Sự kiện mang tới cho sinh viên Đại học Bách Khoa cơ hội cập nhật xu hướng phát triển nghề nghiệp lĩnh vực công nghệ, học hỏi kỹ năng và được truyền cảm hứng bởi các diễn giả là các lãnh đạo kỳ cựu của tập đoàn: Anh Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch HĐQT FPT Telecom, anh Đinh Tiến Dũng – còn được biết đến với tên Giáo sư Cù Trọng Xoay – Giám đốc sáng tạo Truyền hình FPT. Sự kiện đã thu hút hơn 800 sinh viên tham gia trực tiếp tại hội trường và hơn 38,000 lượt xem trên các kênh Livestream tại Facebook..
3 bị diễn giả mang đến cho các bạn sinh viên nhiều câu chuyện thú vị
Là một trong những tập đoàn lớn dành nhiều sự quan tâm đến việc bồi dưỡng nguồn nhân lực trẻ cho đất nước, FPT kỳ vọng truyền cảm hứng nghề nghiệp cho sinh viên Việt Nam thông qua vốn tri thức, kinh nghiệm và nhiệt huyết của những “đàn anh” đi trước – những người hiện đang nắm giữ vị trí quản lý, lãnh đạo cao cấp của tập đoàn.
Một nghịch lý của thị trường lao động Việt Nam nhiều năm qua, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ - kỹ thuật, là vừa thừa vừa thiếu nhân lực. Theo dự báo năm 2020, Việt Nam còn thiếu tới 100 ngàn lao động CNTT, mỗi năm cần cung ứng mới tới 78 ngàn lao động, thì mặt khác, tính đến cuối năm 2019, nước ta có gần 600 ngàn người trẻ đang không tìm được việc làm. Đặc biệt trong lĩnh vực CNTT, theo đó quá nửa trong số các công ty IT Việt Nam đang có kế hoạch tuyển thêm 10-30% nhân sự mới. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 27% lao động trẻ có thể đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, số còn lại cần phải đào tạo thêm mới có thể làm việc được.
Một trong những nguyên nhân được lý giải là do sinh viên Việt Nam còn thiếu và yếu các kỹ năng mềm hỗ trợ công việc, cũng như chưa nhạy bén với các xu hướng nghề nghiệp mới. Tại sự kiện, diễn giả Hoàng Nam Tiến đã chia sẻ với các bạn sinh viên về xu hướng nghề nghiệp, những ngành nghề sẽ “HOT” nhất trong 10 năm tới. Trong đó, CNTT là một trong những ngành nghề được xã hội ưa chuộng nhất trong tương laivàthuộc TOP 3 các ngành có mức thu nhập hấp dẫn nhất với mức lương khởi điểm có thể gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi một số ngành nghề khác. Đặc biệt, các nghề liên quan đến công nghệ mới như AI, Big data, Robotics... sẽ đảm bảo mang lại thu nhập tốt nhất cho giới trẻ trong vòng 10 năm tới.
Sự kiện thu hút 800 sinh viên tham dự
Để tăng điểm cạnh tranh trên thị trường nhân lực CNTT, theo anh Tiến, việc thành thạo một ngôn ngữ Tiếng Anh, đồng thời học thêm 1 đến 2 ngoại ngữ khác như Tiếng Nhật, tiếng Đức… cùng với kỹ năng tự học và học tập suốt đời sẽ trở thành lợi thế của sinh viên. Chia sẻ thân tình với vai trò một cựu sinh viên Bách khoa, anh Hoàng Nam Tiến cho biết: “Thế hệ của tôi là thế hệ One-time learning, nghĩa là cả đời chỉ cần học một lần rồi sử dụng các kiến thức đó cho suốt phần sự nghiệp của mình. Thế hệ Z - Thế hệ các bạn sinh từ sau năm 1996 nói chung và các bạn đang theo học ngành CNTT nói riêng là thế hệ “học tập suốt đời”, nghĩa là cần liên tục trau dồi các kiến thức và kỹ năng mới nếu không các bạn có thể bị đào thải bất cứ lúc nào. Thế hệ Z cần ghi nhớ rằng tự học là kỹ năng cốt lõi để phát triển bản thân và phát triển sự nghiệp. Tôi muốn rằng các bạn sinh viên Bách Khoa hãy tiếp tục truyền thống của Người Bách Khoa. Các bạn sẽ trở thành những công dân toàn cầu bằng năng lực và khả năng của mình và khi đó hãy cùng FPT mang trí tuệ Việt Nam ra toàn cầu. Thế hệ Z ngày hôm nay giỏi hơn thế hệ cũ rất nhiều, các bạn có ngôn ngữ tiếng Anh rất tốt, đầu óc cởi mở, sẵn sàng học cái mới và sự năng động, linh hoạt trong cuộc sống – đó là những điều thế hệ đi trước không bằng được.”
Sau những chia sẻ của người đứng đầu nhà Viễn thông, sinh viên đã được gặp gỡ, giao lưu trực tiếp với Giám đốc sáng tạo Truyền hình FPT– anh Đinh Tiến Dũng. Khi được sinh viên hỏi về việc tìm kiếm trải nghiệm, cơ hội nghề nghiệp trong tương lai, anh Dũng chia sẻ: “Trải nghiệm sẽ đến từ những điều không thể, thay vào việc chỉ chăm chăm vào việc trên giảng đường, hãy cho phép bản thân trải nghiệm dù đôi khi sẽ không liên quan đến công việc trong tương lai”.Giáo sư Cù Trọng Xoay – anh Đinh Tiến Dũng cũng đã bật mí bí quyết để sáng tạo của mình “Hầu hết sáng tạo mới đều dựa trên cái cũ, ai càng biết nhiều cái cũ sẽ có thêm cơ hội sáng tạo cái mới. Do đó, mỗi người nên hình thành thói quen cập nhật cái cũ mỗi ngày”.
PGS.TS Đinh Văn Hải – Trưởng phòng Công tác Sinh viên, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Ở trường Đại học, các bạn sinh viên không chỉ phải học các kiến thức chuyên môn mà còn cần phải định hướng cũng như có những tư duy, nhận thức đầy đủ về ngành nghề, con đường tương lai, những xu hướng nghề nghiệp. Cảm ơn Tập đoàn FPT hôm nay đã giúp nhà trường mang đến cho sinh viên những nhận thức đầy đủ hơn để hoàn thiện kiến thức, kỹ năng, hành trang và có vị trí công việc phù hợp sau khi tốt nghiệp. Từ đó phát triển bản thân, đóng góp những giá trị lớn hơn cho gia đình, xã hội và đất nước.”
Leader Talk là format mới của chương trình giao lưu giữa lãnh đạo Tập đoàn FPT với sinh viên các trường đại học trên toàn quốc do FPT tổ chức từ năm 2013, nhằm giải đáp thắc mắc của sinh viên về cơ hội nghề nghiệp và con đường phát triển trong tương lai. Đồng thời giúp sinh viên tiếp cận những góc nhìn khác nhau về việc lựa chọn nghề nghiệp từ kinh nghiệm thực tế của lãnh đạo FPT.Theo dự kiến, sự kiện sẽ được tổ chức xuyên suốt trong năm 2020 tại các trường Đại học lớn trên cả nước như Đại học Bách Khoa, Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Công nghiệp, Đại học Giao thông Vận tải...
Tô An