Người trẻ vởi cổ phục Việt: trở về quá khứ để tiếp nối tương lai

Thứ năm, 29/06/2023 - 14:05

TNV - Những trang phục cổ của người Việt trước giờ chỉ bắt gặp trong bảo tàng, sách báo, phim ảnh, nay đã xuất hiện gần gũi hơn với cuộc sống. Đây là tín hiệu đáng mừng khi ngày càng nhiều người trẻ yêu thích tìm hiểu văn hoá truyền thống của dân tộc. Nhìn từ quy luật chung của văn hóa, dù trang phục cổ dù đẹp đến mấy, nhưng nếu chỉ tồn tại trên sách vở, trong bảo tàng, không được phổ cập, không được công chúng biết đến, gìn giữ sẽ rất đáng tiếc và không được lâu dài.

Khi nhắc đến trang phục truyền thống nước ta, nhiều người chỉ nghĩ đến áo dài tân thời và biết mỗi áo dài. Tuy nhiên, cổ phục Việt không chỉ có vậy mà cả một kho tàng với nhiều loại trang phục khác. Trải qua mỗi triều đại phong kiến trong lịch sử chúng ta đều có những bộ trang phục mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc từng thời kỳ như: áo Giao lĩnh, áo Tấc, áo Ngũ thân, áo Nhật Bình,…

Người trẻ ngày càng say mê với cổ phục

Nguyễn Thị Quỳnh Nga, người sáng lập của Thủy Trung Nguyệt  - Một nhà may cổ phục có tiếng ở Hà Nội chia sẻ: “Theo mình, văn hóa hay bất cứ điều gì trong cuộc sống cũng đều vận hành theo vòng tròn. Văn hóa từng tồn tại, biến đổi, cách tân trong quá khứ, mình nghĩ giờ đã đến lúc nó quay trở lại và thời của chúng mình. Khi nghiên cứu về văn hóa, mình thấy đa phần những người đang quan tâm và đầu tư chất xám cho ngành này thường là những bạn rất trẻ, có nhiều bạn sinh năm 2008, 2009. Thế hệ Gen Z đang là một lực lượng mạnh để khôi phục các giá trị xưa”.

Không chỉ khôi phục, phỏng dựng cổ phục thời Nguyễn,  Quỳnh Nga còn ấp ủ dự định mang những màu sắc trẻ trung, hiện đại kết hợp với cổ phục Việt nhằm phù hợp hơn với thị hiếu khách hàng. Bên cạnh những hoa văn truyền thống, cô còn cho sáng tạo ra nhiều mẫu hoa văn mới, hợp “gu” với nhiều bạn trẻ hơn. Màu sắc của các bộ cổ phục được làm mới bằng các gam màu pastel nhẹ nhàng.

Cho đến nay, sau 3 năm hoạt động thì Quỳnh Nga đã gặt hái được khá nhiều thành công trên con đường chinh phục các giá trị văn hóa Việt của mình. Hiện, Quỳnh Nga vừa là người sáng lập Thủy Trung Nguyệt và đồng sáng lập Đại Nam Chân Ảnh - hai nhóm nghiên cứu cổ phục Việt thời Nguyễn.

Nguyễn Thị Quỳnh Nga – N gười sáng lập Thủy Trung Nguyệt

“Theo mình, mỗi một bộ cổ phục như một dấu ấn riêng của mỗi triều đại, càng tìm hiểu sâu về những bộ cổ phục và quá trình phát triển của nó, mình càng biết nhiều hơn về lịch sử dân tộc, biết thêm nhiều thứ mà mình chưa học được ở trường, biết yêu hơn những giá trị truyền thống và tự hào thêm về dân tộc”, bạn Đỗ Thị Hồng Nhung (khoa Văn hóa học, trường Đại học Văn hóa Hà Nội) tâm sự.

Những bạn trẻ rạng rỡ trong chiếc áo Giao lĩnh

Trên thực tế, đã có lúc chúng ta lo lắng khi giới trẻ yêu thích văn hoá trang phục của nước ngoài như Hàn Quốc, Trung Quốc mà lãng quên với những sản phẩm của Việt Nam ta. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, trào lưu yêu thích cổ phục Việt qua các thời kỳ đang được hình thành và tạo nên những hiệu ứng, dấu ấn riêng.

Người trẻ là những người có tư duy thoáng, dễ dàng tiếp thu di sản văn hóa. Một khi đã tiếp nhận, họ sẽ là những người gìn giữ, tuyên truyền và quảng bá văn hóa Việt một cách tốt nhất, nhanh nhất. Bên cạnh đó, khi chính những người trẻ mặc những trang phục truyền thống cổ với tâm thế tự tin, tự hào, đó cũng là cách giới trẻ bày tỏ tình yêu của mình với văn hóa truyền thống dân tộc. Chính người trẻ quảng bá trang phục cổ của người Việt đến với giới trẻ, mong muốn giới trẻ sẽ tiếp nhận, đưa vào trong cuộc sống vì các bạn trẻ là tương lai của đất nước, nếu nắm giữ, bảo tồn văn hóa trong chính cuộc sống, văn hóa truyền thống chắc chắn sẽ tồn tại lâu bền.

