Triển khai đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch
Để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng du lịch cũng như chất lượng các sản phẩm du lịch; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của thị xã Nghĩa Lộ và vùng Mường Lò để thu hút khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm; từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của thị xã; góp phần thực hiện mục tiêu phát triển du lịch của khu vực phía tây tỉnh Yên Bái nói riêng và của cả tỉnh Yên Bái nói chung. Trong năm 2020, thị xã có kế hoạch triển khai chính sách hỗ trợ “Xây dựng thị xã văn hóa – du lịch Nghĩa Lộ giai đoạn 2013 – 2020” theo Nghị quyết 10/2013/NQ-HĐND ngày 19/7/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái.
Đền Cầm Hánh – thờ người thủ lĩnh của dân tộc Thái đánh giặc Cờ Vàng – đã
hoàn thành xong giai đoạn xây đền, làm đường và đang tiếp tục các bước triển khai
thi công nhà sắp lễ, các công trình phụ trợ. Ảnh: P. Quỳnh.
Theo đó, thị xã triển khai hỗ trợ kinh phí mở 05 lớp bảo tồn khèn bè; khôi phục, bảo tồn lễ hội Xên Đông tại xã Hạnh Sơn; mở 01 lớp truyền dạy Khắp Thái; hỗ trợ hoạt động sưu tầm, biên soạn, xuất bản 01 cuốn sách về văn hóa Mường Lò và Khắp Thái; hỗ trợ 01 lần cho 06 hộ gia đình làm du lịch cộng đồng tại xã Nghĩa Lợi, Nghĩa An, Nghĩa Phúc (20 triệu đồng/hộ); hỗ trợ công tác quảng bá về thị xã Nghĩa Lộ và Nghệ thuật Xòe Thái tại Hội An – Quảng Nam.
Mặt khác, triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh như: Tổ chức lớp bồi dưỡng, kỹ năng nghề du lịch cho 50 học viên hoạt động trong lĩnh vực du lịch; hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch tại bản Sà Rèn – xã Nghĩa Lợi; hỗ trợ mua sắm trang thiết bị thu gom rác thải tại bản Chao Hạ 1 – xã Nghĩa Lợi;
Theo ông Hà Văn Nam (Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ), do tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid – 19, thị xã Nghĩa Lộ đã điều chỉnh kịch bản tăng trưởng theo hướng tăng chỉ tiêu phát triển du lịch trong quý 3 và 4 để bù đắp phần sụt giảm chỉ tiêu du lịch trong quý 1 và 2 bằng nhiều giải pháp kích cầu và đầu tư, hỗ trợ nâng cao chất lượng du lịch.
Bên cạnh đó, thị xã vẫn duy trì chỉ tiêu hoàn thành 2 di sản văn hóa được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia (múa Mường xã Sơn A và trình diễn Khèn bè của dân tộc Thái). Đồng thời, xây dựng 5 mô hình du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa các dân tộc Thái, Mường tại bản Sà Rèn – xã Nghĩa Lợi, bản Đêu – xã Nghĩa An, bản Khinh – xã Thanh Lương, thôn Ao Luông – xã Sơn A, thôn Ả Hạ - xã Nghĩa Phúc; 100% Homestay hoạt động đảm bảo các điều kiện kinh doanh theo quy định; có ít nhất 3 Homestay được chứng nhận sản phẩm OCOP, ông Hà Văn Nam thông tin thêm.
Hỗ trợ đầu tư nâng cấp hệ thống đường giao thông liên thôn tại bản Sà Rèn và khoảng 01 km đường giao thông từ bản du lịch cộng đồng Ao Luông – xã Sơn A đến điểm du lịch suối khoáng nóng bản Bon; hỗ trợ mua sắm trang thiết bị cho 12 hộ dân kinh doanh dịch vụ nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (xã Sơn A 10 hộ, xã Thanh Lương 02 hộ); hỗ trợ thành lập hoạt động 05 đội văn nghệ truyền thống phục vụ du lịch.
Di tích danh thắng cấp tỉnh Nậm Tốc Tát. Ảnh: P. Quỳnh.
Bên cạnh đó, thị xã Nghĩa Lộ chủ động xây dựng 05 mô hình du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa các dân tộc Thái, Mường tại bản Sà Rèn – xã Nghĩa Lợi, bản Đêu – xã Nghĩa An, bản Khinh – xã Thanh Lương, thôn Ao Luông – xã Sơn A, thôn Ả Hạ - xã Nghĩa Phúc. Nâng cao chất lượng hoạt động của các Homestay hiện có trên địa bàn; vận động các hộ gia đình tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch; phấn đấu trong năm 2020 có ít nhất 03 Homestay tại xã Nghĩa An, xã Nghĩa Lợi được chứng nhận sản phẩm OCOP.
Nhằm phát triển sản phẩm du lịch gắn với di tích lịch sử, văn hóa và các điểm du lịch tâm linh, thị xã chủ động bố trí vốn (trên 1 tỷ đồng) đầu tư tôn tạo, tu bổ, mở rộng di tích danh thắng cấp tỉnh là Nậm Tốc Tát và Thành Viềng Công; dự kiến tháng 7 sẽ thi công. Trước đó, đền Cầm Hánh – thờ người thủ lĩnh của dân tộc Thái đánh giặc Cờ Vàng – đã hoàn thành xong giai đoạn xây đền, làm đường và đang tiếp tục các bước triển khai thi công nhà sắp lễ, các công trình phụ trợ.
