Nghệ sĩ saxophone Lê Duy Mạnh khoác áo mới cho nhạc Trịnh

Thứ năm, 07/04/2022 - 10:02

TNV - Đã 21 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời xa cõi tạm nhưng gia tài âm nhạc của ông bằng những cách khác nhau, vẫn sống trong lòng khán giả. Nhạc Trịnh đến nay vẫn được nhiều thế hệ ca sĩ trong nước và hải ngoại giữ gìn, trong đó có nghệ sĩ saxophone Lê Duy Mạnh. Một thế hệ trẻ tiếp nối để dòng nhạc này có sức sống trường tồn bất biến với thời gian. Gần như định mệnh, tiếng kèn Saxophone của nghệ sĩ Lê Duy Mạnh gắn chặt, làm sống lại những tình khúc của người nhạc sĩ vĩ đại Trịnh Công Sơn. Mở ra nhiều hình thức phiên lưu mới trong cảm nhận vô cùng lớn lao và cũng rất mong manh về cái Đẹp. Lê Duy Mạnh tạo được tư thế trong làng jazz không phải anh là người nổi tiếng. Cũng chưa phải anh là một nghệ sĩ biểu diễn kèn mà chính là tình yêu của anh dành cho linh hồn của mình với phong cách riêng độc và lạ.

Anh "bén duyên" với nhạc Trịnh từ năm nào?

Có lẽ là từ khi còn nhỏ, và cũng chắc chắn rằng tôi không thể biết và hiểu được đó là nhạc của ai. Bởi lúc đó, tôi nghe một cách thụ động qua đài, tivi do bố mẹ hay hàng xóm mở. Chỉ nhớ rằng một số bài thuộc được vài câu hát theo vì giai điệu dễ nhớ nhưng tên bài hát thì cũng chịu. Để mà nói tôi biết đến nhạc Trịnh thì phải tính từ thời sinh viên.Thời điểm đó, muốn được chơi nhạc ở các phòng trà, vừa để kiếm tiền, vừa để lấy thêm kinh nghiệm, bạn phải thuộc thật nhiều bài, nhất là nhạc Trịnh vì khán giả thuộc lời nên yêu cầu rất nhiều. Cứ nói vui rằng, thời đi học tôi học kèn Saxophone nhưng lại "kiếm cơm" bằng piano vì có nhiều bài Lê Duy Mạnh chưa chơi được bằng kèn, thế nhưng cứ nhận được yêu cầu của khán giả là tôi sẵn sàng dành tặng cho dù là chơi Piano. Vì vậy tôi cũng thuộc rất nhiều bài nhạc Trịnh.

Tôi có theo dõi mọi hoạt động của anh và thấy những năm gần đây anh liên tục được mời tham dự những đêm nhạc tưởng nhớ về người nhạc sĩ tài hoa- Trịnh Công Sơn. Còn năm nay thì sao thưa anh?

Tôi thực sự cảm thấy mình có duyên với nhạc Trịnh. Nhất là vào dịp tưởng nhớ ngày mất của ông 1/4 hàng năm.

Với rất nhiều lời mời, thì năm nay tôi nhận lời đồng hành cùng Cty NewSun Hospitality làm đạo diễn âm nhạc và kết hợp cùng sản xuất chuỗi chương trình "Chill night" tại Aria Café - Khách sạn The Reed Ninh Bình.

Các đêm nhạc "Chill night" được tổ chức hàng tháng với nhiều chủ đề khác nhau nhằm tạo thêm sự lựa chọn vui chơi giải trí tại thành phố Ninh Bình cho người dân và khách đến lưu trú nhân dịp du lịch mở cửa trở lại và kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Ninh Bình.Đặc biệt cho chủ đề tháng 4 này là dịp tưởng nhớ ngày mất 21 năm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1/4/2001 - 1/4/2022). Với chủ đề "Hãy yêu nhau đi" cũng là để nhìn lại những khó khăn của cả thế giới, của các ngành nghề trong đại dịch đã kéo dài hơn hai năm qua nhưng tình người vẫn luôn bên nhau và cùng nhau vượt qua để bắt đầu lại cuộc sống bình thường mới.

Tham gia đêm nhạc Trịnh lần này, tôi đã mời NSƯT Minh Thu, MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng, ca sĩ Hồng Nhung, Keyboard Quốc Phương, Guitar Đức Nhã cùng ekip Trang Lê (Biên tập/Trợ lý), Tùng John (Designer), An Bùi (Âm thanh/Ánh sáng) cùng thực hiện. Lê Duy Mạnh đã lựa chọn và phối mới lại cho phù hợp với từng nghệ sỹ và để làm mới các ca khúc nhạc Trịnh, mang đến cho khán giả một sự thưởng thức mới mà nghe vẫn quen.

