Nghĩ về hành trình 30 năm rời xa Tổ quốc của Nguyễn Tất Thành

Thứ hai, 04/06/2018 - 08:35

TNV - “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta…”. Ngẫm lại câu nói của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với người bạn thân về chuyến ra nước ngoài năm 1911 mới thấy rất nhẹ nhàng, bình dị và cao quý làm sao. Nhưng hành trình ra đi ấy đã mất 30 năm của đời người.

Cách đây 107 năm, ngày 5/6/1911, tại Bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn-Gia Định (nay là thành phố Hồ Chí Minh) người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành khi đó mới vừa tròn 21 tuổi đã lên chiếc tàu mang tên Amiral La Touche De Tréville, ra đi xem nước Pháp và các nước khác, xem xét họ làm như thế nào rồi sẽ trở về giúp đồng bào .

Nung nấu quyết tâm đi ra nước ngoài để tìm lời giải cho lần đầu tiên tiếp xúc khẩu hiệu: “TỰ DO – BÌNH ĐẲNG – BÁC ÁI” mà Nguyễn Tất Thành khi cùng người anh Nguyễn Tất Đạt theo học lớp dự bị (préparatoire) Trường tiểu học Pháp - bản xứ ở thành phố Vinh khoảng năm 1905. Người kể lại với nhà văn Liên Xô Ôxíp Manđenxtam rằng: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cùng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy” [1] .

Trong vòng 10 năm, từ năm 1911 đến năm 1920, Người đã tận dụng mọi cơ hội để được đến nhiều nơi trên thế giới. Bàn chân của Người đã từng in dấu trên nhiều nước thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ. Đặc biệt Người đã dừng chân khảo sát khá lâu ở 3 nước đế quốc lớn nhất thời đó là Mỹ, Anh và Pháp.

Chính chủ nghĩa yêu nước cùng với những năm tháng tìm tòi không mệt mỏi về lý luận và hoạt động trong phong trào công nhân quốc tế, người thanh niên Việt Nam Nguyễn Tất Thành bất chấp mọi hiểm nguy, đến với chủ nghĩa Mác Lênin, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp cuối năm 1920, trở thành nhà hoạt động quốc tế xuất sắc Nguyễn Ái Quốc.

Sớm nhận thức được xu thế phát triển tất yếu của lịch sử và tính chất của thời đại mới mà Cách mạng Tháng Mười mở ra, Người xác định con đường cứu nước, con đường giải phóng dân tộc đúng đắn, khám phá ra chân lý lịch sử: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.

Từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và “Đường Kách mệnh”, đặc biệt là việc xuất bản tờ báo Thanh niên ra ngày 21-6-1925, Người đã chuẩn bị về đường lối chính trị để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong thời gian này, Người cũng tập trung cho việc chuẩn bị về tổ chức và cán bộ với việc Người lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1925), tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ và gửi đi học ở Liên Xô ... Khi điều kiện thành lập Đảng đã chín muồi, ngày 3-2-1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức Cộng sản đã nhất trí thành lập một đảng thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Mùa Xuân năm 1941, sau hơn 30 năm bôn ba nước ngoài, rời xa Tổ quốc, ngày 28-1-1941, Người về nước để giúp đồng bào chúng ta đó là trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Người chỉ ra rằng, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, con đường duy nhất phải theo là con đường cách mạng dân tộc dân chủ do Đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo đánh đổ đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc, sau đó tiến lên thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Có thể thấy rằng, vào thời điểm Nguyễn Tất Thành ra đi xem nước Pháp và các nước khác như thế nào, không ai biết rằng vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã gắn liền với quyết định ra đi của một con người mà lịch sử đã chứng tỏ là sáng suốt phi thường

Hành trình 30 năm rời xa tổ quốc của Nguyễn Tất Thành với những chuyến đi, với bất kỳ công việc năng nhọc nào có thể kiếm tiền phục vụ cho mục đích học tập, học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa, từ đó Nguyễn Tất Thành bổ sung được cho mình những kiến thức vô cùng phong phú với một tầm nhìn hết sức rộng lớn và bao quát.