Gắn phát triển du lịch với phát triển các sản phẩm đặc trưng
Song song đó là công tác quản lý, khai thác, phát triển sản phẩm du lịch tại các Khu di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng: Căng và Đồn Nghĩa Lộ, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu ủy Tây Bắc; các điểm du lịch tâm linh: Chùa Ngọc Bích, chùa Trúc Lâm Thiên Phú, Đền Cầm Hánh, Thành Viềng Công, Nậm Tốc Tát.
Ông Tuấn (Trưởng phòng Văn hóa) và ông Liên (Phó Chủ tịch xã Hạnh Sơn)
giới thiệu phần thành lũy Viềng Công còn sót lại. Ảnh: P. Quỳnh.
Ngoài ra, thị xã còn hướng dẫn các xã, phường xây dựng sản phẩm du lịch khám phá, trải nghiệm thiên nhiên, trải nghiệm các nét sinh hoạt, văn hóa, phong tục địa phương, dựa trên các tiềm năng về tự nhiên.
Cụ thể: Xã Nghĩa Lợi tổ chức 03 sản phẩm du lịch trở lên giới thiệu cho du khách trải nghiệm (làm nông nghiệp, bơi mảng, cưỡi trâu...); Xã Nghĩa An: tổ chức sản phẩm cho du khách trải nghiệm làm nông nghiệp, chế biến các món ăn ẩm thực đặc trưng, du lịch sinh thái tại thôn Nậm Đông; xã Nghĩa Lộ: Tổ chức cho du khách trải nghiệm làm nông nghiệp, lựa chọn các địa điểm đồi chè, vườn cây ăn quả để giới thiệu du khách tham quan và trải nghiệm. xã Hạnh Sơn: Tổ chức các hoạt động thu hút du khách tại khu di tích lịch sử thành Viềng Công, gắn với Đền thờ Cầm Hánh. Tôn tạo, sửa chữa, cắm biển chỉ dẫn các địa điểm của đi tích để giới thiệu cho du khách.Tổ chức truyền dậy nghệ thuật chế tác và trình diễn khèn bè của người Thái Mường Lò.
Thổ cẩm và đồ đan nát thủ công của đồng bào Thái xã Nghĩa An. Ảnh: P. Quỳnh.
Xã Sơn A: Tổ chức các hoạt động du lịch cộng đồng tại làng văn hóa du lịch Ao Luông; trải nghiệm khám phá hang Thẩm Han, suối nước nóng Bản Bon.Tổ chức 02 sản phẩm du lịch trải nghiệm cho du khách tại làng văn hóa – du lịch Ao Luông (trải nghiệm bơi mảng, đánh bắt cá, chế biến các món ăn và những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Mường).Tổ chức trình diễn và truyền dậy nghệ thuật múa Mường...
Xây dựng các tour, tuyến du lịch nội thị và liên kết. Ví như: Tour trải nghiệm các bản văn hóa Chao Hạ - Sà Rèn - Ao Luông - bản Đêu; Tour thăm các khu di tích và các điểm du lịch tâm linh: Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh – Đền thờ liệt sỹ - chùa Ngọc Bích - Đền Cầm Hánh – Khu di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ - khu ủy Tây Bắc – Nậm tốc tát; Tour trải nghiệm thiên nhiên và khu sinh thái: Hang Thẩm Han – đồi chè Nghĩa Lộ - đồi chè Phù Nham – đồi Pú Lo - khu sinh thái Dragonfly...; Tour chinh phục các cứ điểm trận Nghĩa Lộ 1952: Căng và đồn Nghĩa Lộ - đồn Pú Trạng.
Du lịch cộng đồng bản Thái xã Nghĩa Lợi. Ảnh: P. Quỳnh.
Kết nối Nghĩa Lộ với các điểm du lịch trong khu vực miền Tây của tỉnh như: Suối khoáng nóng Bản Hốc, Suối Giàng, Động Tiên Nữ (Văn Chấn); Suối khoáng nóng, đỉnh Tà Xùa, thác Háng Tề Chơ (Trạm Tấu); Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải - Bản Thái (Mù Cang Chải).
Cùng với thành lập mới 01 tổ hợp tác du lịch tại xã Sơn A, 50 tổ hợp tác đã được thành lập năm 2019 cũng được củng cố và nâng cao chất lượng theo hướng tinh gọn và vận động thành viên các tổ hợp tác tham gia HTX du lịch Mường Lò. Gắn phát triển du lịch với phát triển các sản phẩm đặc trưng của từng xã, phường đã đăng ký, như: Phường Tân An (thịt sấy), phường Trung Tâm (dệt thổ cẩm người Thái), phường Pú Trạng (bánh chưng đen), phường Cầu Thia (bánh dày), xã Phúc Sơn (gạo Séng cù), xã Nghĩa An (sản phẩm dệt thổ cẩm của người Thái, xôi ngũ sắc, thịt hun khói), xã Nghĩa Phúc (gối, đệm ngồi thổ cẩm), xã Phù Nham (trái cây, rau sạch theo mùa), xã Hạnh Sơn (sản phẩm dệt tay của người Thái), xã Sơn A (sản phẩm dệt tay của người thái, đệm ngồi, gối thổ cẩm, giỏ cói đan)…
Xã Sơn A tổ chức các hoạt động du lịch cộng đồng. Ảnh: Nhật Thanh.
Đồng thời, thị xã cũng chú trọng các hoạt động hợp tác với tỉnh Val-de-marne (cộng hòa Pháp), tổ chức Jica (Nhật Bản) trong phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Tạo mọi điều kiện để các chuyên gia, tình nguyện viên thực hiện các hoạt động khảo sát, tư vấn, hỗ trợ về truyền thông, kỹ thuật và kinh nghiệm trong phát triển du lịch địa phương. Phối hợp với các tỉnh Tây Bắc trong việc quảng bá về Di sản Nghệ thuật xòe Thái./.
Phạm Quỳnh