Điều gì cần nhất cho một nghệ sĩ chơi saxophone khi thể hiện những tác phẩm của Trịnh Công Sơn, nhất là dòng nhạc Jazz vốn rất kén khán giả?

Cứ thêm tuổi là thêm nhiều trải nghiệm. Mình có đam mê, vì đam mê nên riêng cây kèn saxophone này mình đã theo đuổi nó gần hai mươi năm (trước đó, Lê Duy Mạnh đã tốt nghiệp kèn Cor). Nhưng để thể hiện nhạc Trịnh thì phải có những va vấp, trải nghiệm và nếm cả vị đắng của cuộc sống thì mới ngấm.

Giai điệu ông viết rất dễ nghe và khiến ta ê a theođược nhưng ca từ thì triết học, nặng trĩu chất muối của mỗi số phận mà ông viết. Chả thế mà đã có nhận định "Trịnh Công Sơn là người viết thơ tình hay nhất thế kỷ" đấy thôi. Thế nên giờ mình trưởng thành hơn nhiều rồi, cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề, mình thể hiện nhiều ca khúc của ông cũng rất ngấm. Tôi cũng phối lại, mang một chút âm hưởng Jazz vào nhạc Trịnh, vừa đủ thôi để cây kèn saxophone có" đất diễn" trong những đoạn tự sự, phiêu du của nhạc Trịnh.

Có một câu chuyện gần đây nhất khi tiễn đưa bố của một người bạn, Lê Duy Mạnh đã thổi bài "Một cõi đi về".Cả khán phòng tĩnh lặng, mình vừa thổi mà nước mắt lăn dài. Thật sự ngấm ca từ mà ông viết.

Dưới góc nhìn của một nghệ sĩ.Cảm nhận của anh về những bản nhạc Trịnh được các ca sỹ remix hay rap lại như thế nào?

Mình không đánh giá cụ thể những dòng nhạc mà mình chưa theo đuổi và tìm hiểu sâu về nó. Jazz cũng khó nghe mà. Vì thế để đưa Jazz đến gần với khán giả, Lê Duy Mạnh luôn tìm tòi các bài nhạc Việt nhiều người yêu thích nhất, phối lại và khéo léo đưa thêm chút màu Jazz vào để khán giả vẫn đón nhận nó trong một tâm thế thấy quen quen mà nghe lại lạ tai. Thế nên, tôi ủng hộ sự sáng tạo của các bạn khi đưa nhạc Trịnh vào remix, rap hay bất kỳ một dòng nhạc nào khác nghĩa là khoác một tấm áo mới cho một tác phẩm cũ. Chỉ có điều bạn phải cân nhắc thật kỹ để có thể mặc nó ra đường hay không thể mà thôi.

Theo anh, trong tương lai Nhạc Trịnh có giữ được sức sống mãnh liệt như bây giờ không?

Với gia tài là khoảng 600 ca khúc Ông để lại mà đã có hơn 400 ca khúc viết về tình yêu thì (cười) bạn thấy đấy, tình yêu luôn quanh ta mà. Có những người dành cả đời để yêu/vật vã/đau khổ/tiếc nuối hay hạnh phúc đều ở trong ca từ của nhạc Trịnh hết rồi.

Minh chứng hùng hồn nữa là mọi đêm nhạc về Trịnh Công Sơn khán phòng luôn kín chỗ dù bất kể là thời điểm nào. Từ khán phòng cho đến các Nhà hát lớn…

Anh hãy chia sẻ kế hoạch sắp tới của mình?

Đĩa than.Vâng đó là một dự án, là một sự đầu tư liều lĩnh của Lê Duy Mạnh dành cho cây kèn saxophone.Tôi tiên phong là nghệ sĩ saxophone đầu tiên ở Việt Nam mạnh dạn cho ra sản phẩm đĩa than. Ngoài nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, nhạc Việt có rất nhiều cây đại thụ như nhạc sỹ Nguyễn Ánh Chín, Anh Bằng, Vũ Thành An.... Hiện tại tôi đã lựa chọn được 10 tác phẩm "đắt giá" để "mặc chiếc áo mới" - đương nhiên chiếc áo mang màu sắc Jazz và màu Lê Duy Mạnh. Thời điểm này đã xong phần thu âm và đang được gửi sang master và dập đĩa than tại Mỹ. Hiện tại, ở Việt Nam chưa có phòng thu nào có máy móc hỗ trợ cho việc sản xuất đĩa than. Nếu mọi khâu kịp tiến độ, tôi sẽ ra mắt sản phẩm trong năm nay và mong nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của các khán giả.

PV