Những cái chết thương tâm
Số người thiệt mạng trong trận mưa lũ lịch sử vừa qua tại Tây Ban Nha đã tăng lên 202 vào ngày 1/11. Các đội cứu hộ hiện vẫn đang tìm kiếm những người mất tích trong thảm họa tồi tệ nhất châu Âu trong hơn năm thập kỷ qua.
Lượng mưa tương đương với một năm đã đổ xuống vùng Valencia của đất nước này chỉ trong tám giờ đồng hồ vào ngày 29/10. Đây là thảm họa lũ lụt tồi tệ nhất trong lịch sử Tây Ban Nha hiện đại. Các nhà khí tượng học cho biết, biến đổi khí hậu do con người gây ra đang khiến các hiện tượng thời tiết trở nên khắc nghiệt, xuất hiện thường xuyên hơn.
Trong số 202 người thiệt mạng tính đến thời điểm hiện tại, đã có rất nhiều trường hợp được tìm thấy trong tình trạng vô cùng thương tâm.
Các đội cứu hộ đã phát hiện ra thi thể của tám người, bao gồm một cảnh sát địa phương bị mắc kẹt trong một gara ở ngoại ô thành phố Valencia vào ngày 31/10. Thị trưởng Maria Jose Catala cũng cho hay, tại cùng khu phố La Torre, một người phụ nữ 45 tuổi cũng được phát hiện đã chết tại nhà riêng.
Bà Laura Villaescusa, quản lý của một siêu thị địa phương, nói rằng: "Những người đó sẽ không chết nếu họ được cảnh báo kịp thời".
Bà Maribel Albalat, thị trưởng thị trấn Paiporta cho biết, người dân đã không được cảnh báo về nguy cơ lũ lụt sắp xảy ra và khiến 62 người đã thiệt mạng tại thị trấn này:
“Chúng tôi phát hiện rất nhiều người già trong nhà và những người trong xe. Đó là một cái bẫy khổng lồ”
Vật lộn sinh tồn nơi tâm thảm họa
Tại Godelleta, một thị trấn cách thành phố Valencia 37km về phía tây, ông Antonio Molina (52 tuổi) đã kể lại ký ức kinh hoàng của mình. Ông đã may mắn sống sót khi bám vào cây cột trên hiên nhà hàng xóm vào ngày 29/10 - khi mực nước dâng ngập đến cổ.
Nhà của ông Molina đã phải hứng chịu hai trận lũ lớn vào năm 2018 và 2020. Ông cho rằng đây là lỗi thuộc về chính quyền khi cho phép xây dựng các khu dân cư ở vùng trũng.
“Chúng tôi không muốn sống ở đây nữa" ông nói trong nước mắt “Ngay khi có vài giọt mưa, chúng tôi đã kiểm tra điện thoại rồi (nhưng không có bất cứ thông báo nào).”
Nhiều cư dân địa phương không khỏi bày tỏ sự thất vọng khi họ hoàn toàn không nhận được cảnh báo của chính phủ về tình trạng ngập lụt cho đến khi nó xảy ra.
Lũ lụt đã tàn phá cơ sở hạ tầng của Valencia, cuốn trôi cầu đường và thậm chí là cả đường ray xe lửa.
Bộ trưởng Giao thông Oscar Puente cho biết khoảng 80km đường ở khu vực phía đông đã bị hư hỏng nghiêm trọng hoặc không thể đi qua. Nhiều tuyến đường bị chặn bởi những chiếc ô tô bị bỏ lại.
“Thật không may, có xác chết trong một số xe” ông Puente nói. Đồng thời, ông này cũng cho biết, sẽ phải mất hai đến ba tuần để thiết lập lại tuyến tàu cao tốc giữa Valencia và Madrid.
Ở UTiel, một trong những thị trấn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của vùng Valencia, nỗi đau khổ có thể cảm nhận rõ rệt.
“Đây là điều chưa từng xảy ra ở thị trấn này" Ángel, một cư dân cho biết “Tài chính của chúng tôi vốn đã vô cùng eo hẹp. Nếu công ty bảo hiểm không thể bồi thường ngay cũng như không chịu trách nhiệm về thiệt hại do bão gây ra, chúng tôi sẽ rơi vào tình trạng tồi tệ.”
Một người may mắn sống sót sau trận lũ cho biết, thảm hoạ này đã khiến anh cảm thấy hoàn toàn bất lực:
“Chỉ trong nửa giờ, chúng tôi gần như mất tất cả. Vợ tôi phải bế con gái trên tay khi nước gần ngập đến ngực"
Đâu là nguyên nhân?
Biến đổi khí hậu là "lời giải thích khả thi nhất" cho cường độ chưa từng thấy của những trận mưa như trút nước - theo một phân tích sơ bộ đến từ các nhà khoa học World Weather Attribution.
Họ phát hiện ra rằng sự nóng lên toàn cầu khiến lượng mưa đổ xuống Tây Ban Nha tăng hơn khoảng 12% và có khả năng tăng đến gấp đôi.
Ben Clarke, một nhà nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia London, tác giả của bài phân tích, cho biết: "Chúng ta đang gánh chịu hậu quả của thời tiết khắc nghiệt theo cách tồi tệ nhất có thể".
Một nghiên cứu riêng từ Climate Central phát hiện ra rằng, biến đổi khí hậu cũng khiến nhiệt độ của Đại Tây Dương tăng lên, khiến khả năng gây mưa lớn tăng cao hơn từ 50 đến 300 lần.
Đại dương nóng hơn cũng cung cấp nhiều năng lượng hơn cho các bão, trong khi không khí ấm hơn có thể giữ nhiều độ ẩm hơn, thấm hút như miếng bọt biển để rồi “vắt ra” những cơn mưa xối xả.
Ernesto Rodríguez Camino, nhà khí tượng học cấp cao và là thành viên của Hiệp hội Khí tượng Tây Ban Nha, cho biết: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, những trận mưa lớn và hiếm thấy trong lịch sử thế này sẽ trở nên thường xuyên hơn, dữ dội hơn và gây ra hậu quả tàn phá nghiêm trọng hơn rất nhiều”.
Nguồn: REUTERS, CNN
Phạm Trang