TNV - “Khi con ốm, mình để bé ở nhà cho chồng hay ông bà chăm sóc. Nếu mang con đến bệnh viện thì chồng trông còn mình làm việc. Dành tình yêu thương chăm sóc các bệnh nhân nhi nhưng chính con mình lại không thể chăm sóc chu đáo”- Bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm (Bệnh viện Nhi Trung ương) chia sẻ. Đó cũng là nỗi niềm chung của biết bao bác sĩ-những người chấp nhận hi sinh thầm lặng để giành giật sự sống cho con người.
Với đặc thù nghề y, các bác sĩ luôn phải trong tư thế sẵn sàng để có thể cứu chữa cho những bệnh nhân một cách nhanh chóng và kịp thời nhất. Chính vì vậy thời gian để vui chơi, thư giãn bên gia đình dường như rất “hiếm” đối với những người mang trên mình trách nhiệm cao cả- cứu người.
Với bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm, chị đã quá quen thuộc với những ca trực đêm ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Hai đứa con của chị dù còn rất nhỏ nhưng vì vợ chồng đều bận rộn với công việc ở cơ quan nên phải gửi con đi nhà trẻ từ sớm. Nhiều lúc thấy thương con nhưng chị không thể làm cách nào khác. Chị bộc bạch : “Khi con ốm, mình để bé ở nhà cho chồng hay ông bà chăm sóc. Nếu mang con đến bệnh viện thì chồng trông còn mình làm việc. Dành tình yêu thương chăm sóc các bệnh nhân nhi nhưng chính con mình lại không thể chăm sóc chu đáo”. Chính vì vậy, sau mỗi giờ làm, chị Tâm lại tất tả chạy về đón con, chăm lo việc nhà. Những giây phút trọn vẹn dành cho gia đình với chị vô cùng quý giá.
Là bác sĩ ở Bệnh viện Nhi, tuy nhiên không phải lúc nào chị và đội ngũ y bác sĩ cũng có thể cứu sống các em nhỏ do nhiều bệnh quái ác. Mỗi khi chứng kiến bệnh nhi tử vong bởi những căn bệnh hiểm nghèo, bác sĩ Tâm lại nghẹn lòng, nước mắt rơi vì không thể làm gì hơn được nữa để có thể cứu sống. Những lúc ấy, chị lại trăn trở và càng chỉn chu trong công việc, quan tâm hơn nữa đến tất cả người bệnh. Bệnh nhân của chị là những em bé, sinh linh mới chào đời hay được vài tháng tuổi… Mỗi lần đón bệnh nhi, bác sĩ Tâm lại ân cần, nâng niu như những đứa con của chị và luôn dành trọn tình thương, trách nhiệm của một người mẹ hiền cho các bé.
10 năm là thời gian Bác sĩ Ngô Anh Vinh công tác tại khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương nên hơn ai hết anh thấu hiểu, thấy được vai trò trách nhiệm của mình trong việc cứu sống những sinh linh bé nhỏ. Vào những ngày lễ khi người dân cả nước được nghỉ, ở các gia đình bố mẹ đưa con đi chơi công viên, sở thú thì với anh và các đồng nghiệp luôn không trọn vẹn bởi phải trực ca, chỉ cần có trường hợp bệnh nhân chuyển biến xấu là ngay lập tức phải có mặt để cứu chữa kịp thời.
Anh Vinh chia sẻ: “Đôi lúc mình chạnh lòng khi thấy mọi người được đoàn viên, gia đình sum tụ, trong khi, mình và nhiều đồng nghiệp vẫn tất bật đi sớm về khuya, không có thời gian bên gia đình, người thân, bạn bè. Nhiều bữa cơm không kịp ăn, những ca trực thâu đêm, mệt nhoài. Tuy nhiên, mình luôn mỉm cười với sự nhọc nhằn vốn là "bản chất" của nghề đã chọn".
Bác sĩ Lê Ngọc Duy, Phó trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc cho biết: Hiện nay, khoa Cấp cứu và Chống độc có 14 bác sĩ, 50 điều dưỡng, chủ yếu là nữ. Trong khi, hàng ngày khoa nhận cấp cứu gần 200 bệnh nhân, mới thấy, sự quá tải của bệnh viện và sức “căng mình” của các y, bác sĩ ở đây quá lớn.
Dù biết nghề y vất vả và không ít nguy hiểm, các bác sĩ cấp cứu có nguy cơ phơi nhiễm và bị lây truyền nhiễm vì tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân ngay khi nhập viện nhưng anh Duy cũng như các y, bác sĩ trong khoa luôn tâm niệm một điều là phải làm tốt nhất cho các cháu và cảm thấy rất hạnh phúc sau khi cứu sống được bệnh nhân. Trách nhiệm, vai trò, tình thương của người thầy thuốc là động lực để anh và đồng nghiệp luôn học hỏi, không ngừng trau dồi kĩ năng lâm sàng, kiến thức chuyên môn để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình, mang lại sự sống cho người bệnh.
Nhưng có lẽ dù phải chạy ngược chạy xuôi làm các xét nghiệm, chẩn đoán bệnh, hay những giây phút căng thẳng trong phòng phẫu thuật thì đối với những bác sĩ đó là niềm vui niềm hạnh phúc bởi đó là cuộc chạy đua để ươm mầm sự sống, vì sự phát triển của xã hội.
Hà Nhung