- Tôi được biết cuối tháng 11 này anh sẽ trình làng một dự án âm nhạc mang tính đột phá mà anh đã ấp ủ trong suốt mấy năm qua. Anh hãy chia sẻ với độc giả, công chúng về cảm xúc của anh trước ngày họp báo ra mắt đứa con “tinh thần” này không?
- Rất cảm ơn sự quan tâm của chị. Theo kế hoạch ngày 29/11/2022 tôi và ê kip sẽ ra mắt sản phẩm này. Phải chia sẻ với quý báo rằng tôi đang rất phấn khích và đã chờ đợi rất lâu rồi mới có cơ hội để tiếp tục thả sáng tạo vào đam mê. Sau mấy mùa covid đó là khoảng thời gian Lê Duy Mạnh ấp ủ ý tưởng sẽ phải làm 1 sản phẩm âm nhạc độc đáo, nhưng thực sự cũng không hề đơn giản bởi mình phải lựa chọn dòng nhạc gì, sản phẩm hướng tới khán giả.
Đĩa than từ lâu đã được xem là thú chơi âm thanh xa xỉ của những người giàu có và sành điệu. Nó không chỉ mang ý nghĩa đơn thuần của việc nghe nhạc, mà là đưa việc nghe nhạc, chơi máy lên tầm nghệ thuật. Tôi là người cầu toàn và rất kỹ tính do vậy để mọi thứ được chỉn chu tôi đã đầu tư quỹ thời gian là 3 năm để hoàn thành.
Và lúc này tôi thực sự hạnh phúc và rất hồi hộp đan xen cảm xúc rất khó tả.
Hi vọng rằng, dự án này sẽ thành công hơn mong đợi. Tôi khát khao mong thật nhiều khán giả biết đến âm nhạc Analog, bởi đó là những thứ mà chúng ta cảm nhận thật nhất trong từng âm thanh, tiếng nhạc cũng như hơi thở của người nghệ sĩ khi đắm đuối với cây kèn saxophone.
-Biết mình biết ta, “trăm trận trăm thắng”, vậy anh nhận định thế nào về thị trường âm nhạc trước khi quyết định thực hiện dự án “Cô đơn” trên đĩa than?
Thị trường âm nhạc Việt Nam đang phát triển rất mạnh, tuy nhiên Lê Duy Mạnh đang cảm nhận thấy thị trường âm nhạc Analog đang có xu hướng quay trở lại bởi khán thính giả đang muốn được nghe lại những âm thanh mộc mạc trên các thiết bị như: Băng cối, Lp, CD, bang cassette… Do vậy tôi nghĩ mình phải làm 1 sản phẩm có giá trị tạo dấu mốc của mình trên con đường sự nghiệp.
- Sự chuyên nghiệp giúp anh cạnh tranh thế nào trong việc xây dựng thương hiệu với khán giả? Để khán giả bỏ tiền mua đĩa anh sẽ tạo ra sự khác biệt gì. Từ lúc anh có kế hoạch cho tới khi hoàn thành sản phẩm. Trong quá trình đó anh đã gặp những khó khăn áp lực như thế nào?
Khi bắt tay vào thực hiện dự án này Lê Duy Mạnh đã cùng bàn bạc, lên ý tưởng với anh Trần Đức’s Store làm thế nào để đưa sản phẩm của mình tới tay người nghe nhiều nhất và sẽ được đón nhận. Năm 2017 Lê Duy Mạnh đã ra phát hành 1 bản CD Vol 1 rồi nên trong giới nghe nhạc cũng đã biết đến tên tuổi của mình, khó khăn lắm mới thực hiện được bởi công đoạn Mastering phải chuyển đi chuyển lại rất nhiều lần minh mới ưng ý được, bởi toàn bộ công đoạn này được thực hiện tại Mỹ.
-Phải chăng nghệ sĩ Lê Duy Mạnh luôn yêu thích thử thách và muốn bứt phá khỏi “vùng an toàn” của mình? Nhiều người cho rằng anh đang mạo hiểm khi dốc vốn đầu tư trong dự án này?
