TNV - Chiều 20/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác của Chính phủ có buổi làm việc với TPHCM về kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 5. Tham dự buổi làm việc, về phía TPHCM có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi; ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong và các đồng chí trong Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và đại diện lãnh đạo một số Sở, ngành ngành liên quan.
930.000 liều vắc xin sẽ được TPHCM tổ chức tiêm trong đợt 5
Thông tin về kế hoạch tiêm vắc xin đợt 5 của TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, tổng số lượng vắc xin được phân bổ đợt này là hơn 930.000 liều gồm 03 loại vắc xin: Astrazeneca, Moderna (235.000 liều) và Pfizer (gần 55.000 liều). Ngoài các điểm tiêm tại các quận - huyện và TP Thủ Đức, TP cũng triển khai tiêm vắc xin tại Bệnh viện Tri Phương, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhi đồng TP.
Tại nơi phong tỏa sẽ không tổ chức tiêm nhưng ngay khi gỡ phong tỏa sẽ lập tức tổ chức tiêm cho người dân.
Theo kế hoạch, mỗi phường/xã sẽ tổ chức ít nhất 2 điểm tiêm; tại các điểm tiêm đều bố trí các tổ cấp cứu túc trực để đảm bảo xử lý kịp thời mọi tình huống xảy ra.
Toàn TP sẽ vận hành 615 điểm tiêm, với 120 người/ngày/điểm tiêm. Tùy theo tình hình ổn định sẽ tăng số lượng lên 200 người/điểm tiêm/ngày. Nếu tiến độ đảm bảo thì khoảng trong 2 tuần, TPHCM sẽ tiêm xong 930.000 liều.
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cũng thông tin, chiều nay (20/7) vắc xin đã được chuyển đến Trung tâm y tế các quận, huyện, TP Thủ Đức. Trong 1-2 ngày tới, TP sẽ bắt đầu tổ chức tiêm vắc xin đợt 5. Ngoài số lượng vắc-xin được Bộ Y tế phân bổ cho TP HCM, TP cũng đang nỗ lực tìm các nguồn vắc-xin để đàm phán mua.
Đối tượng được tiêm vắc-xin trong đợt này ưu tiên cho những người người mắc các bệnh nền (bệnh thận mãn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường); người trên 65 tuổi; người thuộc diện chính sách và có công và đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người yếu thế; người làm việc trong cơ sở y tế, ngành y tế; người tham gia trực tiếp phòng chống dịch (thành viên ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, người làm việc ở khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, tổ COVID dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...).
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức, hiện nay, số lượng đối tượng ưu tiên tiêm của TP nhiều hơn so với số lượng vắc xin được phân bổ trong đợt này, vì vậy, đề xuất Chính phủ và Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ cho TPHCM trong tháng 8 thêm khoảng 5 triệu liều, để đến hết tháng 9/2021 có khoảng 50% người dân TP được tiêm mũi 1.
Tiêm vắc xin đợt 5: nên tập trung vào đối tượng, không nên tiêm theo vùng
Đánh giá về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TPHCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định, trong 02 ngày qua tại TP đã giảm số lượng ca mắc nhưng vẫn chưa thật sự khả quan, trong 7-10 ngày tới đỉnh dịch có đạt được hay không phụ thuộc vào sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền và sự đồng hành, chung sức của người dân TP.
Về kế hoạch tiêm chủng, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, chiến dịch tiêm chủng đợt 4 của TPHCM đã hoàn thành, đợt 5 có nhiều loại vắc xin, vì vậy TP cần cân nhắc khi tiêm trộn hay thống nhất 1 loại vắc xin. Bộ y tế cho rằng, giai đoạn này nên tập trung vào đối tượng, không nên tập trung vào vùng tiêm chủng. “Vùng đỏ” chưa nên tiêm mà nên bảo vệ các “vùng xanh” trước nhằm đảm bảo miễn dịch cho nhân dân.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, người dân không nên so sánh các loại vắc-xin, vì chất lượng tất cả như nhau, được Tổ chức y tế thế giới và Bộ Y tế đánh giá đều có hiệu quả. Việc phân bổ vắc-xin gì cho đối tượng nào phải căn cứ theo khuyến cáo của loại vắc-xin đó. Có loại dùng cho người già, nhưng có loại dùng cho người trẻ…
Vấn đề lớn nhất hiện nay là giảm các ca F0 diễn tiến nặng
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ chia sẻ với những khó khăn hiện nay của lãnh đạo, chính quyền và Nhân dân TPHCM, trải qua thời gian dài cách ly xã hội với các mức độ khác nhau, đặc biệt là với người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Nhấn mạnh việc tiếp tục bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, không để lây nhiễm và lây ra các đối tượng có bệnh nền, dễ có diễn tiến nặng sẽ dẫn đến nguy cơ tử vong, Phó Thủ tướng lưu ý TPHCM vừa phải kiên trì vừa phải chuẩn bị sẵn sàng trung tâm thu dung rất lớn.
