Rõ ràng hơn, bao trùm hơn trong chính sách bảo hiểm y tế
Nghị định 188 đã phân loại các nhóm đối tượng tham gia BHYT thành 7 nhóm chính, tương ứng với nguồn đóng BHYT và tình trạng pháp lý, xã hội của người tham gia. Mỗi nhóm đều được quy định chi tiết, phù hợp với thực tiễn và bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Nhóm 1: Do người sử dụng lao động, người lao động đóng hoặc cùng đóng
Đây là nhóm chủ lực trong hệ thống BHYT, bao gồm:
- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên, kể cả các thỏa thuận khác có yếu tố quản lý và trả lương.
- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý hợp tác xã (kể cả hưởng lương hoặc không hưởng lương).
- Công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng từ đủ 12 tháng trở lên.
- Chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
- Các nhóm cán bộ, công chức, viên chức; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; công nhân, viên chức quốc phòng, công nhân công an và thân nhân của họ (nếu không thuộc nhóm BHYT khác).
Việc quy định rõ các chức danh, hình thức làm việc và đối tượng quản lý giúp thống nhất cách xác định người tham gia, hạn chế tranh chấp, bỏ sót trong thực hiện.
Nhóm 2: Do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng
Nhóm này bao gồm những người đã từng có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, nay không còn trong quan hệ lao động chính thức nhưng vẫn được tiếp tục bảo đảm quyền lợi y tế:
- Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
- Người nghỉ việc được hưởng trợ cấp ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc thai sản dài ngày.
- Cán bộ cấp xã đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng.
- Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Đây là cách tiếp nối quyền lợi liên tục, bảo vệ người lao động trong giai đoạn chuyển tiếp hoặc khó khăn về sức khỏe, việc làm.
Nhóm 3: Do ngân sách nhà nước đóng
Thể hiện chính sách nhân đạo, an sinh của Đảng và Nhà nước, nhóm này bao gồm những người thuộc diện chính sách, dân cư vùng khó khăn, trẻ em và người yếu thế:
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công an nhân dân, dân quân thường trực, học viên đào tạo sĩ quan dự bị.
- Người có công với cách mạng, cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ, người hiến bộ phận cơ thể người.
- Trẻ em dưới 6 tuổi, người nước ngoài học tập tại Việt Nam có học bổng từ ngân sách.
- Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng khó khăn, người nghèo, người sống tại xã đảo, huyện đảo.
- Người đang hưởng các loại trợ cấp xã hội hằng tháng, người già từ 75 tuổi trở lên hưởng trợ cấp tuất, người đã thôi hưởng trợ cấp mất sức, cán bộ xã nghỉ hưu được hưởng trợ cấp từ ngân sách.
Nhóm này tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của ngân sách nhà nước trong việc bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương, đồng thời củng cố mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe.
Nhóm 4: Được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng
Bao gồm những người có khả năng tự đóng BHYT nhưng thu nhập còn hạn chế:
- Người thuộc hộ gia đình cận nghèo.
- Học sinh, sinh viên.
- Nhân viên y tế thôn bản, người làm công tác không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.
- Người dân tộc thiểu số ở vùng đã thoát khỏi điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình.
- Người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú.
- Nạn nhân theo Luật Phòng, chống mua bán người.
Chính sách hỗ trợ này giúp khuyến khích các nhóm thu nhập trung bình thấp tham gia BHYT, từ đó tăng diện bao phủ và tính bền vững của quỹ bảo hiểm.
Nhóm 5: Nhóm tự đóng
Đây là nhóm còn lại, không thuộc các nhóm đã liệt kê ở trên, bao gồm:
- Hộ gia đình tham gia BHYT tự nguyện theo hình thức hộ gia đình.
- Người sinh sống, làm việc tại các cơ sở từ thiện, tôn giáo.
- Người lao động đang nghỉ không lương hoặc tạm hoãn hợp đồng.
- Những người không thuộc bất kỳ nhóm nào khác.
Việc tiếp tục duy trì nhóm tự nguyện này đảm bảo quyền tiếp cận y tế cho tất cả mọi người, không phân biệt địa vị pháp lý hay nghề nghiệp.
Nhóm 6 và 7: Các đối tượng khác theo quy định pháp luật hoặc theo quyết định của Chính phủ
Bao gồm các nhóm:
- Được quy định tại các luật, pháp lệnh chuyên ngành như Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Luật Cơ yếu, Luật Công an nhân dân…
- Được Chính phủ quy định bổ sung hoặc duy trì theo các chính sách trước ngày 01/01/2025, sau khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Việc duy trì các nhóm này giúp đảm bảo tính liên tục và bao quát trong chính sách BHYT, tránh bỏ sót những đối tượng đặc thù.
Bổ sung nhiều đối tượng đặc biệt tại Điều 5 Nghị định 188
Nghị định 188/2025/NĐ-CP cũng bổ sung nhiều nhóm đối tượng chưa được đề cập rõ ràng trong Luật BHYT sửa đổi, trong đó có:
- Công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng.
- Người dân tại xã an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ.
- Nghệ nhân nhân dân, ưu tú có thu nhập thấp, không thuộc nhóm đã quy định.
- Nạn nhân bom mìn sau chiến tranh, được hỗ trợ một phần mức đóng.
- Thân nhân người làm công tác trong tổ chức cơ yếu, không thuộc đối tượng khác.
- Người tham gia kháng chiến, nghĩa vụ quốc tế đã được nhà nước đóng BHYT theo chính sách cũ.
- Học viên đào tạo quân sự trình độ cao đẳng, đại học tại Ban chỉ huy quân sự cấp xã, được ngân sách chi trả sinh hoạt phí.
Những bổ sung này thể hiện sự cập nhật linh hoạt, nhân văn và sâu sát thực tiễn của cơ quan soạn thảo và Chính phủ, nhằm bảo vệ đầy đủ quyền lợi y tế của người dân trong mọi hoàn cảnh lịch sử, xã hội.
Quy tắc xác định đối tượng trong trường hợp trùng lặp
Một điểm đáng chú ý trong Nghị định là: khi một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau, họ sẽ được xác định theo đối tượng đầu tiên trong danh mục tại Điều 12 của Luật BHYT.
Tuy nhiên, nếu thuộc nhóm được ngân sách hỗ trợ mức đóng và nhóm do ngân sách nhà nước đóng, đó được lựa chọn phương án có mức hỗ trợ cao nhất, bảo đảm quyền lợi tối đa.
Nghị định số 188/2025/NĐ-CP không chỉ hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc thực thi Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2024, mà còn là một bước tiến quan trọng trong việc mở rộng và cụ thể hóa chính sách BHYT toàn dân.
Việc phân loại rõ ràng, bổ sung nhiều nhóm đối tượng đặc thù và điều chỉnh linh hoạt các quy định thực tiễn đã khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện chính sách an sinh y tế công bằng, bền vững và bao trùm, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển xã hội, bảo vệ sức khỏe của mọi người dân Việt Nam.
Tấn Tài