Nghe tin nghệ sĩ Trần Hạnh qua đời, Quốc Quân bàng hoàng. Với anh, ông như người cha thứ hai, đồng thời là người thầy trong nghề diễn, cuộc sống. Lúc mới vào nghề, Quốc Quân làm chung với cố nghệ sĩ ở Nhà hát Kịch Hà Nội. Anh gọi ông là bố, xưng con.
Ông luôn nói với anh: "Chưa cần biết con diễn hay diễn dở thế nào, điều đầu tiên là phải chịu khó học thuộc kịch bản. Chỉ khi thuộc, con mới làm chủ được diễn xuất". Ông hay chê thế hệ diễn viên trẻ ngày nay lười học thoại, ra phim trường hay lúng túng. Ngoài 80 tuổi, ông vẫn đi đóng phim, lúc nào cũng đến sớm 15 phút. Những lúc nghỉ, ông ngồi một góc học kịch bản. Vài năm trước, khi mắt yếu dần, ông nhờ con dâu đọc hộ rồi học thuộc. Mỗi lần đứng trước máy quay, ông sung sướng vì được hóa thân nhiều nhân vật, sống những cuộc đời khác nhau.
Nghệ sĩ Trần Hạnh (giữa) được con gái (áo trắng) đưa đi nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2019. Ảnh: Giang Huy.
Nghệ sĩ Trần Hạnh được nhớ đến với sự hiền từ, ân cần, luôn quan tâm mọi người. Diễn viên Tùng Dương nhớ khi anh làm tổ chức sản xuất phim Tình đời (1998), có nghệ sĩ Trần Hạnh và Hoàng Dũng đóng. Diễn viên Hoa Thúy - khi đó là vợ anh - đang mang bầu tháng thứ tư. Ốm nghén cộng với việc quay phim muộn khiến cô mệt, nôn mửa liên tục. Diễn viên Hoàng Dũng yêu cầu ngừng quay để Hoa Thúy nghỉ ngơi.
Cả đoàn thống nhất chuyển sang cảnh khác thì không thấy nghệ sĩ Trần Hạnh đâu. Mọi người nháo nhác đi tìm. Lát sau, ông xuất hiện, dúi vào tay anh túi nilon có mấy hộp sữa với bánh ngọt. Ông nói: "Mang lên cho vợ mày nó ăn. Đoàn quay còn lâu, chờ cháo của mọi người thì vợ mày nó ngất ra đấy rồi". Đến khi nhân viên hỏi đi đâu, ông chỉ nói đi mua gói thuốc lá, không đề cập đến việc này. Phim quay xong, anh gửi ông tiền cát-xê. Biết anh bị lỗ, ông chỉ lấy một phần, còn lại ông nói tặng cho vợ con anh. Anh không nhận, ông dúi vào túi áo rồi nói: "Thôi đừng đùn đẩy nhau ở đường không mọi người lại tưởng bố con có xích mích. Phụ nữ có bầu, mày lấy tiền mua đồ ăn thức uống tẩm bổ cho nó".
Quốc Quân nhớ hồi mới tốt nghiệp đại học, anh đóng chung với ông trong vở diễn đề tài hoàng gia. Ông vào vai vua, anh đóng lính cận vệ. Hồi ấy, giữa mùa hè nóng nực, hai người phải mặc bốn, năm lớp quần áo, người đóng vai cận vệ cùng Quốc Quân ngất xỉu vì mệt. Thấy vậy, nghệ sĩ Trần Hạnh bảo anh: "Này, mày cứ cởi bớt áo ra đi cho đỡ nóng. Lát bố tự biên tự diễn, không ai để ý đâu. Mày chỉ cần ra chào mở đầu và kết cùng thôi".
Sau này, Quốc Quân còn hợp tác Trần Hạnh phim Đời người và những chuyến đi (đạo diễn Trịnh Lê Phong), Lửa than (đạo diễn Triệu Tuấn). Những năm 2000, mỗi phim truyền hình thường phải quay đến vài ba tháng. Nghệ sĩ Trần Hạnh luôn ở cùng phòng với Quốc Quân. Điều kiện làm phim ở nhiều vùng thiếu thốn, bữa ăn của đoàn phim vì thế cũng đạm bạc. Ngồi chung mâm, nghệ sĩ Trần Hạnh luôn nhường thức ăn ngon cho các đồng nghiệp trẻ. Ông hay nói: "Bố già rồi, bố không ăn nhiều đâu. Chúng mày ăn đi" rồi liên tục gắp cho bạn diễn. "Bố là người tình cảm, lại tự trọng, một nghệ sĩ với nhân cách cao vợi", Quốc Quân nói.