Chính phủ đánh giá cao sự chuẩn bị các kế hoạch dự phòng cho mọi tình huống của TPHCM trong thời gian qua; TP phải kiên trì thực hiện giãn cách nghiêm ngặt và có biện pháp mạnh mẽ hơn ở một số địa bàn để làm chậm tốc độ lây lan.
Bên cạnh việc tiếp tục triển khai các chiến lược Bộ Y tế đề ra với các khu vực có nguy cơ rất cao, TP cũng cần nỗ lực thêm một bước là duy trì công tác xét nghiệm tầm soát, đặc biệt trong các khu vực vùng xanh và vùng vàng để giữ vững kết quả phòng chống dịch.
Cho rằng, vấn đề lớn nhất hiện nay là giảm tỉ lệ ca F0 diễn tiến nặng, theo Phó Thủ tướng, TP đã nỗ lực giải quyết nhanh các vấn đề phát sinh và trang thiết bị y tế cho các khu điều trị. Theo tình hình dịch bệnh, dự báo số ca diễn tiến nặng sẽ còn tăng, ngành Y tế TP cần tiếp tục theo dõi sát và đảm bảo các điều kiện về thể chất, tinh thần cho người bệnh.
“Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương có chính sách mua sắm đặc biệt các vật tư y tế, tạo điều kiện tối đa trang thiết bị cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là trung tâm điều trị, cấp cứu IPU, các khu điều trị nặng trên địa bàn. Đối với các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch đang làm việc với tất cả nhiệt huyết, phải được tạo điều kiện tối đa; dứt khoát không để thiếu các đồ bảo hộ đảm bảo an toàn cho lực lượng y tế” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về cách ly, TP tiếp tục mở rộng và đồng loạt triển khai cách ly F1 tại nhà, đảm bảo hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc thực hiện theo đúng các quy định về tiêu chuẩn an toàn của Bộ Y tế ban hành.
Liên quan đến vắc xin, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đây giải pháp căn cơ để kiểm soát, phòng dịch COVID-19 hiệu quả và cũng là mối quan tâm nhất hiện nay. Tuy nhiên, quá trình đàm phán để mua vắc xin rất dài, đã được thực hiện từ tháng 8/2020 với rất nhiều hãng sản xuất. Theo hợp đồng đã ký, cuối năm 2021 Việt Nam có đủ lượng vắc xin tiêm cho 70% người dân, tạo miễn dịch cộng đồng.
Từ nay đến tháng 8/2021 chưa có lượng vắc xin về nhiều nhưng Chính phủ và Bộ Y tế sẽ tiếp tục ưu tiên lớn nhất cho TPHCM với mong muốn TP sớm vượt qua khó khăn, dịch bệnh.
Tuyên truyền để người dân hiểu và không nặng nề việc được tiêm loại vắc xin gì
Cảm ơn và trân trọng sự quan tâm, hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương để TPHCM vượt qua giai đoạn khó khăn này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho hay, TP đang thực hiện lấy ý kiến các chuyên gia, các Bộ - ngành liên quan để chuẩn bị cho tình huống siết chặt hơn Chỉ thị 16 nhằm thực hiện cho bằng được là mục tiêu đề ra là ngăn chặn, kéo giảm sự lây lan trong cộng đồng hiện nay.
Thời gian tới, TP mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ từ Chính phủ và Trung ương, trong đó có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và nhóm cán bộ các Bộ, ngành đang có mặt tại TP để cùng đi sâu nghiên cứu, bàn bạc và thống nhất các giải pháp nâng cao, siết chặt, tăng cường phòng chống dịch.
Về kế hoạch tiêm vắc xin đợt 5, Bí thư Thành ủy lưu ý, các Sở - ngành, quận – huyện, các lực lượng liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và không nên nặng nề về việc được tiêm loại vắc xin gì. Chính phủ đã cố gắng mua vắc xin và ưu tiên hỗ trợ TPHCM, chúng ta không nên so sánh, lựa chọn. Trên tổng số lượng vắc xin được phân bổ, ngành y tế sẽ tổ chức tiêm cho từng đối tượng với loại vắc xin phù hợp.
Tấn Tài