Không chỉ còn dừng lại là trào lưu

Cổ phục Việt không chỉ hồi sinh trong đời sống văn hóa nghệ thuật khi việc may hoặc thuê cổ phục để chụp ảnh cho lễ cưới, kỷ yếu tốt nghiệp, ảnh nghệ thuật hay “check-in” tại các di tích, danh lam thắng cảnh đã và đang là “trend” của giới trẻ. Không chỉ ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mà tại một số địa phương nổi tiếng về du lịch di sản như Ninh Bình, Huế, Hội An, các tiệm may đo và cho thuê cổ phục “mọc” lên khá nhiều.

Những áo Tấc, áo Ngũ thân, áo Giao Lĩnh, áo Nhật Bình... tưởng như đã mất dấu trong đời sống người Việt thì nay đã dần xuất hiện trở lại với màu sắc, hoa văn tươi tắn, sinh động, hiện đại mà vẫn rất truyền thống. Trên các trang mạng xã hội, mỗi tấm ảnh đẹp về cổ phục được đăng tải kéo theo câu hỏi về tên gọi, về thời đại của trang phục trong tấm ảnh. Đó chính là một trong những con đường kéo bạn trẻ đến với truyền thống, lịch sử nước nhà.

Ngày hội “Tóc xanh Vạt áo” diễn ra vào cuối tháng tư vừa qua tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã được khai mạc. Ngày hội thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan, trải nghiệm ở 18 gian hàng của 15 đơn vị làm văn hóa. Đây cũng là nơi để các bạn trẻ có thể đắm chìm trong bầu không khí văn hóa, khoác lên mình những trang phục truyền thống, mang đến những câu chuyện của cha ông cũng như kết giao những người bạn mới.

Nhận diện ý nghĩa văn hóa truyền thống đang trỗi dậy từ những cánh áo dài cổ,  tháng 12/ 2022, Đoàn Thanh niên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức thành công sự kiện Ngày hội cổ phục và văn hóa truyền thống “ Bách hoa khánh hội 2022 ”. Các hoạt động triển lãm diễn ra ngay tại khuôn viên trường, đã thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên nhà trường, cũng như nhiều trường bạn và những người yêu thích Việt phục truyền thống. Sự kiện được tổ chức với ý nghĩa tôn vinh vẻ đẹp của cổ phục Việt Nam, đồng thời khơi dậy ở thế hệ trẻ niềm tự hào và ý thức giữ gìn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Ngày hội Bách hoa khánh hội

Song song với sự phát triển của các bạn trẻ, cổ phục Việt những năm gần đây cũng nhận được sự quan tâm đông đảo của giới nghệ thuật. Các dự án phim cổ trang, từ điện ảnh như “Quỳnh hoa nhất dạ” tới truyền hình như “Phượng Khấu”, các MV ca nhạc như “Không thể cùng nhau suốt kiếp” (Hoà Minzy) hay Hết Thương Cạn Nhớ (Đức Phúc) và Anh Ơi Ở Lại (Chi Pu),… nối đuôi nhau lên sóng đã gây được tiếng vang lớn thu hút sự chú ý đông đảo của khán giả trong nước lẫn quốc tế.

Qua những buổi tuyên truyền, những show trình diễn thời trang, qua các sự kiện văn hóa do các cơ quan, đoàn thể, hội nhóm tổ chức, các bạn trẻ đã có những kiến thức nhất định về cổ phục Việt và thêm yêu chiếc áo Ngũ thân, áo Giao lĩnh, áo Nhật Bình…

Với một tinh thần yêu dân tộc, yêu trang phục truyền thống và mong muốn đóng góp vào việc nâng tầm bản sắc văn hóa Việt Nam hội nhập cùng thế giới, các bạn trẻ đã có những sáng tạo trong việc tuyên truyền, cổ vũ cho cổ phục nước nhà. Những bộ trang phục của quá khứ tạo nên sứ mệnh mới trong cuộc sống hiện đại cho chúng ta thấy, sau mỗi tấm áo là lịch sử, sau sự trở lại của cổ phục là tình yêu và sự trân trọng đối với tinh hoa văn hóa dân tộc. Có thể thấy rằng cách tốt nhất để bảo tồn các di sản văn hoá là “Cho chúng một đời sống trong xã hội hiện đại” chứ không phải chỉ trưng bày và bảo vệ trong lồng kính. Có như vậy các giá trị văn hóa nói chung và cổ phục Việt nói riêng chắc chắn sẽ tồn tại lâu bền.

Quan điểm của Nhà nước về Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030

Ngày 12/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1909/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 với bảy nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng: Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển văn hóa; Hoàn thiện thể chế, chính sách, khung khổ pháp lý; Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc; Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa. Cùng với Quyết định là 22 chương trình, quy hoạch, đề án quan trọng để triển khai Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030. Có thể xem các chủ trương lớn đó là động lực để thế hệ trẻ tiếp tục phát triển văn hóa nói chung, các giá trị về cổ phục Việt nói riêng.

Vũ Ngọc Tuấn

Trường Đại học Văn hóa Hà Nội