Để thực hiện được sản phẩm đĩa than thì kinh tế cũng là điều rất quan trọng bởi rất tốn kém và các công đoạn Mastering, cắt đĩa không thể sản xuất tại Việt Nam được. Đây thực sự là cuộc chơi bằng đam mê mà tương đối lớn với tôi bởi nhạc cụ Saxophone cũng rất khó để có được đông đảo số lượng khán thính giả.
- Tất cả những gì thuộc về bản năng và tài năng của bản thân thì nó sẽ là thứ đồng hành với mình lâu bền nhất, là điều quan trọng để người nghệ sĩ chinh phục khán giả. Anh có nghĩ vậy không?
Lê Duy Mạnh luôn rèn luyện mình, phải cố gắng học tập cho nghề nghiệp để tiếng kèn cần phải chạm được tới trái tim của người nghe nhạc. Do vậy khi quyết định làm 1 dự án mới, Lê Duy Mạnh cũng vận dụng những khả năng của mình, sáng tạo, rèn luyện để mong được khẳng định mình hơn.
- Anh có nhớ cái cảm giác đầu tiên ngày anh mới cầm chiếc kèn saxophone mà với anh bây giờ nó gắn bó như là định mệnh?
Đó đã là định mệnh bởi khi mình bắt đầu học kèn Saxophone mình hầu như đã dốc hết tâm trí, thời gian để luyện tập, biểu diễn và bây giờ Saxophone với tôi được coi như “người tình” khó bỏ. Càng yêu càng si mê.
- Cuộc đời không phải là những cây cầu đã có sẵn để chúng ta đến đích một cách dễ dàng. Khi đặt ra mục tiêu, sự lựa chọn cho bản thân, vậy anh đã chọn cho mình hướng đi thế nào để có một mục đích sống? Tính đến thời điểm hiện tại, đâu là cột mốc quan trọng nhất của anh?
Năm tháng qua đi, tôi lại càng cảm thấy âm nhạc giá trị hơn trong đời sống của mỗi chúng ta, có thể tư duy về âm nhạc cũng khác, mình muốn tìm lại những thứ chân thực nhất trong âm nhạc qua những nhạc sĩ đã đi vào huyền thoạ của nên âm nhạc Việt Nam. Giá trị âm nhạc đó sẽ tồn tại mãi mãi bởi những ca từ rất thấm thía với mỗi hoàn cảnh khác nhau. Đây sẽ là dấu mốc quan trọng mà Lê Duy Mạnh muốn khẳng định mình. Sau dự án này, nếu nhận được nhiều tín hiệu tốt, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để cho ra thật nhiều sản phẩm âm nhạc tạo nên sự khác biệt bằng cây kèn saxophone.
- Tốt nghiệp tấm bằng thạc sĩ tại Thụy Điển và kinh nghiệm làm giảng viên ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, anh có nhận định và mong muốn thay đổi gì về nền giáo dục âm nhạc nước nhà?
Việc đào tạo trong khoa Jazz HVANQGVN đó là sự nghiệp lâu dài của tôi. Bởi đây là môi trường âm nhạc chuyên nghiệp. Tuy nhiên việc định hướng cho nên giáo dục âm nhạc nước nhà vẫn phải đi theo hướng chuyên nghiệp, Hàn lâm. Nhưng đỗi với việc lan toả Saxophone đến với công chúng thì Lê Duy Mạnh lại có hướng đi khác bên ngoài cuộc sống, mình vân dụng những kiến thức âm nhạc để đưa vào cuộc sống phải thật đơn giản, gần gũi. Do đó Lê Duy Mạnh vẫn sẽ luôn lắng nghe phản hồi của khán thính giả để hoàn thiện mình hơn.
Xin cảm ơn nghệ sĩ Lê Duy Mạnh đã trò chuyện và chúc anh có một buổi họp báo ra mắt dự án của mình thành công!
Lê Thuý Hằng (thực hiện)