Chắp cánh ước mơ
Sinh ra và lớn lên từ miền gió Lào cát trắng, tuổi thơ của anh gắn liền với hàng dừa xanh soi bóng xuống dòng sông Nhật Lệ hiền hòa. Vì thế, từ thuở cắp sách đến trường, mỗi khi nhìn thấy người ta tận dụng gáo dừa để múc nước, anh luôn tự hỏi ngoài công dụng phục vụ đời sống hằng ngày ra thì gáo dừa còn có thể chế tác ra những tác phẩm nghệ thuật được không. Dưới con mắt non nớt của một đứa bé khi nhìn thấy ở phần đầu của quả dừa có 3 mắt, anh lại thấy nó rất giống con khỉ. Kể từ đó anh đã bắt đầu mày mò nghiên cứu, tìm tòi và sáng chế ra đồ chơi cho riêng mình. Sản phẩm đầu tay của anh đó là những con thú và lồng đèn… mặc dù còn thô sơ nhưng nó đã được gia đình và bạn bè khen ngợi. Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục chế tác ra đồ đựng bút, vòng đeo tay, dây đeo cổ từ gáo dừa… để tặng và bán cho bạn bè trong trường. Anh sẻ chia: “Buổi đầu, khi cầm những đồng tiền ít ỏi do mình làm ra tôi vui đến rơi nước mắt. Nó không chỉ là động lực để tôi tiếp tục nghiên cứu, học hỏi, sáng tạo mà còn mở ra một hướng đi mới, một bước ngoặt lớn của cuộc đời mình”.
Nghệ nhân Võ Qúy Hợi được tuyên dương “Người thợ trẻ giỏi”
Chàng họa sỹ 03 lần xác lập kỷ lục Việt Nam
Theo anh Võ Quý Hợi: “Gáo dừa là chất liệu rất bền, tranh từ gáo dừa có thể giữ hàng trăm năm với màu sắc tự nhiên, nâu vàng, dân dã, chân chất của gáo dừa đậm hồn dân tộc Việt Nam”. Với niềm đam mê rực cháy, trong thời gian theo học ở Khoa Sơn dầu - Trường Đại học Mỹ thuật Huế, Khoa Truyền thông Đa phương tiện, trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai, anh tiếp tục chế tác ra những đồ trang sức và trang trí nhỏ, vừa tặng vừa bán cho các bạn sinh viên, đồng thời, anh bắt đầu bắt tay chế tác nhiều tác phẩm được chuyển thể từ tranh của các họa sĩ trong nước và ngoài nước từ chất liệu qua gáo dừa. Năm 2002, anh nghiên cứu và viết ra quy trình làm một bức tranh gáo dừa với 11 công đoạn từ bắt đầu chọn gáo, phác thảo, lựa chọn độ sáng tối cho gáo, tải keo… đến quá trình hoàn thiện cho ra thành phẩm. Với anh “Để làm tranh gáo dừa tốn nhiều công đoạn, tranh gáo dừa không mềm mại như tranh sơn dầu, không có nhiều màu như tranh sơn mài và tranh thêu, vì vậy việc lựa chọn gáo dừa rất quan trọng, nếu lựa không chuẩn màu, không hợp với tông màu chính của bức tranh, sẽ phải bóc lên làm lại, rất mất công, mất sức và hao keo”.
Sau khi tốt nghiệp ra trường, anh về làm Giám đốc Thiết kế, phụ trách mỹ thuật của Công ty Dừa Việt nhưng không lâu sau đó, anh đã thành lập Công ty TNHH MTV Hạc Thiên Việt. Hơn 1.000 bức tranh do anh trực tiếp tham gia phác thảo và cùng thực hiện với kích thước lớn nhỏ khác nhau trong đó phải kể đến 03 bức tranh “Việt Nam quê hương tôi”, bức tranh “Bài ca kết đoàn”, bức tranh “Anh hùng Điện Biên” đã được xác lập là những bức tranh gáo dừa lớn nhất Việt Nam. Anh Cao Tiến Dũng - một người bạn của anh Võ Quý Hợi nhận xét: “Những bức tranh gáo dừa của Võ Quý Hợi đậm tính dân tộc. Nét cổ điển và hiện đại được họa sĩ khéo léo pha trộn thật tinh tế. Sự biến đổi màu sắc trên gáo dừa phụ thuộc vào độ già của quả dừa, dừa non gáo có màu vàng, quả dừa già gáo lại có màu nâu”.
Đồng hành cùng thanh niên
Với mong muốn cống hiến sức trẻ của mình cho sự phát triển của tỉnh nhà, năm 2011 anh trở về quê hương, mảnh đất nuôi dưỡng mơ ước từ thuở bé thơ. Tại đây, anh thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Võ Quý Quốc chuyên kinh doanh thiết kế nội thất và trang trí bằng gáo dừa nhằm tạo công ăn việc làm, tiếp lửa cho nhiều thanh niên có cùng đam mê với mình. Ngoài ra, anh đã phối hợp với Ban Quản lý trại giam Đồng Sơn tổ chức nhiều lớp dạy nghề làm tranh và các mặt hàng khác góp phần giúp các phạm nhân có một nghề nhất định trước khi tái hòa nhập cộng đồng. Với quan niệm làm tranh không phải để kinh doanh, làm tranh để thỏa ước vọng, vì vậy, hơn một phần hai trong tổng số tranh anh chế tác ra được bán đấu giá để làm từ thiện hướng đến các em học sinh sinh viên nghèo trên miền đất khó Quảng Bình. Năm 2016, anh vinh dự được Trung ương Đoàn tuyên dương là “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc.
Phát huy những thành công mà anh đã đạt được, bằng nhiệt huyết, niềm đam mê của mình, anh Võ Quý Hợi sẽ tiếp tục “thổi hồn” vào dòng tranh gáo dừa mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, để những bức tranh có ý nghĩa ấy ngày càng vươn xa.
Lệ Quyên