Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 416 điểm cầu cùng 18.319 đại biểu tham dự.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe TS. Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) giới thiệu nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam”.
Theo TS. Phạm Lan Dung, cuốn sách tuyển chọn các bài nói, bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn, thư, điện... của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thể hiện tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của người đứng đầu Đảng ta về đường lối đối ngoại, ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ mới.
Những bài viết, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư trong cuốn sách được rút ra từ thực tiễn phong phú, thể hiện tầm nhìn, trí tuệ sáng suốt, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện, đầy sức thuyết phục của Tổng Bí thư; góp phần làm sáng rõ tư duy lý luận của Đảng ta về đối ngoại, hoàn thiện hệ thống lý luận và cơ sở thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đây là minh chứng cho thấy bước trưởng thành, phát triển về tư duy và thành tựu của đối ngoại, ngoại giao Việt Nam.
02 cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đại đoàn kết toàn dân tộc và phát triển nền ngoại giao Việt Nam (Ảnh: Quochoi.vn)
Kết thúc buổi trao đổi, nhiều đại biểu đến từ các Đảng bộ thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương cũng nêu ý kiến cá nhân của mình về nội dung cuốn sách cùng phần trình bày của Báo cáo viên. Trong đó có ý kiến trao đổi của đại biểu đến từ Đảng bộ Văn phòng Trung ương Đảng với nội dung: đề nghị TS. Phạm Lan Dung có thể kể hai câu chuyện, một câu chuyện trong lịch sử và một câu chuyện ở thời điểm hiện tại thể hiện quan điểm “ngoại giao cây tre” như nội dung đã đề cập trong cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Đáp lại câu hỏi của đại biểu, TS. Phạm Lan Dung đã chia sẻ với Hội nghị câu chuyện liên quan đến cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina nổ ra năm 2022 và quan điểm ngoại giao khéo léo của Việt Nam. Tuy nhiên, do thời gian của Hội nghị có hạn nên nội dung liên quan đến “câu chuyện trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta” thể hiện tinh thần “ngoại giao cây tre” như mong muốn của đại biểu đến từ Văn phòng Trung ương Đảng chưa có dịp được đề cập tới.
Trong khuôn khổ bài viết này, với nhận thức của tác giả, xin được chia sẻ cùng bạn đọc câu chuyện lịch sử chống ngoại xâm phương Bắc của dân tộc Việt Nam cách đây vừa tròn 235 năm. Đó là chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, bản anh hùng ca bất hủ của dân tộc Việt Nam.
Tháng 12/1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế lấy niên hiệu là Quang Trung và kéo quân ra Bắc. Từ Tam Điệp quân Tây Sơn chia làm 5 đạo tiến ra Bắc, gồm: Đạo chủ lực do Quang Trung trực tiếp chỉ huy thẳng hướng Thăng Long. Đạo thứ hai và ba đánh vào Tây Nam Thăng Long và yểm trợ cho đạo chủ lực. Đạo thứ tư ra phía Hải Dương và đạo thứ năm tiến lên Lạng Giang chặn đường rút lui của địch.
Đêm 30 tết, quân Tây Sơn đã tấn công và tiêu diệt giặc ở tiền đồn Gián Khẩu. Đêm mồng 3 tết ta vây đồn Hạ Hồi, địch hạ khí giới. Mờ sáng mồng 5 tết, ta vây đồn Ngọc Hồi, sau đó tấn công chiếm đồn Đống Đa, Sầm Nghi Đống tự tử. Trưa mồng 5 tết Quang Trung và Đô đốc Long tiến vào Thăng Long. Tôn sĩ Nghị và bè lũ rút chạy, bị quân ta chặn đánh tại Phượng Nhãn. Đất nước hoàn toàn giải phóng.
Có thể nói, chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đã khẳng định nghệ thuật quân sự tuyệt vời của nghĩa quân Tây Sơn, đặc biệt là tài cầm quân thiên tài của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ. Đó là nghệ thuật chuyển quân thần tốc từ Phú Xuân ra Bắc, là nghệ thuật tác chiến, chiến lược trong từng trận đánh. Bằng thắng lợi vĩ đại này, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Hoàng đế Quang Trung đã đập tan mộng xâm lược của quân Thanh, giải phóng đất nước, giữ vững nền độc lập dân tộc.
Sau chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789 trước 29 vạn quân Thanh, Hoàng đế Quang Trung và công thần Ngô Thì Nhậm đã triển khai nhiều sách lược ngoại giao sáng suốt, như "ngoại giao cống vật" hay "ngoại giao đi sứ", qua đó thể hiện sâu sắc văn hóa ứng xử nhân văn, nghệ thuật ngoại giao “biết người, biết ta”, “biết thời, biết thế”, “biết tiến, biết lui”, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, khoan hòa, linh hoạt của cha ông ta.
Bản sắc ngoại giao Việt Nam luôn kiên định mục tiêu chiến lược linh hoạt, uyển chuyển, nghệ thuật “hòa để tiến”, tránh việc phải cùng một lúc đối mặt với nhiều kẻ thù mạnh và cũng là bài học quý giá về sự kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Qua câu chuyện lịch sử kể trên, cùng với câu chuyện liên quan đến cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina nổ ra năm 2022 và quan điểm ngoại giao khéo léo của Việt Nam như TS. Phạm Lan Dung đã chia sẻ trong Hội nghị, chúng ta càng hiểu hơn truyền thống ngoại giao của ông cha ta trong suốt 4000 năm dựng nước và giữ nước. Ngày nay, chúng ta tiếp tục kế thừa truyền thống, kinh nghiệm của các bậc tiền nhân; vận dụng sáng tạo tư tưởng, phong cách, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh để xây dựng nền ngoại giao độc đáo với bản sắc riêng, đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tổng kết, khái quát là trường phái ngoại giao "cây tre Việt Nam", với gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách dân tộc Việt Nam.
Th.s Vũ Thành Phương - Viện Nghiên cứu Thanh niên
Th.s Phạm Quang Chính - Tạp chí Thanh niên
Th.s Phạm Quang Chính - Tạp chí Thanh niên