Chúng tôi đến nhà Nguyễn Trường Ngoan năm nay 26 tuổi khi em đang say mê đàn theo những bản đờn ca tài tử đang phát ra từ chiếc máy ghi âm bé nhỏ. Nhìn nét mặt hân hoan khi những ngón tay thon thả “chạy chữ” trên cây đàn ghi ta phím lõm, chúng tôi hiểu em đang hạnh phúc với những tiếng đàn của mình.
Nguyễn Trường Ngoan đang tập luyện tại nhà
Chị Ngô Mỹ Duyên, mẹ của Trường Ngoan cho biết: “Quê tôi ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Hiện nay tôi đang thuê nhà mua bán nhỏ tại đây để chăm sóc Ngoan và người em gái. Ngoan bị mù bẩm sinh từ bé nên không thể đến trường. Từ năm 13 tuổi, trong một lần nghe ông nội mình đàn cò, Ngoan đã xin học đàn và được chấp thuận. Điều bất ngờ đã xảy ra khi em lần lượt học và sử dụng khá nhuần nhuyễn đến 6 loại nhạc cụ của lĩnh vực đờn ca tài tử như: Cò, ghi ta phím lõm, violon, sến, kìm, ghi ta điện tử trong sự ngạc nhiên của người thân, bà con xung quanh.
Mến mộ tài năng rất đặc biệt này, có khá nhiều cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn, quán ăn tại huyện Trần Văn Thời mời Ngoan đến phục vụ. Số tiền có được em đều giúp mẹ cải thiện cuộc sống khó khăn, chăm sóc em nhỏ, làm tròn chữ hiếu (ba Ngoan đã bỏ rơi 3 mẹ con em đã trên 20 năm).
Ngoan nói rất tự tin: “Con người ai cũng có số phận riêng biệt. Mình phải biết vượt qua bất hạnh để sống, để phục vụ cho xã hội. Em sống trong bóng tối thì phục vụ mọi người bằng tiếng đàn và lời hát của lòng mình. Không có gì phải buồn và bi quan cả”.
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, hiện nay Trường Ngoan cùng gia đình phải thuê căn nhà trọ bán nước giải khát để mưu sinh. Mẹ em còn cho biết: Chị lên Cần Thơ lập nghiệp một phần vì giúp Ngoan có điều kiện phát triển tài năng bẩm sinh và là niềm say mê của con do sẽ tiếp cận được nhiều lớp dạy đàn; tiếp cận được nhiều nhạc sỹ tài danh đất Tây Đô.
Với người sáng mắt, việc học các loại nhạc cụ vọng cổ đã khó thì với người khiếm khuyết như Ngoan lại càng khó khăn hơn nhiều lần. Vậy nhưng Trường Ngoan đã làm nên điều kỳ diệu ấy một cách bất ngờ bằng nghị lực rất phi thường.
Mới đây, Trường Ngoan đã làm nức lòng BTC, học viên lớp truyền dạy Đàn ca tài tử do Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ tổ chức qua việc tự độc tố 1 lớp Cổ Bản, một bài bản tương đối khó trong 20 bài bản Đàn ca tài tử.
Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Tấn, giảng viên lớp học nhận xét: “Hiếm có ai bị mù như Ngoan lại có thể biểu diễn những bài bản khó điêu luyện đến vậy. Bên cạnh đó khuyết tật như em lại có thể sử dụng thuần thục đến 6 nhạc cụ lại càng đặc biệt và hiếm hoi hơn. Chúng tôi sẽ hỗ trợ em nhiều hơn để phát triển tài năng rất lạ thường này”.
Hiện nay Nguyễn Trường Ngoan đang là nhạc công chủ lực cho CLB văn nghệ phường Trà An. Mỗi ngày em đều siêng năng rèn luyện ngón đàn của mình điêu luyện hơn, có “hồn” hơn để phục vụ cho đời bằng niềm hạnh phúc rất to lớn trong bóng đêm.
PHAN THỊ ANH THƯ