Khi tìm hiểu, nghiên cứu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII mới thấy những giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức và đặc biệt là phong cách của Người, nếu như không có phong cách, tác phong làm việc khoa học thì thử hỏi hành trình 30 năm bôn ba ở nước ngoài với muôn vàn những khó khăn, cực nhọc, đó là những ngày Người làm phụ bếp trên tàu Amiral La Touche De Tréville . Người làm việc trong môi trường lao động khổ cực, trong bếp thì nóng, dưới hầm thì lạnh, phải lao động từ lúc bốn giờ sáng quét dọn, đốt lò, lấy than, xuống hầm khiêng thực phẩm vào bếp, lao động quần quật từ sáng đến tối, ít có thời gian rảnh rỗi. Khó nhất là thời gian đầu chưa quen lao động chân tay nặng nhọc và môi trường lênh đênh trên sóng biển. Nhiều lúc tưởng chừng như Người không vượt qua nổi thử thách đầu tiên. Những ngày ở trên nước Mỹ, Người làm thuê tại Brúclin (ngoại thành Niu Oóc), còn ở nước Anh thì  nhận quét tuyết cho một trường học, rồi nghề đốt lò và nhận việc rửa bát thuê, sau đó thợ làm bánh cho khách sạn Cáclơtơn. Những ngày trở lại Pháp (1917) cuộc sống hết sức khó khăn, Người làm thợ làm ảnh và nhiều nghề khác như: làm đồ giả cổ, vẽ quạt, lọ hoa, chao đèn… tiền kiếm chẳng được bao nhiêu, cuộc sống vô cùng khó khăn, ăn uống thiếu thốn, tiết kiệm. Những ngày đông giá lạnh, buổi sáng trước khi đi làm, Người để một viên gạch cạnh bếp lò, chiều về, lấy viên gạch ra, bọc vào tờ báo cũ lót xuống giường nằm cho đỡ lạnh…

Ý chí và nghị lực của Người còn thể hiện sâu sắc ở sự khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, không lùi bước trước những khó khăn, trở ngại, sắp xếp thời gian khoa học, vừa làm việc vừa tranh thủ tự học, luôn tự chủ được mình, vượt qua các cám dỗ ở bên ngoài, kiên định, giữ vững lập trường như đã khẳng định từ trước “trở về giúp đồng bào chúng ta”. Phát biểu với sinh viên Trường Đại học Băng Đung trong chuyến thăm Indonesia năm 1959, Người nói đại ý: “Khi còn trẻ, tôi không có dịp đến trường học. Cuộc sống, du lịch và làm việc là trường đại học của tôi. Trường học ấy đã dạy cho tôi khoa học xã hội, khoa học quân sự, lịch sử và chính trị. Nó dạy cho tôi yêu nước, yêu loài người, yêu dân chủ và hòa bình; căm ghét áp bức, ích kỷ…”, đây cũng chính là lời đúc kết cho hành trình 30 năm đến nước Pháp và các nước khác, xem xét họ làm như thế nào rồi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta . Qua đây mới thấy việc Đảng ta đưa phong cách Hồ Chí Minh trở thành chủ đề để mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân học tập trong những năm qua là thiết thực.

Theo lẽ thường, việc học của bất kỳ một ai đó cũng chỉ vì mục đích: làm việc, lo cho bản thân, lo cho gia đình, thời nào cũng vậy. Nhưng với hành trình 30 năm ra nước ngoài xem họ làm như thế nào của Nguyễn Tất Thành với một mục đích cao cả, chắc chắn mục đích đó không phải đi để kiếm cách sinh nhai, mà chủ yếu là học, làm việc để tìm hiểu thế giới bên ngoài, nhất là thế giới phương Tây, với hy vọng tìm được điều hữu ích, gom hết những điều đã học được mang về “giúp đồng bào chúng ta”.

Và ở Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã giải nghĩa cho cụm từ  “giúp đồng bào chúng ta” đó chắc chắn phải là: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” [2] điều này đã trở thành chân lý, trở thành hiện thực kể từ năm 1945 cho đến nay.

Còn nhớ cách đây 7 năm tại Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước diễn ra tại Hội trường Thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề: “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Hành trình tìm đường cứu nước”, một vị Linh mục đã chia sẻ trước 500 đại biểu tham dự: “ Tôi tôn kính Hồ Chủ tịch, Ngài đã sống và làm việc 30 năm ở nước ngoài, lẽ ra cuộc sống của Ngài sẽ rất sung túc nếu ở lại bên ấy, nhưng bất chấp khó khăn, gian khổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về để phục sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân Việt Nam. Nhân đây, Tôi xin hát tặng quý vị bài hát: Tiếng hát từ Thành phố mang tên Người”.

Kỷ niệm 107 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, xin cảm ơn Người, cảm ơn hành trình 30 năm rời xa Tổ quốc tìm đường cứu nước của Bác để ngày hôm nay cả dân tộc ta, đất nước ta sống trong Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.

___________

[1] - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.1 , tr. 477.

[2] - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd , t.4, tr. 175.

Ths Nguyễn Xuân Ngọc