Người con ưu tú của dân tộc Xinh Mun

Thứ ba, 09/08/2011 - 14:50

TNV - Trong điều kiện còn muôn vàn khó khăn ấy, nhưng chàng trai Lò Văn Thân, sinh năm 1985 ở bản Tô Buông, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu đã ra sức vươn lên trở thành người đầu tiên của dân tộc Xinh Mun tốt nghiệp Đại học.

Đồng bào Xin Mun hiện có khoảng hơn 23 ngàn người sinh sống rải rác ở 22 tỉnh thành trong cả nước, trong đó cư trú chủ yếu ở vùng biên giới Việt - Lào thuộc huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La (chiếm 91,5%). Do điều kiện đi lại khó khăn nên đời sống và trình độ dân trí của người dân còn ở mức thấp. Trong điều kiện còn muôn vàn khó khăn ấy, nhưng chàng trai Lò Văn Thân, sinh năm 1985 ở bản Tô Buông, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu đã ra sức vươn lên trở thành người đầu tiên của dân tộc Xinh Mun tốt nghiệp Đại học.

Phó Bí thư Huyện đoàn Lò Văn Thân (thứ 2 từ trái qua phải) cùng đại diện Huyện đoàn, BGH nhà trường tại buổi trao học bổng Thắp sáng ước mơ đến trường của Tạp chí Thanh niên cho em Hoàng Thị Hoài, lớp 5A trường Tiểu học Chiềng Pằn – Yên Châu

Trong dịp về Yên Châu tháng 7 năm 2011 vừa qua, tôi cùng Lò Văn Thân đến trường Tiểu học Chiềng Pằn trao học bổng Thắp sáng ước mơ đến trường của Tạp chí Thanh niên cho em Hoàng Thị Hoài, lớp 5A là học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng đạt thành tích học tập xuất sắc. Hiện nay, Lò Văn Thân là Phó Bí thư phụ trách Huyện đoàn Yên Châu và còn là đại biểu HĐND tỉnh.

Gia đình Thân cũng như bao gia đình khác trong bản đều làm nương rẫy để sinh sống, trong hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn 6 anh chị em Thân đều chăm chỉ cùng bố mẹ miệt mài lao động để đảm bảo cuộc sống. Do vậy, bọn trẻ trong bản thường chỉ học hết cấp 1 là nghỉ học ở nhà làm rẫy giúp bố mẹ, nhưng Thân là một trong số ít đứa trẻ vẫn ham học dù bước vào lớp 6 em đã phải xa nhà gần 100km lên tỉnh học ở trường Dân tộc nội trú và làm quen dần với cuộc sống tự lập.

Thân bồi hồi nhớ lại thời gian học từ lớp 6 đến lớp 9, phần vì nhớ nhà nhớ bản làng, phần còn nhiều điều bỡ ngỡ thậm chí hẫng hụt ở môi trường mới cũng như chưa nhận thấy hết vai trò của việc học nên kết quả học tập của Thân có phần sút kém. Bước vào lớp 10, sau bài kiểm tra giáo dục công dân, được thầy giáo động viên cho điểm 10, lại được cô giáo chủ nhiệm dành tình cảm ân cần trìu mến, chỉ bảo càng làm Thân cảm động và từ đó trong Thân lại nhen lên niềm say mê học tập. Mỗi dịp về thăm nhà, thấy bố mẹ làm lụng vất vả, chạy vạy ngược xuôi để lo cho con chút gạo và ít tiền  mang theo mà lòng Thân càng thấm thía phải quyết tâm học để sau này có thể phụ giúp bố mẹ và bà con quê hương của mình.


Lò Văn Thân – người con ưu tú của dân tộc Xinh Mun

Với kết quả học tập tốt sau 3 năm học THPT, Thân lại vui mừng khi được xét tuyển thẳng vào Đại học Văn hóa. Được về Hà Nội học, cùng với niềm vui mừng là những năm dài gian khó mà Thân phải âm thầm vượt qua. Kỳ 2 năm thứ nhất do kinh tế gia đình rất khó khăn, được bạn bè giới thiệu, cứ sau giờ học Thân lại vội vàng đi xe buýt từ Đê La Thành đến sân vận động trường Đại học Kinh tế Quốc dân làm thêm công việc nhặt bóng tennis với thù lao 10 ngàn đồng 1 tiếng đồng hồ, rồi lại tất tả về đường Trường Chinh bán vé tại bể bơi, hoặc mang vé chiếu phim đến các cơ quan bán kiếm thêm chút thù lao ít ỏi nhưng vô cùng quý giá đối với cuộc sống vô cùng chật vật của chàng sinh viên nghèo xa quê. Chính đức tính kiên trì, cần mẫn đó đã tiếp thêm nghị lực cho chàng sinh viên nhỏ bé (cao 1m50, nặng 43kg) âm thầm vượt qua 4 năm trời đằng đẵng vừa học vừa làm với rất nhiều kỷ niệm vui buồn hoàn thành khóa học tốt nghiệp ra trường. Cũng ngay năm đó (năm 2007), Thân về công tác  tại phòng Văn hóa huyện nơi quê nhà rồi sang Ban Chỉ đạo phòng chống ma túy của huyện rồi lại được điều sang Ban Tổ chức huyện ủy. Công tác ở đây 2 năm thì được bầu làm Phó Bí thư huyện Đoàn vào tháng 6/2010.

Tâm sự với tôi về công tác Đoàn ở địa phương, Thân băn khoăn vì vẫn còn một số cơ sở Đoàn chưa làm tốt công tác đoàn kết tập hợp giáo dục thanh niên, vẫn còn nhiều thanh niên không muốn tham gia sinh hoạt mà còn lêu lổng đua đòi và vi phạm pháp luật. Trong thời gian tới, Huyện đoàn đang đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên thanh niên; tổ chức làm điểm ở bản A La (xã Chiềng Ôm), bản Nà Mùa và Quỳnh Châu (xã Lóng Phiêng) Nhóm bạn yêu thương với các sinh hoạt tập thể vào các buổi tối, thu hút đoàn viên thanh niên tham gia học hát, cắm hoa, nấu các món ăn truyền thống dân tộc. Đồng thời triển khai các hoạt động gây quỹ ở các Đoàn xã bằng cách nhận làm cỏ ngô với giá bằng 70% giá thị trường cho các hộ có diện tích gieo trồng lớn. Ngoài ra, với tư cách là đại biểu HĐND tỉnh, Lò Văn Thân sẽ đề nghị HĐND tỉnh xem xét để có phụ cấp cho bí thư chi đoàn thôn, bản cũng như tăng biên chế cho Đoàn xã, phường bởi đây là nơi trực tiếp triển khai thực hiện các phong trào tới đoàn viên thanh niên.

Với rất nhiều công việc hàng ngày của cán bộ Đoàn, của người đại biểu nhân dân cùng những ấp ủ mong muốn được làm nhiều việc thiết thực cho tuổi trẻ và bà con nhân dân, Lò Văn Thân xứng đáng là người con ưu tú của đồng bào dân tộc Xinh Mun và của tuổi trẻ Yên Châu./.

Phạm Quỳnh