư trưởng Nguyễn Hà Cân (áo đen ở giữa) và các đệ tử thực hành nghi lễ
dâng Mẫu, nguyện cầu cho “Quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa”.
Thạc sỹ, Nghệ nhân Văn hoá Nguyễn Đức Hiển tại buổi Lễ.
Không khí trang trọng của ngày hội.
Hải Hà