Ông hết lòng hợp tác, chỉ bảo các thế hệ con, cháu. Năm 2017, đạo diễn Lương Đình Dũng mời ông đóng phim điện ảnh Cha cõng con. Lần đầu gặp, Lương Đình Dũng "rón rén" khi tiếp xúc với một tên tuổi gạo cội, trong khi anh chưa có nhiều tác phẩm. Thế nhưng ông lại nói: "Cháu là đạo diễn. Chú là diễn viên. Diễn viên sẽ làm theo ý đạo diễn". Câu nói khiến anh tự tin hơn. Khi làm việc, ông không bao giờ than thở chuyện phải đi xa, quay lâu. Trong một cảnh quay bối ở bệnh viện lúc đêm, êkíp lo lắng hỏi tình hình sức khỏe của ông, ông nói: "Chú chưa mệt. Lúc nào mệt, chú sẽ nói. Chúng ta cố gắng làm nhanh và tốt để không ảnh hưởng mọi người".
Diễn viên Mai Thu Huyền nhớ khi đóng chung phim Tiếng sáo ly hương, Nhà có ba chị em gái, họ đều vào vai bố con. "Ông diễn chân thật, đài từ ấm áp, cách nhấn nhá đầy cảm xúc. Ông hướng dẫn tôi nhiệt tình. Cách nhập vai chân thực của ông khiến tôi quên mất mình đang quay phim, cảm giác như đối diện cha đẻ của mình", Mai Thu Huyền nói.
Chiều Xuân có cơ duyên hợp tác với cố nghệ sĩ từ năm 1996, trong phim Người yêu đi lấy chồng của đạo diễn Vũ Châu. Trong phim, chị vào vai Na - cô bộ đội về làng, chưa cưới mà đã có con. Nghệ sĩ Trần Hạnh đóng ông bố thương con nhưng gia trưởng, bảo thủ. Cả hai có nhiều phân cảnh cãi vã nặng nề.
Ở cảnh quay khi Na và bố to tiếng về việc kết hôn với Tú, Chiều Xuân bị khớp, phải diễn đi diễn lại nhiều lần. Thấy vậy, Trần Hạnh xin đạo diễn dừng quay để chị bình tĩnh. Sau đó, ông hướng dẫn chị từng cử chỉ, điệu bộ, cách biến hóa nhân vật. Nhờ vậy, chị thoát khỏi ám ảnh tâm lý, hoàn thành tốt phân cảnh. Vai diễn sau đó giúp chị thắng giải "Nữ diễn viên xuất sắc" tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 11. "Ông lúc nào cũng nhẹ nhàng, ân cần tựa như một người bố. Chưa bao giờ tôi thấy ông to tiếng, cáu gắt ai cả. Khi diễn, tôi được ông nâng đỡ về cảm xúc, chia sẻ về nghề nghiệp nhờ vậy trưởng thành hơn rất nhiều". Sau này, cả hai đóng chung thêm một số vai diễn phim truyền hình.
Sau Người yêu đi lấy chồng, Chiều Xuân luôn gọi nghệ sĩ là bố. Mỗi khi rảnh, chị thường qua nhà riêng hoặc cửa hàng ở ga Hà Nội hỏi thăm sức khỏe ông. Một dạo, nghe tin cuộc sống ông gặp khó khăn, chị ngỏ ý giúp đỡ nhưng ông từ chối. Ông nói: "Bố sống tốt, từ trước đến giờ vẫn vậy, khi nào cần bố sẽ nói".
"Ông sống thanh bạch, khẳng khái. Thương lắm. Dẫu biết ông đã lớn tuổi, không tránh khỏi quy luật cuộc đời nhưng vẫn cảm thấy mất mát, xót xa. Ông sinh ra để dành cho nghiệp diễn. Có lẽ khi sang thế giới bên kia, ông vẫn theo nghề này. Ở nơi đó, ông sẽ hội ngộ bạn bè, đồng nghiệp và tiếp tục làm công việc mình yêu thích", Chiều Xuân nói.
Theo vnexpress