TNV - Là một nghệ sỹ piano, Bùi Đăng Khánh vẫn giản dị trong thế giới của riêng mình. Dường như cuộc sống ồn ã kia không thể phạm tới tâm hồn âm nhạc của anh.
Tâm hồn anh, nó miễn nhiễm được với tất cả những gì gai góc từ đời sống, một cách tự nhiên như thể chuyện bình thường mỗi ngày. Lặng lẽ đứng sau vinh quang,cùng với bao trăn trở trong cuộc sống, buồn có vui có, nghệ sĩ Bùi Đăng Khánh vẫn say sưa dệt nên những giai điệu đẹp, sâu lắng, ngân vang trên những phím đàn.
Hôm nay, Bùi Đăng Khánh dành cho tôi một buổi nói chuyện tại một quán cà phê yên tĩnh, trong con ngõ đường Nguyễn Chí Thanh. Và tôi bắt đầu bước vào chiếc hộp không gian riêng của Bùi Đăng Khánh.
Tôi hình dung cảnh Bùi Đăng Khánh bên đàn trong một buổi chiều hoàng hôn của mùa đông nhuốm màu đỏ ối, để rồi âm nhạc đã khiến tâm hồn người đàn ông ấy rung lên thành những câu văn khiến người ta bần thần: “Những giọt nắng hồng, đỏ, da cam, không chiều nào như chiều trước đó/Những giọt đàn nhanh, chậm, xa xôi của một Tôi mỗi ngày một khác/Những giọt buồn, vui, ngông cuồng, thanh thản, của mỗi con người, vẫn vậy, qua cả ngàn năm…”.
Nếu giữa đời sống, tương phản là điều luôn mang lại những kỳ thú thì có lẽ, sự tương phản trong con người Bùi Đăng Khánh là kỳ thú nhất. Con người đó không bộc lộ ra bên ngoài cái bản thể nghệ sỹ của mình và bất kỳ ai gặp anh, sẽ nghĩ anh cũng chỉ như vô vàn người bình thường lướt ngang, không dấu ấn, không điểm nhấn. Nhưng đặt Bùi Đăng Khánh bên cây piano, tất cả sẽ ngỡ ngàng vì những cảm nhận ban đầu của mình đã bị lật sấp một cách vội vã. Những ngón tay dài, trắng muốt trên từng phím trắng đen kia sẽ tạo ra một không gian khác. Và tất cả sẽ nhận ra trước mắt mình là một tài hoa âm thầm và lặng lẽ. Để rồi nếu có ai đó thốt lên đôi lời ngợi khen, Bùi Đăng Khánh sẽ bẽn lẽn cười, nụ cười quý giá bậc nhất theo đánh giá chủ quan của tôi. Đơn giản, ở tuổi này mà anh còn giữ được nụ cười bẽn lẽn như trẻ thơ, như một cậu bé lên mười mới chơi xong một etude khó và được người lớn vỗ tay thưởng khen, điều đó hẳn là đặc ân riêng của tạo hoá.
Dường như với anh không có chữ “thành công” trong định hướng của mình. Anh hướng tới sự tự do diễn đạt được các ý tưởng của tác phẩm trên cây đàn và tự do chọn lựa con đường phát triển. Hàng ngày anh vẫn rèn luyện để đạt tới trạng thái tự do trong tư duy và biểu cảm.
“Tôi mong rằng ngày hôm nay mình làm được những việc hôm qua chưa làm được. Nếu phải dùng chữ thành công, tôi thấy mình thành công nhất trong việc vẫn yêu say đắm ngôn ngữ của môn ngành này, để luôn hạnh phúc mỗi khi ngồi vào cây đàn, khám phá và để được thách thức, phá vỡ những giới hạn rào cản của chính mình trong tư duy, trong kỹ thuật”. Anh chia sẻ.
Phải thừa nhận lứa sinh năm 7x của anh toàn người tài. Tất cả đều nhìn vào anh với một con mắt chung, con mắt mở rộng đầy tôn trọng. Khi nhìn vào Bùi Đăng Khánh người ta phải dẹp đi hết mọi mưu toan của đời thường lại, dẹp hết mọi ganh đua ghét ghen tầm thường lại, dẹp hết cả mọi xấu xa vốn vẫn thi thoảng (hoặc thậm chí là nhiều khi) nổi trội trong lòng mình.
