Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố đã dàn xếp được một thỏa thuận ngừng bắn giữa Thổ Nhĩ Kỳ với người Kurd ở miền Bắc Syria. Tuy nhiên, các bên liên quan lại đang “không ở cùng một trang”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (trái) và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. Ảnh: Times of Israel.
Thổ Nhĩ Kỳ chỉ “tạm dừng chiến dịch”
“Đây không phải là một lệnh ngừng bắn, mà chỉ là tạm dừng chiến dịch”, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói.
Theo một bản thông tin chung giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, hai bên đồng ý về một “vùng an toàn” sẽ “được đảm bảo bởi Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ” với sự hợp tác của Mỹ. Lực lượng người Kurd sẽ rút khỏi khu vực dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, dỡ bỏ các công sự và bàn giao lại vũ khí hạng nặng.
Tuy nhiên, Tướng Mazloum “Kobani” Abdi, một Tư lệnh cấp cao của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd dẫn dầu phát biểu trên kênh truyền hình tiếng Kurd rằng, SDF chấp nhận một lệnh ngừng bắn có giới hạn giữa Ra’s al-Ayn và Tel Abyad (miền Bắc Syria), nhưng cũng ám chỉ ông sẽ không chấp nhận sự hiện diện lâu dài của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.
“Ngừng bắn là một chuyện và đầu hàng lại là chuyện khác, và chúng tôi sẵn sàng bảo vệ chính mình. Chúng tôi sẽ không chấp nhận sự xâm chiếm ở miền Bắc Syria”, ông Salih Muslim, lãnh đạo Liên minh Dân chủ người Kurd (Democratic Union Party), thành phần người Kurd quyền lực nhất ở Syria nói.
“Sự chia rẽ trên diện rộng này là công thức xung đột được làm mới lại – Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ tuyên bố rằng, SDF sẽ không tuân thủ thỏa thuận và sử dụng chính điều này để làm cái cớ nối lại các cuộc tấn công”, Nhà nghiên cứu Elizabeth Tsurkov thuộc viện Nghiên cứu chính sách ngoại giao (Mỹ) cho biết.
Mỹ đang ép người Kurd đầu hàng?
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã đàm phán một thỏa thuận ngừng bắn trong chuyến thăm ngày 17/10 tới Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Phái viên Mỹ tại Syria James Jeffrey, người đã hoãn phiên điều trần trước Quốc hội ở Washington vào phút chót.
Tuy nhiên, “theo các điều khoản của thỏa thuận mà Phó Tổng thống Pence đã dàn xếp, SDF sẽ phải từ bỏ quyền kiểm soát các khu vực cốt lõi cho Thổ Nhĩ Kỳ và phải ‘tự nguyện trục xuất’ mình khỏi vùng đất quê hương để tới một vùng đất khác ở Syria”, nhà nghiên cứu Nicholas Heras tại Trung tâm về an ninh Mỹ mới cho biết. Nicholas Heras từng làm cố vấn cho các quan chức chống khủng bố Mỹ.
“Những gì nhóm của ông Trump thực sự làm là đang cố ép đồng minh chống IS của mình ở Syria phải đầu hàng Thổ Nhĩ Kỳ”, nhà nghiên cứu Heras nói.
Chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tới Ankara diễn ra 9 ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chiến dịch vào miền Bắc Syria.
Các lực lượng Mỹ trước đó đã cố làm trung gian cho một thỏa thuận “cơ chế an ninh” giữa SDF và Thổ Nhĩ Kỳ theo đó, SDF sẽ giải giáp vũ khí dọc biên giới để đổi lấy sự bảo vệ trước chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, sau cuộc điện đàm ngày 6/10 với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố các lực lượng Mỹ sẽ rút khỏi miền Bắc Syria khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch vào khu vực này.
Thổ Nhĩ Kỳ cùng các tay súng mà Ankara hậu thuẫn đã tràn qua biên giới 2 ngày sau đó, và SDF đã phải đồng ý để lực lượng chính phủ được Nga và Iran hậu thuẫn tiến vào khu vực nhằm ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ.
“Các ông sẽ đề nghị chúng tôi phải từ bỏ [30km] vùng đất của chúng tôi và sau đó thảo luận những điểm này ư? Hãy để tôi nói rõ rằng, các ông khiến chúng tôi hiểu rằng Mỹ muốn Thổ Nhĩ chiếm vùng đất này”, tướng Mazloum Abdi đã lớn tiếng như vậy trong một cuộc điện đàm với giới chức Mỹ ngay trước khi thỏa thuận với chính phủ Syria.
“Chúng tôi không có ý định giải giáp các lực lượng của mình trong khi phải đối mặt với Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi sẽ không làm điều đó để Thổ Nhĩ Kỳ có thể tới đây một cách dễ dàng và kiểm soát chúng tôi, để rồi người Kurd phải làm nô lệ cho họ. Tôi sẽ không đồng ý với điều đó”, ông Abdi nói.
Chính quyền Trump hứng chỉ trích
Những hình ảnh lực lượng Nga chiếm các căn cứ trước đây của Mỹ tại Syria cũng như điều tiếng “phản bội” một đối tác gần gũi đang khiến dư luận nội bộ Mỹ nổi giận.
Đồng minh của Trump, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Lindsey Graham cũng lên tiếng phản đối quyết định của Mỹ và hàng trăm nghị sỹ khác của đảng này cũng chỉ trích quyết định rút quân của Mỹ.
“Tôi muốn Thổ Nhĩ Kỳ hiểu rằng, đó không chỉ là Trump, Pence và Pompeo. Đó là toàn bộ chúng tôi. Đây là về danh dự của chúng tôi”, Thượng nghị sỹ Graham nói trong một cuộc họp báo ngày 17/10 khi đề xuất về các lệnh trừng phạt nhằm vào Thỏ Nhĩ Kỳ.
“Dù lệnh ngừng bắn 120 giờ là điều đáng hoan nghênh, nhưng các điều khoản khác đều khai thác tối đa các yêu cầu của Erdogan và sẽ cho phép Thổ Nhĩ kỳ về mặt dân tộc dọn sạch một vùng đất lớn có đông người Kurd, trong khi có thể dẫn tới việc hồi sinh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tôi và Thượng nghị sỹ Graham và tôi sẽ tiếp tục theo đuổi dự luật trừng phạt”, Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Chris van Hollen nói vài giờ sau khi lệnh ngừng bắn ở miền Bắc Syria được tuyên bố./.
Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo National Interest