Nghĩ về trách nhiệm trước nỗi đau của nhân dân

Thứ sáu, 08/11/2019 - 10:50

TNV - Những giây phút cuối cùng trong tuyệt vọng, chắc chắn 39 người xấu số sẽ nghĩ đến gia đình, bố (mẹ), quê hương, Tổ quốc và sự ân hận phút cuối mà thấy xót lòng.

Dù sao thì họ cũng đã phải bỏ mạng ở xứ người, trách thì nhiều lắm, bỏ ra gần tỉ VNĐ để đánh cược với số phận, rũ bỏ cả thân phận, gốc tích, Quốc tịch, hộ chiếu...để trở thành một người tị nạn ở nước thứ hai, sau đó vượt biên qua hàng loạt quốc gia như Nga, Pháp, Đức, Hà Lan để vào Anh.

Mấy hôm nay, có một số ý kiến cho rằng Chính phủ phải kiểm soát chặt chẽ lao động ra nước ngoài, bạn thử nghĩ xem khi đi hồ sơ, giấy tờ hợp pháp nhưng họ lại dấu thân phận đến một quốc gia khác sinh sống, Cơ quan nhà nước có "ba đầu, sáu tay" cũng khó kiểm soát, biết được, đó cũng chính là lý do lúc mới phát hiện cứ tưởng 39 người xấu số xuất thân từ một quốc gia khác.

Mới đây, trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Bộ trưởng Lao động, Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung nói: "bên cạnh hành lang pháp lý là Luật đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, Việt Nam còn ký hiệp định, bản ghi nhớ về lao động với các nước liên quan. Hiện trong nước có khoảng 400 doanh nghiệp được cấp phép đưa người đi lao động ở nước ngoài. Ba năm qua, mỗi năm có trên 100.000 người đi lao động ở các nước, chủ yếu ở 4 địa bàn Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan, Malaysia.

Riêng khu vực châu Âu, Việt Nam đã ký hợp tác với hai quốc gia là Rumani và Đức; trong đó năm 2018 và đầu 2019 có khoảng 3.000 người sang làm việc ở Rumani, còn Đức thì chủ yếu là điều dưỡng viên với khoảng hơn 1.000 người".

Vài ngày qua, trên mạng xã hội có một số trang mạng trách rằng: "Ở Anh họ tổ chức một vài buổi Lễ tưởng niệm những người Việt Nam xấu số, Việt Nam chưa thấy gì?", "Sao Việt Nam không làm quốc tang dành cho những người xấu số" từ đó họ lại cho rằng Việt Nam thế này, thế khác. Thật là hài hước, những người có ý kiến như trên chỉ nhìn thấy cây, mà không thấy rừng, những gì Chính phủ Việt Nam đã và đang làm không phải là trách nhiệm lớn đó sao?.

Chúng ta không cổ súy cho hành vi phạm tội, một người từ bỏ Tổ quốc, hộ chiếu, bỏ cả tỉ VNĐ trả cho đường dây buôn người, thoái thác số phận cho những đường dây buôn bán, đưa người ra nước ngoài..., một Lễ tưởng niệm người xấu số phạm tội, một quốc tang dành cho những người phạm tội, bán rẻ Tổ quốc, đất nước mình...thì có xứng đáng không? Đừng cổ súy một tiền lệ xấu để rồi một ngày nào đó có kẻ lại cho rằng, một chế độ mà đến cả những con người phạm tội cũng được tung hô, được vinh danh thì nhục lắm.

Tôi đau, bạn đau cùng một nỗi đau với những gia đình có người xấu số qua đời ở một nước Anh xa xôi, vì tất thảy 39 thi thể là người Việt Nam đúng nghĩa, có người trạc tuổi tôi, từng được sinh ra, lớn lên trên quê hương, Tổ quốc mình, cùng dòng máu và tiếng nói thân thương. Quê vợ tôi đó, Nghệ An, Hà Tĩnh; quê thứ hai của cô em út Thừa Thiên - Huế; bạn bè tôi ở Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Bình..., làm sao trong mỗi chúng ta lại vô tâm được?


Người viết rất đồng tình với phát biểu từ Bộ trưởng Lao động, Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung: "tội phạm buôn bán người, di cư bất hợp pháp khác hoàn toàn với việc tổ chức cho lao động đi làm việc ở nước ngoài, chúng tôi mong công dân có nhu cầu đi lao động nước ngoài nên đi theo con đường hợp pháp". Cùng với sự khẳng định mạnh mẽ từ Thủ tướng Chính phủ: "Việt Nam lên án mạnh mẽ những hành vi mua bán người, đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp và kêu gọi các quốc gia trong khu vực và thế giới tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, kiên quyết phòng, chống tận gốc loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này, không để tái diễn, sớm hoàn tất điều tra, truy tố, xét xử để nghiêm trị những kẻ phạm tội".

Theo sát diễn biến vụ 39 người trên xe công-ten-nơ từ Bỉ sang Anh từ ngày 23/10 đến nay, tôi rất cảm kích trước trách nhiệm lớn lao của các cơ quan chức năng của Việt Nam, từ Thủ tướng Chính phủ cho đến các Bộ, Ngành, địa phương có người xấu số. Dù là người Việt Nam nhưng những người xấu số đã bỏ quốc tịch, gốc tích, lại chết ở một quốc gia khác, nhưng "Nghĩa tử là nghĩa tận", trách nhiệm trước nỗi đau của nhân dân là trên hết.

Tối 7/11, sau khi thông tin chính thức 39 thi thể trên xe công-ten-nơ từ Bỉ sang Anh đều là người Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi đến gia đình 39 nạn nhân: "Đây không chỉ là nỗi đau thương vô hạn của gia đình người thiệt mạng mà cũng là nỗi đau chung của cả cộng đồng, của từng trái tim người Việt và nhân dân thế giới, với lòng tiếc thương vô hạn, tôi xin chia sẻ mất mát to lớn này với gia đình các nạn nhân và đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, người dân địa phương và cả nước chia sẻ, động viên, hỗ trợ để các gia đình nạn nhân sớm vượt qua nỗi đau thương không gì bù đắp được".

Người chết đã ra đi rồi, nỗi đau to lớn này đang đặt lên vai những người ở lại, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hết trách nhiệm trước nhân dân bằng một thông điệp rất rõ ràng: "Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, các cơ quan, địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Anh để khẩn trương xử lý các vấn đề liên quan, xác định thông tin, danh tính nạn nhân, thực hiện các biện pháp bảo hộ cần thiết, sớm đưa các nạn nhân trở về với Tổ quốc, về với gia đình, người thân".

Cùng chia buồn với những thân nhân người xấu số, xin cảm ơn Chính phủ Việt Nam luôn đau trước nỗi đau của nhân dân.

Nguyễn Ngọc