Dễ hiểu, anh không sân si, anh không tham dự vào bất kỳ một “âm mưu “nào của đời sống âm nhạc vốn dĩ phức tạp. Anh đơn thuần chỉ làm một chú ong cần mẫn và chơi đàn. Với anh như thế là đủ. Anh thích làm dấu lặng giữa những nốt nhạc đẹp đẽ nhảy múa quanh mình. Đời sống của anh cũng giản đơn chỉ thế, đúng như một nghệ sỹ thực sự chỉ biết đến nghệ thuật và chỉ nghệ thuật mà thôi. Đối diện một Bùi Đăng Khánh như thế, ai dám và ai nỡ tính đến chuyện sân si của đời nữa.
Bùi Đăng Khánh luôn đòi hỏi rất khắt khe trong những thứ anh tham gia, nhất là chơi nhạc. Có rất nhiều niềm vui được xem như những phần thưởng lớn trong cuộc đời người nghệ sĩ đệm đàn piano, đó là được làm việc với các nghệ sĩ biết ghi nhận thành quả của mình, là được học các trích đoạn biểu diễn nổi tiếng, là được khám phá nhân cách đáng trân trọng của nghệ sĩ biểu diễn và hơn hết là được biểu diễn âm nhạc.
Để trở thành người đệm đàn piano tốt, ngoài kĩ năng phối hợp nhuần nhuyễn với nghệ sĩ solo, tiếng đàn đệm phải thật sự hòa quyện với âm thanh của nghệ sĩ solo. Việc phối hợp âm thanh phải được tính toán cẩn thận để đạt được độ hòa quyện như mong muốn, hơi thở phải được kiểm soát nhưng không nên để quá căng thẳng. Người đệm đàn phải cố gắng đạt được sắc thái legato càng giống càng tốt với giọng hát của ca sĩ hoặc âm thanh của nhạc cụ của người biểu diễn. Ngoài ra, người đệm đàn cũng cần ý thức được rằng vì piano chỉ là một loại nhạc cụ có tính năng như bộ gõ, âm thanh được phát ra nhờ búa gõ lên dây đàn, nên dù có muốn đến đâu thì kết quả cũng sẽ không bao giờ đạt được sự hoàn hảo.
Một trong những thách thức lớn đối với người đệm đàn là phải duy trì cân bằng giữa giọng hát/âm thanh nhạc cụ solo và âm thanh của piano. Người đệm không thể áp dụng những chuẩn mực hòa âm của riêng mình. Ví dụ, khi nghệ sĩ piano thể hiện các bản nhạc của Brahms thì không thể áp dụng cường độ như vậy để thể hiện các giai điệu Debussy.
Người đệm phải tính tới quãng giọng của ca sĩ hoặc nhạc cụ chơi cùng, biết điểm mạnh và điểm yếu của nghệ sĩ solo, biết chất lượng âm thanh khán phòng và chất lượng piano mình đang sử dụng. Âm thanh mà nghệ sĩ cảm nhận trên sân khấu sẽ không giống với âm thanh nghe được trong khán phòng, vì vậy rất cần tới kinh nghiệm của người đệm.
Có một sự khác biệt cơ bản giữa việc đệm đàn cho ca sĩ và đệm đàn cho một nhạc cụ khác. Khi biểu diễn cùng với ca sĩ, nghệ sĩ piano có trách nhiệm chính trong việc tạo ra mức cân bằng hợp lí giữa giọng ca và tiếng đàn đệm. Khó khăn tồi tệ nhất đối với nghệ sĩ đệm đàn là việc chuyển dịch giọng. Rất nhiều ca sĩ chỉ vài giờ trước khi biểu diễn đột nhiên yêu cầu người đệm phải dịch xuống một tông hoặc cao lên một tông. Đối với ca sĩ, sự khác biệt giữa hát nốt này và nốt khác thường không lớn, nhưng đối với người đệm đàn piano thì đó là cả một vấn đề. Việc chuyển nốt cần phải được điều chỉnh và thường thì bản nhạc một khi đã được soạn với một số nốt chủ đạo rồi (đừng quên rằng phần lớn những nhạc sĩ thường là nghệ sĩ piano) thì rất khó để chuyển sang các nốt khác.
