Thế nhưng, có những điều chúng ta vô thức làm ngược lại với chính những gì mình ước và muốn chúc cho người thân. Trong khi lời chúc tụng sức khỏe vừa ra thì cũng là lúc rượu và thức ăn đi vào. Gọi là “ba ngày tết”, nhưng ở VN với tập quán và văn hóa nông nghiệp, thì việc chè chén, chúc tụng nhau đã bắt đầu vào nửa cuối tháng chạp, từ tiệc tùng tất niên, giỗ chạp đến cúng quảy và phải kéo dài đến hết tháng giêng ăn chơi. Vì thế mà lượng rượu và thức ăn được thu nạp vào cơ thể của mỗi người trong thời gian lễ lộc này rất lớn. Với trình độ dân trí hiện nay, có lẽ ít ai không biết hệ lụy của việc uống rượu và ăn uống quá mức có tác hại như thế nào đến sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Nhưng vì vui, vì cả nể, vì sĩ diện với mọi người, nên biết thì biết đấy, cứ vui đã, chuyện gì đến sẽ lo sau.
Tác động nghiêm trọng và trực tiếp nhất của việc ăn uống đến sức khỏe trong những ngày đầu năm là rượu. “Tai biến” tức thời là tai nạn giao thông và bạo lực; tác động lâu dài của rượu là gây tổn hại gan có thể dẫn đến mất chức năng - xơ gan.
Hệ lụy của việc thu nạp một lượng lớn thức ăn vào cơ thể là gây dư thừa năng lượng, dẫn đến sự tích lũy mỡ và trọng lượng của cơ thể. Béo phì là một trong những hệ quả đầu tiên của sự bất cân bằng hấp thu và tiêu hao năng lượng. Quá cân hay béo phì là nguy cơ của nhiều bệnh tật nguy hiểm như tiểu đường, cao huyết áp, tích hợp thành các nguy cơ của hai nhóm bệnh lý nguy hiểm nhất là bệnh tim mạch và tai biến mạch máu não.
Cũng có người nghĩ rằng cứ ăn uống xả láng ba ngày Tết rồi sau đó sẽ nhịn bù. Thế nhưng, chỉ cần sau một cuộc nhậu ngà ngà hơi men thì sức khỏe của mình và mọi người xung quanh đã ngàn cân treo sợi tóc rồi. Về việc ăn uống, có thể nghĩ rằng ăn nhiều hôm nay rồi nhịn bù hôm khác. Nhưng sự thật, quá trình chuyển hóa năng lượng trong cơ thể không diễn ra như chúng ta nghĩ. Năng lượng thu nạp trong một ngày có thể phân làm hai nhóm, loại dùng ngay và loại để tích lũy. Cơ thể chỉ sử dụng đủ năng lượng loại dùng ngay cho sinh hoạt trong một ngày như ta dùng điện, tất cả phần thừa còn lại cùng với năng lượng tích lũy sẽ được chuyển sang dạng lưu trữ dài hạn là mỡ. Để mà nhịn ăn cho tiêu tốn hết lượng mỡ vừa dự trữ đó thì phải mất thời gian lâu lắm, trước khi chúng ta có thể chịu đựng được tình trạng đói. Khi đói thì cơ thể phản ứng kích thích hệ tiêu hóa gây ngon miệng để phải ăn bù cho có đủ năng lượng tức thời để chính cơ thể sử dụng. Cứ thế vòng xoáy dư thừa năng lượng và tích lũy lại xảy ra. Chúng ta cũng có thể gia tăng hoạt động thể lực để đốt bớt năng lượng dư thừa. Thế nhưng để đốt hết lượng năng lượng của một bữa ăn tiêu chuẩn trong 20 phút, chúng ta cần ít nhất 5 tiếng hoạt động thể lực ở mức độ nặng. Liệu khi "da bụng đã căng và da mắt đã chùng", chúng ta có làm được điều đó không.
Để cho điều ước và lời chúc ngày xuân trở nên hiển linh một cách thiết thực, có lẽ mỗi chúng ta cần phải tự điều chỉnh lại nếp sinh hoạt của mình. Điều đó không chỉ là vào những ngày xuân mà phải là sự thực hành trong mỗi ngày, tránh tình trạng "no dồn đói góp" trong ăn uống để làm giảm thiểu các nguy cơ có thể tránh được do rượu và thức ăn gây ra. Ăn uống điều độ không chỉ đem lại sức khỏe cho chính mình mà đó là niềm vui cho cả gia đình và cộng đồng, tránh gây phiền nhiễu và hệ lụy nặng nề cho xã hội. Người có sức khỏe tốt sẽ có cuộc sống tinh thần phong phú hơn, hạnh phúc hơn. Một tâm hồn phơi phới hạnh phúc sẽ đem lại niềm vui và hạnh phúc lây lan cho mọi người xung quanh. Và như thế hạnh phúc đã hiển hiện ngay giây phút hiện tại ấy chứ có cần gì phải ước và chúc tụng!
Theo Thanhnien.vn