TNV - Tôi không muốn Mã Pì Lèng mãi là Mã Pì Lèng khô cứng, chẳng lẽ không có giải pháp nào hài hòa hơn để người dân không phải thiếu đói trên một kho báu đầy vàng, tôi muốn nói đến ngôi nhà Panorama trên đỉnh Mã Pì Lèng trong quần thể Cao nguyên đá Đồng Văn.
Làm cách nào để họ bớt nghèo, để họ sống được bằng những giá trị như Mã Pì Lèng, giờ đã nổi danh cả nước? Tôi tin đó chính là du lịch, một ngành du lịch nhân văn, nơi người dân địa phương phải có phần, phải được tham gia vào nhiều công đoạn vì Hà Giang còn là tỉnh nghèo lắm.
Thiên nhiên đã ban tặng để Mã Pì Lèng những cảnh đẹp kỳ vĩ nhưng cảnh đẹp kỳ vĩ ấy sẽ mãi sừng sững như vậy cho dù cuộc sống người dân nơi đây từ thế hệ này đến thế hệ khác luôn nghèo khổ, đó cũng là một câu hỏi chưa có lời giải.
Bạn hãy đến Mã Pì Lèng một lần hoặc vài lần để cảm nhận, để chứng kiến đời sống kinh tế nơi này, rồi hãy gõ ý kiến của mình sao cho hài hoà với một ngôi nhà nhiều tâm huyết của người dân giữa bạt ngàn cỏ, đá.
Panorama sai thì sai rồi, cả chủ công trình lẫn chính quyền địa phương nữa (tôi tin chính quyền ủng hộ dự án đó cũng vì muốn dân khá giả lên, chứ không phải chuyện sân trước, sân sau); nhưng thử hỏi có ai, cái gì ở đất nước đang chuyển đổi này đúng hết?
Liệu cả chủ ngôi nhà nhà và cả những người đại diện cho chính quyền địa phương có cơ hội để “sửa sai”? Và, thậm chí táo bạo hơn, để từ đó có một cộng đồng du lịch nho nhỏ quanh Mã Pì Lèng, nơi những người dân tộc địa phương có cơ hội việc làm, bán được các sản phẩm, còn khách du lịch có cơ hội chiêm ngưỡng cảnh hùng vĩ đó thuận lợi hơn, tiện nghi hơn.
Nếu bạn một lần đến với công viên Genting - Thành phố trong mây tại Malaysia sẽ nâng tầm ở việc khai thác tiềm năng thiên nhiên ban tặng để phát triển kinh tế hài hòa như thế nào, bảo vệ thiên nhiên nó cũng phải gắn với phát triển kinh tế, còn không lại chết trên một kho báu. Panorama bị phá bỏ, nơi đây cũng chỉ là cỏ, đá mãi trơ trọi với thời gian.
Những người chỉ chăm chăm nhìn vào hệ quy chuẩn pháp luật để buộc đập bỏ thì hả hê, như vậy có quá đáng lắm không? pháp luật phải thực hiện nghiêm minh, nhưng pháp luật cũng luôn xét đến giữa cái lý và tình, khi xem xét một bản án, hội đồng xét xử luôn đề cập đến nhân thân, động cơ...; khi chấp hành bản án vẫn có một vế rất quan trọng, chấp hành như thế nào để được giảm án, khoan hồng...
Câu chuyện Mã Pì Lèng phải tôn trọng pháp luật, cần làm rõ trách nhiệm địa phương quản lý, rồi mới đến người chủ ngôi nhà, trước khi nghĩ đến việc giữ lại hay tháo gỡ một phần công trình phải xét đến nhiều yếu tố (ví dụ: đất nông nghiệp, công trình không nằm trong ranh quy hoạch...).
Kêu gọi đập phá thì dễ thôi, lại được tiếng bảo vệ thiên nhiên, nhưng liệu có giải pháp nào khác, nhân văn hơn, cùng chung một tiếng nói? Liệu có ai đó, những kiến trúc sư, những người yêu thiên nhiên, những nhà hảo tâm, và kể cả những người phản đối cực đoan nhất … giúp họ - cả bà chủ nhà lẫn chính quyền địa phương?
Nhân sự việc dậy sóng Mã Pì Lèng, các cơ quan Nhà nước và tỉnh Hà Giang bắt tay ngay, xây dựng tầm nhìn phát triển du lịch bền vững, Cao nguyên đá Đồng Văn cần được quy hoạch rõ ràng: nơi nào dành cho tham quan, vãn cảnh; nơi nào để tổ chức lễ hội vui chơi; nơi nào làm khách sạn nhà nghỉ,... để tránh lẫn lộn để vừa phù hợp khai thác dịch vụ du lịch lại không phá vỡ cảnh quan, đặc biệt là tránh được tình trạng phát triển tự phát đến khó xử lý như trường hợp Mã Pì Lèng Panorama.
Nguyễn Ngọc