Thật ra, nghệ sĩ Bùi Đăng Khánh không đặt ra một tiêu chuẩn nào cả. Nhưng anh luôn đưa ra những yêu cầu làm cho đúng, cho “chất” để người gần anh luôn cải thiện mình. Bởi đối với anh chất lượng sẽ tạo ra một sản phẩm theo đúng mong muốn và vì lẽ ấy, anh khắt khe với những đồng nghiệp với mình là vậy. Sự khắt khe của anh suy cho cùng, là sự khắt khe đáng yêu của một người cần hiểu rằng đối với âm nhạc, phải “cư xử cho phải đạo”. Không thể qua loa với âm nhạc được, không thể tắc lưỡi theo kiểu “ừ vậy là đủ rồi” được. Bùi Đăng Khánh sống vì âm nhạc, từ âm nhạc và trong âm nhạc trọn vẹn cả bản thân mình cũng là vì thế.
Thuộc tuýp người vốn dĩ ít nói, ít xuất hiện trước công chúng, vốn không giỏi hoạt ngôn, vốn thích lui lại phía sau. Vậy mà đã xuất hiện vượt ra ngoài tất cả những nghi ngại để khẳng định được rằng trong cuộc chơi đầy rẫy những toan tính kia, âm nhạc vẫn còn tồn tại những gì đáng được coi là tử tế.
Bùi Đăng Khánh đã đồng hành với bao nhiêu nghệ sĩ rồi? Có ai nhớ được điều đó hay không? Người ta ít khi để ý đến tên những người đệm đàn như anh dù rằng chính những người đó đã tạo ra đời sống cho tác phẩm. Nhiều khi, nghĩ về Bùi Đăng Khánh tôi cứ hình dung ra anh như bãi cát dài, hoài im, trải lặng làm nền cho những đợt sóng vỗ vào mình. Những ca sỹ được anh giúp những tác phẩm của mình giống như những đợt sóng như thế. Để rồi nếu có ai viết lên trên bãi cát kia dòng chữ Bùi Đăng Khánh đi nữa thì chỉ một đợt sóng thôi đã đủ xoá nhòa hết cả dòng chữ. Trong đời sống âm nhạc, Bùi Đăng Khánh giống y như thế, cứ lặng lẽ mỗi ngày. Những hào nhoáng lộng lẫy bên ngoài đều thuộc về những đợt sóng, không thuộc về anh. Nhưng không có bờ cát là Khánh những đợt sóng cồn cào kia sẽ vỗ về đâu? Hay là chỉ vỗ về nơi vô vọng nào đó???
Tôi ngồi lặng nhìn ra ngoài phố sau cuộc trò chuyện khá dài với Bùi Đăng Khánh. Anh vẫn vậy thôi, vẫn chỉn chu, vuông tròn với từng nối nhạc. Anh sinh ra là để sống trong không gian ấy, không khác được và không thoát ra khỏi nó được. Kể cả khi anh chơi đá banh cũng vậy, cũng mềm mại y như cách anh dạo ngón tay trên từng phím piano. Và có lẽ, lúc đó, trong mắt anh những người cùng chơi trên sân bóng với anh cũng như từng nốt nhạc đang nhảy múa mà anh như một dấu lặng, đùa chơi với những nốt nhạc ấy, một cách nhịp nhàng và khéo léo để rồi từ chỗ ẩn mình đâu đó, thỉnh thoảng, chính anh, là người sẽ tung cú dứt điểm cuối cùng để ghi bàn…
Trong sâu thẳm,tôi nhìn thấy nghệ sĩ Bùi Đăng Khánh, đang nỗ lực góp phần nhỏ phát triển môi trường âm nhạc cổ điển Việt Nam chuyên nghiệp. Ðồng hành cùng các nghệ sĩ trẻ cũng như theo dõi nhiều thế hệ học sinh trong những dự án đào tạo và tổ chức biểu diễn. Mong họ nuôi dưỡng và cháy với đam mê. Và chờ đợi những tài năng.
“Sự nổi tiếng là khái niệm không thực sự thuộc về ta. Chỉ có lòng say mê với công việc, con người và cuộc sống mới là cái theo mình suốt đời”.
Thuý Hằng